Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Con đợi mẹ trước cổng nhà tù

Hai số phận gian khổ thật phổ biến trên đất nước truân chuyên của mình: người lính và người tù nhân. Trong khi chúng ta chăn êm nệm ấm, thì người lính dãi gió dầm sương, băng suối vượt ngàn, đầu mưa bom bão đạn, chân ngập trong bùn lầy, vừa mới đùa vui với đồng đội, nụ cười chưa tắt mà thân hình đã cụt nát hay chỉ còn là cái xác cứng đờ. Trong khi chúng ta tự do hít thở khí trời, thì người tù bị giam cầm trong ngục tối, bị tra tấn hành hạ, người có tội không nói gì, nhiều người vô tội chỉ vì biểu đạt lòng yêu nước hay lý tưởng dân chủ mà bị cách ly với đời sống bình thường của nhân loại.
Con đợi mẹ trước cổng nhà tù
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG - Khi tuổi đã cao, đôi chân yếu nhiều, từng bị ngã phải bó bột cánh tay ba lần vì mắc bệnh loãng xương, mỗi sáng mẹ tôi vẫn ra chợ đi dạo một vòng qua các quầy hàng và mua vài món đem về. Đoạn đường từ nhà ra chợ không xa nhưng phải đi ngang qua chỗ rào chắn đường tàu hỏa lúc nào cũng đông người và xe. Khuyên can mẹ nhiều lần không được, chúng tôi nghĩ là những món mình mua không vừa ý mẹ, nên mẹ muốn tự tay chọn thức ăn theo sở thích.bau bi tuong than
ảnh minh họa
Sau này, khi mẹ đã nhường hẳn cho chúng tôi việc cơm nước, tôi mới hiểu ra rằng mẹ thích đi chợ mỗi sáng chỉ là để đỡ nhớ những ngày mẹ bán hàng ở chợ Đồng Cát, gánh hàng đã nuôi tôi ăn học hai chục năm ròng, giống như hình ảnh trong bài thơ Màu mực tím của Kiên Giang: Gánh hàng oằn nặng, quãng đường xa/ Bóng chiều nghiêng xế trên lưng mẹ…

Một lần ngồi soạn lại những kỷ vật của cha mẹ, tôi tìm được tờ giấy khai sinh của mẹ, rồi dò lá số tử vi, thì thấy cha mẹ tôi cùng một tuổi và cùng mạng Lộ Bàng Thổ. Đất ven đường đi, hèn gì số cha mẹ tôi gian nan quá đỗi. Tử vi còn nói tuổi cha mẹ tôi mà lấy nhau thì phạm vào Tuyệt mệnh, một trong hai người phải chết trẻ, và quả đúng như vậy. Chỉ có một chút an ủi: thường vợ chồng có một người mất sớm thì người còn lại được phù hộ sống bù số tuổi thọ mà người kia chưa được hưởng.

Hồi nhỏ tôi nghe thầy giáo giảng rằng văn học luôn nói đến số phận hai nhân vật đau khổ nhất trên đời này là đứa bé mồ côi và người đàn bà làm lẽ. Thầy phân tích thật cảm động hai truyện cổ tích Tấm Cám, Sọ Dừa và thơ Hồ Xuân Hương. Lớn lên, có chút trải nghiệm, tôi còn thấy hai số phận gian khổ không kém mà lại thật phổ biến trên đất nước truân chuyên của mình: người lính và người tù nhân. Trong khi chúng ta chăn êm nệm ấm, thì người lính dãi gió dầm sương, băng suối vượt ngàn, đầu mưa bom bão đạn, chân ngập trong bùn lầy, vừa mới đùa vui với đồng đội, nụ cười chưa tắt mà thân hình đã cụt nát hay chỉ còn là cái xác cứng đờ. Trong khi chúng ta tự do hít thở khí trời, thì người tù bị giam cầm trong ngục tối, bị tra tấn hành hạ, người có tội không nói gì, nhiều người vô tội chỉ vì biểu đạt lòng yêu nước hay lý tưởng dân chủ mà bị cách ly với đời sống bình thường của nhân loại.

Đọc sách báo viết về chiến tranh và những vụ án oan khuất, tôi thấy tủi thân vô cùng vì số phận hai con người đó rơi vào chính cha mẹ của mình. Ngay trong gia đình và họ hàng tôi, nhiều người tham gia hai cuộc kháng chiến, nhưng cũng không có mấy người hy sinh giữa trận tiền như cha tôi và bị tù tội lâu ngày như mẹ tôi. Đôi khi lòng tôi thầm trách: Mẹ làm việc gì cũng là để thỏa lòng mẹ, cho xứng với cha, để mẹ cảm thấy gần cha trong tinh thần, nhưng cũng vì việc ấy mà tôi bị thiệt thòi, không được chăm sóc.

Từ khi sinh tôi ra cho đến ngày hòa bình, không nhớ mẹ tôi bị tước đoạt tự do bao nhiêu lần. Ngắn thì vài tháng ở trại giam quận, dài thì gần cả năm ở nhà lao tỉnh. Hồi nhà Ngô chủ trương tố cộng, những người đàn bà trong nhà tôi ban đêm còn phải đi giữ cầu để phòng du kích đặt mìn giật sập. Tôi lớn lên dưới mắt nhìn thương cảm của bà con hàng xóm, thầy cô và bè bạn.

Nhưng nghĩ lại, xã hội miền Nam cũng thật nhân ái và bao dung: từ tiểu học lên trung học, nhà trường biết cha tôi là bộ đội tập kết trở về Nam, mẹ tôi ở tù vì liên lạc với kháng chiến, vậy mà tôi vẫn được học tập bình thường như các bạn là con sĩ quan, viên chức chính quyền. Phiếu lý lịch học sinh - sinh viên của tôi chưa tới một trang giấy, trong đó chỉ có một dòng ghi tên cha kèm theo hai chữ “đã mất” và một dòng tên mẹ kèm theo nghề nghiệp là “buôn bán”. 12 năm tôi học phổ thông, mẹ tôi chưa một lần đi họp phụ huynh. Ngày đầu tiên đến trường vào lớp Năm (tức lớp 1 bây giờ), không phải mẹ mà là dì Mười đưa tôi đến trường. Khi làm hồ sơ ghi danh vào đại học, tôi cũng không phải về địa phương xác nhận lý lịch.

Image result for Con đợi mẹ trước cổng nhà tù
ảnh minh họa

Dù sao, một đứa bé mồ côi cha và có mẹ là tù nhân vẫn bị những tổn thương tinh thần không dễ xóa mờ. Nhà lao quận Mộ Đức nằm ngay phía sau công đường quận lỵ, cách trường tôi học chỉ năm trăm mét. Những chiều mang thức ăn tiếp tế cho mẹ, tôi thầm mong không gặp người quen hay bạn học trên đường, không phải dừng lại để trả lời những câu hỏi tò mò của họ. Khi nhà túng thiếu, từ trong tù mẹ nhắn ra ngoài bảo tôi đi đòi nợ những khách hàng mua chịu, tôi chỉ mong họ im lặng trả tiền mà không cần buông ra những lời an ủi, xót thương.

Nhà lao quận nhỏ, hai lớp rào kẽm gai vây quanh, mỗi lần đi thăm mẹ, tôi có thể nấn ná nói chuyện với mẹ qua ô lưới sắt, nghẹn ngào nhìn mẹ xách giỏ đồ đi qua khoảng sân nắng vào phòng giam. Một lần, nhờ người lính gác dễ tính, mẹ xin cho tôi vào phòng giam chờ mẹ ăn xong rồi đem cà mèn đựng cơm về. Căn phòng giam chật chội, ngộp thở, các bạn tù của mẹ trải chiếu nằm dưới đất, họ xoa bóp cho nhau những vết bầm trên lưng, trên đùi vì tra tấn, mùi dầu khuynh diệp và cù là nồng nặc cả không gian. Trời nóng, có người đàn bà ở trần, vú chảy xệ; có người tuổi chưa già mà tóc bạc trắng, nở nụ cười thương mến dành cho đứa con người bạn tù. Sau lần đó, bị ám ảnh bởi hình hài tiều tụy của những tù nhân nữ, mỗi khi mẹ xin người lính gác cho tôi vào thăm, tôi nói tránh với mẹ là phải về nhà học bài cho kịp.

Khi mẹ bị chuyển ra nhà lao tỉnh, đường sá xa xôi, mỗi tháng dì Bảy chỉ đưa tôi đi thăm một lần. Nhà lao tỉnh xây tường cao quá đầu người, bên trên thêm một lớp kẽm gai sắc nhọn cuộn tròn. Thân nhân phải đi thăm tù theo đúng ngày giờ quy định, đến nơi nộp thức ăn, thuốc men, quà cáp để lính gác kiểm tra trước khi chuyển vào, chờ nhận được một lời nhắn gì đó của người thân rồi ra về. Mẹ tôi thường nhắn cho dì Bảy: “Chị khỏe, em nói mẹ đừng lo, bữa sau em đừng dẫn cháu theo, ít hôm nữa chị về”. Nhưng dì Bảy chiều ý tôi, thường dẫn tôi đi theo, chứ dì đi một mình cũng buồn. Năm lần bảy lượt, lần nào cũng “ít hôm nữa chị về” mà nào có thấy bóng mẹ.

Lần đi thăm đó đúng vào dịp cuối năm, trường tôi vừa được nghỉ Tết. Từ sáng sớm dì cháu tôi đi xe lam ra bến xe thị xã rồi đón xích lô lên nhà lao ngay cho kịp giờ. Giờ nhận quà trôi qua lâu, chờ mãi mà cổng nhà tù vẫn không chịu mở. Thân nhân tù đứng ngồi xôn xao bên bờ tường nhà giam, nhớn nhác chạy tới chạy lui hỏi thăm nhưng không ai có câu trả lời chắc chắn. Người này bảo sắp có một đợt chuyển tù ra Côn Đảo, nên hôm nay lịch thăm bị hủy bỏ. Người kia lại bảo hôm nay cuối năm, có đoàn cấp trên đến “ủy lạo” tù nhân. Dì cháu tôi hoang mang, chốc chốc lại nhổm dậy nghe ngóng tin tức văng vẳng trên loa phóng thanh vọng ra từ trong sân tù.

Đúng lúc mọi người đều mệt mỏi, không còn gì hy vọng thì cánh cổng tù nặng nề hé ra rồi từ từ mở rộng. Một đoàn tù nhân tay xách nách mang sắp hàng một từ trong sân đi ra, mắt chói nắng giữa giờ trưa đứng bóng. Đám thân nhân ùa vào cổng, một cảnh ồn ào xáo động diễn ra, chồng ôm vợ, mẹ hôn con, anh nắm tay em… Những người không gặp người thân thất vọng hỏi dồn dập những người tù được tha: chị thấy mẹ em đâu không, cha em có được tha đợt này không? Dì cháu tôi đứng như trời trồng giữa đám đông phấn khích, lòng đầy thất vọng nhìn niềm vui của người khác. Bỗng tôi nghe có tiếng mẹ gọi tên mình: từ trong sân mẹ tôi bước ra sau cùng, dáng đi mệt nhọc, được một người bạn tù bên cạnh dìu đỡ.

Khi cùng mẹ và dì Bảy về đến nhà, tôi thấy Bà Ngoại ngồi khóc bên mâm cơm cúng tất niên vừa bưng trên bàn thờ xuống. Đôi đũa bà vẫn để hờ bên mâm như chờ đợi. Tôi chưa ăn gì mà cũng thấy no, không muốn ngồi vào mâm. Tôi đuổi theo con Ki chạy quanh vườn rau của ngoại, nó vừa vẫy đuôi vừa sủa gâu gâu như reo lên: Mẹ về rồi, mẹ về rồi!

Và tôi biết đó là cái Tết hạnh phúc nhất của tuổi thơ mình.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 1-8-19
http://www.viet-studies.net/HNhuPhuong_DoiMeTruocTu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét