Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Đôi điều với ông Nguyễn Viết Thông…

Ông Thông cho rằng ĐH12 để lọt nhân sự không đủ tiêu chuẩn, số bị lộ còn ít lắm, như vậy đang còn nhiều nhân sự không đủ tiêu chuẩn ngồi lại để bầu chọn nhân sự cho ĐH13 và bản thân sẽ tái cử. Vậy nên không có gì khẳng định là ĐH13 không để lọt nhân sự không đủ tiêu chuẩnĐại hội 12 không “để lọt “ thì liệu những kẻ dốt nát, cơ hội như Nguyễn Viết Thông có chạy được chân thư ký Hội đồng lú lẫn không? Từ xưa đến nay, trước các Đại hội, người ta luôn khẳng định công tác nhân sự là then chốt, nhưng sau đó vẫn để lọt cả đống rồi toàn xử lý nội bộ cho êm. Cách nói của ông Thông là cách nói của tuyên giáo và lý luận: Khẳng định điều chưa xẩy ra. Điều người dân ngán ngẩm không nằm ở dụng ý nịnh bợ của người nói, mà ở trình độ của họ. Lý luận thường đi trước và trong một chừng mực, nó vạch ra phương hướng để hành động, xu thế của thời cuộc. Đáng tiếc, những người làm công tác lý luận, nhất là thuộc hội đồng lý luận trung ương, đã quá bảo thủ lạc hậu, không theo kịp xu thế và thời cuộc. Mấy câu nói của ông Thông trong bài này không chỉ như gáo nước lạnh hất vào mặt các Ủy viên TW khóa 12 mà còn như tát vào mặt mấy ông UVBCT khoá 12, trong đó có cả ông Trọng, vì các ông này quyết định nhân sự, thậm chí khóa vừa rồi ông Trọng còn là Trưởng tiêu ban nhân sự đại hội. Nói thật, tôi sợ nhất ĐH13 để lọt nhân sự không đủ tiêu chuẩn vào cả tốp tứ trụ.
Đôi điều với ông Nguyễn Viết Thông…
FB Nguyễn Ngọc Chu 20-1-2021 - 
Ông Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trước thềm Đại hội XIII của Đảng – như báo Dân Trí ngày 19/1/2021 cho biết, đã nhấn mạnh rằng: “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”. Nhận định này của ông Nguyễn Viết Thông làm cho nhiều người đọc trăn trở. Nên thấy cần thiết phải trao đổi lại. Như 5 điều dưới đây.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông là Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Báo Dân Trí

1. Thứ nhất là, ông Nguyễn Viết Thông có thể khen và đánh giá tốt về công tác nhân sự của Đại Hội XIII, nhưng không nên so sánh với Đại Hội XII rồi khẳng định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”. Một cách vô tình, đây là cách đánh giá thấp công tác nhân sự của Đại Hội XII.

2. Hai là, trước Đại Hội XII, trong Đại Hội XII không ai nói Đại Hội XII để lọt người không đủ tiêu chuẩn. Đến bây giờ, khi Đại Hội XIII chưa khai mạc, chưa kết thúc, mà đã vội khẳng định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”. Đây là nhận xét vội vã trước diễn biến của sự việc.

2. Ba là, chưa nói đến các UVTƯ sắp được bầu lần đầu, mà trong thành phần UVTƯ của Đại Hội XIII, theo cơ cấu thì có hơn 120 các UVTƯ của Đại Hội XII. Vậy trong số đó có sót lại những người không đủ tiêu chuẩn hay không?

4. Bốn là, từ nhận định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII” sẽ liên tưởng dẫn đến một nhận định tương tự – liệu đến Đại Hội XIV có lặp lại nhận định rằng “Đại hội XIV sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XIII” hay không?

5. Năm là, theo ông Nguyễn Viết Thông thì “Trung ương từng có đánh giá rằng, Đại hội XII có tình trạng các đoàn vận động nên lá phiếu của các đại biểu đi dự chọn lựa chưa chính xác”.

Không biết có đúng là nhận định của “Trung ương” hay không, nhưng đây quả thật là một đánh giá khác với thực tiễn của nhân loại.

“Vận động”, hay “vận động hành lang” là một tác nghiệp kinh điển. Lấy thí dụ, Việt Nam muốn là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì Việt Nam phải vận động để có phiếu ủng hộ của các nước. Ngày 7/6/2019 Việt Nam đã trúng cử chức uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với 192/193 phiếu bầu. Nếu trước đó Việt Nam không vận động thì có thể không trúng cử.

Đã có bầu cử là có vận động. Đó là quy luật. Chỉ có hình thức thể hiện khác nhau. Vận động công khai hay vận động ngầm. Vận động bằng tài năng hay vận động bằng tiền bạc, trao đổi, mua chuộc, sức ép… Phương thức vận động phụ ruộc rất nhiều vào phương thức bầu cử.

Không có cách nào chống được vận động trong bầu cử. Mà ngược lại, phải luật hoá việc vận động công khai. Và đưa ra các quy định loại trừ các phương thức vận động “bẩn”. Một phương thức bầu cử khoa học, dân chủ, công khai sẽ loại trừ được phần lớn các phương thức vận động “bẩn”. Đó mới là nhân tố quyết định không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn.

Tục ngữ Nga có câu “Sống sẽ thấy”. Chúng ta sẽ kiểm nghiệm Đại Hội XIII có để lọt người không đủ tiêu chuẩn hay không chỉ sau không quá 5 năm nữa.
--------------

P/S: Xin kèm theo bài:
Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII

Dân trí - Trung ương từng có đánh giá, Đại hội XII có tình trạng các đoàn vận động phiếu nên lựa chọn của đại biểu chưa chính xác. Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện như vậy… PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh nhận định đó trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

6 Hội nghị Trung ương liên tục bàn về nhân sự

Đến thời điểm này, chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội XIII của Đảng sẽ khai mạc. Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, tại Hội nghị Trung ương 15 vừa khép lại. Ông đánh giá thế nào về quá trình chuẩn bị này gần 2 năm qua?

Cả nhiệm kỳ khóa XII này, Đảng đã tập trung vào công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Quy định 8 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp…

Và ngay từ hội nghị lần thứ 8, Trung ương đã thành lập Tiểu ban nhân sự do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban. Từ Hội nghị Trung ương 9 đến Hội nghị Trung ương 15, có 5 hội nghị Trung ương bàn về công tác nhân sự Đại hội XIII.

Trong đó, Hội nghị Trung ương 12 đã đánh giá về công tác nhân sự khóa XII, bàn phương hướng công tác nhân sự khóa XIII rất kỹ và xác định rõ cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng; các bước làm rất bài bản, chi li, cụ thể. Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ phiếu giới thiệu danh sách nhân sự để bầu vào BCH Trung ương kể cả cũ và mới. Hội nghị 14 tập trung thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu danh sách nhân sự để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Và Hội nghị Trung ương 15 mới đây đã chốt lại những "trường hợp đặc biệt".

Nói vậy để thấy rằng, vấn đề nhân sự kỳ này được bàn rất kỹ, rất bài bản, rất thận trọng.

Nhiều lượt thăm dò, lấy ý kiến mới trình "nhân sự đặc biệt"

Chuyện thời sự nhất liên quan tới việc xem xét, quyết định những nhân sự thuộc "trường hợp đặc biệt" tiếp tục tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới, dự kiến giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Hội nghị Trung ương 15, ông có thể chỉ rõ quy trình, tính chất đặc biệt ở đây?

Với nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ Hội nghị Trung ương 14 đã xem xét vấn đề này. Về cách làm, đầu tiên vẫn phải quy hoạch nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho khóa mới. Trung ương giới thiệu và Bộ Chính trị đã phê duyệt quy hoạch này. Bước tiếp theo là giới thiệu các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tái cử theo phương hướng công tác nhân sự.

Theo quy định độ tuổi, có 15 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi, cụ thể là 8 Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủyviên Ban Bí thư đủ tuổi giới thiệu tái cử.

Trên cơ sở danh sách quy hoạch và kể cả kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng, Hội nghị Trung ương 14 thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu danh sách để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới cả tái cử và lần đầu tiên.

Đến Hội nghị Trung ương 15 vừa qua, Trung ương xem xét trường hợp đặc biệt, gồm nhân sự lần đầu tiên vào Trung ương nhưng quá 55 tuổi, đang là Ủy viên Trung ương nhưng quá 60 tuổi và đang là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng quá 65 tuổi.

Theo Kết luận 75 của Trung ương về phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành sau Hội nghị Trung ương 12, có hai căn cứ để xác định trường hợp "đặc biệt": Người có phẩm chất, năng lực uy tín nổi trội; căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của lĩnh vực, vị trí cụ thể.

Để đi đến quyết định này, Bộ Chính trị đã phải chuẩn bị rất kỹ với nhiều vòng, nhiều lượt thăm dò, lấy ý kiến Trung ương, rồi thảo luận, thống nhất cao mới trình ra Hội nghị Trung ương 15 quyết định.

Không để lọt vào Trung ương người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII

Từ hồi tháng 10/2020, Trung ương đã thông qua danh sách giới thiệu 119 Ủy viên Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử; 107 "ứng viên" lần đầu tham gia Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương khóa XIII và 44 "ứng viên" Ủy viên dự khuyết. Việc lập danh sách trình Đại hội XIII để chính thức bầu sẽ thực hiện thế nào, thưa ông?

Về quy hoạch, các cơ quan, địa phương đã giới thiệu nhân sự được quy hoạch để Ban Chấp hành Trung ương thảo luận. Bộ Chính trị 5 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người và giao cho Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 5 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ này.

Qua 5 vòng, cuối cùng giới thiệu được 119 Ủy viên Trung ương khóa XII tái cử khóa XIII. 

Với nhân sự tái cử, Trung ương đã xem xét từng trường hợp cũng có những người còn tuổi nhưng Trung ương không giới thiệu tái cử. Thậm chí có những nhân sự còn trẻ, có thể công tác ở Trung ương từ 5 đến 10 năm nữa nhưng không nằm trong danh sách giới thiệu.

Ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tôi được biết cũng có những người còn độ tuổi tái cử nhưng không được giới thiệu trong danh sách bầu.

Còn trong số 227 người được quy hoạch giới thiệu, sau lần chốt lại, có 107 người được đưa vào danh sách bầu Ủy viên Trung ương chính thức và 44 người được giới thiệu để đưa vào danh sách bầu Ủy viên dự khuyết khóa XIII, tổng là 151 người, chiếm 2/3 cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Theo quy định, danh sách trình Đại hội phải đảm bảo số dư tối thiểu là 10%, số dư tối đa không quá 30% để bầu cho tập trung. Hiện danh sách giới thiệu Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII được Hội nghị Trungương 13, Hội nghị Trung ương 14 thông qua đã thực hiện đúng quy định, đảm bảo số dư tối thiểu là 10%.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nêu yêu cầu, sao để công tác nhân sự chuẩn bị cho khóa XIII tránh được những khuyết điểm như Đại hội XII. Cụ thể đó là những vấn đề gì?

Trung ương từng có đánh giá rằng, Đại hội XII có tình trạng các đoàn vận động nên lá phiếu của các đại biểu đi dự chọn lựa chưa chính xác. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nêu yêu cầu phải phát huy cao độ, ý thức trách nhiệm của đại biểu dự Đại hội thực hiện nghiêm các quy chế, quy định trong bầu cử để lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hay nói gọn lại là đủ đức, đủ tài chứ đừng vì lý do vận động cá nhân.

Còn công tác nhân sự của nhiệm kỳ này, từng bước đã được chuẩn bị bài bản, công phu, quy trình chặt chẽ hơn. Trước đây là quy trình 3 bước, bây giờ quy trình 5 bước. Trước đây không giao cho các cơ quan có chức năng thẩm định, thì lần này giao thẩm định, làm đến đâu chắc đến đó, từng bước theo lộ trình chứ không đồng thời một lúc.
Qua quá trình chuẩn bị như vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Đại hội XIII này sẽ bầu ra Ban chấp hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, không để lọt lưới những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện như Đại hội XII vừa qua.

Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét