Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Nhân - quả!

Nhân - quả!
Vợ chồng con Ba chỉ có một đứa con gái nên gả bắt rể. Chồng của Ba bị bệnh ung thư đại tràng, nằm một chỗ ốm yếu và xanh xao vàng vọt. Bà gớm. Về đó năm ngày bà chưa một lần ngó qua chứ đừng nói tới việc hỏi thăm. Con gái Ba bất mãn nói với mẹ trước mặt bà ngoại:
- Ngoại tới mấy ngày sao con không thấy ngoại hỏi thăm ba hả mẹ?
Ba đưa mắt ngó sang bà, bà lãng nhìn sang chỗ khác. Nó nói tiếp:
- Nếu như ngoại ghê tởm ba con và sợ bị lây thì ngoại nên dọn qua cậu Tư ở đi. Ở đây chỉ làm ngứa mắt ngoại thôi mà mẹ cũng không có thời gian chăm sóc ngoại nữa.

Bà xoay lại, quắc mắt nhìn nó:
- Mầy đuổi tao hả?

- Con không dám. Nhưng ngoại làm vậy ba con tủi thân nên con phải nói thôi.
Bà giận con Ba không lên tiếng bênh vực mẹ một câu nên đùng đùng soạn đồ xách gói đi. Ba cũng không cản lại chỉ dắt xe ra định chở bà nhưng bà gạt ngang không cần. Ra trước cửa bà ngoắc xe ôm đến nhà thằng Tư cách đó 20km.

Đến nhà thằng Tư thì trời cũng vừa tối. Tư hết hồn khi trông thấy mẹ. Bà khóc bù lu bù loa kể lể là con của con Ba đuổi xô bà. Tư lắng nghe rồi nói:
- Không lý nào vô cớ mà nó làm vậy. Để con gọi điện hỏi chị Ba.
- Mầy hỏi thì nó phải binh con của nó rồi.

Cuối cùng chắc có lẽ vợ chồng thằng Tư cũng biết nguyên nhân nhưng bà cũng không thấy chúng nói gì.

Vợ chồng thằng Tư nhà cao cửa rộng. Thằng chồng làm việc cho công ty của bạn nó còn vợ có một shop quần áo vải vóc buôn bán phát đạt. Con trai của họ đã lấy vợ và có một đứa con nhưng do công việc làm nên không ở chung với ba mẹ. Bà ở nhà một mình ban đầu cũng thấy thoải mái, đồ ăn thức uống, trái cây ê hề bà gặm nhấm suốt ngày thật sướng như tiên. Chỉ cần mở miệng thèm ăn gì là chiều lại con dâu mua đem về. Nhưng chỉ trong vòng hai tháng thì bà lại cảm thấy chán, lúc nào cũng nghĩ mình như đang ở tù. Đám con cuối tuần gom lại hỏi han mẹ vài câu là bày ra ăn uống nhậu nhẹt. Thật ra chúng chỉ đến để chơi bời vui vẻ chụp hình đăng phây bút phây biếc gì đó chứ có ai chính thức quan tâm bà.

Buổi sáng con dâu mua đồ ăn cho bà. Trưa bà phải tự nấu cơm ăn. Quen được người khác hầu hạ giờ phải nấu cơm, làm đồ ăn thiệt là bực bội nên bà xin tiền thằng con trai để tự ra ngoài ăn. Thằng Tư cũng cho tiền mẹ nhưng căn dặn rất kỹ là nhớ khóa cửa trước khi đi và nhớ đến tiệm cơm gần nhà chứ đừng đi xa. Bà cũng hứa chắc chắn với nó.

Ban đầu thì đúng như vậy, sau đó mỗi khi đi ăn uống no say về, bà chỉ muốn treo trên giá võng cho nhanh nên không thèm khóa cửa nữa mà chỉ khép hờ. Hậu quả là trộm vào khoắn mất của thằng Tư cái ti vi màn hình mỏng 40 inch. và quan trọng hơn là cái vi tính bàn thằng Tư lưu bao nhiêu dữ liệu quan trọng của công ty. Vợ nó mặt nặng mày nhẹ, không nói câu nào với bà mà theo chì chiết chồng. Bà tủi nhục nên lại giả đò ngất xỉu để thứ nhất là rời khỏi nhà thằng Tư, thứ hai là được vào bệnh viện.

Bà nói cơ thể bà đã suy nhược lắm rồi do ở trong nhà con Ba bị lây nhiễm vi trùng ung thư của thằng chồng nó, đã vậy còn bị thằng Tư nhốt trong nhà không thường xuyên vận động nên cơ thể không còn nhanh nhẹn tráng kiện như xưa. Than thở kể lể mà chớ hề có đứa nào quan tâm mà còn kêu bà đừng nói vậy chị Ba buồn. Bạn bè của vợ chồng thằng Tư toàn là người giàu có nên khi họ đến thăm, bà có một số tiền kha khá và dứt khoát không bỏ ra một xu để tính tiền viện phí.

Thấy bà vẫn bình thường, buổi tối con bà thay nhau đến ngủ với mẹ còn ban ngày bà ở bệnh viện một mình. Thà vậy chứ chúng trực ở đây cứ cho bà ăn cơm từ thiện suốt, đám quỷ sứ đó sợ tốn tiền nên xin cơm từ thiện mà đồ bố thí ăn cho có ăn chứ có dinh dưỡng gì, có ngon lành gì. Trưa bà đành móc tiền túi xuống căn tin bệnh viện muốn ăn gì thì ăn. Tiền của bà bây giờ ăn cả năm cũng chưa hết.

Bác sĩ điều trị cũng đã nhẵn mặt bà. Ông biết bà không bệnh gì nhiều chỉ là nhõng nhẽo với các con thôi nhưng không tiện nói ra. Nhìn cách sinh hoạt của bà ông cũng đoán ra vấn đề nên cứ cho xuất viện mà lần nào bà cũng năn nỉ xin ở lại. Những bệnh nhân chung phòng bắt đầu xì xầm bàn tán về bà. Nhưng Công Tằng Tôn Nữ Bạch Tuyết có bao giờ quan tâm đến dư luận đâu nà?

Lần xuất viện nầy về bà đến ở với vợ chồng con Năm.

Con gái duy nhất của Năm mới có chồng nên chưa có con, đang mang thai đâu ba bốn tháng gì đó và vợ chồng cũng đi làm. Chồng Năm là trưởng phòng kế hoạch công ty của người Nhật, con vợ làm chung bên bộ phận nhân sự nên lương bổng của chúng cũng thuộc dạng cao ngất trời. Nhà Năm có người làm, đó là chị bà con xa của chồng con Năm cũng đã lớn tuổi. Năm hy vọng mẹ mình sẽ có người bầu bạn cho đỡ cô đơn.
Nhưng con Năm thật sự không hiểu mẹ. Trong mắt bà, người làm là người làm, đứa ở đợ không thể nào là bè bạn với chủ được. Ỷ quyền làm mẹ, bà sai bảo chị Ti đủ thứ chuyện. Nhà chỉ có hai người, bà không thể nào ăn cơm chung với đứa ở đợ nên bắt chị dọn cho bà một mâm ăn riêng. Bao giờ bà ăn xong chị mới được tiếp tục ăn phần thừa đó. Nhưng bà ăn dữ quá phần thừa còn lại gì? Cũng quen sống với vợ chồng Năm và được họ xem trọng nên chị Ti bới cho mình tô cơm ăn riêng. Bà chanh giấm đủ điều khiến chị nước mắt chan cơm.

Được sáu hôm thì chị Ti xin nghỉ.
Vợ chồng Năm hiểu hết, họ năn nỉ, xin lỗi chị và cũng khuyến cáo mẹ mình. Bà nhớ lại những ngày ở nhà thằng Tư mà sợ, sợ không ai lo cơm nước cho mình nên cũng im. Im chứ không nhìn nhận mình quá đáng.

Rồi bà không nói gì tới chị Ti nữa. Giờ cơm thì dọn riêng cho bà, ăn xong bà bỏ nguyên hiện trường đó trèo lên võng xem phim ti vi. Nhàn nhã và sảng khoái.

Buồn, không biết làm gì cho qua ngày, bà xuống bếp lục lọi kiếm gì ăn cho đỡ buồn miệng. Thấy nồi thịt kho tàu đỏ au bà thèm. Đưa tay bốc một cục lên võng ngồi ăn. Chị Ti đi đâu đó không có ở nhà. Ăn xong vẫn còn thèm, bà xuống…làm thêm cục nữa. Đến khi vợ chồng Năm về, nồi thịt kho không còn được phân nửa.

Chị Ti điếng hồn. Nhà không có nuôi mèo chó gì hết mà nồi thịt chị đậy kín cũng không thể là chuột. Nhưng nếu như bà ăn thì cũng chỉ vài cục thôi lẽ nào nồi thịt hơn ba ký lô bây giờ chỉ còn hơn ký?

Chị rù rì với Năm. Năm vốn tin tưởng chị và biết cái sự ăn của mẹ mình hoàn toàn khác người ta nên khuyên chị đừng nói ra. Bà lại nghĩ họ không phát hiện được nên đắc ý lắm.

Bà ăn vụng suốt, có món gì ngon là bà bốc nhưng chị Ti cũng không vạch mặt bà.
Cho đến một ngày, chị lột tôm càng kho tàu, con tôm gạch đỏ au, cong vòng nằm trông nồi khêu gợi bà một cách kỳ cục. Bà đâu biết nhà có tổng cộng sáu người nên chỉ có sáu con. Bà ăn một con, quá ngon rồi, bà ăn luôn con thứ hai. Chị Ti phát hiện, hết hồn bèn bỏ vào tủ khóa lại. Bà đi tìm khắp bếp không thấy, giận run. Trên bếp có chão thịt bò xào củ hành tây, bà đứng bốc ăn một cách ngang nhiên. Chị Ti lên tiếng:

- Bà ơi, bà để chiều ăn cơm cho ngon. Bà ăn vầy no rồi sao chiều ăn được nữa?
- Ủa? Tao ăn sao tao ăn mầy có quyền nói sao?

- Vì con nấu cơm. Bà ăn trước vầy hụt phần chiều rồi con nói sao với chú thím nó đây? Như tôm vậy nhà sáu người bà ăn vụng hết hai con rồi chiều sao đủ chia?
- Thì coi như tao ăn trước phần tao. Mầy ở đợ cũng được ăn tôm kho tàu, cũng được tính chia phần nữa sao?

- Bà cứ mở miệng ra một ở đợ hai ở đợ, con không làm nữa thì tội nghiệp vợ chồng tụi nó mà làm thì chịu bà không nổi rồi.
- Tội nghiệp khỉ khô. Làm ở đây ăn sung mặc sướng còn được trả tiền công. Mầy cũng lợi dụng lòng tốt của tụi nó chứ nghĩa lý gì đó.

- Những lời nầy con sẽ nói lại cho chú thím nó nghe và con xin nghỉ.
- Muốn nghỉ thì nghỉ đừng đổ thừa cho tao à.
- Có bà sẽ không có con.

Bà thốn. Bà biết tụi nó cần con nhỏ nầy hơn cần bà. Và nếu như không có nó bà cũng sẽ không có những món ăn ngon. Ở chỗ nầy thoải mái đầy đủ như vầy nếu như đến với con Sáu thì sao? Bà lắc đầu, không dám nghĩ tiếp.

Nhưng bà không thèm năn nỉ con ở nầy vì bà nghĩ nó cần chỗ làm. Vừa được ăn uống đầy đủ vừa có tiền lương, được chủ coi trọng dại gì mà nghỉ làm. Dè đâu tối lại chị Ti lên mếu máo với vợ chồng con Năm một hai đòi nghỉ. Hỏi riết chị khai sạch bách nào là bà ăn vụng đồ ăn hoài chị sợ có ngày mang tai tiếng xén bớt đồ ăn gửi về nhà. Nào là bà cứ luôn miệng gọi chị là con ở đợ nầy con ở đợ nọ. Chị đã chịu nín nhịn lắm rồi nhưng vẫn không yên với bà. Chị nói bao nhiêu lần mẹ của chú Năm tới chơi, lúc nào cũng vui vẻ phụ chị một tay mặc dù chị kêu bà cứ ngồi đó. Con Năm hoảng hốt nhìn mẹ còn chồng nó hờ hững ngó qua bà rồi từ tốn nói với chị Ti:

- Tụi em cần chị. Bây giờ chị bỏ tụi em chẳng lẽ chị hết thương tụi em rồi sao? Mẹ ở đây cũng dăm ba bữa chơi thôi chứ đâu có ở hoài được vì mẹ có con trai mà.

Chị gạt nước mắt nói:
- Vậy chừng nào bà đi thì tui sẽ lại phụ với chú thím tiếp tục.
Con Năm nắm tay bà, van xin:
- Mẹ nói câu gì với chị Ti đi mẹ. Để chị bỏ đi tụi con rối lắm mẹ biết không?

- Nói câu gì? Nó muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ liên quan gì tao? Sao chuyện gì cũng đổ thừa tao hết vậy?

Thằng chồng dám gan nói với bà như vầy chớ:
- Mẹ ở đây mà không có chị Ti thì ai lo cơm nước cho mẹ? Sung sướng như bà hoàng mà mẹ còn muốn gì nữa? Nếu như mẹ thấy món ăn nào ngon hợp khẩu vị thì nói chị ấy múc ra cho mẹ ăn khơi khơi chơi cũng được, thiếu thì vợ chồng con nhịn. Chứ già cả rồi ăn uống bao nhiêu mà phải lén lút bốc vụng như vậy lớp trẻ nó khinh.

Mặt bà đơ ra. Cha chả là nhục. Cái thứ con rể gì đâu mà dám nói năng với mẹ vợ như vậy thì còn chi là tôn ti trật tự. Mà con Năm nó điếc hay sao để thằng chồng lăng nhục mẹ mình mà chớ hề lên tiếng bênh vực? Bà đứng phắt lên. Lẹ như điện, tru tréo:
- Tụi bây coi trọng con ở hơn mẹ mình vậy thì tao không cần ở lại đây làm gì nữa cho chướng mắt bây.

Bà tưởng chúng sẽ năn nỉ ĩ ôi bà ở lại. Nếu chúng nhượng bộ bà cũng sẽ nhượng bộ nói với con ở vài lời nhưng coi kìa, vợ chồng nó làm thinh. Bà vào lôi quần áo bỏ vô valy, cái valy đã theo bà đi cùng trời cuối đất, có hai bánh xe, bà kéo chúng te te đi ra phòng khách có đủ mặt vợ chồng, hy vọng chúng sẽ cản bà lại mà con Năm nói vầy mới chết:

- Vậy thôi mẹ tạm thời về ở với Sáu đi, chờ con năn nỉ chị Ti xong thời gian nữa chỉ nguôi ngoai con đón mẹ về chơi hén?
Vậy là xong. Nó kêu Honda ôm chở bà lại nhà con Sáu chứ cũng không đích thân đưa bà đi.

Nhà con Sáu cũng thuộc về nhà quê như thằng Út. Vách tường nhưng nền gạch tàu. Chồng con nó đi làm, nó ở nhà giữ cháu nội, con của vợ chồng thằng con. Thằng cháu lớn được ông nội đưa đi học và rước về còn đứa cháu gái mới ba tuổi được bà nội chăm. Con gái của Sáu có chồng xa nên cũng ít khi về nhà.

Sáu không bất ngờ khi thấy mẹ tới vì Năm đã điện thoại nói trước rồi nên cũng vồ vập mừng rỡ. Chỉ có hai mẹ con nên vừa vào tới nhà bà ngả lăn lên võng đưa vù vù kể khổ đủ thứ. Nào là con ở coi thường, thằng chồng con Năm rẻ rúng, con Năm bất hiếu…lung tung. Sáu hiểu mẹ mình quá mà nên cười cười:

- Thì thôi. Bây giờ tạm thời mẹ ở với con, có gì ăn nấy. Chỉ sợ nhà con nghèo không được như mấy anh chị lo cho mẹ đầy đủ.
- Tao đâu có quan trọng miếng ăn mậy. Chủ yếu là tinh thần thoải mái chứ già cả rồi ăn uống bao nhiêu.

Bà ở nhà Sáu được mười ngày. Mọi việc vẫn bình thường vì người luôn trực tiếp bên cạnh bà là Sáu. Vợ chồng thằng cháu ngoại không niềm nỡ cũng không bạc đãi bà. Chồng Sáu thì kín như bưng bà không thể nào tiếp cận được. Nghĩ cũng buồn cười, cũng nghèo xơ xác chứ phải giàu có sang trọng như chồng con Năm đâu mà chảnh quá xá. Nó không nói tới bà thì bà cũng đắm đách tới mặt nó.

Ở được chừng nửa tháng bà biết con Sáu mắc nợ ngân hàng tới lượt đáo hạn, vợ chồng nó chạy sấp chạy ngửa vay mượn để trả rồi vay lại. Trong túi bà đầy ứ tiền nhưng dứt khoát không đưa ra. Bà khôn lắm chứ, tụi nó biết tiền của bà nếu như không trả lại bà nằm vạ được sao? Con Sáu thủ thỉ mượn tiền bà nhưng bà từ chối thẳng thừng nói chỉ còn chút đỉnh để hộ thân. Nó thề sau khi vay lại sẽ trả liền cho mẹ nhưng bà lập trường cứng rắn. Cuối cùng chồng Sáu phải cầm đỡ chiếc Honda làm chân và mượn thêm của công ty mới đủ đáo hạn. Những ngày xe bị kẹt trong tiệm cầm đồ, hai cha con phải đưa rước nhau đi làm.

Sau lần đó, ngoài Sáu ra ai cũng lạnh nhạt với bà. Bà muốn đi lắm rồi nhưng chưa tìm ra cớ.

Bà không ưa hai đứa cháu nội của Sáu. Nói chung, bà không ưa con nít ngay cả những đứa bà sinh ra. Thậm chí khi nó ngủ, Sáu nhờ bà vừa coi ti vi vừa đưa võng giùm để đi nấu cơm bà cũng bỏ cho võng dừng lại vì ghét. Mà con nít thì hay thái mái, nó đeo theo bà bị bà xô ra nó càng xâu vào. Bực mình bà đánh vào vai nó thì nó đốp lại lưng bà. Cứ nó đánh bà một cái rồi ré lên cười nắc nẻ là bà la lên:

- Nó đánh tao cà, nó đánh tao gần chết luôn cà.
Sáu cười:
- Con nít nó giỡn mà mẹ.
- Con nít quỷ đánh tao gần chết mà giỡn gì. Coi chừng tao ngắt họng nó à.

Sáu phật ý:
- Mẹ đừng nói vậy ba mẹ nó nghe được buồn.
- Mầy sợ ba mẹ nó buồn còn kệ mẹ tao hả?
- Trời ơi có gì lớn lao đâu mẹ ơi.

- Vậy mà không lớn lao. Thôi tao không ở với mầy nữa, đưa tao lại nhà thằng Bảy đi.
- Bởi, mẹ vậy không hà. Tới đâu khi đi cũng cố tình gieo tiếng oán cho con cái. Vậy mai mốt làm sao mà mẹ trở lại được nữa. Riết con nít ba tuổi mà mẹ cũng kiếm chuyện với nó được.

- Đừng có dạy đời tao đó. Tao là mẹ mầy, đầu tao có sạn rồi mầy biết chưa?

Sáu phang mấy câu làm bà choáng váng mặt mày:
- Nếu mẹ chết trước, bây giờ cha con hạnh phúc biết bao nhiêu. Thằng Út nó cũng không khổ như bây giờ. Ở nhà thờ mà nghèo nhất trong chị em. Cha con còn tụi con sẽ xúm xít tới lui chứ không phải như mẹ.

- Lũ bất hiếu còn giở giọng trầu cau. Ổng hơn tao cái gì?
- Cái gì cũng hơn. Nhất là tình thương đối với con cái.

- Cũng do cái lũ chó của tụi bây, gạt gẫm lấy nhà của tao nên bây giờ tao phải tha phương cầu thực như vầy nè. Trời phật cũng dòm ngó tụi bây à.
- Mẹ rủa tụi con đó hả? Tha phương cầu thực. Mẹ có động móng tay để lo bữa cơm sao?

- Trời ơi mầy trả lời tao từng tiếng vậy hả?

- Con nói giùm các anh chị thôi. Mẹ đối xử với ảnh chỉ ra sao tự mẹ suy nghĩ đi. Bây giờ mẹ muốn thì con đưa mẹ lại nhà thằng Bảy. Nhưng thằng Bảy bây giờ đi công tác cả tháng mới về. Hai đứa con nó học đại học ở Sài gòn hết chỉ còn vợ nó ở nhà. Nhưng vợ nó làm bên hội phụ nữ nên cũng đóng cửa đi suốt. Mà ngày thường mẹ lại đó cũng không ai hầu hạ cơm nước cho mẹ đâu. Vợ chồng nó ăn cơm ngoài là thường vì hết vợ tới chồng đi công tác dài hạn liên miên. Nhà thằng Bảy và con Chín là mẹ không ở được rồi đó nếu như mẹ không tự lo được. Bây giờ chỉ còn nhà con Tám thôi.

- Thì tao lại nhà con Tám. Tao chán ở nhà mầy rồi. Sau nầy có đi ăn mày cũng không thèm quay lại.
- Mẹ thích nói những câu cho người khác đau lòng. Con là con của mẹ nghe còn bất nhẫn đừng nói chồng con.

- Tao biết, tụi bây thù tao vụ tao không cho mượn tiền. Cũng may tao còn sáng suốt chứ không thôi lọt họng bây rồi.
- Mẹ ôm tiền trong mình thì mẹ tự bỏ ra mua đồ ăn. Có đâu bo bo làm khổ con cái. Tiền nhiều như vậy không giúp cho thằng Út chút vốn liếng nó mua bán, để tiêu xài cho riêng mình, làm mẹ gì vậy hôn.

- Trời ơi mệt. Làm ơn đưa tao đi gấp cái.
Con Tám thì khá giả, có hiếu nhưng thằng chồng nó xưa nay vốn không ưa bà. Tám là người đã mua hai công đất ruộng của bà. Tám có một đứa con trai duy nhất đang học cao đẳng nên nhà chỉ có hai vợ chồng. Vợ chồng lại làm chung cơ quan nên ung dung nhàn hạ. Chồng Tám vốn dưới màu vợ nên nó chăm sóc mẹ ruột thoải mái vô tư không bị chồng mắc mỏ. Tính Tám thích ngăn nắp sạch sẽ nên nhà cửa trước sau gọn hơ. 

Biết mẹ mình tính tình kỳ quặc không ở được với ai nên cũng ra sức chăm sóc, một phần cũng để xã hội nhìn vào mà khen nên nó tắm gội cho bà hàng ngày. Bánh trái chất đầy tủ lạnh để khi bà ở nhà một mình thì tha hồ mà ăn. Hôm nào bà than trong mình en en ngán cơm là nó chở bà đi tiệm ăn phở, ăn hủ tíu. Riết rồi sanh tật, cơm nhà bà không ăn hoặc ăn vài đũa rồi ngưng, Tám chở mẹ đi tiệm bà ăn một đĩa cơm sườn chả còn có cơm thêm. Tám vui vẻ đi khoe khắp xóm nhưng vô tình lại làm cho người ta cười chê bà.

Chỗ ở của Tám cách nhà cũ của bà cũng không xa mấy nên ít nhiều hàng xóm cũng nghe về bà. Người ta nể nang vợ chồng Tám vì họ biết điều với chòm xóm nên khi ở nhà một mình bà hay lại nhà chòm xóm chơi cũng được người ta quý trọng. Và chính vì được quý trọng nên càng ngày bà càng bộc lộ bản chất của mình.

Người ta mời gì bà cũng ăn. Mời cà phê cũng uống, mời trà cũng dùng, mời thuốc cũng hút. Sợ mang họa, người ta méc lại với Tám. Tám hiểu mẹ mình thích hưởng thụ sợ bị chê cười nên căn dặn bà ở nhà đừng đi đâu, nếu như buồn chiều về sẽ chở đi chơi. Bà ngoan được vài bữa rồi cũng thói nào tật nấy, răng rụng hết rồi nên mỗi khi Tám đi giỗ quãi đâu dám đem bánh ít về sợ mẹ nuốt không trôi nên cho nhà khác. Vậy là bà tới nhà đó, bánh ít còn để nguyên trong bọc bà cũng lôi ra ăn.

Tới lúc không cần có lời mời nữa rồi.

Chòm xóm bực mình đem chuyện đó méc lại với chồng Tám. Vậy là bà bị cấm cửa. Chồng Tám viện cớ nói bà cứ bỏ nhà đi hoài sợ xẩy ra mất trộm như ở nhà anh Tư.
Lại nói tới chuyện ăn vụng.

Lên bàn cơm bà cứ lấy đũa dụi dụi hoài không gắp thứ gì rồi ăn vài miếng cơm trắng là đứng dậy bỏ đi. Nhưng bởi vì trước đó ở dưới bếp bà đã bốc vụng nhiều rồi nhưng Tám im thinh vì sợ chồng biết. Mà không biết sao được khi đồ ăn thường là chồng mua. Nhiều lần như vậy và Tám cứ chở mẹ đi tiệm ăn hoài khiến thằng chồng bực mình, vợ chồng sinh ra tiếng bấc tiếng chì mà trước giờ chưa từng có.

Cho đến một hôm, mẹ chồng Tám đến thăm sui thì giọt nước làm tràn ly.

Bà sui tới thăm trong khi mình đang ở nhà con rể mà bà làm giống như sui gái đến thăm con dâu hèn hạ của mình vậy. Thái độ trịch thượng của bà đối với sui trai làm chướng mắt thằng rể bởi nó là Út nên mẹ nó lớn hơn mẹ vợ tới vài tuổi. Trong khi sui trai lom com phụ con dâu làm cơm thì sui gái nằm treo trên võng xem băng cải lương. Tám cứ đẩy mẹ chồng lên cùng xem với mẹ mình nhưng sui trai không chịu, nói bà hay làm quen tay rồi ở không không chịu được.

Dọn cơm lên, mời sui gái lại ăn. Vì hôm nay có sui kè kè dưới bếp nên bà không ăn vụng được và sui trai ở chơi vài hôm nên Tám cũng không thể đưa bà đi ăn tiệm, lại nữa vì có mẹ chồng nên bữa cơm hôm nay rất là thịnh soạn. Bà lên bàn, cắm đầu cắm cổ ăn không trả lời sui gia một tiếng sau câu “ Trong khi ăn không được nói chuyên” làm bà sui ái ngại.

Thằng rể thì tức ra mặt.

Hôm sau, vợ chồng nó đi làm. Bà sui trai quét dọn nhà cửa sân sướng, gom tàu dừa lôi lại chất đống, giặt quần áo cho cả nhà trong đó có cả quần áo của sui gái. Bà vẫn nằm trên võng chơi. Chợt nhớ ra, bà ngồi dậy nói:
- Có chị ở nhà trông nhà, tui đi chơi chút nhen.

Không chờ trả lời, bà liền đi tuốt.
Xui cho bà, thằng rể mua đồ ăn đem về. Thấy bà ngồi cười hô hố đàng nhà hàng xóm còn mẹ mình lui cui phơi đồ. Nó rút mấy bộ đồ của bà xuống quăng vô thau rồi cằn nhằn mẹ. Sau đó nó đi và tranh thủ về sớm. Nó giận run khi thấy bà ngồi trên võng ăn tô cơm đầy ứ cá thịt còn mẹ mình dọn lên bàn một tô canh một dĩa cá ngồi ăn một mình.

Đã vậy, trưa nó tranh thủ chạy về, ngang qua tiệm bán bánh xèo, thấy bà ngồi ăn mê say là nó đã tức rồi. Về nhà thấy mẹ mình lui cui nấu cơm cho cả nhà hỏi sao chịu được.

Khi Tám về. Chồng nó mặt chầm dầm chù ụ, cay cú:
- Bà hỏi mẹ bà coi đối xử với mẹ tui ra sao?
Tám xanh xám mặt mày:
- Chuyện gì hả anh?

- Mẹ tui lớn tuổi hơn mẹ bà. Lên nhà con trai chơi cốt là để thăm sui chứ đâu phải lên để hầu hạ bả? Bả đi chơi cười hố hố mẹ tui ở nhà giặt đồ cho bả. Bà coi, bả còn khỏe hơn mẹ tui mà mẹ tui phải nấu cơm cho bả ăn, vậy cũng không sao, nhưng sau đó bả bới một tô ăn riêng để mẹ tui ăn một mình, ăn xong ngồi đâu bỏ tô đó cho mẹ tui dọn dẹp. Có hai sui gia mà bả lén ra đường ăn bánh xèo bỏ mẹ tui ở nhà. Gì kỳ vây? Nhà của tui và mẹ của tui mà, tại sao bả đối xử kỳ vậy? Tui sợ hai bà già ở nhà không ai nấu cơm nên tranh thủ về sớm mới thấy cảnh đó. Thiệt là bất mãn sao đâu.

- Kỳ vậy mẹ?
- Ủa? Tao bắt chỉ giặt đồ nấu cơm sao? Mà nấu xong rồi, ai cũng lớn mạnh ai nấy ăn chứ có gì đâu mà bắt lỗi bắt phải? Tao có tiền muốn làm gì là quyền của tao chớ.

Tám khều mẹ:
- Thôi mẹ. Có hai sui gia ở nhà, dọn cơm lên ăn nói chuyện cho vui chứ có gì đâu mà ăn riêng như vậy?
- Ăn cơm không nói chuyện mầy.

Bà sui trai sợ lớn chuyện lật đật can thiệp:
- Thôi đi mà. Tại mẹ quen làm rồi ở không hổng được. Chuyện nhỏ xé ra to làm chi con?

Thằng chồng nghẹn ngào, nước mắt ứa ra:
- Để mẹ bị ức hiếp con tức lắm.

- Mẹ tự nguyện, không ai ức hiếp mẹ hết. Thôi bỏ đi con đừng để vợ chồng vì chuyện nầy mà xào xáo mai mốt mẹ ngại lên lắm.
Tám đứng dậy khoanh tay trước mặt mẹ chồng:
- Mẹ thương thì đừng giận mẹ con con đội ơn mẹ.

Bà nhảy dựng lên:
- Cái gì vậy? Cái gì mà phải xin lỗi chứ?
Chồng Tám hét lớn:
- Vấn đề ở chỗ bà không thấy bà sai.

Chết rồi, nó làm dữ rồi. Trong mấy đứa con mà bà đã ở qua, chỉ có nhà con Tám là bà cảm thấy thoải mái nhất, thậm chí chuyện tắm rửa bà cũng không cần phải lo. Bây giờ vợ chồng nó giận như vầy mai mốt làm sao còn ở được nữa? Làm sao bây giờ? Xin lỗi hả? Nhưng lỗi gì mà xin? Hay là xỉu? Ừ, xỉu đi. Xỉu thì có thể im chuyện mà bả cũng sẽ thấy có lỗi với mình.

Bà dịu ngoặt, ngã lăn ra đất. Tám ôm lấy mẹ khóc hu hu. Bà mừng rơn trong bụng, đáng đời cho mẹ con bây.

Nhưng tụi nó không đưa bà đi bệnh viện mà gọi bác sĩ tư tới. Càng khỏe, bà được nó đưa vào phòng nằm ngay ngắn trên giường nệm. Bà sui lăng xăng lích xích trách thằng con làm lớn chuyện chi để ra nông nổi nầy. Bà mắc nổi điên khi nghe nó nói “ Ôi, chết chóc gì, làm bộ thôi”. Bà cố nội cha mầy sao mầy biết tao làm bộ? Tám điện cho con Chín ở gần đó tới. Một phút ba mươi giây con Chín có mặt tại chỗ mà bác sĩ cũng chưa tới.

Thằng chồng con Tám cố ý, nó nói với mọi người:
- Móc túi lấy tiền của mẹ ra đi để một hồi xô bồ xô bộn mất không biết nguyên nhân nữa.

Phản xạ, bà đưa tay bụm lấy túi áo có cài kẹp kim tây cẩn thận. Thằng chó đó phá lên cười:
- Tui nói có sai sao? Làm bộ riết quen nết. Dậy đi bà ơi.

Bà mở mắt ra, Nhục.

Sau đó, khi vợ chồng Tám đi làm bà lại xách gói đi nhưng chưa biết đi đâu. Bà muốn trả thù thằng chồng nó. Thế nào nó cũng bị Tám chửi cho một trận rồi tới năn nỉ bà về. Nhưng đi đâu bây giờ? Đứa nào bà cũng ở qua rồi và đứa nào cũng ghét bà. Phải chi con nhỏ ở đợ đừng chứng thì bà ở với thằng Năm sướng cha thiên hạ. Mà cái bà sui quỷ quái tự nhiên ai mượn mò lên thăm. Ai mượn làm giọng siêng cho thằng con bả nóng ruột mà hổn hào với bà? Bây giờ nó phát hiện ra bà làm bộ xỉu rồi mai mốt nếu có vô bệnh viện chắc là bệnh thật mà trời ơi, bà đâu có chịu bệnh thật.

Đang đứng xớ rớ chưa có mục đích đến thì bà gặp con vợ bé xấu xí của chồng. Tự nhiên mụ ta lại khẩn khoản mời bà lại nhà chơi ít hôm. Bà nghi ngờ cái ngữ nầy lắm nè. Chỉ sợ mụ biết bà có tiền nên cố tình dụ bà lại ở để nhờ cậy. Nhưng bà dễ gì sập bẫy của mụ ấy. Bây giờ chưa biết đi đâu tạm thời cứ dẹp tự ái lại nhà mụ một lần thử coi. Mầy có gan ở với chồng tao thời trẻ tao không làm được gì mầy thì về già coi tao hành mầy nè.

- Tui bây giờ không có sức phụ làm gì với dì đâu nhen. Rước tui về như rước thêm cục nợ dì chịu nổi hôn?

- Trời ơi, em mừng còn không kịp. Chị cứ an tâm ngồi chơi, mọi việc em lo hết. Có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo nhen chị. Em bây giờ ở có một mình, con gái có chồng rồi. Chị em hủ hỉ với nhau cho đỡ cô đơn tuổi già.

Nói nghe đạo đức dữ. Tại bây giờ bà kẹt thế chứ bình thường hả? Còn khuya bà mới dòm tới bản mặt mụ ta.

Vậy là con vợ bé hí hửng kéo valy cho bà rước bà về nhà mình.

Nguồn . trên mạng

1 nhận xét: