THẤY GÌ QUA SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT 1 CỦA NHÓM CÁNH DIỀU?
Boristo Nguyen - Đôi lời: Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều có rất nhiều lỗi, nhiều người cũng đã phân tích. Bài viết này không nhằm phân tích lại các lỗi mà bộ sách vấp phải mà muốn nói đến mấy điều: 1) Bộ sách không chỉ có sạn mà vi phạm những nguyên tắc cơ bản của giáo dục nói chung, làm sách giáo khoa nói riêng.
2) Phân tích một số câu trả lời của GS Nguyễn Minh Thuyết không nhằm phân tích lại các lỗi mà bộ sách vấp phải. Việc phân tích này nhằm giải mã tại sao bộ sách lại hỏng từ gốc như vậy? Tư duy nào, quan niệm như thế nào thì sẽ cho cách đi và kết quả như thế ấy
3) Hỏng cả qui trình làm sách giáo khoa, từ thực nghiệm đến Hội đồng thẩm định. Qui trình hỏng thì khó hi vọng có sản phẩm có chất lượng.
1) Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chỉ có sạn hay hỏng hẳn, không thể sửa?
Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều đã được mọi người chỉ ra rất nhiều lỗi: sao phỏng quá nhiều truyện ngụ ngôn nước ngoài, tách một chuyện ngụ ngôn thành hai bài làm nội dung lệch lạc, câu chữ lủng củng, ngô nghê, ngôn từ thô tục, nhiều nội dung phản cảm …
Sách bị dư luận phê phán nặng nề, nhiều ý kiến cho rằng sách có quá nhiều sạn nên phải thu hồi. GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên của sách thì khẳng định nhóm biên soạn đã “làm rất kỹ”, những người chỉ trích không hiểu hết tinh thần của của nhóm biên soạn. Về phía mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu “chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp”. Như vậy Bộ coi sách là có khiếm khuyết nhưng có thể chỉnh sửa được. Dịch giả Nguyễn Việt Long cũng đồng quan điểm: “Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều: 'Có sạn nhưng không đến mức phải thu hồi”.
Tôi nghĩ, cuốn sách này không phải chỉ có nhiều sạn mà đã phạm những sai lầm cơ bản, có tính nguyên tắc và vì vậy nó không thể chỉnh sửa mà phải thu hồi.
Làm SGK, nhất là cho những lớp bé phải thực hiện 3 điều cốt lõi sau:
- Xác định đúng mục tiêu.
- Tuân thủ các nguyên tắc sư phạm.
- Lưu tâm và có kiến thức về tâm lý lứa tuổi, khả năng nhân thức của trẻ.
Theo tôi, nhóm biên soạn đã không làm đúng cả ba điều trên nên vì vậy có cách tiếp cận sai và từ đó dẫn đến phát sinh ra nhiều lỗi. Đây không đơn thuần chỉ là sạn!
Mục tiêu đầu tiên của Tiếng Việt 1 là dạy chữ. Điều này thì ai cũng rõ, không cần phải bàn. Nhưng có lẽ nhóm biên soạn chỉ chú ý đến mục tiêu này mà quên đi những mục tiêu khác không kém phần quan trọng: dạy trẻ làm người, yêu tiếng Việt, cảm được cái hay cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, hướng đến chân – thiện – mỹ. Mục tiêu xác định đúng thì đường đi sẽ đúng. Mục tiêu xác định sai sẽ dẫn đến cách tiếp cận cũng sai. Chính vì chỉ quan tâm đến dạy trẻ chữ, mải mê với “kỹ thuật” mà không để ý đến việc dạy người nên nhóm biên soạn đã chọn ngữ liệu không phù hợp; dùng câu cụt lủn, từ ngữ ngô nghê, méo mó mất thẩm mỹ; sửa đổi và cắt đôi chuyện ngụ ngôn một cách tùy tiện gây phảm cảm…
Sách giáo khoa phải tuân thủ các nguyên tắc sư phạm, 2 trong các nguyên tắc đó là: nguyên tắc khoa học và nguyên tắc vừa sức. Nguyên tắc khoa học hiểu một cách đơn giản là các kiến thức được dạy có thể chưa đầy đủ, chưa chính xác tuyệt đối nhưng không được sai. Những câu văn cộc lốc, sai ngữ pháp ví dụ như câu “Có khi là cô gà ri.” là vi phạm nguyên tắc khoa học. Tách một chuyện ngụ ngôn thành 2 phần độc lập để dạy cũng là vi phạm nguyên tắc này. Chuyện ngụ ngôn là là một chỉnh thể thống nhất, mang một giáo lý cụ thể. Việc chia chuyện ra làm 2 bài để dạy không khác gì việc trích dẫn tách ra khỏi ngữ cảnh, dễ làm hiểu nhầm ý nghĩa của chuyện.
Nguyên tắc quan trọng khác là tính vừa sức. SGK phải phù hợp khả năng nhận thức của học sinh, mặt bằng trình độ của giáo viên. Với các lớp bé, nhất là lớp một thì điều này lại càng quan trọng. Làm SGK phải tính đến tâm lí lứa tuổi, khả năng nhận thức của trẻ. Nhóm biên soạn hoặc không biết, hoặc không quan tâm đến điều này. Đứa trẻ lần đầu đến trường, bắt đầu làm quen với bên ngoài, với thế giới chữ nghĩa thì mọi cái đều mới mẻ, bỡ ngỡ. Phải bắt đầu từ những điều đơn giản, những cái quen thuộc với trẻ chứ không phải nhồi nhét những bài học giáo lí này nọ. Đặc trưng của chuyện ngụ ngôn là ẩn dụ, mang tính triết lí, đôi khi không tường minh và dễ hiểu với trẻ nhỏ. Khác với người lớn, trẻ nhỏ nhận thức thế giới qua cảm nhận trực quan chứ không phải qua giáo lý, bằng tư duy lý tính. Vừa mới ra khỏi nhà, chưa quen hết những thứ gần gũi xung quanh thì làm sao đã bắt trẻ hội nhập với thế giới, học những điều xa lạ. Đành rằng có sự giao thoa văn hóa nhưng văn học mỗi nước đều có những đặc thù riêng, phản ánh tâm lí, văn hóa của riêng mình. Việc ưu tiên chọn và sao phỏng chuyện ngụ ngôn nước ngoài để dạy học sinh lớp 1 là sai lầm, vừa vi phạm nguyên tắc vừa sức, vừa không tính đến tâm lí lứa tuổi, và khả năng nhận thức của trẻ.
Có một hiện tượng tâm lí như thế này: trẻ nhỏ xem nhiều phim hoạt hình, nghe kể nhiều về những điều tốt đẹp thì dễ hướng tới những điều tốt đẹp. Ngược lại, xem nhiều phim phê phán cái xấu thì lại dễ quen nhờn với cái xấu. Sống trong môi trường nào trẻ dễ quen với môi trường ấy. Tất nhiên, con người cần phải biết những điều tốt đẹp nên làm và cả những điều xấu nên tránh. Tuy nhiên, với đặc thù về tâm lí lứa tuổi, khi khả năng nhận thức còn hạn chế, trẻ còn non nớt thì việc tiếp xúc nhiều với những cái xấu sẽ dễ làm chúng quen nhờn với cái xấu. Nhóm biên soạn đã không ý thức được điều này.
Ngữ liệu cho sách Tiếng Việt 1 phải đơn giản và đẹp, đẹp cả câu chữ, ngữ nghĩa và âm điệu. Chúng vừa phải gần gũi, thân thương với trẻ vừa phải có tính nhân văn và thẩm mĩ cao. Để trẻ hòa trong môi trường chữ nghĩa thân thiện, thẩm mỹ và nhân văn thì trẻ mới tự tin, thích học và những điều tốt đẹp trong con người mới được kích hoạt. Tiếc rằng, nhóm biên soạn Cánh Diều đã đi ngược với cách làm này.
Như vậy, với cả 3 điều cốt lõi nhóm biên soạn Cánh Diều đều làm không đúng. Đó chính là lí do tại sao bộ SGK này hỏng từ gốc chứ không chỉ đơn thuần là có sạn. Bộ sách này không thể chỉnh sửa!
2) Về một số câu trả lời của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Các câu trả lời của GS Nguyễn Minh Thuyết cho những chỉ trích về sách của nhóm Cánh Diều phản ánh khá rõ tư duy, nhận thức của nhóm biên soạn về cách làm SGK. Đây chính là nguyên nhân tại sao sách lại vấp những sai lầm nghiêm trọng đến như vậy. Tôi sẽ bình luận về một số câu trả lời của GS Thuyết.
- GS Thuyết khuyên: “Tôi tin nếu phụ huynh chờ đợi, không lâu đâu, mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách”. Theo tôi, có 2 vấn đề. Thứ nhất, hiệu quả phải được hiểu gắn liền với mục tiêu. Khi mục tiêu đã xác định không đúng, chỉ lo dạy chữ không dạy người, thì còn nói gì đến hiệu quả. Điều quan trọng hơn, sách đã đưa vào dạy, nếu tiếp tục và chờ kết quả theo lời khuyên của GS Thuyết sẽ đồng nghĩa với việc bắt học sinh làm con tin, làm chuột bạch cho các vị thử nghiệm. Nếu kết quả không như GS Thuyết nói, ai sẽ gánh hậu quả? Người thực sự tâm huyết và vì trẻ sẽ không như vậy!
- Trả lời cho việc tại sao lai không chọn ngữ liệu từ kho tàng văn học Việt Nam mà lại dùng của nước ngoài GS Thuyết cho rằng, “sở dĩ sách không dạy ca dao, tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung thể loại này”. Câu trả lời là ngụy biện. Không có cơ sở gì để nói dạy ca dao, tục ngữ Việt lại khó hơn dạy chuyện ngụ ngôn nước ngoài. Tiếng Việt phong phú, gần gũi gắn bó với người Việt, có nhiều báu vật mà không thể tìm được cái thích hợp để dạy cho học sinh chỉ chứng tỏ nhóm biên soạn hoặc có vốn hiểu biết tiếng Việt hạn chế, hoặc nhận thức lệch lạc.
- Trả lời cho ý kiến về bài đọc Cua, cò và đàn cá bị cho là dạy học sinh khôn lỏi GS Thuyết nói: “Mà truyện dân gian vốn dĩ sâu sắc lắm, khai thác như thế nào là do tâm địa mỗi người. Người này cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng người kia lại rút ra được bài học cảnh giác. Bây giờ người xấu nhiều, dạy trẻ con phải cảnh giác không thừa”. Một câu chuyện có thể có các cánh nhìn khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhưng với những bài học kiểu như thế này rất dễ gợi cho trẻ nhỏ những suy nghĩ tiêu cực. Bài tập đọc trong SGK không phải là đối tượng để các nhà phê bình văn học tranh cãi mà là bài học sư phạm, phải đơn giản, dễ hiểu và đảm bảo để trẻ không thể hiểu lệch lạc.
3) Trả lời cho thắc mắc tại sao dùng từ "nhá", như “nhá cỏ”, “nhá dưa” chứ không sử dụng từ "nhai" GS Thuyết giải thích là vì học sinh chưa học đến vần "ai", nên phải dùng từ "nhá" và từ này có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê. Thấy gì qua câu trả lời này? 1) Nhóm biên soạn đã không thể tìm được ngữ liệu thích hợp nên phải gò âm, ép vần. Điều này nói lên vốn kiến thức văn học của nhóm không đủ. 2) Quan niệm từ cứ có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê là có thể đem vào SGK, rồi ghép tùy tiện làm sai ngữ nghĩa hay làm mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt là một điều sai lầm. Thỏ không thể nhá cỏ vì là loài ăn cỏ, ăn lá, ăn những thứ mềm chứ không ăn những vật cứng có thể ghép với nhá.
4) Hỏng từ qui trình làm SGK.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Tiếng Việt 1 Cánh Diều có chất lượng kém như thế mà lại lọt qua thẩm định, được đánh giá rất cao? Chắc chắn quy trình làm SGK và kiểm định chất lượng có vấn đề!
Để đảm bảo SGK có chất lượng ít nhất cần phải làm tốt 2 khâu quan trọng: thực nghiệm và thẩm định.
Hội đồng thẩm định chỉ có thể đánh giá chất lượng từ góc độ khoa học, kiểm tra quy phạm và phát hiện lỗi kỹ thuật chứ không thể xác định được sách có phù hợp với năng lực học sinh, khả năng của thày hay không? Chỉ qua thực nghiệm một cách nghiêm túc: với qui mô đủ lớn, cho các lớp đối tượng khác nhau và được nghiệm thu một cách khách quan mới có thể đánh giá được đúng chất lượng của SGK. Các bộ SGK đã không qua thực nghiệm đầy đủ, không có nghiệm thu khách quan thì không lấy gì bảo đảm chúng sẽ có chất lượng và phù hợp với nhà trường. Các thành viên của Hội đồng thẩm định giỏi đến đâu cũng không thể thay được việc thực nghiệm.
Tiếng Việt 1 Cánh Diều là bộ sách duy nhất được 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt. Đọc biên bản thẩm định ta chỉ thấy toàn nhận xét tốt mà không thấy khiếm khuyết nào của sách. Chất lượng sách thì kém, đánh giá của Hội đồng lại cao, câu hỏi tại sao? Chỉ có một trong hai câu trả lời: hoặc Hội đồng thẩm định không đủ năng lực để đánh giá, phát hiện các sai sót mang tính hệ thống của sách, hoặc vì lí do nào đó ngoài khoa học mà họ đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình? Bất luận vì lí do gì, Hội đồng như thế này đã làm vô hiệu hóa quá trình thẩm định SGK.
Cả hai khâu quan trọng nhất đều có vấn đề thì làm sao đảm bảo sẽ có sách tốt cho học sinh học sinh?
5) Cải cách không phải là phá bỏ hoàn toàn những cái cũ.
Cuộc sống thay đổi, khoa học phát triển, nhận thức của con người cũng thay đổi thì chuyện cải cách giáo dục (CCGD) cũng là cần thiết. Tuy nhiên, khi nào thì cải cách và cải cách thế nào lại hoàn toàn không đơn giản. Tôi rời khỏi ngành giáo dục của Việt Nam cũng đã gần ba chục năm nên không dám lạm bàn nhiều về vấn đề này. Qua câu chuyện Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều tôi có cảm nhận những người làm CCGD có quan niệm cải cách tức là đập đi cái cũ, làm lại cái mới từ đầu. Quan niệm này không đúng. CCGD phải mang tính kế thừa, phát triển và cập nhật cái mới nhưng phải giữ lại được những điều tốt đẹp của cái cũ. Những cái hay, cái đẹp (mà không bị lạc hậu) của những bộ SGK cũ đã bị vứt bỏ để thay thế bởi những cái mới đầy rẫy bất cập mà Tiếng Việt 1 của Cánh Diều là một ví dụ. Mất rất nhiều tiền để cải cách là để tốt lên chứ không phải để tồi đi!
Qua những gì đã phân tích trong bài, có mấy ý kiến sau để mọi người cùng suy nghĩ:
- Thu hồi lại bộ SGK Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều, hoàn lại tiền cho các cha mẹ học sinh, những người đã mua phải sách kém chất lượng (nhiều nước có cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ thực hiện chức năng này).
- Rà soát lại một lần nữa tất cả các bộ SGK đã qua thẩm định.
- Xây dựng bộ tiêu chuẩn thực nghiệm (qui mô, đối tượng thực nghiệm, đánh giá …). SGK muốn được đưa vào sử dụng phải vượt qua 2 vòng: thực nghiệm có nghiệm thu khách quan và thẩm định bởi Hội đồng nghiệm thu quốc gia.
- Xây dựng các tiêu chí khách quan để chọn lọc thành viên cũng như đánh giá kết quả công việc của các Hội đồng thẩm định. Những hội đồng làm không tốt thì xem xét, thay thế thành viên mới hay lập lại hội đồng. Các hội đồng thẩm định cũng phải có trách nhiệm với công việc của mình.
Đây chỉ là ý kiến cá nhân để mọi người cùng suy nghĩ, hy vọng sẽ các cơ quan và những người có trách nhiệm sẽ xem xét để làm tiếp theo thế nào cho đúng. Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để đất nước phát triển bền vững rất cần một nền giáo dục tử tế.
Một bộ SGK mà có phần lớn các bài tập đọc được sao phỏng từ các chuyện ngụ ngôn nước ngoài, nội dung liên quan đến thói hư tật xấu, hành văn cộc lốc, từ ngữ ngô nghê liệu có chỉnh sửa được không? Thay lại toàn bộ nội dung bộ sách bằng cách nào?
Boristo Nguyen.
Moscow, 20-10-2020
http://www.viet-studies.net/Boristo_ThayGiSGK.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét