Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Bài Thơ Tháng Tám - Bùi Minh Quốc

Bài thơ này tác giả Bùi Minh Quốc viết cách đây 25 năm. Tưởng rằng nó chỉ có giá trị lịch sử thời đó vì có những câu phê phán xã hội rất nặng. Nhưng ngờ đâu đến giờ nó vẫn mang hơi thở cuộc sống, thậm chí còn phản ánh chính xác cuộc sống hơn thời mới ra đời. Ai trong chúng ta chưa từng nghe, chưa từng lầm bẩm trong mồm: "Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa / Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi". Kính trọng nhà thơ vì lòng dũng cảm của ông.
Bài Thơ Tháng Tám
Tác giả: Bùi Minh Quốc
Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi? Thấm mệt rồi chăng?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
“Thế sự du du…” thật giả nhập nhằng!…
Image result for Bài Thơ Tháng Tám - Bùi Minh Quốc
Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân?

Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và cứ thế dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?

Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời
Các anh đâu rồi
Những người Tháng Tám?
Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản
Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do?
Dân tộc từng sống chết chẳng so đo
Quyết không làm nô lệ
Sao hôm nay Người đành cam chịu thế

Mặc thân phận mình dưới ách tà gian
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than…”
Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu
Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu
Tháng tám ơi! Tháng Tám nước non mình
Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thế thôi! Thơ
Với cường quyền
Ðối mặt

Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Ðang thét đòi món nợ: Tự Do!

(19-8-1994)

Image result for Bài Thơ Tháng Tám - Bùi Minh Quốc

Cay Đắng Thay
Tác giả: Bùi Minh Quốc

Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
Ù lì quay
Quay
Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây?
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này.

Phản Chiến
Tác giả: Bùi Minh Quốc

Chúng đưa con du học nước ngoài
Rúc kín lâu đài du hý trên ngai
Hãy cảnh giác!
Bọn mặt bự dẻo mồm

Thời nào chẳng nhân danh Tổ quốc

Cao giọng hùng hồn không tiếc máu xương
Máu xương lầy đỏ nghiệp đế vương
Hãy cảnh giác!

Sau chiến tranh chúng lại chiến tranh

Cuộc chiến tranh một phía
Người sống sót trở về oằn lưng sưu thuế
Chúng lấy máu đúc vàng

Độc quyền ngự trị nghênh ngang

Độc quyền nghĩ
Độc quyền nói
Độc quyền ráo trọi

Dân đen chỉ một quyền được … đói

Và thêm nữa là quyền sợ hãi
Triền miên…
Hãy cảnh giác!

Dân đen

Cảnh giác!
Lòng ta yêu vô cùng Tổ quốc
Chúng luôn moi làm bẫy đánh lừa

Sập lại chính đời ta

Đến con cháu ta
Vào kiếp chó
Canh túi vàng chúng nó.

Đà Lạt, 4-4-2003

Bùi Minh Quốc (sinh ngày 3 tháng 10 năm 1940) là một nhà thơ, nhà báo, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng tại Quảng Nam - Ðà Nẵng, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng.[1] Là một trong bốn thành viên đầu tiên của Nhóm Thân hữu Đà Lạt.

Ông hiện tại cũng là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung.


Còn có bút danh là Dương Hương Ly, ông được biết đến với bài thơ nổi tiếng "Bài thơ về hạnh phúc", viết về vợ ông, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, đã hi sinh năm 1969. Ngoài ra, ông còn được biết đến với bài thơ tình "Có khi nào", bài thơ được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX.

Bùi Minh Quốc bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1989 (cùng với Tiêu Dao Bảo Cự) vì vận động các văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản. Ông cũng bị quản chế hai lần theo Nghị định 31-CP: 1997-1999 và 2002-2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét