Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

​Khi ăn đừng gắp cho người

Độ này mình hay phải đi ăn cưới, ăn giỗ. Hôm qua 30/11 cũng vừa đi ăn giỗ về. Mình là kẻ phàm ăn và ăn nhiều, cái gì cũng ăn được nhưng phải là thực phẩm sạch. Nếu gặp phải thực phẩm bẩn thì thôi rồi, đã mấy lần phải vào bệnh viện cấp cứu; đấy là trước năm 1985. Hơn 40 năm nay mình chưa bị ngộ độc thực phẩm lần nào vì mình rất cảnh giác, nhìn thấy đồ ăn có vẻ không an toàn là mình không ăn. Vào mâm, nhìn đồ ăn nhiều khi đã mất cảm tình; tiếp đến là ai nấy đều dùng đũa riêng chọc vào các món chung, nước chấm chung. Mỗi khi có món mới được mang ra, một số người nhanh nhẹn dùng đũa riêng gắp ngay món đó chia cho những người khác, gọi nôm là là chia suất luôn để giải tán nhanh số bát đĩa trên mâm. Đa số người ăn thản nhiên dùng đũa của mình xắn bánh chưng, xắn xôi rồi gắp vào bát cho người khác, và những người khác cũng vui vẻ tiếp nhận. Trên bàn đầy thức ăn, dưới chân đầy rác rưởi và xương xẩu...; thậm chí chó mèo còn luồn lách dưới chân để tranh cướp xương. Khiếp thật. Lại nhớ những năm 1960-1980, ngày ấy rất nghèo nhưng trong gia đình, mỗi người đều có một bộ bát đĩa riêng; nếu nhà có người bệnh thì người bệnh đó phải ăn riêng, rửa đồ riêng. Ăn ngoài đường ngoài chợ rất hiếm. Riêng về ăn uống, có thể nói văn hóa người Việt ngày nay đã xuống cấp khủng khiếp, không biết đã tới đáy chưa ? Mỗi khi ăn chung ở VN, mình hay nghĩ đến khi ăn chung và ăn trong mỗi gia đình ở Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ...; sao mà khác nhau một trời một vực vậy. Học họ cái khác thì khó, nhưng tại sao lại không học được văn hóa ăn uống vệ sinh của họ ? Điều này khó gì đâu ? Vì thực phẩm ngoài đường ở VN quá mất vệ sinh nên mình rất ngại đi liên hoan tiệc tùng và rất ít khi ăn trên đường.

​Khi ăn đừng gắp cho người
TT - Trong nhiều buổi tiệc tùng, họp mặt dễ thấy cảnh một thực khách dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho những người ngồi cùng bàn. Để tránh lây nhiễm cần ăn chín, uống sạch, tránh các thói quen xấu như: uống chung ly rượu, chấm chung nước mắm, lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh... Dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người khác là thiếu vệ sinh và có khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm. Trước đây, bộ đội ở miền Trung thường ăn đũa hai đầu, một đầu dùng để và cơm cùng thức ăn vào miệng, một đầu để gắp thức ăn. Vậy nên dân mới có câu “Vệ sinh ăn đũa hai đầu/Lấy chồng bộ đội là dâu Cụ Hồ”.

Gắp thức ăn cho người khác
Người gắp không biết người cùng bàn nhiều khi khó chịu nhưng không nói ra. Có người lấy đũa mình đang ăn để gắp cá, thịt... bỏ vào chén của người cùng bàn hoặc gắp rau, hải sản cho vào nồi lẩu và nhúng đũa đè rau xuống nồi. Có người lấy muỗng hoặc vá múc nước trong nồi lẩu để nêm nếm, xong lại lấy cái muỗng đó khuấy nồi lẩu rồi nếm tiếp, rồi múc lẩu cho vài người.

Một số người vẫn nghĩ rằng gắp cho người, múc cho khách thể hiện sự tôn trọng người khác. Nhưng điều này hoàn toàn là võ đoán.

Thử hỏi một người bệnh gút, bệnh thừa mỡ máu đang ăn kiêng, chúng ta lại gắp cho họ hải sản, thịt đỏ thì họ có ưng bụng không?

Ðơn giản hơn, một người ăn chay trường, lại bị “phục vụ”, bị gắp cho món mặn thì cũng kỳ và khó xử.

Tôn trọng hay mất vệ sinh?

Các bệnh truyền nhiễm lây lan qua thực phẩm hay đồ uống là một vấn đề phổ biến, gây lo lắng và đôi khi đe dọa tính mạng con người.

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính mỗi năm có một trong sáu người Mỹ (48 triệu người) bị bệnh, 128.000 người nhập viện và 3.000 người chết vì các bệnh lan truyền từ ăn uống.


Một trong những bệnh lan truyền do đường miệng này là viêm gan siêu vi A.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virút gây viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, một người lành ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm mầm bệnh (phân của người bệnh) sẽ mắc bệnh viêm gan A.

Virút cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người nhiễm, nhưng khả năng ít hơn nhiều.

Cũng theo WHO, ở các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh môi trường kém thì hầu hết trẻ em (90%) bị nhiễm viêm gan siêu vi A trước 10 tuổi.

Theo Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE), trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày - tá tràng như: chứng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng. Vi khuẩn H. pylori có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh và lan truyền chủ yếu qua ăn uống.

Do đó, để tránh lây nhiễm cần ăn chín, uống sạch, tránh các thói quen xấu như: uống chung ly rượu, chấm chung nước mắm, lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh...

Từ những thông tin trên, có thể kết luận rằng dùng đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người khác là thiếu vệ sinh và có khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm.

Tránh chung đụng

Mâm cơm gia đình của đa số người Việt thường chung cơm, canh, cá, thịt... nhưng chén đũa riêng. Chúng ta có thể dùng chung tô canh (vá riêng), giẽ chung miếng cá, gắp chung đĩa thịt kho... nhưng chẳng ai dùng chung đũa chén cả; nếu nghi dùng nhầm thì có lẽ mọi người, kể cả tôi, sẽ thay bộ khác ngay.

Và đương nhiên, nhiều người không dám ăn những món đã bị người khác khoắng lên bằng đũa đang ăn của họ.

Nhờ ý thức, ngày nay việc ăn chung đũa cũng đã có phần cải thiện: gắp đũa hai đầu, bố trí muỗng nĩa, vá, đũa... ở các món chung. Nhiều gia đình người Quảng tổ chức giỗ kỵ, liên hoan bằng món đặc sản mì Quảng nổi tiếng. Ðây thật sự là món buffet dân dã Việt Nam.

Chủ nhà nấu chuẩn bị: một nồi nhân lớn thịt gà, thịt bò, tôm, trứng... một lượng nước dùng thích hợp, đủ thứ rau và gia vị cần thiết. Khách khứa chỉ việc chọn loại thích dùng, lượng theo ý... người trước, kẻ sau đều thỏa mãn.

Tiệc đứng kiểu này có ưu điểm: một là hợp khẩu vị, nhu cầu dinh dưỡng, ai nhiều ai ít tùy chọn; hai là rất vệ sinh, tránh chung đụng đũa, chén, muỗng, nĩa và ba là tiết kiệm và hợp lý.

Ăn uống bao hàm dinh dưỡng, khoa học và văn hóa. Một thức ăn ngon, hợp khẩu vị nhưng thiếu khoa học, kém vệ sinh chắc chắn sẽ không được số đông chấp nhận.

Vì vậy khi ăn tiệc, liên hoan... trong trường hợp đối đế, nếu muốn chia thức ăn cho người cùng bàn, bỏ rau, thịt, cá vào nồi lẩu thì không nên dùng muỗng đũa mình đang ăn để gắp, múc mà hãy dùng mỗi người một bộ đồ ăn riêng.

[poll width="400px" height="174px"]114[/poll]

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

https://tuoitre.vn/khi-an-dung-gap-cho-nguoi-703191.htm?fbclid=IwAR09rTVhIiRYfWi7SZ6xRh0D_IOJUqxOkZAd0UF4CQmiKsu5V4T-Ye_gNfM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét