Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Kinh tế VN sẽ tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm tới

Đọc bài này để tạo niềm tin, phấn khởi và tự hào trước khi ĐH Đảng khai mạc. VN vô địch muôn năm. Tôi tán thành các phân tích và dự báo của TS Đặng Đức Anh, phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia. Tuy nhiên, khi nói về các động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, TS Anh chỉ nêu các nhân tố kỹ thuật và nhân tố tình huống mà bỏ qua động lực chính tạo nên sức bật, đó là đường lối phát triển và các cơ chế, chính sách kèm theo sẽ được ĐH13 thông qua. Nếu đường lối phát triển và các cơ chế, chính sách đúng thì tạo ra động lực tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Ngược lại, nếu đường lối phát triển và các cơ chế, chính sách đi ngược với thời đại, thì nền kinh tế sẽ tiếp tục ảm đạm, các con số tăng trưởng công bố cuối năm 2021 sẽ chỉ là những con số ảo để đánh lừa nhau mà thôi. Tôi đã làm việc nhiều năm rồi về hưu ở Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhưng thấy rất buồn cười khi ông Vụ trưởng Đỗ Thành Trung tuyên bố "Bản kế hoạch 5 năm chưa bao giờ làm tốt hơn nhiệm kỳ này". Tuyên bố như vậy là không khiêm tốn, nhất là khi ai cũng biết ở nước ta các thế hệ lãnh đạo sau đều dốt nát hơn các thế hệ lãnh đạo trước. Đây không phải do lỗi ở họ, mà là kết quả của chính sách ngu dân được thực hiện trong nhiều thập kỷ, là kết quả của việc biến đội ngũ cán bộ chăm chỉ làm việc thành đội ngũ cán bộ chỉ quan tâm duy nhất tới việc kiếm tiền, làm giầu và hưởng lạc mặc kệ nhân tình thế thái, sự tồn vong của đất nước, đời sống của người dân... ra sao.
Kinh tế sẽ tăng trưởng ấn tượng 5 năm tới
21/01/2021 TTO - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và đầu tư) đưa ra dự báo như vậy tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025, phục hồi và tăng tốc” ngày 20-1. 
Theo dự báo, năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,17 - 6,72% và trong 5 năm tới tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 6,3 - 6,8%/năm. Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh có nhiều bất định bởi dịch bệnh.
Bất chấp dịch COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng, vươn thị trường xuất khẩu đi các nước. Trong ảnh: tôn Hòa Phát xuất khẩu ngày càng tăng - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI

Chỉ khi khu vực tư nhân năng động, phát triển mới có thể hỗ trợ nền kinh tế vượt qua, đối phó với các bài toán hiện nay như biến đổi khí hậu, tăng năng suất lao động, chuyển đổi số. TS Nguyễn Minh Cường

2 kịch bản cho năm 2021

Báo cáo triển vọng kinh tế VN 2021 và những điều chỉnh trung hạn 2021 - 2025 được NCIF công bố tại hội thảo dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Với kịch bản cơ sở - trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi, đại dịch COVID-19 dần được khống chế - tốc độ tăng GDP của VN trong năm nay đạt 6,17%/năm, CPI trung bình tăng 3,8%. TS Đặng Đức Anh - phó giám đốc NCIF - cho biết kịch bản này diễn ra khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đạt mức tăng trưởng dương trở lại trong năm 2021, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5 - 6%/năm, giá dầu thô ở mức thấp 45 USD/thùng; trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư nhà nước đạt mức tăng trưởng 7%/năm, đóng góp khu vực FDI tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp bảo đảm ổn định vĩ mô.

Với kịch bản khả quan, tăng trưởng kinh tế VN trong năm 2021 có thể đạt 6,72%/năm, CPI tăng khoảng 4,2%.

"Kịch bản này diễn ra khi kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước trở lại bình thường ngay trong năm 2021. Bên cạnh đó, VN tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đầu tư khu vực nhà nước tăng khoảng 8%" - TS Đặng Đức Anh nhận định.

Phân tích về các kịch bản tăng trưởng trong năm nay, TS Trần Toàn Thắng - giám đốc NCIF - cho hay con số tăng trưởng cao một phần do yếu tố kỹ thuật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 được tính toán dựa trên nền tăng trưởng khá thấp (2,91%) năm 2020, điều này tạo yếu tố kỹ thuật giúp con số tăng trưởng năm nay cao hơn.

Theo nhóm nghiên cứu NCIF, các động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 gồm: ngăn chặn thành công dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế; sự phục hồi các thị trường đối tác lớn Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu; động lực từ sự mở cửa nền kinh tế với hàng loạt FTA đã được ký kết, đặc biệt EVFTA là nhân tố tích cực hỗ trợ kinh tế VN phục hồi; dòng vốn FDI đầu tư vào VN tăng mạnh trong bối cảnh chuyển dịch các chuỗi cung ứng sản xuất sang các quốc gia có chi phí thấp hơn như VN; đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy khi có nhiều dự án hạ tầng lớn được xây dựng trong năm; khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ sẽ tăng trưởng cao hơn.

Tuy vậy, trong trung hạn 2021 - 2025, TS Đặng Đức Anh cũng cảnh báo nhiều thách thức nền kinh tế phải đối mặt. Đó là bối cảnh kinh tế thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn bởi dịch COVID-19. Khả năng tăng trưởng cao trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn khi bảo hộ thương mại có xu hướng tăng mạnh trong và sau COVID-19, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng cấp bách hơn; các thách thức chuyển đổi sang mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ lớn hơn.

5 năm tới sẽ tươi sáng hơn

Theo dự báo của NCIF, trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của VN đạt 6,3%/năm theo kịch bản cơ sở. Với kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của VN sẽ đạt 6,8%/năm.

Về điểm nhấn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, ông Đỗ Thành Trung - vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho rằng dưới góc độ cơ quan được giao chuẩn bị kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, bộ này đã chuẩn bị công phu và chu đáo.

"Bản kế hoạch 5 năm chưa bao giờ làm tốt hơn nhiệm kỳ này. Cái khó của lần này là dung hòa được mong muốn, phù hợp với khả năng nguồn lực và xác định mục tiêu để khơi dậy khát vọng nhưng đảm bảo tính khả thi. Bởi những mục tiêu đề ra trong 5 năm tới rất cao, xây dựng đất nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình", ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, dịch COVID-19 được tính đến trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nhưng không được nhìn dưới tác động xấu mà nhìn vào những cơ hội mới. Dịch bệnh làm tăng trưởng chậm, tạo ra thay đổi lớn về phương thức sản xuất, về tăng năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu nắm bắt được, biến rủi ro, hóa giải rủi ro như đã làm như năm 2020.

Ông Trung khẳng định sự đồng lòng, đoàn kết của người dân và văn hóa VN là yếu tố nền tảng để giúp kinh tế VN vượt qua khó khăn. Điều này được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới với 3 mũi đột phá là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa VN.


Đồ họa: TUẤN ANH

Nhiều thách thức phải vượt qua

TS Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử, tính bất định hiện nay là khủng hoảng kinh tế nhưng lại quyết định bởi y tế. Các chính sách tài khóa, tiền tệ đưa ra nếu diễn biến y tế khác đi là phải thay đổi.

"Nói kinh tế toàn cầu đang ở trong trạng thái bất bình thường mới chứ chưa bao giờ bình thường. Suốt thập niên qua nền kinh tế liên tục bất bình thường; thoát khủng hoảng tài chính năm 2008, chính sách tiền tệ chưa kịp phục hồi thì lại đến khủng hoảng COVID-19. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa diễn ra nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là bất bình thường về thương mại" - TS Nguyễn Minh Cường nhận định. Theo TS Nguyễn Minh Cường, "chúng ta sẽ phải sống trong bất bình thường mới này trong cả giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, các chính sách không thể theo tiền lệ".

Ông Cường khuyến nghị trong năm 2021 phải tiếp tục ngăn chặn COVID-19, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã ký kết. Nhưng điều cốt lõi của giai đoạn này vẫn là thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế sang nền kinh tế thị trường đầy đủ. Cần tiếp tục chuyển đổi mạnh các thị trường đất đai, vốn, lao động, khoa học công nghệ theo nguyên tắc thị trường, gắn với phát triển khu vực tư nhân.

Vấn đề cần đặt trọng tâm giải quyết trong năm 2021 và 5 năm tới, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - giảng viên Học viện Tài chính, là cải cách thuế. Theo ông, chính sách hỗ trợ thuế cần hướng tới đối tượng cụ thể. Năm 2020, dù Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế nhưng chỉ tập trung giãn, hoãn thuế chứ chưa thực hiện miễn giảm thuế, số thu ngân sách năm vẫn đạt 98,3% dự toán là rất cao.

Có một nghịch lý về thu ngân sách năm 2020 là những tỉnh đóng ngân sách lớn đều không đạt dự toán đề ra vì thu ngân sách phụ thuộc vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong khi đó, các tỉnh nghèo thu ngân sách vượt dự toán do phụ thuộc vào nguồn thu từ đất. PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho hay thu từ đất đai vừa dễ vừa tiện vì tỉ suất lợi nhuận đất đai, bất động sản lớn, nhưng vẫn cần có chính sách thuế phù hợp.

Đến nay, chúng ta hai lần đề xuất thu thuế tài sản nhưng chưa được thông qua. Vì thế, trong trung hạn cần lấy cải cách chính sách thuế là trọng tâm, vì trong ngắn hạn thu ngân sách không hụt giảm nhiều nhưng về dài hạn cần phải tính toán.

Tiếp đó, cần tạo lập cơ chế liên vùng về tài chính để xử lý các vấn đề trên quy mô vùng. Ví dụ TP.HCM có quy hoạch chuyển bãi rác sang Long An nhưng không có cơ chế chia sẻ phối hợp tài chính, trong khi Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng không thể can thiệp vì thiếu cơ chế phối hợp vùng.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, VN phân cấp mạnh ở chi nhưng không mạnh ở thu, vì thế vẫn có 63 nền kinh tế riêng lẻ nên không thể giải quyết các vấn đề liên vùng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần tập trung cao vào vấn đề phát triển vùng, như Đồng bằng sông Cửu Long đến nay các tỉnh vẫn chưa coi trọng đúng mức vấn đề liên kết vùng để cùng phát triển. Đây là điểm nghẽn cho phát triển nông nghiệp toàn vùng những năm qua.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thành Trung cho biết Bộ Kế hoạch và đầu tư đang triển khai quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng 6 quy hoạch vùng còn lại. Quy hoạch không chỉ tập trung vào đầu tư phát triển mà tập trung giải quyết các vấn đề của cả vùng. Chúng ta đầu tư gần 20 tỉ đôla vào các cảng nhưng tàu vẫn về cảng Cát Lái (TP.HCM), vì vậy cần liên kết vùng để chia sẻ và giải quyết các vấn đề toàn vùng.

Quy mô GDP của VN năm 2020 ước đạt 3.832.000 tỉ đồng, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2019. Giả định quy mô GDP VN năm nay tăng thêm khoảng 260.000 tỉ đồng, bằng với mức tăng của năm 2018, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,4%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương:

Tận dụng những cơ hội mới để phục hồi kinh tế và bứt phá



Đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009. Hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi, trong khi chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc.

Nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi COVID-19, mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 không hoàn thành. Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130.000 DN của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9-2020) đều ghi nhận có trên 83% số DN khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021 - 2025.

Dịch COVID-19 cũng hình thành, đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra trong 5 năm tới.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường:

Nên thay đổi chính sách khấu trừ thuế




Dù thu ngân sách năm 2021 có nhiều thách thức nhưng vẫn còn dư địa hỗ trợ DN. Ví dụ có thể miễn giảm thuế, điều này hiện vướng khuôn khổ pháp lý vì quy định pháp luật về thuế không cho chuyển lỗ DN về trước mà chỉ cho chuyển lỗ về sau.

Trong khi nhiều nước cho DN chuyển lỗ năm 2020 về năm 2018, 2019 để hòa thuế, nhưng VN chỉ cho chuyển lỗ sang các năm sau 2022, 2023. Và nhiều DN khó khăn không thể sống đến năm 2022, 2023 chờ nhận hỗ trợ thuế.

Ông Phan Đức Hiếu (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM):

Cần gói kích thích kinh tế thứ 2 để thúc đẩy tăng trưởng



Cần có gói kích thích kinh tế lần 2 để thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới, nhưng để tránh những chính sách tác dụng ngược thì gói hỗ trợ phải chính xác về đối tượng, dựa theo kết quả đầu ra, tránh cào bằng.

Chính sách hỗ trợ thuế cần gắn với chi phí DN bỏ ra, DN nào làm thì mới được hưởng hỗ trợ. Gói kích thích này không khuyến khích những DN yếu kém tiếp tục tồn tại, khuyến khích cơ chế sàng lọc tự nhiên của thị trường, các DN khỏe hoạt động, còn DN yếu rút lui.

Ông Hoàng Công Tuấn (chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán MBS):

Bong bóng tài sản đang hình thành

Các ngân hàng trung ương đưa ra chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, bong bóng tài sản đang được hình thành. Mức định giá trên thị trường thế giới đang rất cao. Thị trường chứng khoán, bất động sản toàn cầu và VN tăng giá mạnh nhưng không đi kèm với lợi nhuận DN tăng mạnh, vì vậy có nhiều rủi ro.
Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới

TTO - Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.

BẢO NGỌC - NHẬT ĐĂNG
https://tuoitre.vn/kinh-te-se-tang-truong-an-tuong-5-nam-toi-20210121084529953.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét