Nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII và Điều lệ Đảng
18/1/2021 - Không quá bất ngờ nếu người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ Đại hội XII là trường hợp “đặc biệt” được Bộ Chính trị, Trung ương giới thiệu tái cử ở Đại hội XIII. Bởi trong nhiều hội nghị gặp gỡ Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, cử tri đã bày tỏ mong muốn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ trọng trách thêm nhiệm kỳ nữa vì uy tín rất cao cả trong Đảng, trong nhân dân ở nhiệm kỳ thứ hai…(PL)- Thay vì phải hôm nay (18-1) mới kết thúc như thông báo ban đầu, Hội nghị Trung ương 15 đã bế mạc sáng qua, sau hơn một ngày làm việc, hoàn tất việc đề cử nhân sự bốn chức danh chủ chốt: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Đây là hội nghị lần cuối cùng của Ban chấp hành Trung ương khóa XII - cơ quan lãnh đạo mà theo Điều lệ là có trách nhiệm, thẩm quyền trong chuẩn bị phương án nhân sự Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến khai mạc ngày 25-1 tới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu bế
mạc Hội nghị Trung ương 15. Ảnh: TTXVN
Hiểu thế nào là trường hợp “đặc biệt”?
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 15 đã “thông qua nhân sự là ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao”.
Không quá bất ngờ nếu người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ Đại hội XII là trường hợp “đặc biệt” được Bộ Chính trị, Trung ương giới thiệu tái cử ở Đại hội XIII. Bởi trong nhiều hội nghị gặp gỡ Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, cử tri đã bày tỏ mong muốn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ trọng trách thêm nhiệm kỳ nữa vì uy tín rất cao cả trong Đảng, trong nhân dân ở nhiệm kỳ thứ hai…
Về trường hợp “đặc biệt”, PGS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: “Đặc biệt” được nêu rõ trong Kết luận 75 của Trung ương về phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành tháng 5-2020, sau Hội nghị Trung ương 12.
Theo đó, có hai căn cứ để xác định trường hợp “đặc biệt”: Người có phẩm chất, năng lực uy tín nổi trội; căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của lĩnh vực, vị trí cụ thể.
“Để đi đến quyết định này, Bộ Chính trị đã phải chuẩn bị rất kỹ với nhiều vòng, nhiều lượt thăm dò, lấy ý kiến Trung ương, rồi thảo luận, thống nhất cao mới trình ra Hội nghị Trung ương 15 quyết định” - ông Thông nói.
Còn theo TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản - cơ quan lý luận của Trung ương Đảng, thì việc giới thiệu nhân sự Tổng bí thư khóa tới, Hội nghị Trung ương 15 phải cân nhắc rất kỹ lưỡng tình hình toàn Đảng, nhất là những gì đã trải qua, bộc lộ ở nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ giai đoạn tới.
TS Nhị Lê nói: Thứ nhất, về tính chất, nhiệm kỳ khóa XII là sự tiếp tục chuẩn bị những điều kiện căn bản của quốc gia để đi đến mục tiêu năm 2030, năm 2045. Việt Nam đã vào nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, 11 trong 16 nền kinh tế tăng trưởng dương trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Cho nên nhân sự trụ cột quốc gia phải bảo đảm sự liên tục về lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.
Thứ hai, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đặc biệt là nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng cũng cần bảo đảm sự liên tục, không đứt đoạn, không chùng xuống… Chỉ trong một nhiệm kỳ mà riêng Bộ Chính trị đã một người bị xử lý hình sự, hai người bị kỷ luật; cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải xử lý tới 110 người.
Thứ ba, nhân dân vui mừng với kết quả ấy nhưng chưa hài lòng, tin tưởng nhưng chưa tuyệt đối. Uy tín của Đảng với nhân dân, với quốc tế lên cao nhưng cần tiếp tục củng cố để bền vững hơn. Điều đó cho thấy nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng còn rất nặng nề.
“Thực tiễn ấy đòi hỏi việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là cán bộ tầm chiến lược, rường cột như tứ trụ phải rất thận trọng” - TS Nhị Lê nói.
“Đường lối đúng đã có thì nhân tố quyết định là công tác cán bộ. Nhưng bản thân sự chuẩn bị của Ban chấp hành Trung ương mà rường cột là Bộ Chính trị gặp không ít khó khăn, thiếu nguồn lực lượng.
Trong một nhiệm kỳ, ngoài số ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý, kỷ luật như thế còn có một đồng chí mất khi đang giữ trọng trách, một ốm bệnh đến mức không thể tiếp tục làm nhiệm vụ. Vậy thì cần có quyết định phù hợp để tiếp tục chuẩn bị nhân sự chủ chốt không chỉ trong nhiệm kỳ Đại hội XIII mà cả các nhiệm kỳ tiếp theo” - TS Nhị Lê nêu.
Không nên sửa Điều lệ Đảng
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Điều lệ Đảng sau lần sửa đổi ở Đại hội IX, năm 2001 đã bổ sung quy định: “Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” và nội dung này được giữ nguyên sau lần sửa đổi lớn ở Đại hội XI, năm 2011.
PGS Nguyễn Viết Thông cho rằng đây là tình huống “đặc biệt”, không nên đặt ra vấn đề sửa Điều lệ. Ông nói: Đại hội Đảng toàn quốc mới có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Nhưng qua ba Hội nghị Trung ương 11, 13, 14 cũng như góp ý của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của nhân dân thì hầu hết nhất trí với đề nghị của Ban chấp hành Trung ương là không đặt vấn đề sửa đổi Điều lệ ở Đại hội XIII.
“Điều lệ quy định Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo tôi, quy định này không chỉ điều chỉnh với chức danh Tổng bí thư mà còn có giá trị định hướng, dẫn tới các quy định ràng buộc với chức danh người đứng đầu trong cả hệ thống chính trị. Không chỉ là bí thư ở cấp ủy các cấp mà còn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước nữa.
Điều lệ là quy định mang tính lâu dài, nguyên tắc. Nhưng không vì vậy mà thành rào cản cho tình huống đặc biệt phát sinh, nhất là khi giải pháp đưa ra đạt được đồng thuận, nhất trí cao ở Bộ Chính trị, Trung ương khi giới thiệu, đề cử và ở Đại hội toàn quốc khi thông qua danh sách giới thiệu, và kết quả bầu cử.
Trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba nếu có thì là rất đặc biệt. Vì rất đặc biệt nên không thể lấy đó làm lý do để sửa, bỏ quy định không quá hai nhiệm kỳ của Điều lệ” - ông Thông nói.
Tổng bí thư
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...
Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban chấp hành Trung ương quyết định.
(Theo Quy định 214-QĐ/TW ngày 2-2-2021)
https://plo.vn/thoi-su/nhan-su-lanh-dao-chu-chot-khoa-xiii-va-dieu-le-dang-962107.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét