Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Người phụ nữ chiến đấu chống những công ti khổng lồ

Chất Da Cam: Trần Tố Nga, người phụ nữ chiến đấu chống những công ti khổng lồ
Martine Valo - Người phụ nữ lưỡng tịch Pháp Việt, với quá trình phi thường, khởi kiện trước toà án Pháp Dow Chemical và những công ti hoá chất trước đây đã cung cấp cho quân đội Mỹ những chất diệt cỏ cực kỳ độc hại ở Việt Nam.
nửa thế kỷ trôi qua....
Những hộp thuốc nằm ngổn ngang trên mặt bàn thấp đặt trước cái ghế canapé. Trên tường, chân dung rất đẹp của một phụ nữ – mẹ của bà – treo bên cạnh bằng Bắc đẩu Bội tinh do tổng thống Jacques Chirac ký năm 2004. Những bức tượng Phật và tượng Đức Mẹ cạnh nhau như phù hộ cho căn phòng khách của bà Trần, 78 tuổi. Chẳng có gì dáng dấp một Bộ chỉ huy, nhưng chính từ căn hộ ở tầng trệt một toà nhà yên tĩnh tỉnh Essonne (cách Paris 40 km về phía nam, chú thích của người dịch) mà người bà ngoại mảnh mai mang hai quốc tịch Pháp Việt ấy triển khai cuộc chiến đấu cuối cùng của một cuộc đời vô cùng phong phú.

Sinh năm 1942, Trần Tố Nga lớn lên tại « xứ Đông Dương » ngày càng đối kháng với chủ nghĩa thực dân Pháp. Mẹ cô hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giao cho cô làm giao liên, cất giấu tài liệu mật trong cặp học trò. Trong những thập niên tiếp theo, Trần Tố Nga toàn tâm toàn lực dấn thân vào cuộc chiến tranh.

« Cứng đầu »

Ngày 5 tháng giêng 1966, cùng với hơn hai trăm thanh niên khác, Tố Nga lên đường, bắt đầu cuộc đi bộ hơn 1000 km từ bắc vào nam, xuyên qua rừng qua núi, dọc theo còn đường Trường Sơn dằng dặc thường được gọi là « đường mòn Hồ Chí Minh ». Mục tiêu : cùng với những người Cộng sản miền Bắc, « giải phóng » miền Nam, nơi chính quyền được người Mỹ ủng hộ với 180 000 binh lính. « Tôi đi bộ suốt bốn tháng ròng, ba lô « con cóc » đeo lưng, bà tự hào kể lại. Hồi đó tôi gày gò nhưng khoẻ mạnh, không bao giờ ốm đau như những bạn khác. » Bà sống mấy năm liền trong bưng biền, một mình đẻ và nuôi con, rồi bị bắt, giam tù và tra tấn, một lần nữa lại có mang. Tiếp theo là những thử thách khác, song con người ấy không ngã gục. « Tôi cứng đầu lắm ».

Thời gian thấm thoắt, nửa thế kỷ trôi qua. Trong căn hộ của bà Nga, điện thoại reo liên tục. Gia đình ngày ngày gọi hỏi thăm sức khoẻ. Và những cuộc gọi, những biểu hiện ủng hộ chính nghĩa mà bà bảo vệ… Bởi vì, ngày nay, khi quá khứ phiêu lãng đã lùi xa, đi đi về về giữa hai nước Việt Nam và Pháp, Trần Tố Nga đương đầu với những đối thủ khác : năm 2014, Trần Tố Nga khởi tố Monsanto (ngày nay nằm trong tay công ti Bayer của Đức), Dow Chemical và một số công ti khổng lồ của công nghiệp hoá-nông Mỹ.

80 triệu lít thuốc diệt cỏ độc hại

Ngày 25-1 tới đây, sau sáu năm giao tranh giữa các luật sư, với những phiên toà thủ tục, hoãn đi hoãn lại, Toà án Evry-Courcouronnes (tỉnh Essonne) sẽ đi vào thực chất khối di căn to lớn mà các đại công ti ấy đã để lại từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ phải đối chất với khiếu tố là đã cung cấp cho quân đội Mỹ một khối lượng hoá chất đủ để ô nhiễm lâu dài những vùng đất đai rộng lớn ở Việt Nam và nước Lào láng giềng.

Trong mười năm trời, từ 1961 đến 1971, hơn 80 triệu lít thuốc khai quang độc hại đã được rải từ phi cơ và trực thăng lên hơn hai triệu hecta ở Đông Dương với mục đích huỷ hoại thảm thực vật tươi tốt và triệt tiêu những chỗ trú ẩn của quân địch, tức là các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

Một trong những loại chất diệt cỏ đã trở thành « nổi tiếng » trên thế giới ; đó là « chất Da Cam », tên gọi xuất phát từ những băng màu da cam sơn lên những thùng phuy tồn kho. Trong mười năm, quân đội Mỹ đã rải 46 triệu lít, trong đó hàm chứa hàng trăm ki lô dioxine ô nhiễm nước và thực vật ; chất độc này ngấm xuống lòng đất, thâm nhập vào dây chuyền thực phẩm – rau, quả, sữa, thịt… – gây ra bệnh tật và tử vong cho nhiều thế hệ. Hàng ngàn làng xóm đã bị tưới « mưa khai quang », từ hai đến năm triệu người đã bị phơi nhiễm.

Tác nhân rối loạn nội tiết mạnh mẽ

Chiến tranh kết thúc, rất nhiều cựu chiến binh – người Việt và cả người Mỹ – đã vô tình mang mối hoạ về với gia đình, cũng như những người lao động canh tác trên những vùng đất ô nhiễm tại những địa điểm đặt kho chứa chất da cam. Bệnh ung thư đã trở thành phổ biến nơi những người đã trực tiếp xúc tiếp với hoá chất này, rồi sau đó tới lượt con cháu của họ.

Thuốc diệt cỏ là một tác nhân mạnh mẽ gây rối loạn nội tiết, nó tập trung tích luỹ trong mỡ. Phụ nữ truyền cho con qua đường sữa. Tác hại này đặc biệt nghiêm trọng đối với thai nhi thời kỳ phát triển trong bụng mẹ. Ngày nay, đến thế hệ thứ tư, những đứa trẻ vẫn ra đời, mang trong người những trọng bệnh thân thể và tâm thần : não úng thuỷ, không có tay, không lớn lên được, không đứng, không đi được, điếc, mù, tứ chi co giật loạn xạ, khối u bên ngoài… Tỷ lệ xảy thai đã bùng nổ tại một số vùng sau thập niên 1970. Chất da cam đã tạo ra mấy triệu nạn nhân, và không ai biết người Việt Nam sẽ còn phải chịu hậu quả chiến tranh hoá học cho đến bao giờ.

« Cô hãy hỏi nữ bác sĩ Ngọc Phượng, chị ấy đã nghiên cứu vấn đề này rất sâu, còn giữ những bào thai trong các lọ formol », Trần Tố Nga chuyển cho tôi cái điện thoại và bảo tôi nói chuyện. Ở đầu dây đằng kia là Việt Nam. Bác sĩ Ngọc Phượng, chuyên gia về phụ khoa và sản khoa, nay đã về hưu, xác nhận. Ngay từ khi bắt đâù hành nghề, cuối thập niên 1960, bà đã gặp nhiều ca truỵ thai tự nhiên và những ca trẻ sơ sinh dị tật. « Hồi đó tôi còn trẻ quá, mãi sau 1975 tôi mới hiểu ra nguyên uỷ sự việc ».

Từ đó, thông tin khoa học đã được phổ biến. Bác sĩ Ngọc Phượng, trở thành giám đốc bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã công bố nhiều nghiên cứu về đề tài này và đã sang Mỹ trình bày. « Trước đó, người ta không dám nói tới Chất Da Cam với các gia đình vì không muốn họ hoảng sợ. Từ khoảng 1988-1990, người ta mới khuyên các gia đình đi khám thai sớm để phát hiện những ca trầm trọng ».

Ở nông thôn, phải nhiều năm người ta mới vỡ lẽ. « Trong một thời gian dài, các gia đình có con dị tật nặng đều giấu giếm, coi như là điềm xấu. Phải đến những năm 1990, mối liên hệ với Chất Da Cam mới thực sự được nhận thức », Alain Bonnet và Jocelyne Commaret cho biết. Họ là thành viên của Hiệp hội cộng hoà cựu chiến binh (ARAC), lập ra Làng hữu nghị Văn Cảnh, gần Hà Nội, một trung tâm đón nhận những cựu chiến binh bệnh tật và trẻ em khuyết tật, tổ chức huấn nghiệp cho các em.

Năm 1975, khi « những cơn gió bất định của giải phóng » đã cuốn đi sự hồ hởi của mình, bà Trần được chuyển công tác sang ngành giáo dục đào tạo. Năm tháng qua, người phụ nữ « kháng chiến cũ » – nói mình không phải là cộng sản – cảm thấy mình nằm « trong ống nhắm » của nhà cầm quyền. Năm 1992, bà xin về hưu sớm, thành lập một công ti du lịch nhằm khách hàng là cựu chiến binh Pháp muốn trở lại thăm « Đông Dương ». Đồng thời bà tham gia hoạt động của các trung tâm trẻ em mồ côi, và ý thức ra tác hại của chất da cam đối với trẻ em, đồng thời nhận thức được rằng chính mình là nạn nhân từ mùa thu năm 1966.

Hôm đó, một phi cơ Mỹ bay qua vùng Củ Chi, căn cứ địa của quân giải phóng, trải ra một dải mây trắng, trút xuống một trận mưa nhơm nhớp, giống như máy bay Canadair tung nước chữa cháy. Tố Nga còn nhớ cái mùi hăng hắc, vết bột ướt át trên người, khiến bà ho sặc. « Khó chịu lắm, ghê ghê người. Hồi đó, tôi biên tập những bản tin thời sự giúp mẹ tôi – bà giữ trọng trách chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Máy bay đi rồi, tôi chạy đi tắm rồi quên bẵng đi, trong chiến tranh, ngày nào cũng xảy ra nhiều chuyện lắm ».

Lúc ấy, chẳng ai lo lắng gì về chuyện chất khai quang. « Chúng tôi tin rằng chiến tranh qua rồi, thiên nhiên sẽ hồi sinh », bà ghi lại trong hồi ký Ma terre empoisonnée (Stock, 2016 / bản tiếng Việt : Đường Trần, Nhà xuất bản Trẻ 2017), viết chung với Philippe Broussard, ký giả báo Le Monde. Sự việc không diễn ra như vậy. « Một loài cỏ mọc lên, cao đến đây này, bà giơ bàn tay lên cao trên đầu. Người ta gọi đó là ‘cỏ Mỹ‘ ». Cây cối trụi lá, chết khô. Sau này, Trần Tố Nga ân hận là mình và các bạn hồi đó đã vô tâm lội qua những sình lầy đầy rẫy những cây cỏ nhiễm độc. Bà tin đó là nguyên nhân cái chết ba năm sau đó của Việt Hải, con gái đầu lòng, lìa đời lúc chưa đầy ba tháng. « Cháu rất xinh, đẻ ra mấy ngày sau thì da dẻ bong ra từng mảng. Tôi muốn ôm cháu, nựng nịu nó mà không dám vì cháu thở không được. Mấy bà trong trại thì thầm chắc kiếp trước tôi gây ra nhiều oan nghiệt nên bây giờ phải chịu nhân quả… ». Trên khuôn mặt bà mẹ, thoáng hiện nỗi thương đau không bao giờ nguôi.

Sau này, bà Tố Nga sinh thêm hai con gái, rồi có cháu ngoại. « Con gái thứ nhì của tôi bị suyễn, trong nhà phải dùng máy dưỡng khí ; đứa thứ ba, đẻ trong tù năm 1974, mắc bệnh phì cũng là hậu quả của dioxine, mấy đứa cháu ngoại có một đứa mắc bệnh tim bẩm sinh ». Hồ sơ bệnh lý của bà Tố Nga khá phức tạp : ung thư vú, tiểu đường loại 2, huyết áp cao, lao phổi, thêm vào đó là alpha-thalassémie, một bệnh có tính di truyền, gây mệt mỏi thường xuyên. « Coi như đó là những chứng cớ để cho vào hồ sơ vụ kiện ! Và hàm lượng dioxin trong máu tôi rất cao », bà Nga nói thêm.

Một trận chiến không cân xứng

Bà Nga biết mình phải đứng vững trước toà. Tuyên án rồi, chắc bên bị sẽ kháng án, rồi sẽ có những cuộc xét nghiệm của chuyên gia để xác định có hay không liên hệ giữa bệnh trạng của bà và cuộc rải chất khai quang ở quê hương. Nhưng đối với toàn thể các nạn nhân, quyết định sắp tới của toà án Pháp sẽ là hy vọng cuối cùng để tai hoạ của họ được thừa nhận. Không còn vụ khiếu kiện nào khác nhằm vào những công ti hoá chất, dù cho họ dư biết tác hại của những sản phẩm hoá học mà họ đã bán cho quân đội Mỹ. Năm 1984, Hoa Kỳ đã phân phát 180 triệu đô la cho những cựu quân nhân Mỹ mang những bệnh tật sau khi đã sử dụng những thùng hoá chất một cách bất cẩn trong thời kỳ chiến tranh. Còn đối phương của họ thì không hề được bồi thường. Hội những người Việt Nam nạn nhân của Chất Da Cam (VAVA) đã khiếu kiện ở Mỹ và đã bị toà án bác bỏ ba lần trước khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ quyết định theo cùng chiều hướng.

Ở Evry triển vọng của cuộc chiến xem ra bấp bênh và không cân sức. Ngày 25 tháng 1 tới đây, hai chục luật sư tổng cộng sẽ có bốn giờ đồng hồ để biện hộ cho 14 công ti hoá chất mà họ thay mặt. Còn luật sư của bà Trần Tố Nga sẽ có một giờ rưỡi. « Phải nói là họ làm việc tận lực : Amélie Lefebvre, Bertrand Repolt và William Bourdon. Họ nhận hồ sơ của tôi từ mấy năm nay, và làm việc không nhận thù lao ! », người phụ nữ hiếm có ấy nhấn mạnh. « Khi tôi lao mình vào vụ kiện này, chúng tôi cũng giống như ba người ngự lâm pháo thủ, nhưng bây giờ chúng tôi có hàng ngàn chiến hữu ».

Từ Việt Nam – nơi bà được cấp cao nhất của Nhà nước tiếp kiến – tới Pháp, cuộc đấu tranh của bà đã gợi hứng cho những nam nữ thanh niên trong tập thể Collectif Vietnam Dioxine (*) tổ chức một hội luận trên mạng internet 36 giờ liên tiếp (tháng 8-2020) với những chứng từ và biểu diễn nghệ thuật, và được ủng hộ rộng rãi. « Tôi thường tự hỏi mình chờ đợi gì ở vụ kiện…, bà Nga trầm giọng kết luận. Nếu mục đích là đòi được một số tiền lớn, thì có lẽ vụ kiện này là một thất bại. Nhưng nếu mục đích là làm cho công luận thế giới biết tới thảm kịch Chất Da Cam… thì vụ kiện có tính giáo dục, có một không hai, với ý nghĩa chính trị và lịch sử này tự nó là một bước tiến để cuộc đấu tranh đi tới ».

Martine Valo
NGUỒN : Kiến Văn dịch từ bản tiếng Pháp Tran To Nga – une femme en guerre contre les géants de l'agrochimie (Le Monde, 19.1.2021)

https://www.diendan.org/viet-nam/chat-da-cam-tran-to-nga-nguoi-phu-nu-chien-dau

(*) Chú thích của Diễn Đàn : Collectif Vietnam Dioxine kêu gọi tập hợp tại quảng trường Trocadéro (Paris 16) ngày thứ bảy 30.1.2021 (14g30 – 17g30) để ủng hộ nạn nhân chất độc Da Cam – Dioxine

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét