Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Tính lại GDP gây tổn hại tới tín nhiệm quốc gia ?

Tôi đã làm việc với số liệu thống kê vĩ mô ở VN từ năm 1981, và càng ngày càng thấy số liệu thống kê của Việt Nam không có giá trị vì: (i) Thống kê bị hệ thống chính trị can thiệp, phải tạo ra những bộ số phù hợp với quan điểm của lãnh đạo. Trước đây các nhà lãnh đạo quốc gia và ngành thống kê thường dẫn lại câu nói nổi tiếng của Lê Nin: "Thống kê có tính giai cấp", tức là giai cấp vô sản dùng thống kê như là một công cụ để quản lý xã hội; nay biết câu này phản khoa học nên không nhắc tới nữa. Do đó thống kê không phản ánh thực tế kinh tế xã hội của đất nước mà phản ánh quan điểm, mong muốn của giai cấp thống trị. (ii) Đa số các chỉ tiêu thống kê của VN có tên giống như quốc tế, nhưng nội dung lại rất khác với quốc tế, điển hình là GDP và các yếu tố cấu thành GDP. Vì vậy không ngạc nhiên khi tính lại GDP, thì GDP tăng thêm tới 25%. Ở đây có vấn đề là phương pháp tính GDP chưa khoa học, chưa đúng quy định của thế giới (IMF, WB, UN... ) nên ngay con số 25% tăng thêm cũng chưa chắc đã chính xác. Nguyên nhân là nhà nước chúng ta không thực tâm quan tâm tới công tác thống kê, chưa nhận thấy số liệu thống kê cực kỳ quan trọng đối với công tác quản lý kinh tế xã hội. Ví dụ minh họa điển hình là Tổng cục Thống kê không độc lập mà trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan có trách nhiệm làm cho GDP hàng năm to lên. Trình độ cán bộ thống kê còn rất yếu; nội dung điều tra thống kê rất sơ sài, tùy tiện, tùy vào ý thức của người làm thống kê... (iii) Đồng ý là nên tính lại GDP một lần thật bài bản cho đúng và từ nay sẽ luôn luôn tính bài bản, khoa học như thế. Tuy nhiên, vấn đề là liệu từ nay có làm được như thế không. Nếu như hôm nay với một chiến dịch thống kê hùng hậu, chúng ta đưa thêm vào GDP 76 nghìn doanh nghiệp bị bỏ sót, thì liệu năm tới và những năm tiếp theo, có đưa chúng vào theo đúng bài bản được không ? Đây là điều rất khó.

Tính lại GDP
Phạm Thế Anh 18/9/2019, Tổng sản phẩm quốc nội GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra của một quốc gia, là một trong những thước đo tốt nhất phản ánh thu nhập của nền kinh tế. Việc điều chỉnh GDP có thể gây tổn hại tới tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Bất kể khách quan hay không, với quy mô điều chỉnh lên tới hơn 1/4 nền kinh tế thì nó thực sự được coi là một cú sốc trong mắt giới quan sát quốc tế. Bất kể được tính toán khách quan hay không, GDP mới và các chỉ số đi kèm vẫn chỉ là các thống kê trên sổ sách. Nó không giúp người dân bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền của ngày mai, nhưng lại thêm lo lắng về một đợt gia tăng vay nợ và chi tiêu công mới.
Gia đình bạn giống như một quốc gia thu nhỏ, tổng thu nhập của các thành viên chính là GDP của gia đình. Nền kinh tế của bạn bao gồm hai vợ chồng đi làm, hai đứa con còn đi học. Mỗi tháng, bạn nhận lương 17 triệu đồng và vợ (chồng) bạn nhận lương 15 triệu đồng. Tổng cộng hai vợ chồng làm ra 32 triệu đồng một tháng, hay 416 triệu đồng một năm, gồm cả tháng lương thứ 13. Đây chính là GDP của gia đình bạn.

Nhưng thỉnh thoảng bạn có làm thêm, cộng tác với chỗ này chỗ kia, và nhận được những khoản thu nhập khác. Ví dụ, như tôi viết một bài báo, có nơi trả 500.000, có nơi trả 1 triệu đồng.

Bây giờ, giả sử có một cơ quan theo dõi và ghi chép các khoản thu của gia đình bạn. Cơ quan này trong thực tế quốc gia hiện nay là Tổng cục Thống kê. Từ trước tới nay họ chỉ ghi chép đầy đủ khoản thu nhập chính thức từ cơ quan của hai vợ chồng bạn, nhưng không theo dõi được khoản nhuận bút bạn viết bài cho báo. Tức là, không phải mọi thu nhập mà bạn kiếm được đều được ghi chép. Cơ quan thống kê chỉ quan sát được tiền lương mỗi tháng mà không quan sát được hoạt động làm thêm ngoài giờ của bạn.

Và giờ đây, với việc tính lại GDP, bằng một cách làm nào đó, họ ghi nhận được cả số tiền làm thêm mà bạn kiếm được, tính thêm vào GDP của gia đình.

Trên sổ sách của Tổng cục Thống kê, con số GDP của gia đình bạn thay đổi, tăng lên một tỷ lệ phần trăm nào đó nhưng thực tế thì thu nhập của nhà bạn vẫn vậy. Mỗi người vẫn ăn chừng đó bát cơm. Vợ bạn đi chợ vẫn mua một cân thịt hoặc cá, hai bó rau mỗi ngày như trước. Các con bạn không chuyển từ trường công sang trường quốc tế. Mức sống và mức chi tiêu trong gia đình không hề thay đổi.

Khi con bạn lớn lên, chúng sẽ đi làm và lập gia đình riêng. Những gia đình mới này cũng giống như những doanh nghiệp mới gia nhập nền kinh tế. Rất có thể cơ quan thống kê cũng chưa kịp cập nhật và quan sát được thu nhập mà chúng tạo ra.

Hiện Tổng cục Thống kê đã hoàn tất và sắp sửa công bố kết quả GDP với cách tính mới. Theo đó, việc thay đổi cách tính cho ra một kết quả khác xa con số cũ, làm giá trị GDP có thể tăng thêm tới 25%.

Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, quy mô GDP mới ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD. Tổng Cục Thống kê cho biết, lần điều chỉnh này có 76 nghìn doanh nghiệp trước đây bị bỏ sót nay được tính thêm.

Quan sát và thống kê mọi khoản thu nhập được tạo ra trong nền kinh tế là một việc làm tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian. Bỏ sót gần như là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, 76 nghìn doanh nghiệp bị bỏ sót, chiếm 10% tổng số doanh nghiệp hiện có, nhưng lại tạo ra tới 1/4 GDP của nền kinh tế thì có thể nhiều doanh nghiệp trong số đó không hề nhỏ, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về phương pháp tính cũng như việc tuân thủ pháp luật thống kê trong thời gian qua.

Tính toán lại GDP và thu nhập bình quân đầu người sao cho chính xác là một việc làm quan trọng. Quốc hội và Chính phủ cần biết được quy mô thực sự của nền kinh tế để có những chiến lược phát triển và điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp. Các doanh nghiệp dựa vào đó để có thể dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lập kế hoạch kinh doanh một cách chính xác hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào đó để đưa ra quyết định.

Việc điều chỉnh GDP sẽ giúp Việt Nam nhảy được vài bậc trong bảng xếp hạng thu nhập của các quốc gia trên thế giới. Điều này nghe có vẻ tích cực về mặt hình thức, tuy nhiên nó cũng gây những lo ngại khi nhiều chỉ tiêu tài chính quốc gia đang được neo vào GDP. Nợ công/GDP, nợ nước ngoài/GDP, hay thâm hụt ngân sách/GDP là những chỉ tiêu quan trọng phải tuân thủ hạn mức trần và chịu sự giám sát bởi Quốc hội. Khi mẫu số tăng lên, các chỉ tiêu trên sẽ giảm xuống tương ứng.

Nợ công hiện ở ngưỡng 58,4% GDP sẽ về dưới 45% khi quy mô nền kinh tế được đánh giá lại. Tương tự, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP sẽ giảm xuống còn khoảng 35%, thâm hụt ngân sách/GDP sẽ chỉ còn dưới 3% so với mức gần 4% hiện tại. Dư địa vay nợ và chi tiêu sẽ xuất hiện nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới.

Tuy nhiên, GDP được điều chỉnh tăng thêm không có nghĩa sẽ đi kèm với khả năng tăng thu thuế của Chính phủ, 76 nghìn doanh nghiệp mới xuất hiện trên sổ sách của Tổng cục Thống kê không có nghĩa họ nằm ngoài quan sát của cơ quan thuế. Thực tế, họ có đăng ký kinh doanh, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế bình thường như những doanh nghiệp khác bấy lâu nay. Bản chất nền kinh tế đã diễn ra thế nào thì sẽ vẫn như vậy, không có khoản thu nhập mới tăng thêm nào đối với cả người dân cũng như Chính phủ.

Và giống như một cá nhân, khi thu nhập không đổi mà lại tăng vay nợ để chi tiêu thì khả năng trả nợ của anh ta sẽ giảm. Trong giai đoạn, 2007-2012, để vay nợ (phát hành trái phiếu) thành công, Ngân hàng Nhà nước cuối cùng phải mua lại những khoản nợ của Chính phủ. Hậu quả của nó là những đợt lạm phát ở mức hai con số vẫn còn ám ảnh cho tới tận hôm nay.

Tệ hại hơn, việc điều chỉnh GDP có thể gây tổn hại tới tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Bất kể khách quan hay không, với quy mô điều chỉnh lên tới hơn ¼ nền kinh tế thì nó thực sự được coi là một cú sốc trong mắt giới quan sát quốc tế. Vốn đã có một danh sách các quốc gia bị các tổ chức và báo chí phương Tây cáo buộc là "GDP đáng ngờ", như Trung Quốc hay Ấn Độ. Một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Brookings chỉ ra rằng, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn so với con số mà nước này báo cáo khoảng 12%, và tốc độ tăng trưởng GDP bị phóng đại thêm khoảng 2 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn gần đây. Tương tự như vậy, Ấn Độ cũng được cho là có tốc độ tăng trưởng GDP thực chất chỉ khoảng 4,5%, thay vì xấp xỉ 7% mỗi năm như được báo cáo. Những con số hào nhoáng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đánh mất niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế.

Sau tất cả, bất kể được tính toán khách quan hay không, GDP mới và các chỉ số đi kèm vẫn chỉ là các thống kê trên sổ sách. Nó không giúp người dân bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền của ngày mai, nhưng lại thêm lo lắng về một đợt gia tăng vay nợ và chi tiêu công mới.

Phạm Thế Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét