Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Cứu trợ vùng lũ: Lúc này đừng có giở luật ra

Tôi không ủng hộ bác Phong khi nói "lúc này đừng có giở luật ra; miễn làm sao phải hiệu quả, phải đưa tiền và hàng đến tay người khó khăn nhanh nhất... Có vậy thôi. Còn tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc làm từ thiện để kiếm chác, để đánh bóng tên tuổi của họ thì sớm hay muộn cũng sẽ bị quả báo mà thôi". Trong một nhà nước pháp quyền, quan chức nhà nước và nhân dân trong mọi trường hợp đều phải thượng tôn pháp luật; không phải vì cần phải đưa tiền và hàng đến tay người khó khăn nhanh nhất mà dẫn tới làm ẩu, vi phạm pháp luật tùm lum. Có điều tôi đồng ý với bác là có thể châm chước một số ít trường hợp vi phạm pháp luật vì nhiều luật của nước ta không phù hợp với thực tế. Ở đây có vai trò của Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Các cơ quan, cá nhân này phải nhanh chóng có ngay công văn chỉ đạo, cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ được phép làm một số việc trái luật. Đáng tiếc là họ chưa bao giờ làm. Tôi cũng cùng quan điểm với bác Phong là các cơ quan nhà nước phải theo dõi, điều tiết cứu trợ theo nghĩa chỗ nào cứu trợ tự nguyện của dân nhiều thì giảm của nhà nước; ngược lại chỗ cứu trợ tự nguyện của dân khó đến được thì nhất thiết nhà nước phải làm chủ lực. Cuối cùng, đừng mặc kệ bọn "lợi dụng việc làm từ thiện để kiếm chác, để đánh bóng tên tuổi vì sớm hay muộn cũng sẽ bị quả báo", vì tuy chúng bị quả báo nhưng tài sản, của cải của đất nước, của nhân dân bị mất đi thì không bao giờ có thể thu hồi lại.
Lúc này đừng có giở luật ra
Nguyễn Như Phong - Lúc này đừng có giở luật ra. Thiên tai bão lũ hoành hành. Hàng chục vạn gia đình đang khốn khó đủ đường. Nhà nước có sự cứu trợ của Nhà nước. Còn các tập thể, các nhà hảo tâm họ quyên góp, mang tiền hàng đi cho bà copn là xuất phát từ tấm lòng của họ.
Việc quan trọng nhất của các cấp chính quyền vùng bị thiên tai là phải tạo điều kiện tốt nhất có thể để các đoàn từ thiện mang được hàng hóa, tiền bạc tới cho bà con, chứ không phải ra các lệnh mang tính " kiểm soát, ngăn cản"...
 
Bà con đội mưa đi nhận đồ cứu trợ. Ảnh Dương Vũ Linh.
Người đi làm từ thiện ngoài việc tìm những nơi khó khăn nhất để giúp dân thì có thể họ cũng có chút " tình riêng" như muốn giúp đỡ cho quê hương mình, thậm chí quê hương của bạn bè, của người mà họ yêu quý... Cho nên họ rất không thích " sự áp đặt" của chính quyền rằng phải thế nọ, phải thế kia.

Có thể xảy ra hiện tượng "no dồn đói góp"; hoặc "kẻ ăn không hết người lần chẳng ra"... nhưng đó là chuyện nhỏ. Lúc này đừng đòi hỏi phải thực sự công bằng... Vấn đề là chính quyền cơ sở phải theo dõi, phải nắm được địa bàn nào đã có nhiều thì các khoản hỗ trợ từ Trung ương xuống nên giảm đi... Việc điều tiết là của chính quyền, chứ đừng bắt các nhà hảo tâm phải làm việc đó.

Còn cũng xin các vị bỏ ngay cái lệnh "tập trung hàng cứu trợ về một nơi, rồi sẽ mang phân phối"... Vì làm như thế, có khi dân chết đói mà chả được gói mì, bởi lẽ chỉ riêng việc các vị ngồi họp, bàn việc phân phối có khi hết cả ngày...

Và thực sự, người dân cũng chán ngấy những tổ chức đoàn thể, xã hội được điều khiển bởi chính quyền.

Còn một việc nữa là chống lụt như chống giặc. Mà đã chống giặc thì đừng có giở luật này luật nọ, Nghị định này, Thông tư kia... Miễn làm sao phải hiệu quả, phải đưa tiền và hàng đến tay người khó khăn nhanh nhất... Có vậy thôi.

Còn tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc làm từ thiện để kiếm chác, để đánh bóng tên tuổi của họ thì sớm hay muộn cũng sẽ bị quả báo mà thôi.

Đã đi làm từ thiện nghĩa là đi Bố thí - Mà đã bố thí hay cúng dường thì chớ có kể công, chớ có cầu mong sự bố thí đó mang lại cho mình lợi lộc hay danh vọng gì... Nếu ai nghĩ thế, làm thế, ắt chịu họa.

Nguyễn Như Phong
(FB Nguyễn Như Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét