Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Thủy điện nhỏ, tác hại lớn

Thủy điện nhỏ, tác hại lớn
SGGP 21/10/2020 - Để thủy điện nhỏ gây nhiều hệ lụy như hiện nay có trách nhiệm của chính quyền các địa phương và bộ ngành liên quan. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao trách nhiệm giữ rừng đã làm gì, ở đâu khi các dự án được cấp phép xây dựng công khai trong khu bảo tồn, giữa lõi rừng già dù đã có đủ chủ trương, chính sách bảo vệ rừng? Bộ TN-MT đã ở đâu trong vấn đề đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện nhỏ khi để xây dựng phải phá rừng, tận diệt khoáng sản, đe dọa đa dạng sinh học…? Bộ Công thương có kiểm tra, rà soát, đề nghị chính quyền địa phương loại bỏ những dự án không cần thiết? Bộ Xây dựng có kiểm tra, đảm bảo tính an toàn hồ đập tại các dự án thủy điện nhỏ và vừa? 
Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Nhưng đâu chỉ có thế! Hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

Tác hại của thủy điện nhỏ (dưới 30MW) không phải bây giờ mới được đề cập. Theo Bộ Công thương, sau khi có Nghị quyết 62 của Quốc hội (về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện), trong 8 năm liên tục (từ năm 2012 đến năm 2019), cơ quan này đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, loại khỏi quy hoạch 479 dự án thủy điện nhỏ, 213 vị trí tiềm năng thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang… Riêng từ ngày 1-1-2019 đến nay, Bộ Công thương chưa cho phép bổ sung các dự án thủy điện mới vào quy hoạch.

Tuy nhiên, trên thực tế, thủy điện nhỏ vẫn đang mọc tràn lan. Theo kết quả rà soát, đến nay, số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành phát điện là 342 công trình (tổng công suất 3.582MW), số lượng đang tiếp tục được thi công xây dựng là 158 dự án (2.122MW); khoảng 300 dự án (3.121MW) đang được nghiên cứu đầu tư; chưa nghiên cứu đầu tư là 69 dự án (hơn 622MW).

Đáng báo động hiện nay là tình trạng lách luật của địa phương và chủ đầu tư khi các dự án thủy điện được xé nhỏ để dễ dàng cấp phép, chấp thuận đầu tư. Theo quy định, chủ tịch UBND các tỉnh có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Vì thế, mặc dù “ở trên” đã loại bỏ gần 500 dự án và hơn 1 năm nay không bổ sung dự án mới vào quy hoạch nhưng “ở dưới” vẫn đang đua nhau điều chỉnh, bổ sung, cấp phép cho thủy điện nhỏ. Các thống kê cho thấy, cứ 1MW thủy điện là mất 10-14,5ha rừng. Trung bình mỗi dự án thủy điện nhỏ hình thành sẽ có 125ha rừng bị xóa sổ. Như thế, với hơn 500 dự án thủy điện nhỏ đã được phê duyệt như hiện nay, chúng ta đã phải đánh đổi 57.000ha rừng.

Để thủy điện nhỏ gây nhiều hệ lụy như hiện nay có trách nhiệm của chính quyền các địa phương và bộ ngành liên quan. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao trách nhiệm giữ rừng đã làm gì, ở đâu khi các dự án được cấp phép xây dựng công khai trong khu bảo tồn, giữa lõi rừng già dù đã có đủ chủ trương, chính sách bảo vệ rừng? Bộ TN-MT đã ở đâu trong vấn đề đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện nhỏ khi để xây dựng phải phá rừng, tận diệt khoáng sản, đe dọa đa dạng sinh học…? Bộ Công thương có kiểm tra, rà soát, đề nghị chính quyền địa phương loại bỏ những dự án không cần thiết? Bộ Xây dựng có kiểm tra, đảm bảo tính an toàn hồ đập tại các dự án thủy điện nhỏ và vừa?

Có lẽ, để kiểm soát được tình trạng ồ ạt cấp phép, đầu tư, xây dựng thủy điện ở các địa phương cần phải có một nhạc trưởng để chỉ huy, xử lý sai phạm. Việc này, Quốc hội cần phải vào cuộc để đưa ra nghị quyết về mục tiêu, giải pháp, nhất là thời hạn để kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Đồng thời nên quy định rõ, những dự án liên quan đến rừng, dù lớn hay nhỏ đều phải báo cáo Chính phủ, không nên giao lãnh đạo địa phương được quyền cấp phép, bổ sung các dự án thủy điện dưới 30MW vào quy hoạch. Nếu địa phương nào có nhiều thủy điện “nuốt” rừng thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược quốc gia năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định tinh thần phát triển có chọn lọc về thủy điện vừa và nhỏ, đẩy mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo. Do đó, cần kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện “cóc” gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, có nguy cơ mất an toàn để tránh lặp lại hậu họa trong các năm tới. Đồng thời cần phải truy cứu trách nhiệm những tổ chức và cá nhân cố tình lách luật để xây dựng thủy điện, tàn phá tài nguyên rừng để rồi gây ra những thảm họa môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của đất nước và tính mạng, tài sản của nhân dân.

VĂN PHÚC
https://www.sggp.org.vn/thuy-dien-nho-tac-hai-lon-692698.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét