Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

VN thất bại với Thủy điện trên sông Mekong ?

Thủy điện trên sông Mekong
(Phần 1: Cái bẫy Luang Prabang dành cho Việt Nam)
Tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mekong, từ thượng nguồn là sông Lancang (Lan Thương) trong lãnh thổ Trung Quốc đến hạ nguồn kể từ lãnh thổ Lào ra đến Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, là vấn đề nóng bỏng về mặt môi trường, kinh tế, xã hội và chính trị ở Đông Nam Á. Gần đây một công ty quốc doanh của Việt Nam là PV Power quyết định đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Luang Prabang trên sông Mekong ở Lào. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ phỏng vấn nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi ở Canada về vấn đề này.
Phần 1: Thủy điện trên sông Mekong (Phần 1: Cái bẫy Luang Prabang dành cho Việt Nam). Phần 2: Thủy điện trên sông Mekong (Phần 2: Những tổn thương và việc cần làm)
Câu hỏi: Xin được bắt đầu với đập thủy điện Luang Prabang mà Việt Nam đang định xây dựng trên sông Mekong bên Lào. Theo ông, đập thủy điện Luang Prabang có vị trí như thế nào trong tổng thể hệ thống thủy điện trên sông Mekong và thượng nguồn Lan Can trong lãnh thổ Trung Quốc?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Chúng ta có thể hiểu một cách trực quan về mạng lưới thủy điện trên sông Mekong qua bản đồ dưới đây. Như chúng ta thấy, tính đến thời điểm này, hiện có 7 đập thủy điện đang vận hành trên sông Mekong, trong đó 5 đập trên lãnh thổ Trung Quốc, 2 đập trên lãnh thổ Lào. Có khoảng 11 đập đang nằm trong kế hoạch xây dựng hoặc đang xây dựng.

Trong số các đập trong kế hoạch xây dựng, đáng chú ý nhất đến đập thủy điện Luang Prabang, được đánh dấu màu đỏ trên bản đồ. Dự án này liên quan đặc biệt đến Việt Nam và sẽ có tác động tiêu cực nhất đến kinh tế, xã hội, môi trường ở Việt Nam.

Câu hỏi: Xin được bắt đầu với đập thủy điện Luang Prabang mà Việt Nam đang định xây dựng trên sông Mekong bên Lào. Theo ông, đập thủy điện Luang Prabang có vị trí như thế nào trong tổng thể hệ thống thủy điện trên sông Mekong và thượng nguồn Lan Can trong lãnh thổ Trung Quốc?

(Vị trí đập Luang Prabang dự kiến nằm ở vị trí màu đỏ).

Thủy điện Luang Prabang dự kiến nằm trên dòng chính hạ nguồn sông Mekong, gần thị trấn Luang Prabang của Lào (khoảng 25 km). Có 9 dự án thủy điện bậc thang được quy hoạch trên lãnh thổ Lào và 2 dự án trên lãnh thổ Campuchia. Dự án Luang Prabang có quy mô lớn thứ 3 trong số 11 dự án đang quy hoạch nêu trên, có công suất 1.460 MW.

Đáng tiếc là Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), một công ty nhà nước của Việt Nam, đã tham gia dự án Luang Prabang. Chủ đầu tư dự án Luang Prabang là Công ty TNHH Năng lượng Luang Prabang (viết tắt LPCL), PV Power của Việt Nam nắm 38% cổ phần LPCL. Còn về phía Lào, Chính phủ Lào nắm 25% cổ phần và Công ty TNHH PT (Lào) nắm 37% cổ phần của LPCL. Như vậy, PV Power của Việt Nam nắm cổ phần chi phối (38% so với 37% của Công ty Lào và 25% của Chính phủ Lào).

Câu hỏi: Dòng chính hạ nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Lào gần đây đã có 2 đập thủy điện đi vào vận hành, trong đó đang chú ý nhất là đập thủy điện Xayaburi. Xin ông cung cấp một so sánh giữa đập thủy điện Luang Prabang trên kế hoạch và đập Xayaburi trong thực tế, để chúng ta có thể hiểu quy mô và tác động của đập thủy điện Luang Prabang dễ dàng hơn.


(Ghi chú: EGAT: Cơ quan Điện lực Thái Lan; EdL: Tổng Công ty Điện lực Lào.)

Nguyễn Đăng Anh Thi

Về mặt kĩ thuật, cả hai đập Xayaburi (đã vận hành) và Luang Prabang (trong kế hoạch) đều do Công ty Poyry Energy tư vấn, xây theo công nghệ đập dâng (run-of-river). Luang Prabang nằm liền kề trên đầu đập Xayaburi. Dưới đây các thông số chính của dự án thủy điện Xayaburi, lấy từ Báo cáo định giá thủy điện Luang Prabang do Capital Advantage Company Limited thực hiện tháng 03/2018.

Còn về đập thủy điện Luang Prabang, Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án này (xem ở đây) trình lên MRC vào tháng 10.2019 có các thông số kỹ thuật của đập nhưng không có thông tin liên quan đến tài chính. Tuy vậy, chúng ta có thể thử ước các vấn đề tài chính của dự án Luang Prabang, như tổng vốn đầu tư và giá bán điện, từ đó tính toán tính khả thi của dự án ở góc độ kinh tế, bằng cách so sánh dự án Luang Prabang với dự án Xayaburi đã vận hành.

Dưới đây là các thông số kỹ thuật chủ yếu của dự án thủy điện Luang Prabang, lấy từ nguồn “Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án Luang Prabang” của Poyry Energy Ltd., 2019, và tính toán của tôi về mặt tài chính của dự án (ở phần in nghiêng, làm tròn số).
Về mặt kinh tế, theo tính toán của tôi, đập thủy điện Luang Prabang không hứa hẹn đem lại một hiệu quả kinh tế nào, ngược lại, đó là một canh bạc người chơi là PV Power thấy trước phần thua. Sự sống còn của dự án này phụ thuộc vào việc nó bán điện cho Thái Lan hay Việt Nam. Theo tính toán của chúng tôi, dự án này bán điện cho Thái Lan thì bất khả thi, và bán điện cho Việt Nam cũng vậy, nếu xét theo tình hình thị trường điện trong khu vực.

Câu hỏi: Xin ông phân tích cụ thể hơn. Nếu dự án Luang Prabang bán điện cho Thái Lan thì sao?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Theo tôi, khả năng Luang Prabang bán được điện cho Thái Lan là rất thấp, vì mấy lý do sau đây.

Thứ nhất, về giá cả, Luang Prabang không cạnh tranh được với Xayaburi. Hiện nay, The Electricity Generating Authority of Thailand (viết tắt là EGAT) đang mua từ nhà máy thủy điện Xayaburi với giá 6,6 US cent /kWh. Giá này được cố định 29 năm trong hợp đồng mua bán điện PPA. Theo tính toán của tôi, giá điện của Luang Prabang nếu bán cho EGAT của Thái Lan sẽ cao hơn nhà máy thủy điện Xayaburi từ 14% đến 30%.

Thứ hai, về mặt quan hệ lợi ích, EGTA thông qua các công ty con để đầu tư cho tất cả các dự án thủy điện ở Lào trên sông Mekong mà họ mua điện. Chẳng hạn, dự án thủy điện Nam Theun 1 có 25%, Nam Theun 2 có 35%, Nam Ngum 2 có 25%, Nam Ngiep 1 có 30%, Xe Pian Xe-Namnoy có 25%… cổ phần của EGAT. Với Xayaburi nằm ngay phía dưới Luang Prabang, EGAT nắm 12,5% cổ phần. Ngoài ra, 6 ngân hàng cung cấp tài chính cho dự án Xayaburi đều của Thái Lan. Nói cách khác, Thái Lan có ràng buộc về mặt lợi ích khi mua điện của Xayaburi cũng như các dự án khác mà họ đầu tư ở Lào.

Như vậy, không có lý do nào để EGAT mua điện của Luang Prabang, một dự án họ không góp cổ phần, với giá còn cao hơn các nhà máy thủy điện khác trên sông Mekong cũng như nhà máy Xayaburi liền kề Luang Prabang, với giá cao hơn từ 14% đến 30%, trong khi họ không cổ phần trong Luang Prabang.

Câu hỏi: Nhưng đó là những tính toán trong hiện tại. Còn dự án Luang Prabang dự kiến xây dựng xong và đi vào vận hành cũng phải mất bảy tám năm nữa. Như vậy nhà đầu tư PV Power của Việt Nam có thể có những tính toán cho tương lai?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Theo tôi, ý định bán điện từ Luang Prabang cho Thái Lan trong tương lai cũng không có gì sáng sủa cả.

Thái Lan ban hành Quy hoạch Điện lực 2018-2037 vào tháng 1 năm 2019, khẳng định đã giảm gần 50% công suất điện nhập khẩu từ Lào, và sẽ giảm xuống còn 5.857 MW đến năm 2037.

Trong số 5.857 MW công suất mà Thái Lan sẽ nhập từ Lào đến năm 2037, Luang Prabang cũng không có cơ may nào giành được thị phần. Bởi lẽ, Thái Lan đã dành đến 2.357 MW cho các dự án khác, cụ thể, trong đó, cho Xayaburi 1.220 MW, cho Xe Pian Xe-Namnoy 354 MW, Nam Ngiep 1 là 269 MW và Nam Theun 1 là 514 MW. Còn lại 3.500 MW cho 7 dự án Pak Beng, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom, Ban Khoum và Phou Ngouy và Luang Prabang trên lãnh thổ Lào.

Cả 7 dự án này có tổng công suất lên đến 8.000 MW. Nhưng theo quy hoạch của Thái Lan, họ chỉ mua 3.500 MW. Nghĩa là 7 dự án thủy điện này, trong đó có Luang Prabang, dư ra công suất 4.500 MW không có ai mua. Tóm lại, theo quy hoạch của họ, Luang Prabang muốn được họ mua điện thì phải cạnh tranh sống còn với 6 dự án khác, trong bối cảnh cung gấp đôi cầu.

Đó là chưa kể, Luang Prabang nằm xa Thái Lan nhất, có khoảng cách truyền tải điện đến Thái Lan xa nhất trong 7 dự án đó.

Cuối cùng, do tình hình giá điện từ năng lượng tái tạo đang giảm nhanh hơn dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Sontirat Sontijirawong đã có kế hoạch cập nhật Bản quy hoạch điện lực nêu trên. Như vậy, ta thấy ngay cả các nhà máy thủy điện hiện có trên sông Mekong cũng sẽ đối mặt với tình thế phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, chứ không có một tương lai sáng sủa nào. Nhà máy thủy điện Luang Prabang do PV Power của Việt Nam đầu tư nhanh nhất cũng phải 7 năm nữa mới đi vào vận hành, với giá điện dự kiến cao hơn các đối thủ cạnh tranh, lại nằm trong tình thế xung đột lợi ích với khách hàng là EGAT Thái Lan, thì có thể nói khả năng EGAT của Thái Lan bị thuyết phục để ký cam kết mua điện vào thời điểm này, là bằng 0.

Câu hỏi: Tại sao Thái Lan quy hoạch giảm nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện của Lào trên sông Mekong?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Thái Lan giảm nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện trên sông Mekong của Lào vì hai lý do. Một là người dân Thái Lan phản đối các dự án thủy điện với đỉnh điểm là vụ vỡ đập Xe Pian Xe-Namnoy tháng 7.2018 khiến ít nhất 29 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích, hơn 6.600 người mất nhà cửa. Hai là giá điện từ khí hóa lỏng (LNG) và từ năng lượng tái tạo đang giảm nhanh, khiến Thái Lan đẩy mạnh chiến lược giảm lệ thuộc vào thủy điện từ Lào.

Câu hỏi: Thay vì bán điện cho Thái Lan, nếu Việt Nam bán điện Luang Prabang về cho Việt Nam thì tình hình tài chính có khả quan hay không? Tại sao ông Hồ Công Kỳ, chủ tịch PV Power, cho rằng “để triển khai Dự án này, PV Power sẽ phải xây dựng cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ và có thể phải xin ý kiến Quốc hội”?

Nguyễn Đăng Anh Thi

PV Power của Việt Nam cần xin “cơ chế đặc thù” của Thủ tướng và được Quốc hội phê duyệt, vì nếu cố làm dự án thủy điện Luang Prabang, họ sẽ phải bán điện với giá thành cao gấp đôi giá quy định hiện hành của chính phủ Việt Nam (Bộ Công thương).

Theo khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện do Bộ Công thương ban hành trong 5 năm trở lại đây, giá điện luôn được giữ ổn định quanh mức khoảng 4,8 USCent/kW. Ước tính để có hiệu quả tài chính tương đương thủy điện Xayaburi, giá bán điện của Luang Prabang về Việt Nam phải trong khoảng 8,6 – 9,6 UScent/kWh, cao hơn từ 1,8 đến 2 lần so với khung giá phát điện hiện nay. Đó là lý do chủ tịch PV Power cho rằng “phải xây dựng cơ chế đặc thù” cho dự án này. Cơ chế “đặc thù” ấy có nghĩa là: xin chính phủ Việt Nam mua điện của họ với giá cao gấp đôi hiện hành.

Chúng ta có thể dựa vào các yếu tố như chi phí tài chính, chi phí xây dựng hệ thống truyền tải điện, tổn thất điện năng… để ước tính mức giá bán điện nói trên. Nếu Luang Prabang bán điện về Việt Nam, theo hồ sơ tư vấn của Poyry Energy, công ty tư vấn cho cả hai dự án Luang Prabang và Xayaburi, đường dây truyền tải điện từ dự án Luang Prabang sang Việt Nam là 620 km, dài gấp đôi sang Thái Lan (300 km). Do đó, cũng theo số liệu của tư vấn Poyry Energy chỉ ra, chi phí xây lắp đường truyền tải từ Luang Prabang về Việt Nam cũng cao hơn khoảng 312 triệu USD so với chi phí xây dựng đường dây truyền tải từ đó sang thị trường tiêu thụ Thái Lan. Đồng thời, điện năng tổn thất nếu dẫn về Việt Nam cũng sẽ gấp đôi sang Thái Lan, nghĩa là lượng điện năng thương phẩm bán ở Việt Nam cũng sẽ giảm đi tương ứng. Về chi phí xây dựng, Chủ tịch HĐQT của PV Power Hồ Công Kỳ cho biết đối với nhà máy thủy điện Luang Prabang, nếu thực hiện phương án bán điện sang Thái Lan thì quy mô đầu tư ước tính là 3,8 tỷ USD, còn thực hiện phương án bán điện về Việt Nam thì quy mô đầu tư ước tính là 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này cần đến 7 năm xây dựng. Nếu tính cả chi phí tài chính do thời gian xây dựng dài, tương tự dự án Xayaburi, thì tổng vốn đầu tư lúc hoàn thành dự án Luang Prabang khoảng 4,5 tỷ USD (nếu xây để bán điện sang Thái Lan) và 5,0 tỷ USD (nếu xây để bán điện về Việt Nam). Đó là những lý do khiến giá thành bán điện về Việt Nam của dự án thủy điện Luang Prabang ước tính cao gấp đôi quy định hiện hành.

Câu hỏi: Giả sử Chính phủ Việt Nam duyệt cho PV Power bán điện về Việt Nam từ nhà máy thủy điện Luang Prabang trong tương lai với giá là 9,38 UScent/kWh như họ mong đợi, thì Chính phủ và người dân Việt Nam có thiệt hại kinh tế gì không, thiệt hại như thế nào?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Trong trường hợp đó, Chính phủ Việt Nam phải bù giá điện là 4,6 US Cent cho mỗi kWh. Với lượng điện năng thương phẩm 6.231 GWh/năm, thì Việt Nam phải chi mỗi năm lên đến 285 triệu USD để bù giá cho Luang Prabang. Nếu chu kỳ dự án tối thiểu là 30 năm, tổng số tiền Việt Nam phải bù giá cho nhà máy điện này là 8,6 tỷ USD (trong 30 năm đó).

Mặc dù PV Power là công ty nhà nước, nhưng tiền ngân sách của Việt Nam bù giá cho Luang Prabang không phải là hoàn toàn chảy ngược vào túi Việt Nam. PV Power nắm 38% cổ phần trong dự án, còn Chính phủ và doanh nghiệp Lào cùng nắm 62% cổ phần. Do đó, trong tổng số tiền bù giá 8,5 tỷ USD trong 30 năm nêu trên, số tiền quay về Việt Nam (vào túi PV Power) chỉ là 3,3 tỷ USD, còn lại 5,3 tỷ USD chảy qua Chính phủ và doanh nghiệp Lào.

Câu hỏi: Thưa ông, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Lê Công Thành, đồng thời cũng là Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, cho rằng: “Quyết định đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào công trình thủy điện Luang Prabang của Lào sẽ giúp chúng ta có thể chủ động hơn trong việc tham gia ngay từ đầu vào quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Qua đó, góp phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.” Ông đánh như thế này về quan điểm này?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Đó là một tuyên bố không có cơ sở.

Nếu trên dòng chính sông Mekong chỉ có duy nhất thủy điện Luang Prabang điều tiết dòng chảy trực tiếp về ĐBSCL, thì “hảo ý” ấy của PV Power còn có thể tạm hiểu được. Nhưng thực tế, hãy nhìn vào bản đồ chuỗi đập thủy điện trên dòng chính lưu vực sông Mekong ở trên.

Bên trên vị trí Luang Prabang là một chuỗi 5 đập đang vận hành của Trung Quốc. Năm đập thủy điện này trên sông Lancang có tổng công suất 14.700 MW (gấp 10 lần dự án Luang Prabang). Còn phía dưới vị trí Luang Prabang là đập Xayaburi (công suất 1.285 MW) đã vận hành từ tháng 10.2019. Khi thủy điện Xayaburi tích nước và bắt đầu phát điện (từ tháng 10 năm 2019), mực nước sông Mekong đã giảm xuống thấp nhất trong 100 năm qua. Ngoài ra, còn có đập Don Sahong nằm sát biên giới Lào – Campuchia, vừa đưa vào vận hành tháng 1.2020, hiện đang trực tiếp kiểm soát dòng chảy về Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chỉ tính riêng các con đập đang vận hành này, chúng ta đã thấy Luang Prabang không thể điều tiết dòng chảy của sông Mekong như ý của Thứ trưởng Lê Công Thành, mà ngược lại, nó sẽ làm những tác động tiêu cực hiện hữu do 7 con đập đang vận hành gây ra trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, trên sông Mekong còn một loạt dự án thủy điện đang nằm trong kế hoạch. Trên lãnh thổ Lào, ngay phía trên vị trí Luang Prabang là dự án Pak Beng (công suất 912 MW) đã tham vấn với Mekong River Commission (Ủy hội sông Mê Công – MRC) năm 2016. Còn trên lãnh thổ Trung Quốc, nước này cũng có kế hoạch xây thêm đập Ganlanba với công suất 155 MW. Bên cạnh đó, phía dưới vị trí Luang Prabang và đập Xayaburi, có một loạt 7 con đập khác được dự kiến xây dựng. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Pak Lay với công suất 1.320 MW, đã tổ chức tham vấn với MRC năm 2018. Ngoài ra, dự án Sambor có công suất dự kiến cao gấp đôi dự án Pak Lay (công suất 2.600 MW) đã quy hoạch nằm ngay yết hầu Đồng bằng Sông Cửu Long.

Càng có nhiều con đập phía thượng nguồn, thì Miền Tây Nam Bộ ngày càng khô hạn. Đó là một thực tế nghiệt ngã mà hơn 20 triệu dân trong vùng đang gồng mình gánh chịu.

Câu hỏi: Năm 2019, trên báo Thanh Niên, ông Tô Văn Trường cho rằng Việt Nam nên chủ động đầu tư vào Luang Prabang để “chủ động tham gia từ khâu thiết kế”, vì “Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào đầu tư và chi phối các hoạt động của thủy điện ở Lào”, để “chọn cái dở ít nhất trong những cái dở”. Ông đánh giá như thế nào về góc nhìn này?

Nguyễn Đăng Anh Thi

Khuyến khích PV Power của Việt Nam đầu tư vào Luang Prabang bằng cách sử dụng nỗi sợ “Trung Quốc nhảy vào”, ông Tô Văn Trường đã không nhìn rộng hơn vào bối cảnh toàn cục để thấy được dã tâm của Trung Quốc.

Chiến thuật mà ông Tô Văn Trường đề xuất, nhìn bề ngoài thì tưởng như có thể đối phó được với Trung Quốc, nhưng kết quả thực tế thì chỉ đưa Việt Nam đến chỗ sập bẫy Trung Quốc nhanh hơn.

Chúng ta hãy xét tuần tự từng yếu tố sau đây trên bàn cờ vây Mekong.

Thứ nhất, thủy điện Luang Prabang cho đến nay vẫn do Việt Nam nắm cổ phần chính, 38%, không có Trung Quốc tham gia.

Thứ hai, có một đập thủy điện khác là Sanakham, nằm phía dưới Luang Prabang, cũng đang trong kế hoạch xây dựng. Đập thủy điện này do Trung Quốc xây dựng. Chủ đầu tư của Sanakham là Công ty thủy điện Datang Sanakham, đăng ký tại Lào, nhưng nó lại là công ty con của China Datang Corporation (CDT). CDT một trong năm công ty phát điện lớn nhất Trung Quốc, thành lập năm 2002, do Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý trực tiếp. Đập thủy điện Sanakham trên sông Mekong ở Lào dĩ nhiên không phục vụ nhu cầu năng lượng trong lãnh thổ Trung Quốc mà chủ yếu được bán sang Thái Lan.

Thứ ba, Sanakham đã thực hiện một bước đi khôn khéo để Việt Nam “há miệng mắc quai”. Mỗi dự án thủy điện trên sông Mekong đều phải trải qua bước tham vấn tại MRC. Toàn bộ tài liệu hồ sơ của Sanakham đều ghi thời gian lập là tháng 10.2018. Đặc biệt, tài liệu Hội thảo Tham vấn & Khởi động (PNPCA Consulting & Opening Workshop) ghi ngày 30.10.2018.

Như vậy, chủ đầu tư Trung Quốc đã hoàn thành tất cả tài liệu trình lên từ cuối tháng 10 năm 2018. Nhưng chính phủ Lào cũng như chủ đầu tư Trung Quốc không trình hồ sơ vào thời điểm đó mà hoãn lại đến tháng 5 năm 2020.

Ngày 31 tháng 7 năm 2019, tức 9 tháng sau khi hồ sơ Sanakham của chủ đầu tư Trung Quốc hoàn thành, Chính phủ Lào thông báo cho Ủy hội Sông Mekong MRC ý định Tham vấn trước cho dự án thủy điện… Luang Prabang do Việt Nam nắm cổ phần chính.

Hai tháng sau, Lào mới đề nghị Ủy hội Sông Mekong xem xét hồ sơ của Luang Prabang. Ủy hội Sông Mekong thực hiện thủ tục Tham vấn trước cho Luang Prabang, hoãn việc bắt đầu thủ tục Tham vấn trước cho Sanakham đến ngày 11 tháng 5 năm 2020.

Điều gì khiến họ hoàn thành hồ sơ vào tháng 10 năm 2018 nhưng chỉ bắt đầu thực hiện thủ tục Tham vấn trước vào tháng 5 năm 2020? Một khi dự án thủy điện Luang Prabang mà PV Power của Việt Nam nắm 38% cổ phần được thông qua, chính phủ Việt Nam vào tình thế khó có thể phản đối Sanakham do Trung Quốc đầu tư.

Như vậy, lấy lý do sợ Trung Quốc nhảy vào dự án Luang Prabang để cho rằng Việt Nam cần tiếp tục chính sách đầu tư vào đập thủy điện này “chủ động tham gia từ khâu thiết kế”, là hoàn toàn vô nghĩa. Vì Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát, tác động đến sông Mekong, không chỉ bằng hệ thống đập trên lãnh thổ của mình, mà còn bằng cách đầu tư vào đập thủy điện khác, như Sanakham, mà không cần đầu tư vào Luang Prabang. Thậm chí, họ còn muốn đẩy cho dự án Luang Prabang mà Việt Nam nắm cổ phần chính lên trước để xóa sạch mọi khả năng Việt Nam phản đối dự án của họ.

Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Anh Thi.

(Ghi chú: Những số liệu và luận điểm chính trong bài phỏng vấn này được tác giả công bố lần đầu trên báo Người đô thị. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ và tác giả thực hiện phỏng vấn, biên tập và bổ sung thông tin).

https://usvietnam.uoregon.edu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét