Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, theo luật là phi pháp ?

Trong bài này, LS Ngô Ngọc Trai phân tích đúng, còn luật sư Vũ Quang Bá giải thích sai. Do đó VN cần nhanh chóng sửa luật... Mình bắt đầu thấy khâm phục cô ca sĩ Thủy Tiên. Trước đây mình tình cờ có xem 1 đoạn video cô ca sĩ này hát, thấy không có cảm tình, nên không quan tâm. Nói thật là mình cũng chẳng quan tâm tới ca sĩ nào của VN cả vì hát toàn những bài tô hồng mình không thích. Nhưng bây giờ thấy cô một mình xông xáo giúp đỡ đồng bào lũ lụt bất kể khó khăn, hiểm nguy, mình thấy đáng khâm phục. Mình định viết 1 bài về cách tổ chức hệ thống an sinh xã hội và từ thiện ở phương Tây nhưng lười nên thôi. Ý chủ đạo của mình là (i) Ở các nước phương Tây, chính phủ có trách nhiệm cao nhất và trực tiếp nhất đối với an sinh xã hội, nhất là chống thiên tai, bảo vệ người dân; không có người dân, nhà nước vẫn phải làm tốt. Điều này khác hẳn với ở VN; (ii) Các nước này cũng không có cá nhân trực tiếp làm từ thiện mà sẽ có những công ty, những quỹ từ thiện chuyên nghiệp, có đăng ký, được kiểm toán hàng năm... Các cá nhân, tổ chức muốn ủng hộ thì góp tiền vào đây để họ làm thì mới đảm bảo minh bạch, hiệu quả, khoa học. Tiếc rằng điều này ở VN cũng không có. Kết quả là trước đây mình thường ủng hộ tại cơ quan, địa phương; thường mình là người ủng hộ cao nhất, nhưng số tiền vẫn không cao như mong muốn vì không thể đóng góp vượt mặt cấp trên quá nhiều (cấp trên cũng không dám ủng hộ quá nhiều vì sợ cán bộ bàn tán gây tai tiếng), rồi nghe những người cùng cơ quan nói tiền đó đem về được đưa vào ngân sách nhà nước và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau chứ không dành toàn bộ ủng hộ người nghèo, làm mình chán (dù mình đã chấp nhận có thất thoát một tỷ lệ thấp cũng không sao). Sau đó mình tham gia làm trực tiếp với 1 số nhóm, nhưng cũng thấy có nhiều vấn đề... Mấy năm làm trưởng ban quản trị tòa nhà thì mình vận động cư dân đóng góp rồi đem ra UBND phường nộp... Từ năm ngoái không làm nữa thì phong trào cũng chấm dứt. Bây giờ thì quả thật không biết nên đưa tiền ủng hộ cho đâu... ? Mong sao đất nước đến ngày dân chủ, các công ty và quỹ thiện nguyện như ở phương Tây xuất hiện, khi đó việc làm từ thiện mới dễ dàng, thuận lợi, tin tưởng và có ý nghĩa. 
Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, còn Việt Nam nên sửa luật?
Tại Việt Nam, nhiều cá nhân đã giúp quyên góp tiền bạc cứu trợ trong bối cảnh lũ lụt đang gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung. Tuy nhiên, có luật sư chỉ ra rằng một văn bản pháp luật "lạc hậu" có thể khiến các việc làm thiện nguyện bị xem là phi pháp.
Nụ cười tươi của nữ ca sĩ Thủy Tiên giữa bốn bề nước lũ
Những ngày gần đây, ca sĩ Thủy Tiên là một trong những cá nhân nổi bật khi đã kêu gọi đóng góp và nhận được hàng chục tỷ đồng cho đồng bào miền Trung. Hôm 20/10, trên Facebook cá nhân, cô Thủy Tiên thông báo: "Số tiền quyên góp trong vòng 1 tuần cho đến thời điểm này là hơn 100 tỷ rồi."

Cô chia sẻ tâm trạng: "Bây giờ mình bắt đầu lo rồi, không biết ôm cục tiền này đi cứu trợ lũ lụt đến khi nào mình mới được về ổn định cuộc sống mà làm ăn…Nhưng nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ thì mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể."

Theo truyền thông, nhiều người nổi tiếng và công ty tư nhân ở Việt Nam cũng đang tham gia kêu gọi quyên góp.

Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".

Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết: "Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo"."

Ông chỉ ra: "Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ."

Mới hơn, theo ông, theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.

Ông Ngô Ngọc Trai viết: "Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng."

Trong khi đó, tạp chí của Hội Luật gia Việt Nam, Người đưa tin pháp luật, phỏng vấn luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), người có diễn giải khác.

Ông Vũ Quang Bá cho rằng: "Hiện nay, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.

Ông nói: "Tuy nhiên, tại cả hai văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện."

"Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nhà nước còn quy định rõ, việc khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để cho cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp, cũng như tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hay giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm."

Theo luật sư Vũ Quang Bá: "Việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như: Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện."

"Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ."

Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở miền Trung Việt Nam vẫn đang diễn tiến phức tạp.

Hôm 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ người dân vùng lũ Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét