Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Bảo vệ quốc gia: cần tư duy “thật” của nhà cầm quyền

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trước hết, các nhà cầm quyền cần phải biết bảo vệ nhân quyền, tức bảo đảm “mọi quyền lực đều là của nhân dân” (quyền lực của cộng đồng các dân tộc, giới, tôn giáo). Mối liên hệ giữa quyền hạn, quyền lợi, quyền lực trong quốc gia được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: quyền hạn của chính quyền (nhóm: công quyền) – quyền lực của nhân dân (cộng đồng: nhân quyền) – quyền lợi của công dân, người dân (cá nhân: dân quyền). Theo tác giả bài này, về lý luận, nhà nước được hiểu là "dân sự" hay "của nhân dân", khác với cách dùng chính thống hiện nay của VN là "của nhà nước". Do đó, nói “bí mật nhà nước”, “kinh tế nhà nước”, “doanh nghiệp nhà nước”, “lợi ích nhà nước”, “ngân sách nhà nước”... là sai vì thực chất hiện nay chúng là của tập đoàn đang nắm quyền chứ không phải của nhân dân.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia: cần tư duy “thật” của nhà cầm quyền
Nguyễn Hữu Đổng - Bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam phụ thuộc trước hết vào các nhà cầm quyền phải có tư duy “thật” (tư duy khoa học, tư tưởng tiến bộ). Cũng như muốn đánh thắng kẻ thù xâm hại chủ quyền quốc gia thì cần phải hiểu biết thực chất thật của kẻ thù đó. Tức hiểu biết rõ và phòng chống kẻ thù “nội xâm” (bên trong: bản chất sự thật), kẻ thù “ngoại xâm” (bên ngoài: tính chất thật sự), kẻ thù “trong lòng” (toàn diện: thực chất thật) thì các nhà cầm quyền mới có thể quy tụ được sức mạnh đoàn kết của nhân dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài
Chủ quyền quốc gia là gì?
Quốc gia là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức “học thuật” (tri thức khoa học do học tập, nghiên cứu mà có) [1, tr. 454] về bản chất nhóm (tập thể), tính chất cá nhân (cá thể), thực chất cộng đồng người (xã hội) – quốc gia, nhân dân trong một “nước”. Tức quốc gia là nói về “nhân dân” – lực lượng bao gồm tất cả các cá nhân, nhóm, cộng đồng, hay tất cả “công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước” [2, t. 8, tr. 264]. Cá nhân là khái niệm nói về công dân, người dân thường; nhóm là khái niệm nói về tổ chức đảng phái, chính quyền, xã hội dân sự; cộng đồng là khái niệm nói về dân tộc, giới, tôn giáo.

Chủ quyền là khái niệm nói về “quyền làm chủ của một nước trong các quan hệ đối nội và đối ngoại” [1, tr. 179]. Tức chủ quyền có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về bản chất chủ quyền lãnh hải (biển, khí trời), tính chất chủ quyền lãnh thổ (đất nước, đảo), thực chất chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải (đất nước, biển đảo, khí trời) của nhân dân. Tức chủ quyền quốc gia là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về quyền “là chủ” (tính chất), làm chủ (bản chất), dân chủ (thực chất) của nhân dân – chủ quyền nhân dân trong quốc gia. Mô hình cấu trúc thực chất của chủ quyền quốc gia được biểu thị như sau: “công quyền” (bản chất: quyền hạn của đại biểu dân cử, nhân viên, thẩm phán trong chính quyền dân sự) – “nhân quyền” (thực chất: quyền lực của nhân dân trong quốc gia) – “dân quyền” (tính chất: quyền lợi của công dân, người dân trong xã hội dân sự).

Tư duy “thật” về chủ quyền quốc gia là gì?

Thật là khái niệm “gốc” (nguồn gốc) hình thành nên các khái niệm “khoa học” – khái niệm “thật” (khái niệm hoàn chỉnh). Khái niệm thật có mô hình cấu trúc theo quy luật, hiện thực khách quan như sau: “bản chất sự thật – thực chất thật – tính chất thật sự” [3]. Bản chất sự thật là nói tới hiện tượng bên trong (chuyển động cân đối); tính chất thật sự là nói tới sự vật bên ngoài (bất động cân bằng); còn thực chất thật là nói tới sự vật, hiện tượng ở giữa (vận động hài hòa) phát triển trong thế giới tự nhiên và xã hội loài người.

Tức tư duy thật là khái niệm biểu hiện thực chất hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa tính chất (mục tiêu phát triển), bản chất (phương pháp thực hiện mục tiêu phát triển) và thực chất (nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu phát triển) của tư duy phát triển. Con người tư duy thật sẽ nhận thức được thực chất “con đường dân chủ” [2, t. 4, tr. 471], “con đường phát triển” [2, t. 10, tr. 272] của quốc gia là phải có “mục tiêu hướng tới độc lập mang tính “nhân quả” (đầu - cuối), có phương pháp thực hiện mang tính đối lập “song hành” (phải - trái) và nguyên tắc thực hiện mang tính đối lập, độc lập “trung gian” (ở giữa)” [4]. Tức tư duy thật về chủ quyền quốc gia là công dân nói chung, nhà cầm quyền nói riêng biết nhận thức rõ về khái niệm nhân quyền hay “chủ quyền nhân dân” trong quốc gia.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia được hiểu như thế nào?

Bảo vệ chủ quyền quốc gia là bảo vệ đất nước, biển đảo, khí trời; bảo vệ công quyền, nhân quyền, dân quyền. Bảo vệ công quyền là bảo vệ chính quyền của nhân dân; bảo vệ dân quyền là bảo vệ quyền con người; bảo vệ nhân quyền là bảo vệ chủ quyền nhân dân, hay bảo đảm “quyền làm chủ của nhân dân” [2, t. 13, tr. 67]. Tuy nhiên, khi “chính phủ” (chính quyền trung ương) làm hại nhân dân, không bảo đảm thật sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì cần phải thay đổi chính quyền đó; tức nhân dân “có quyền đuổi Chính phủ”, thay bằng chính phủ khác để trong đó có “những người đày tớ” thật trung thành cho mình [2, t. 5, tr. 75].

Do vậy, để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trước hết, các nhà cầm quyền cần phải biết bảo vệ nhân quyền, tức bảo đảm “mọi quyền lực đều là của nhân dân” (quyền lực của cộng đồng các dân tộc, giới, tôn giáo) [2, t. 8, tr. 262]. Mối liên hệ giữa quyền hạn, quyền lợi, quyền lực trong quốc gia được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: quyền hạn của chính quyền (nhóm: công quyền) – quyền lực của nhân dân (cộng đồng: nhân quyền) – quyền lợi của công dân, người dân (cá nhân: dân quyền).

Quyền lực là của nhân dân thì trong các văn bản pháp luật không thể sử dụng khái niệm “quyền lực nhà nước” (quyền lực của Nhà nước) như Điều 2, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã xác định; hay không thể tư duy phản khoa học, như: “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp” [5] mà Tổng Bí thư – Chủ tịch nước đã có lần nêu ra. Tức là, cần phải tư duy đúng đắn khái niệm khoa học về “quyền lực”; đồng thời tư duy lại cụm từ “nhà nước” đang được sử dụng rộng rãi trong các văn bản pháp luật, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp ở Việt Nam.

Nhà nước bao gồm các từ “nhà” và “nước”. 

Từ nhà trong cụm từ nhà nước là nói tới “Tập hợp những vua cùng một dòng họ kế tiếp nhau trị vì” [1, tr. 699]; từ nước trong cụm từ nhà nước là nói tới “quốc gia” (nước nhà, tổ quốc) [1, tr. 811]. Tức nhà nước là cụm từ gắn với chế độ phong kiến kiểu mới; bởi vì vẫn còn từ “nhà” - khái niệm nói về “nhà vua” (dòng họ nhà vua truyền ngôi cho con, cháu để cai trị). Do vậy, nhà nước là một khái niệm không thật (giả dối - không khoa học). Về thực chất, cụm từ nhà nước (the State) là nói tới “chính quyền dân sự” của một nước (quốc gia) [6]. Chính quyền “dân sự” (chính quyền của nhân dân) là khác với chính quyền “quân sự” (chính quyền của một nhóm độc đoán cầm quyền). Điều đó có nghĩa là, không thể sử dụng các khái niệm có liên quan tới cụm từ nhà nước, như: “bí mật nhà nước”, “kinh tế nhà nước”, “doanh nghiệp nhà nước”, “lợi ích nhà nước”, “ngân sách nhà nước”, hay “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được ghi nhận trong các văn bản Luật, Hiến pháp Việt Nam.

Cụm từ liên quan tới nhà nước trong các văn bản pháp luật nêu trên là biểu hiện thực chất về khái niệm thiếu liêm chính học thuật, hay vấn nạn “đạo văn” (ăn cắp) tri thức của con người. Đây chính là một trong các nguyên nhân (thủ phạm) dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội, đặc biệt về giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, như dẫn đến căn bệnh “quan liêu” (làm “quan cách mạng”, tư tưởng chủ quan, “kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”), làm cho văn hóa Việt Nam hiện nay “xuống cấp” [7]; quốc nạn “tham nhũng” (quan tham, nhũng nhiễu để ăn cắp, chiếm đoạt đất, quyền lợi, giá trị, môi trường sống của người dân), làm cho kinh tế Việt Nam có tăng trưởng nhưng đất nước vẫn “không chịu phát triển” [8]; tệ nạn “lãng phí” (mất đất, nước, biển, đảo, bầu trời, khí quyển, chủ quyền), làm mất niềm tin của nhân dân vào chế độ, vào “sự thực và công lý” [2, t. 4, tr. 82]. Do vậy, các cụm từ liên quan tới nhà nước không khoa học nêu trên cần phải được thay đổi bằng các khái niệm, như: bí mật quốc gia, kinh tế quốc gia (kinh tế quốc dân), doanh nghiệp hoạt động công ích, lợi ích quốc gia, ngân sách quốc gia, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay quốc gia Việt Nam Cộng hòa.

Thực chất chủ quyền quốc gia Việt Nam hiện nay

Qua hàng nghìn năm, chủ quyền đất nước (quốc gia) Việt Nam luôn được bảo vệ, giữ vững. Tuy nhiên, từ sau Hiệp định Giơneve (năm 1954) đến nay, chủ quyền quốc gia Việt Nam luôn bị đe dọa, xâm hại và đang bị mất (gặm nhấm) dần: Năm 1956 và năm 1974 toàn bộ quần đảo Hoàng sa của Việt Nam bị chính quyền Trung Quốc (CQTQ) xâm chiếm (nhân dân Trung Quốc chỉ là nạn nhân bị bắt phải cầm vũ khí đi xâm chiếm). Năm 1979, CQTQ mở đầu đợt xâm lược, lấn chiếm lãnh thổ đất liền ở các tỉnh biên giới phía bắc. Năm 1988, một số đảo chìm và đảo Gạc Ma bị CQTQ cưỡng chiếm. Năm 2009, CQTQ tuyên bố công khai với thế giới về sự xâm lược “mềm” đối với nước Việt Nam và một số nước trong khu vực bằng cách áp đặt chủ quyền phi pháp “đường chín đoạn” trên biển Đông. Năm 2014, CQTQ chính thức gây chiến (chiến tranh kinh tế) bằng đưa Giàn khoan HD981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, tạo “hỏa mù” nhằm củng cố căn cứ quân sự (xây dựng các đảo nhân tạo) làm bàn đạp tiếp tục xâm chiếm toàn bộ biển Đông của Việt Nam và các nước trong khu vực. Năm 2019, CQTQ mở đầu đợt xâm chiếm vùng biển Việt Nam bằng việc đưa các dàn khoan thăm dò vào bãi Tư chính sau khi xây dựng xong căn cứ quân sự tại các đảo nhân tạo.

Do vậy, về thực chất, chủ quyền quốc gia Việt Nam đã và đang bị CQTQ xâm hại (gây chiến tranh) vừa theo kiểu cũ, vừa theo kiểu mới. Chiến tranh kiểu cũ (tính chất: truyền thống) là nói về chiến tranh bằng bạo lực (quân sự) của “đế chế” (vương quốc) này thực hiện giết người trên lãnh thổ, đất liền, hải đảo của vương quốc khác. Chiến tranh kiểu mới (bản chất: phi truyền thống) là nói về chiến tranh bằng phi bạo lực (chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp lý) của “chủ nghĩa bá quyền” (cường quốc xưng bá), tức chính quyền quốc gia này làm hại nhân dân quốc gia khác. Chiến tranh vừa kiểu cũ, vừa kiểu mới (thực chất: cai trị bằng sự ràng buộc ý thức hệ phản tiến bộ, uy hiếp bằng sức mạnh quân sự, tạo sự phụ thuộc về kinh tế, áp đặt lối sống) là nói về chiến tranh bằng “thực lực”, như chiến tranh mềm (xâm phạm nước, biển, đảo), chiến tranh không gian (xâm phạm khí, trời), chiến tranh kinh tế (ăn cắp sở hữu trí tuệ, đất ở, bẫy nợ), chiến tranh tư tưởng (tôn thờ chủ nghĩa, tuyên truyền tư tưởng áp đặt, vu khống, bịa đặt, nói một đằng, làm một nẻo), chiến tranh pháp lý (tôn thờ sức mạnh của vũ khí, tiền bạc, quân đội nhằm răn đe đối phương, bất chấp luật pháp).

Chủ quyền quốc gia Việt Nam bị xâm hại thì quyền lực của nhân dân hay chủ quyền nhân dân (nhân quyền), quyền hạn, quyền lợi của công dân, người dân (dân quyền, công quyền) trong chính quyền, quốc gia Việt Nam cũng bị xâm hại. Hiện nay quyền lực ở Việt Nam là không thuộc về nhân dân (cộng đồng, xã hội) mà chủ yếu thuộc về cá nhân, nhóm (các thành viên có vị trí chủ chốt trong Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp), hay thuộc về “quyền lực nhà nước” – cụm từ tương tự như quyền lực của “nhà vua” được biến tướng thành quyền lực của “nhà quan” (ông quan, bà quan) thời phong kiến kiểu mới. Bởi thời phong kiến kiểu cũ, thì “con vua lại làm vua” (chỉ có vua ông); còn ngày nay, thì “con quan dễ được làm quan” (có cả quan ông, quan bà).

Hãy nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ gần đây, chính quyền đã chưa bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Càng tăng cường sự “lãnh đạo” (làm đày tớ, phục vụ) của Đảng đối với nhân dân trong quốc gia thì quyền làm chủ của nhân dân lại càng bị xâm hại; niềm tin của nhân dân vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, chính quyền các cấp càng bị mất dần. Vì sao như vậy? Bởi vì: “Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ…. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế…. , cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình” [2, t. 5, tr. 283].

Cần thay đổi cách thức tư duy về bảo vệ chủ quyền quốc gia

Cách thức tư duy được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: tư duy chưa thật, chưa khoa học (sai, chưa tiến bộ) – tư duy thật, khoa học (đúng, tiến bộ) – tư duy không thật, không khoa học (giả dối, phản tiến bộ). Hiện nay, các nhà cầm quyền ở Việt Nam đang tư duy không thật (không khoa học), tức có tư tưởng chủ quan, kiêu ngạo, phản tiến bộ, tư tưởng bị suy thoái hay “thoái bộ, xuống dốc” [2, t. 8, tr. 507]. Thực tế cho thấy rằng, nhiều năm qua các nhà cầm quyền đã chưa hiểu rõ thế nào là bản chất, tính chất, thực chất của tư duy, lý luận, lãnh đạo, cầm quyền, nên đã dẫn tới “mù chính trị” [2, t. 8, tr. 280]. Các nhà cầm quyền cấp cao nhất hiện nay cũng chủ yếu chỉ tư duy về mục tiêu (tính chất: nói) bảo vệ chủ quyền quốc gia, chứ không coi trọng phương pháp dân chủ (bản chất: làm), nguyên tắc pháp quyền (thực chất: nói phải đi đôi với làm) để thực hiện, bảo đảm đạt được mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phương pháp dân chủ là nói tới thực hiện con đường dân chủ, tức nhân dân thật sự vừa là chủ (tính chất), vừa làm chủ (bản chất) theo nguyên tắc pháp quyền (thực chất) trong quốc gia. Pháp quyền trong quốc gia là nói tới các nhà cầm quyền sử dụng Hiến pháp, các đạo luật quốc gia để bảo đảm “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [2, t. 4, tr. 1] của mỗi cá nhân, nhóm, cộng đồng - nhân dân.

Điều đó có nghĩa, cần phải thay đổi cách thức tư duy nói chung và tư duy về bảo vệ chủ quyền quốc gia nói riêng. Tức là các nhà cầm quyền cần phải nhận thức rõ thực chất chủ quyền về đất, nước, biển, đảo, khí, trời; chủ quyền quốc gia, công quyền, nhân quyền, dân quyền, quyền con người. Nói cách khác, các nhà cầm quyền cần phải thật sự bảo đảm dân quyền (quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi công dân, người dân), công quyền (xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các dân biểu, nhân viên, thẩm phán trong chính quyền), và nhân quyền (bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân) – thực chất bảo đảm an ninh quốc gia (an ninh nhân dân). Theo đó, cần phải sửa đổi lại Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nội dung chưa khoa học trong các đạo luật; xây dựng và thực thi các đạo luật về biểu tình, lập hội, đảng chính trị phù hợp với quy luật và hiện thực khách quan. Chẳng hạn, pháp luật cần phải xác định rõ tính “trung lập”, không được làm kinh tế của quân đội trong quốc gia; bởi đảng chính trị (đảng chân chính) là khác với đảng “thống trị” (đảng thống lĩnh) – đảng nắm toàn diện, trong đó có quân đội. Đảng nắm quân đội là tư duy chính trị phản khoa học. Bởi về thực chất, chính quyền của nhân dân, thì: “Các đảng phái không được có quân đội riêng” [2, t. 4, tr. 173].

Kết luận

Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia thì trước hết, mỗi công dân nói chung, các nhà cầm quyền nói riêng ở Việt Nam cần phải biết tư duy khoa học, tôn trọng sự thật và công lý trong quốc gia, xã hội loài người. Xã hội loài người tồn tại lâu dài, bền vững không chỉ phụ thuộc vào vật chất sống (quyền lợi: công bằng), mà còn phụ thuộc vào phi vật chất sống (giá trị: bình đẳng) và ý thức sống (tinh thần: công lý) của con người trong cộng đồng các loài sinh vật, thực vật, động vật, trong đó có loài người. Tức là, cần phải nhận thức rằng: “vật chất không thể có trước ý thức”, hay vật chất không thể “quyết định ý thức” như các nhà triết học duy vật đã nêu ra cách đây gần hai thế kỷ [9]. 

Mối liên hệ giữa vật chất, phi vật chất và ý thức của con người được biểu thị theo mô hình cấu trúc thực chất phát triển như sau: phi vật chất sống (giá trị: tự do) – ý thức sống (tinh thần: hạnh phúc) – vật chất sống (quyền lợi: độc lập). Trong mô hình phát triển này, vật chất sống là nói về mục tiêu phát triển (chế độ xã hội: phát triển); phi vật chất sống là nói về phương pháp dân chủ thực hiện mục tiêu phát triển (thiết chế chính quyền: dân chủ); còn ý thức sống là nói về nguyên tắc pháp quyền bảo đảm đạt được mục tiêu phát triển (chính thể quốc gia: cộng hòa). Điều đó có nghĩa là, cần phải thay đổi tên nước hiện nay trở lại tên nước đã được xác định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946: “nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa” [10].

Từ các phân tích nêu trên, tác giả bài viết nhận thấy rằng, chủ quyền quốc gia Việt Nam hiện nay chỉ có thể được bảo vệ vững chắc khi các nhà cầm quyền thực hiện ba giải pháp chủ yếu sau đây:

1) Thực hiện nguyên tắc pháp quyền quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Pháp quyền quốc tế được chính thức thực hiện sau khi trên thế giới hình thành Liên Hợp Quốc. Khái niệm này được bắt nguồn từ bản Hiến pháp của nước Mỹ. Pháp quyền quốc tế là nói về pháp luật quốc tế (Hiến chương, các công ước của Liên Hợp Quốc) bảo vệ quyền được độc lập, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Do vậy, việc khởi kiện chính quyền Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam là việc rất cần thiết, cấp bách nhất hiện nay.

2) Thực hành dân chủ rộng rãi để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là nói về xây dựng “con đường dân chủ” - con đường của toàn thể nhân dân có lòng yêu nước thật sự, cùng nhau đoàn kết thành một khối vững chắc, thực hiện bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia, hướng tới một nước “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [2, t. 15, tr. 623]. Để xây dựng khối đại đoàn kết tất cả các dân tộc, cần phải thực hiện ba giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, thực hiện sự hòa giải giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng người Việt Nam có chính kiến (tư tưởng) khác nhau về con đường phát triển đất nước nhanh và bền vững. Theo đó, cần tôn trọng các chính kiến khác biệt, tìm ra “tư tưởng tiến bộ” (tư tưởng của đảng chính trị phù hợp với quy luật phát triển khách quan), xây dựng “con đường hòa bình”, “con đường chính trị của chúng ta” đúng đắn [2, t. 4, tr. 158], nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển con người, xã hội, quốc gia.

Thứ hai, thay đổi chế độ từ mục tiêu “xã hội chủ nghĩa” (xã hội không dân chủ, không chịu phát triển) sang mục tiêu “xã hội phát triển” - xã hội dân chủ và giàu mạnh, công bằng, bình đẳng, văn minh; bởi vì: “Cái gì phát triển thì nhất định thắng. Cái gì thoái bộ thì nhất định chết” [2, t. 6, tr. 281].

Thứ ba, thay đổi thiết chế chính quyền “quân sự” - chính quyền do Đảng thống lĩnh trong quốc gia bằng pháp luật chưa khoa học - sang thiết chế chính quyền “dân sự” (chính quyền của đảng chính trị tiên phong) thực hiện quản trị quốc gia bằng pháp luật khoa học, pháp quyền chân thật. Nói cách khác, các nhà cầm quyền cần phải xây dựng chính quyền thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện quản trị quốc gia bằng Hiến pháp, các đạo luật đúng đắn để bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, tức bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống tồn tại, sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi (độc lập), giá trị (tự do), tinh thần (hạnh phúc) giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng.

3) Liên minh với các quốc gia dân chủ, lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việt Nam là quốc gia chưa có dân chủ rộng rãi (dân chủ thật sự). Dân chủ thật sự có mô hình cấu trúc thực chất như sau: dân chủ trực tiếp (bản chất: nhân dân làm chủ chưa thật) - dân chủ thật sự (thực chất: dân chủ nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân) - dân chủ đại diện (tính chất: nhân dân là chủ không thật). Dân chủ nhân dân là dân chủ thật sự, tức mọi quyền lực “đều thuộc về nhân dân” [2, t. 12, tr. 375]. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, quyền lực lại không thuộc về nhân dân mà thuộc về “nhà nước” – chính quyền “quân sự” của các ông, bà “quan cách mạng” [2, t. 10, tr. 572] như đã được phân tích ở phần trên. Do vậy, cần phải thay đổi chế độ, thiết chế chính quyền, đồng thời liên minh với các quốc gia dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết với các dân tộc, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới để bảo vệ chủ quyền quốc gia khỏi bị chính quyền Trung Quốc không dân chủ chèn ép, xâm hại.

……………..

Tài liệu trích dẫn:

[1] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng.

[2] CD-ROM Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

[3] lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2651-doi-moi-tu-duy-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay.html

[4] tcnn.vn/news/detail/39680/Xay_dung_chinh_sach_quoc_gia_kien_tao_phat_trien_ben_vung_o_Viet_Namall.htm

[5] www.dangcongsan.vn/thoi-su/phai-nhot-quyen-luc-vao-trong-long-co-che-luat-phap-463763.html

[6] Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh-Việt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 1719.

[7] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/vi-sao-van-hoa-viet-nam-hien-nay-xuong-cap.html

[8] https://vtc.vn/viet-nam-la-mo-hinh-ky-la-nhat-the-gioi-nuoc-khong-chiu-phat-trien-d218155.html

[9] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/vi-sao-vat-chat-khong-the-co-truoc-y-thuc.html

[10] Hiến pháp Việt Nam (năm1946, 1959, 1980 và năm 1992), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1995.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-10-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét