Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Hà Nội: người dân ko ra khỏi nhà khi ko cần thiết

Hà Nội: người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch Covid-19
HNP - Ngày 14/8, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 3906/UBND-KGVX, về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. 
Thực hiện nghiêm các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Không có mô tả ảnh.
Theo đó, các đơn vị, địa phương phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND và BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố; không lơ là, chủ quan, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc phòng, chống dịch, đồng thời, phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nghiêm các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài cộng đồng; hạn chế tập trung đông người (không quá 30 người) tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Thành phố chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết; hạn chế tập trung đông người trong việc hiếu, hỷ; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; không để quán nước vỉa hè hoạt động.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách công cộng, lái xe và người trên xe phải đeo khẩu trang, bố trí dung dịch sát khuẩn và thực hiện vệ sinh sát khuẩn tay. Các phương tiện vận chuyển hành khách phải được vệ sinh khử khuẩn theo quy định.

UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị theo hướng hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người khi chưa cần thiết; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; tăng cường các hoạt động trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: khử khuẩn phòng họp, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn.

UBND các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì triển khai các tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng” ở các tổ dân phố hoặc thôn, bản và khu dân cư.

UBND thành phố giao Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính phải khẩn trương khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định; đồng thời tổ chức truy vết, xác định ngay các trường hợp F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế.

Các đơn vị, địa phương phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với các trường hợp từ thành phố Đà Nẵng và các khu vực có dịch của các tỉnh, thành phố khác (theo thông báo của Bộ Y tế) về từ ngày 15-7-2020; tổ chức cách ly với người đi từ vùng dịch về chưa qua 14 ngày; những trường hợp qua 14 ngày thì tuyên truyền, vận động người dân tự cách ly, làm việc tại nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Trường hợp thật cần thiết, khi ra ngoài phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Sở Y tế phải chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố về việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, phân tuyến điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý khu vực bệnh nhân nặng, người cao tuổi, người có bệnh lý nền; triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế cũng phải chủ trì rà soát, bổ sung các phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố để chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý theo đúng quy định. UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tại khách sạn, các cơ sở cách ly tập trung khác ngoài các cơ sở cách ly do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Du lịch, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát cơ sở cách ly tập trung, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Công an thành phố Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép; các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật; các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; không khai báo y tế, khai báo không trung thực; vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; thực hiện nghiêm khai báo tạm vắng, tạm trú để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ đi từ vùng có dịch về Hà Nội; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán trang thiết bị, vật tư y tế không đúng quy định.

Sở Công Thương cần rà soát các phương án dự trữ hàng hóa theo phương án phòng, chống dịch; tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vừa ổn định sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, người cao tuổi, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện. Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của thành phố phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về diễn biến tình hình dịch bệnh để nhân dân nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của thành phố và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Các sở, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ của UBND và BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch được giao.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch; tiếp tục vận động, chăm lo, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố; vận động, tổ chức tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch do các tổ chức, cá nhân tài trợ.

Minh Châu

https://hanoi.gov.vn/chidaodieuhanh/-/hn/t0gZB5w6V7Wh/2807/2839634/thuc-hien-ong-bo-cac-giai-phap-phong-dich-covid-19.html;jsessionid=41FH+PEfAEa4+c0DHTdzkSvR.app2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét