Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Mỹ: Cuộc bầu cử vô tận này sẽ kết thúc ra sao?

Mỹ: Cuộc bầu cử vô tận này sẽ kết thúc ra sao?
Anthony Zurcher (Phóng viên Bắc Mỹ) - 
Đối với nhiều người, đây là cuộc bầu cử kéo theo những chờ đợi. Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi đảng viên Dân chủ Joe Biden được xướng tên chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng Donald Trump vẫn chưa thừa nhận hay có bất kỳ dấu hiệu chấp nhận thất bại của mình. Thay vào đó, ông đang đưa ra những cáo buộc không có chứng cớ về việc cử tri gian lận trên diện rộng, mà theo ông là nghiêng về Biden.

Tuy nhiên, những con số khiến nhiều người thoái chí - ông bị thua hàng chục ngàn phiếu tại nhiều tiểu bang mà ông muốn lật ngược thế cờ để chiến thắng. Nhiều người coi cuộc chiến pháp lý của ông là điều vô vọng.

Tư thế của Trump, chống lại các chuẩn mực chính trị và truyền thống, đang tạo ra rung chấn toàn quốc, giữa lúc các quan chức và cử tri Mỹ đang phản ứng với tình cảnh mà, dù đã được báo trước hàng tháng, vẫn đang đi vào một vùng bất định.

Dưới đây là cách một số nhóm then chốt đang xử lý với những ngày bất định này. Và cách nó có thể diễn ra.


1) Các lãnh đạo đảng Cộng hòa

Donald Trump có nên thừa nhận kết quả?

Vẫn chưa.

"Tổng thống có mọi quyền xem xét các cáo buộc và yêu cầu kiểm phiếu lại theo luật." - Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell

Tình hình thực tế

Trong bốn năm qua, các chính trị gia đảng Cộng hòa - từ lãnh đạo quốc hội đến hầu hết các cấp bậc - đã điều chỉnh chiến lược để ứng phó với Trump trong những lúc ông gây tranh cãi nhất.

Họ mím chặt môi, chờ cơn bão đi qua.

Tính toán của họ rất đơn giản. Rất ít đảng viên Cộng hòa muốn chọc vào cơn thịnh nộ của một người đàn ông có thể làm giận dữ đám đông ủng hộ ông chỉ bằng một cái búng tay trên Twitter.

Vì vậy, bất chấp việc tổng thống đã thất bại trong cuộc bầu cử, các đảng viên Cộng hòa sẵn lòng đứng sang một bên và để tổng thống khẳng định ông đã thắng với "phiếu bầu hợp lệ", cho đến khi những thách thức pháp lý dường như vô ích được giải quyết và kết quả được chứng nhận.

Các chính trị gia đảng Cộng hòa phải nghĩ đến tương lai của họ, về chuyện làm việc với chính quyền mới của đảng Dân chủ lẫn chuyện giành quyền kiểm soát trong những cuộc bầu bán sắp tới. Không giống như tổng thống, họ không có hứng với chính sách tiêu thổ. Sự nghiệp chính trị của họ được đo đếm bằng năm, chứ không phải ngày hay tuần.

Vì vậy, trò chơi có tên gọi là sự kiên nhẫn. Họ chấp nhận tổng thống có quyền đưa ra yêu sách của mình, cho ông thời gian để trút bỏ bực bội, nhưng cũng cho rằng sẽ không có bằng chứng nào đủ lớn để thay đổi kết quả bầu cử.

Thông qua hành động chứ không phải lời nói, họ đang thừa nhận rằng đến tháng Giêng, sẽ có một tổng thống mới. Vấn đề Trump cũng sẽ qua đi thôi.

2) Tổng chưởng lý Bill Barr

Donald Trump có nên chấp nhận?

Không rõ.

"Mặc dù các cáo buộc nghiêm trọng cần được xử lý cẩn thận, nhưng các tuyên bố mang tính suy đoán, hư cấu hoặc xa vời không nên là cơ sở để bắt đầu các cuộc điều tra liên bang." - Barr trong một bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp

Tình hình thực tế

Hôm thứ Hai, thoát khỏi thông lệ lâu đời, Bộ trưởng tư pháp Bill Barr đã ban hành một bản ghi nhớ cho các nhân viên cấp cao để mở cửa cho các cuộc điều tra gian lận bầu cử tại Bộ Tư pháp bắt đầu ngay lập tức, thay vì sau khi kết quả bỏ phiếu được các tiểu bang chứng nhận.

Bản ghi nhớ này cho Donald Trump sự xác nhận rằng chính phủ đang xem xét các cáo buộc chưa được minh chứng là có những hành vi bất hợp pháp về bầu cử ở diện rộng tại nhiều tiểu bang mà ông đã thua hàng chục nghìn phiếu. Tuy nhiên, bộ trưởng tư pháp đưa ra bản ghi nhớ với nhiều điều kiện và cảnh báo.



Mặc dù kèm theo rất nhiều cảnh báo, bản ghi nhớ của Barr sẽ cấp cho Trump và những người ủng hộ đang nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp điều họ cần.

Hoa Kỳ có những biện pháp phòng chống để ngăn chặn sự can thiệp chính trị vào các cuộc điều tra, đặc biệt là xung quanh các cuộc bầu cử. Barr hiện đã loại bỏ một số biện pháp bảo vệ đó. Liệu nó có đủ để xoa dịu vị tổng thống đang tìm kiếm bằng chứng cứng rắn để chứng minh cho những cáo buộc rằng bầu cử có gian lận?

3) Nhóm thân tín của Trump

Donald Trump có nên thừa nhận kết quả?

Không! (Có thể?)

"Tôi vừa nói chuyện với Tổng thống Trump và nói với ông ấy rằng chúng tôi yêu quý và rất tự hào về ông ấy vì đã ủng hộ vững vàng về pháp quyền, hiến pháp và hệ thống của nước Mỹ." - Cố vấn pháp lý của Trump Jenna Ellis, viết trên Twitter

Tình hình thực tế

Trước công chúng, trợ lý và cộng sự thân cận nhất của tổng thống - đặc biệt là những người đã gắn bó với ông lâu dài nhất, như Rudy Giuliani - đang sát cánh bên Trump khi ông tiếp tục tranh chấp về kết quả bầu cử năm 2020.

Một phần của điều này là thực tế. Nếu tổng thống rời nhiệm sở, họ cũng sẽ mất việc (hoặc, ít nhất, mất tiếp cận đến các ống dẫn quyền lực). Đối với một số người như Thư ký Báo chí Kayleigh McEnany, điều này đã được diễn dịch thành sự khăng khăng rằng phe họ sẽ thắng thế ("Cuộc bầu cử này chưa kết thúc. Còn lâu mới xong.").

Đối với những người khác, chẳng hạn như Ngoại trưởng Mike Pompeo, phát biểu chỉ là câu hài hước khô khan ("Sẽ có một sự chuyển tiếp suôn sẻ sang chính quyền Trump thứ hai.")

Một phần là vì lợi ích cá nhân. Hai con trai lớn của Trump, Don Jr và Eric, đã lên tiếng bênh vực và liên tục bảo vệ cha cũng như khuếch đại các cáo buộc của Trump về việc gian lận bầu cử. Đó là vấn đề về tên tuổi, thương hiệu của gia đình.

Tuy nhiên, phía sau hậu trường, một số nghi hoặc - hay, có lẽ, thậm chí là chắc chắn - đã len lỏi vào. Con gái Tổng thống Trump - Ivanka Trump đã giữ im lặng kể từ cuộc bầu cử, và có tin tức nói rằng cả cô và chồng mình - Jared Kushner, tin đã đến lúc tổng thống nên thừa nhận kết quả.

Trong khi đó, nhiều thành viên cấp thấp trong đội ngũ nhân sự của chính quyền Trump - những người sẽ thất nghiệp trong vài tháng tới - đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, có thông tin giám đốc nhân sự John McEntee nói với họ rằng họ sẽ bị đuổi ngay lập tức nếu bị phát hiện đang tìm việc.

Tuy nhiên, thất bại trong việc tìm kiếm một bến đỗ an toàn vào thời điểm này, sẽ dẫn đến thiệt hại cho sự nghiệp.

4) Người ủng hộ Trump

Donald Trump có nên nhượng bộ?

Điên à, không!

"Tôi đến đây để thể hiện tình yêu và sự ủng hộ dành cho tổng thống của chúng ta, Donald Trump. Đó hoàn toàn là gian lận. Còn rất nhiều phiếu bầu chưa được kiểm đếm, tất cả phiếu đó đều là của người giả danh và người chết." - Ủng hộ viên của Trump ở Houston, Texas, nói với BBC Newsbeat.

Tình hình thực tế

Bước vào cuộc bầu cử vào tuần trước, nhiều người ủng hộ Trump đã tin rằng ông sẽ thắng bất chấp các kết quả thăm dò.

Xuất phát vào kết quả bất ngờ năm 2016 khi mà Hillary Clinton được cho là có lợi thế hơn cho tới khi bà thất cử, việc họ tiếp tục tự tin cũng hẵng đặt sai chỗ. Hóa ra kết quả năm 2020 có cách biệt ít hơn so với dự báo ban đầu về cách biệt.

Mặc dù các phiếu đã được đếm và cuộc đua đã xướng tên Biden là người chiến thắng, ít nhất một số người bảo thủ vẫn tiếp tục gắn bó với tổng thống. Theo một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos được thực hiện vào cuối tuần qua, khoảng 40% đảng viên Cộng hòa không tin rằng ông Biden đã đắc cử tổng thống (trong dân chúng nói chung, con số này là 21%).

Chiến dịch tranh cử của Trump đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình "Stop the Steal" (Ngưng đánh cắp) trên toàn quốc, gồm một cuộc biểu tình ở Washington, DC hôm thứ Bảy. Cũng có tin rằng tổng thống đang xem xét tổ chức các cuộc mít tinh theo kiểu chiến dịch tranh cử trong những ngày tới, mặc dù không có kế hoạch chính thức nào được công bố.

Như đã rõ từ lâu, nếu Trump mong muốn chiến đấu, những người ủng hộ sẽ gắn bố với ông tới cùng.

5) Joe Biden

Donald Trump có nên nhượng bộ?

Có.

"Thật tình mà nói, tôi chỉ nghĩ đó là một sự ngượng ngùng... Làm sao để tôi có thể nói điều này một cách khéo léo nhỉ? Tôi nghĩ nó sẽ không giúp ích cho di sản của tổng thống."

Tình hình thực tế

Kể từ khi được dự đoán là người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Bảy, Joe Biden và nhóm chuyển tiếp của ông đã làm những gì có thể để cho thấy một quá trình chuyển tiếp tổng thống đang diễn ra suôn sẻ và bài bản. Ông đã tổ chức một cuộc họp với lực lượng đặc nhiệm virus corona của mình vào thứ Hai và trả lời các câu hỏi từ các phóng viên vào thứ Ba, lúc ông hứa sẽ công bố các cuộc họp với chính quyền cấp cao trong những tuần tới.

Biden bác bỏ lo ngại rằng quyết định không thừa nhận kết quả của tổng thống Trump đang gây bất lợi đến công việc của ông. Biden nói rằng sự chậm trễ trong việc tiếp cận các quỹ và thông tin mà chính phủ thường phải cung cấp cho các đại diện của tổng thống đắc cử không phải là một trở ngại lớn.

Ông nói, các đảng viên Cộng hòa sẽ chấp nhận chiến thắng của ông, ngay cả khi họ "bị đe dọa một chút bởi tổng thống đương nhiệm".

Hiện nay, Biden và nhóm Dân chủ đang theo hướng cao thượng để đối chọi với sự bùng nổ của Trump trên mạng xã hội - mặc dù các luật sư của họ cũng đang phản đối mạnh mẽ các vấn đề trước tòa.

6) Donald Trump

Donald Trump có nên nhượng bộ?

Chỉ cần xem những tweets của ông ấy là biết câu trả lời...

"Người dân sẽ không chấp nhận cuộc bầu cử dàn dựng này!"

Chỉ có Donald Trump mới biết lý do tại sao ông vẫn chưa chịu thừa nhận đã thua Biden, dù ông đang bị dẫn hàng chục nghìn phiếu bầu tại nhiều tiểu bang.

Có lẽ, với tư cách là một khán giả của truyền thông cánh hữu, ông thực sự tin rằng đã có một hành vi gian lận ở quy mô đủ lớn dù chưa được chứng minh đủ để thuyết phục nhiều tòa án và xoay chuyển kết quả bầu cử.

Những người hoài nghi sẽ cho rằng đó là sự kết hợp giữa việc tổng thống cố gắng khuấy đục nước để bảo vệ thương hiệu cá nhân khỏi vết nhơ của việc thua cuộc - hoặc tiếp tục gây quỹ từ một số đông người hâm mộ vẫn tin rằng ông còn có cơ hội, một khi quyên đủ số tiền cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Hàng loạt lời thúc giục, với phần phụ chú cho thấy phần lớn số tiền huy động được sẽ dành cho việc trả số nợ còn tồn đọng của chiến dịch tranh cử và các mục đích không liên quan khác.

Tuy nhiên, đến lúc nào đó, thực tế sẽ lấn sân. Các tiểu bang phải chứng nhận kết quả bầu cử của họ trong vài tuần tới để ngăn chặn việc đảo ngược lịch sử, Joe Biden sẽ có đa số phiếu trong 538 phiếu đại cử tri để đảm bảo chức tổng thống.

Vào ngày 14 tháng 12, những đại cử tri sẽ tập trung tại các thủ phủ của tiểu bang để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Vào tháng Giêng, lưỡng viện sẽ nhận và thông qua kết quả.



Triển vọng cho Trump là ảm đạm

Gạt sang một bên tập tục và truyền thống. Đây là những thời hạn lạnh lùng và bất di bất dịch.

Sau đó, tất cả còn lại là Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào trưa ngày 20/1, và nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ kết thúc, cho dù ông Trump có thích hay không; cho dù ông ta có chấp nhận hay không.

Tất nhiên, Trump có thể tái tranh cử vào năm 2024. Hiến pháp Hoa Kỳ không ngăn cản hai nhiệm kỳ tổng thống không liên tiếp. Ông cũng có thể đóng vai trò như một vị vua, dọn đường cho một cuộc tranh cử tổng thống của một trong những đứa con hoặc các đồng minh chính trị của mình.

Đây có thể là hồi kết cho cuộc bầu cử năm 2020, nhưng những mưu kế chính trị sẽ không bao giờ dừng lại.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54913355

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét