Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Bà Chánh Án

Theo thông tin trên fb của bác Vũ Thư Hiên, bà Lệ trong bài này là người thật, việc cũng thật. Chuyện xảy ra ở Nam Định quê ông. Bà Lệ bây giờ sống ở 95 Đội Cấn, Hà Nội. Cảm phục về những con người có tâm thời bao cấp; hồi đấy có nhiều người như bà Lệ lắm. Bây giờ đồng tiền và quyền lực làm con người tha hóa. Đồng cảm với kết luận của bác Hiên, các quan toà bây giời không còn người nào muốn tìm hiểu những người họ phải xử là ai, tại sao họ đã làm thế? Các quan toà thời hiện đại giống như những robot đã được lập trình, họ chỉ việc thực hiện những gì mà chủ nhân ra lệnh. Cho nên rất nhiều người chỉ thực hiện quyền công dân theo đúng hiến pháp lũ lượt vào tù. "Thứ chánh án tôi gặp ngày xưa đã tuyệt chủng".
Bà Chánh Án
fb Vũ Thư Hiên
Ông chủ nhiệm đặt tay lên vai tôi:
- Ta cần một bài về tư pháp. Anh đi đâu thì đi, miễn có bài. Nhân tiện, anh làm cho tôi một bài về đồng muối.
Ông nói, giọng ân cần, kèm một tiếng thở dài. Chắc ông lại bị nhắc nhở rồi, tôi nghĩ. Người nhắc nhở ông không phải cấp trên trực tiếp của toà báo, là Ban Tuyên giáo trung ương, mà là ông tổng bí thư đảng, con người ngũ đoản với những ngón tay mũm mĩm ông từng được bắt.
Ảnh minh họa
Ông gày, gương mặt khắc khổ, lưỡng quyền cao, da xạm, cặp mắt hấp him dưới hai hàng lông mày có nhiều sợi bạc. Cả con người ông xụm xuống cho tôi thấy ông đang lo lắng. Nhìn ông mà thương. Cấp dưới thương cấp trên là bất kính. Nhưng trong tôi, vào phút đó, không có cảm giác nào khác.

Tôi có hân hạnh được biết ông tổng bí thư. Tôi biết cả những thói quen của ông ấy. Có thể ông ấy chẳng hề nhắc nhở gì mà chỉ buột miệng nói ra một ý nghĩ chợt đến. Những ý nghĩ như thế nhiều. Cấp dưới coi lời ông nói là mệnh lệnh và họ răm rắp thực hiện, y hệt ông chủ nhiệm của tôi lúc này.

Tôi không quen ai trong ngành tư pháp để vấn kế. Đành ném mình vào may rủi – về tỉnh lỵ quê hương, ở đó tôi có thể tìm ra giải pháp. Quê tôi lại có đồng muối, một công đôi việc.

Một người quen khuyên tôi:

- Anh nên gặp bà Lệ, chánh án. Bà này lạ. Thú vị lắm.

Người tôi gặp không giống bất cứ vị chánh án nào tôi có thể hình dung: một người đàn bà tầm thước có gương mặt hiền hậu, cặp mắt bồ câu, tóc búi củ hành. Trong cái áo sơ mi nữ, quần ta tăng đen, bà Lệ có dáng một nữ cán bộ, không phải một quan toà. Người như bà nhan nhản ngoài phố.

Tôi nói tên người giới thiệu.

- Anh là nhà báo à? – chị Lệ vui vẻ hỏi – Để tôi xem nên đặt anh ngồi chỗ nào tiện cho việc quan sát…

Chị kê cho tôi một cái ghế ở bên trái, cách hơi xa bàn của chị, phía dưới bục một sân khấu mượn tạm dùng làm toà án. Ban ngày, rạp hát không bật điện, nhưng từ chỗ ngồi của mình tôi có thể nhìn rõ bà chánh án với hai thẩm phán cũng trong quần áo dân thường, y như bên nguyên và bên bị, hai tay chắp trước bụng, ở bên dưới.


Tôi phải nói ngay rằng câu chuyện được kể ở đây thuộc về một quá khứ xa lơ xa lắc, tận những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Nó lạ, nói cách khác nó hơi kỳ kỳ, nhưng tôi kể đúng như tôi thấy, tôi không bịa.

Cái toà án này không ra của tỉnh lỵ, cũng chẳng phải của thành phố. Là nói về chức năng và quyền hạn của nó. Ở “trên” người ta đang bàn bạc, người ta còn lưỡng lự, chưa quyết đô thị của chị là cái gì. Nó to hơn tỉnh lỵ, nhưng chưa đủ lớn để gọi là thành phố.

- Toà của tôi là toà hoà giải – chị nói – Không có vụ nào lớn cho nhà báo đâu.

- Tôi đâu có tìm án lớn – tôi phân trần – Tôi được phân công viết một bài về hoạt động của ngành tư pháp, không phân biệt các thứ toà, các thứ án.

Vụ án đầu tiên tôi được xem là vụ vợ chồng xô xát. Chị vợ bị chồng đánh có giấy chứng thương do bệnh viện tỉnh cấp. Theo giấy này thì người vợ bị một vết thương ở trán, dài 12 cm, phải khâu 9 mũi.

Nghe hai bên trình bày xong, bà chánh án thì thào một lúc với hai thẩm phán rồi bằng giọng nhỏ nhẹ tuyên hai năm tù giam cho người chồng.

Một anh chàng mặt vuông chữ điền, vừa nghe dứt lời bà chánh án quay phắt về vợ, chỉ tay xỉa xói:

- Mày dỏng tai lên mà nghe ông truyền đời báo danh cho mày biết, mày kiện ông đi tù thì ông đi tù, ông cóc sợ tù, ra tù ông lấy con khác. đừng có hòng ông về ở với mày, nghe rõ chửa?

Người vợ, quần áo lôi thôi lếch thếch, lao đến bục sân khấu, bám chặt hai tay vào đấy, nước mắt nhoè nhoẹt, bù lu bù loa :

- Con cắn cỏ con lạy toà. Con nghe người ta kiện nhà con, con tưởng toà chỉ dạy bảo anh ấy để anh ấy đừng bắt nạt con, chứ toà bắt anh ấy đi tù thì một mình con làm sao nuôi nổi mấy đứa con dại, hu hu!

Bà chánh án suy nghĩ một lát rồi nói:

- Toà ghi nhận ý kiến của chị. Toà sẽ xem xét rồi xử lại.

Người chồng mặt hằm sải bước ta cửa. Người vợ lật đật chạy theo.

- Lôi thôi lắm, anh ạ - chị giải thích cho tôi - Không biết luật các nước khác thế nào khi xử những vụ xô xát trong gia đình, chứ luật của ta chồng đánh vợ chỉ có thể xử theo một điều duy nhất “đánh người thành thương”. Trước khi xử tôi đã nghe hàng xóm nhà ấy kể, anh chồng có tính vũ phu, anh ta xô vợ ngã vào thành giường làm chị ta sứt trán, máu chảy dòng dòng. Các bà trong hội phụ nữ chạy đến, lôi tuột chị ta đến bệnh viện, bắt tay bác sĩ lập chứng thương để chị ta kiện chồng. Các bà mà nổi sùng thì Tây cũng phải sợ. Tay bác sĩ nể, phải nói là sợ mới đúng, làm ngay cái giấy chứng thương theo ý các bà, như anh thấy.

- Và chị tuyên án căn cứ cái chứng thương ấy?

- Tôi tuyên làm phép thôi – chị nói, thản nhiên - Cho các bà ấy bằng lòng.

Tôi ngẩn người:

- Tôi nói khí không phải, nhưng như thế là chị lừa các bà?

- Không phải. Không có chuyện lừa đảo ở đây. Nhưng phải có phép, anh ạ.

- Phép là thế nào?

Chị nhìn tôi như nhìn một người mắc bệnh tâm thần.

- Tức là phải mưu mẹo, không thể thẳng đuột, mà phải đi loanh quanh, phải đi vòng vèo, sao cho mấy bà không nổi đoá với toà, đồng thời vừa lòng cả chồng cả vợ đang phải phân xử. Xử nặng trước cho các bà hài lòng, rồi sẽ hoà giải hai vợ chồng trong một phiên khác khi cơn nóng của các bà đã hạ hoả, mình mới tránh được làm một gia đình tan vỡ. Phép là thế.

- Hay nhỉ! – tôi không biết nói gì hơn.

Tôi chán theo dõi mấy phiên toà sau. Tôi đi lang thang trong cái tỉnh lỵ mà ở tuổi ấu thơ tôi được lẽo đẽo theo mẹ đi thăm mấy bà bạn.

Tôi gặp lại thì chị Lệ trách:

- Anh đi đâu, tôi tìm không thấy?

Tôi xin lỗi, nói thác rằng tôi còn phải lấy tài liệu về hoạt động của nhà máy sợi, cơ sở công nghiệp duy nhất của tỉnh.

- Lẽ ra anh phải theo dõi để biết vụ ấy rồi ra sao.

- Nó rồi ra sao?

- Tôi gọi anh chồng đến tâm sự một buổi.

- Như thế hình như không phải chức năng của toà, theo tôi hiểu – tôi nói – Toà án chỉ xử theo chứng cứ, không được tiếp xúc với người trong vụ việc để không bị ảnh hưởng.

- Đúng là thế. Nhưng như thế lại chưa đúng, anh ạ. Phải bằng nhiều cách tìm hiểu ngọn ngành, cho dù có sai với quy định.

- Cái này thì, thú thực, tôi không hiểu.

- Tôi bảo anh ấy: “Vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường. Không cãi nhau mới là không bình thường. Chẳng ai tự dưng cãi nhau với người qua đường. Cãi nhau là một xác tín rằng hai người là vợ chồng. Nhưng đánh vợ là không được, là phạm luật”. Anh ta cãi: “Em đâu có đánh, em có xô cô ấy ngã, mới ra chuyện”.

- Ờ, rồi sao?

- Anh ta tỏ ra ân hận.

- Rồi sao nữa?

- Xin lỗi vợ. Vợ rút đơn. Hoà.

Mấy hôm sau, chị kể:

- Họ còn mời tôi đến nhà ăn cơm đấy. Một bữa ngon tuyệt. Rạm rang. Đúng kiểu nhà quê.

- Quan toà không nên đến nhà bên nguyên hay bên bị ăn cơm, cho dù họ chèo kéo.

- Anh quan liêu bỏ mẹ. Xoá nhoà khoảng cách giữa toà án với dân chúng mới là điều nên làm.

Tôi im. Tôi không có vốn liếng hiểu biết về tư pháp để tranh cãi. Nhưng tôi không mấy đồng tình với chị. Nếu toà án và dân chúng không còn khoảng cách thì còn gì là pháp luật. Toà án không thể là cái để người ta yêu. Nó phải là cái để người ta sợ.

- Hoài của – chị chợt nhớ ra điều gì - có một vụ tôi quên nhắc anh, nó khá thú vị.

Hình ảnh có thể có: văn bản

- Là vụ gì?

- Một vụ ly hôn, anh ạ.

Tôi nghe, thờ ơ. Người ta giờ ly hôn rầm rầm.

- Có gì hay?

Chị kể:

- Một cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn, tôi hoà giải mấy lần rồi, không chịu…

- Người ta không muốn sống với nhau nữa thì cho người ta ly hôn, chị phong kiến quá.

- Nói như anh thì còn cần đến toà án làm gì. Mai tôi cho anh thấy tôi giải quyết thế nào! Anh cứ đi cùng tôi như tiện đường, nhưng đừng nói gì, cứ lặng ngắt mà đi.

Hôm sau, tôi lẽo đẽo theo chị. Cùng đi với chị là một chàng trai mặt mũi khôi ngô tuấn tú. Họ rẽ vào một tiệm thuốc bắc. Một ông lang già, tóc bạc trắng, nghiêm trang bắt mạch cho chàng trai rồi lững thững ra quầy bốc thuốc.

Trong khi chờ đợi ông lang và bệnh nhân trò chuyện, chị kể:

- Tôi mới gọi người vợ ra hỏi riêng: “Chị thấy hai em chỉ nêu lý do tính tình không hợp. Mà hỏi không hợp thế nào thì cả hai đều ấp úng. Chị em mình là phụ nữ với nhau, em nói thật đi, không hợp là không hợp cái gì”? Căn vặn mãi cô ta mới thốt rai: “Anh ấy thối mồm lắm, em chịu không nổi, chị ơi!”. Tôi bật cười: “ Tưởng gì, chứ cái ấy không phải lý do. Đợi đấy, chị giải quyết”.

- Chị gọi riêng người chồng để hỏi chuyện?

Chị trợn mắt:

- Thì còn làm cách nào khác?

Tôi không biết cách nào khác, nhưng tôi nghĩ cách của chị không giống cách của một toà án.

- Tức là chị đã có kế?

- Có chứ, sao không.

Tôi quyết định không theo vụ ly hôn này. Bà chánh án này lôi thôi quá. Việc giữa đàng quàng vào cổ. Thân làm tội đời.

Tôi đi xuống đồng muối. Nó chẳng có gì thú vị. Chẳng lẽ miêu tả người ta phơi cát được rưới nước biển cho tăng độ mặn, rồi đưa nước thu được vào các “nề” cho bốc hơi dưới trời nắng, khi nước đạt tới 25 độ bô-mê (baumé) thì muối tức Chlorure Natri kết tủa. Chắc phải thêm vào một đoạn bọn đế quốc sài lang độc quyền muối bóc lột diêm dân tới tận xương tuỷ mới ra được bài báo. Nhưng đi theo cái công thức chán ngắt ấy làm gì.

Vùng biển có cái thú của nó – gió rì rào trên những rặng thông, sóng mơn man liếm bờ cát, những con cua con tôm đổi màu đỏ au trên mẹt, ở chợ, trong bữa cơm.

Khi tôi trở lại với cái toà án của chị Lệ thì chị báo tin:

- Hai đứa rút đơn rồi anh ạ.

- Tức là anh chồng đã hết thối mồm?

- Hết. Ông lang ấy thánh lắm. Anh cũng nên nhân tiện đến để ông ấy bắt mạch.

- Tôi vô bệnh tật, đến làm gì.

- Có khi mình mang bệnh mà không biết đấy, anh ạ.

Bài báo về cái toà án ở tỉnh lỵ bị xổ toẹt. Tôi còn bị ông chủ nhiệm cho một cái lườm nghiêm khắc, sắc như dao, từ đôi mắt hấp him.

Nhưng tôi không tiếc rẻ bài báo ấy.

Bà chánh án không giống ai trong sự dùng cái tâm thiện của mình can thiệp vào số phận những bên nguyên bên bị thì còn mãi trong trí nhớ.

Nó trở lại với tôi khi các quan toà không còn người nào thèm tìm hiểu những người họ phải xử - họ là ai, tại sao lại thế?

Các quan toà thời hiện đại giống như những robot đã được lập trình, họ chỉ việc thực hiện những gì mà chủ nhân ra lệnh. Cho nên rất nhiều người chỉ thực hiện quyền công dân theo đúng hiến pháp lũ lượt vào tù.

Thứ chánh án tôi gặp ngày xưa đã tuyệt chủng.

Nên buồn mười lăm phút hay nhiều hơn?

Vũ Thư Hiên
(FB Vũ Thư Hiên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét