Phát biểu tại Hội thảo, Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người... cần tôn vinh những giá trị này bằng các công trình văn hóa.
Tại buổi Hội thảo, đã có ý kiến cho rằng, cần xây dựng Khải Hoàn Môn ở Hà Nội mới xứng tầm 1010 năm Thăng Long.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, nhận định:
Tôi nghĩ đấy là những đầu óc bệnh hoạn, mà nó muốn sao chép những thứ lố lăng. Tức là chính cái đấy là phản văn hóa Hà Nội, chứ không phải xây một cái Khải Hoàn Môn ở Hà Nội thì lúc đấy mới xứng với văn hóa Hà Nội. TS. Nguyễn Quang A
“Tôi không biết ý kiến ấy là rồ dại của ai, nhưng đấy là cách học đòi, nó chẳng ra làm sao cả? Tại sao Hà Nội lại cần một Khải Hoàn Môn? Muốn học Paris hay học ở đâu? Tôi nghĩ đấy là những đầu óc bệnh hoạn, mà nó muốn sao chép những thứ lố lăng. Tức là chính cái đấy là phản văn hóa Hà Nội, chứ không phải xây một cái Khải Hoàn Môn ở Hà Nội thì lúc đấy mới xứng với văn hóa Hà Nội.”
Ý kiến Hà Nội cần có Khải Hoàn Môn do Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương, đưa ra lần đầu vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo hôm 29 tháng 9 năm 2020, ông Tạ Ngọc Tấn cho rằng, việc đập vào mắt đầu tiên với một người đến thành phố là cảnh quan. Do đó thực sự cần đầu tư phát triển cảnh quan của Hà Nội một cách nghiêm túc: “Tại sao Hà Nội không có một Khải Hoàn Môn. Việc này đã bàn từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà giờ chưa có. Tại sao không có cổng chào, biểu tượng ở 5 cửa ô. Tại sao có bao nhiêu danh nhân mà không có biểu tượng trong thành phố ở các ngã ba, ngã tư...”
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 9 năm 2020, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, nói:
“Tôi có đọc trên báo người ta nói chuyện đó, nhưng với cái lập luận đó thì người ta có thể áp dụng vô bất cứ thứ gì, chứ không chỉ Khải Hoàn Môn thôi. Chỉ có điều, xây dựng Khải Hoàn Môn mà đường xá Hà Nội có chỗ vẫn ách tắt, những công trình di tích vẫn còn bị bôi bác... Tất cả đều cần tiền cả, để nâng cao giá trị văn hóa của Hà Nội lên. Những chuyện ấy cấp bách hơn rất nhiều mà không bỏ tiền, lại bỏ tiền xây dựng Khải Hoàn Môn. Không biết khi Khải Hoàn Môn hoàn thành thì cái tầm văn hóa của Hà Nội lên cao bao nhiêu? Tôi không rõ. Có điều buồn là người chỉ đạo có cương vị như vậy, lại suy nghĩ như vậy, nói năng như vậy. Tôi không tin người dân Hà Nội bình thường họ ủng hộ cái chủ trương như thế đâu?”
Không chỉ Khải Hoàn Môn ở Hà Nội, mấy ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm khi có nhiều tỉnh được cho là còn nghèo nhưng lại đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng khẩu hiệu trên núi, hay đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cổng chào, tượng đài...
Mới nhất là trường hợp tỉnh Hòa Bình đã chi ngân sách gần 11 tỷ đồng xây dựng 11 chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” trên đỉnh đồi. Dư luận cho rằng, đầu tư 1 tỷ đồng mỗi chữ là quá đắt đỏ, lãng phí, nhất là khi tỉnh Hòa Bình là tỉnh nghèo, ngân sách còn hạn hẹp.
Trước đó, vào năm 2017 tỉnh Nghệ An cũng đã từng xây khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” trên núi Voi, huyện Nam Đàn, nhưng với kinh phí chỉ hơn 1,1 tỷ đồng. Dù việc xây dựng cách nhau hai năm, nhưng con số chênh lệch giữa 11 tỷ và 1 tỷ là quá lớn.(!?)
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
“Theo tôi nghĩ, bất kỳ địa phương nào dùng số tiền quá lớn để xây tượng đài hoặc các khu văn hóa tưởng niệm, mặc dù cần thiết nhưng trong điều kiện hiện nay là chưa nên, mà có thể chờ một thời gian khi nào có điều kiện hãy thực hiện. Chứ bây giờ mà thực hiện thì rất phản cảm và cũng tạo dư luận người dân chưa thật sự đồng tình lắm.”
Tương tự, ngày 25 tháng 9 năm 2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chi 13,7 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách địa phương để xây dựng 2 cổng chào tại cửa ngõ phía Bắc và phía Nam đi vào thành phố. Trong đó, cổng chào phía Bắc nằm trên Quốc lộ 1 địa phận xã Lộc Ninh, phần tiếp giáp với địa phận huyện Bố Trạch và cổng chào phía Nam cũng trên Quốc lộ 1, nhưng thuộc phường Phú Hải, phần tiếp giáp với huyện Quảng Ninh.
Một người dân miền Trung cho biết ý kiến của mình:
“Người quê chúng ta chất phát thật thà, nói thẳng và nói ngay, là làm to chừng mô thì tốt chừng nấy... Nhưng mà nói thiệt ra... cái chỗ kinh phí bỏ ra cái chỗ ni cũng hơi to... hơi nhiều... Nhưng mà nếu trường hợp mai mốt mình có làm cái chỗ khác đó mà... thì mình cũng nên hẹp hẹp bớt lại... để giúp đỡ cho những người còn đang nghèo... đang khó... đang khổ cực kia...”
Dự án xây dựng cổng chào ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình không phải là công trình đầu tiên bị lên án tại Việt Nam. Trước đây, thành phố Hải Phòng cũng bị phê phán về hình tượng hai con rồng 60 tỷ ở thành phố này. Hay dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ Đồng ở Sơn La cũng được báo chí trong nước cho rằng đây là sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân.
Ngoài ra, dự án xây dựng tượng đài N’Trang Lơng 167 tỷ đồng trên diện tích 5,9 hecta ở đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đak Nông, cũng bị lên án cho là quá lãng phí.
Tất nhiên còn một khía cạnh nữa có thể dễ thấy hơn nhiều, là bởi vì trong những cuộc xây dựng như thế, thì nó luôn luôn có cái ăn, cái % để ăn của cái bộ phận tuyên giáo đó - TS. Nguyễn Quang A
Hay dự án Di tích Yên Trường, nằm trên địa bàn xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng bị lên án khi đầu tư đến 50 tỷ đồng. Trong khi theo báo cáo ngày 17 tháng 4 năm 2020, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh này có 112.307 người nghèo, 426.854 người thuộc hộ cận nghèo. Sau rà soát lại vào ngày 7/5/2020, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn có 475.703 người thuộc hai nhóm vừa nêu.
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra giải thích:
“Cái đấy là chủ trương nhất quán từ trên xuống của cảnh sát tư tưởng, tức là Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, nó có một mạng lưới từ trung ương xuốn đến tới huyện, thậm chí ra xã... Nó muốn nuôi dưỡng những biểu tượng, và chính những biểu tượng đấy là những dây xích, xích vào cổ nhân dân Việt Nam, để mà lúi cúi đi theo họ. Cái sức mạnh của biểu tượng thì họ hiểu kỹ lắm, và người dân thì nhiều khi không hiểu hết, và không coi trọng những biểu tượng như vậy. Nhưng mà họ luôn luôn đầu tư nhiều tiền của vào những biểu tượng như thế, để làm tăng cái tính chính danh của đảng cộng sản Việt Nam. Tất nhiên còn một khía cạnh nữa có thể dễ thấy hơn nhiều, là bởi vì trong những cuộc xây dựng như thế, thì nó luôn luôn có cái ăn, cái % để ăn của cái bộ phận tuyên giáo đó.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, có thể nói, đấy là những hành động thật sự độc ác đối với dân tộc, khi mà nó ngoằng vào cổ người dân những dây xích như thế... Và theo ông, những hành động như như vậy, thì cần phải tẩy chay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp cứ làm cho có bề ngoài hoành tráng, để đập vô mắt mọi người, chứ còn đời sống thật sự của người dân thì ít được giới lãnh đạo chú ý.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-hn-need-the-arc-de-triomphe-to-celebrate-1010-years-of-thang-long-09292020124517.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét