Nhà bán cho người thu nhập thấp, nhưng hàng trăm chủ nhà đều có... ôtô
18/08/2019 TTO - Nhiều căn hộ tại chung cư dành cho người thu nhập thấp như Simona, cao ốc Long Thịnh... (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang bị rao bán, cải tạo thành homestay để đón khách du lịch trái phép, trục lợi chính sách. Trong khi đó, hàng trăm chủ căn hộ nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp tại các dự án này đều có ôtô, thậm chí "đòi" chỗ đậu ôtô do người dân phản ảnh việc đỗ ôtô tràn lan ra đường, gây mất an ninh trật tự.
Tại nhà ở xã hội - cao ốc Long Thịnh, một nửa
trong số 480 hộ dân có ôtô - Ảnh: T.THỊNH
Cho thuê homestay, "đòi" có chỗ đậu ôtô!Thông qua một địa chỉ rao cho thuê căn hộ trên mạng, chúng tôi liên hệ với số điện thoại và hẹn gặp một người giới thiệu là chủ căn hộ tại tầng 10 block C ở cao ốc Long Thịnh, TP Quy Nhơn. Người phụ nữ dẫn chúng tôi đi giới thiệu mình là chủ căn hộ ở tầng 9, được chị này mua lại để làm homestay. Căn hộ này có hai phòng ngủ và một phòng khách, đầy đủ chỗ nấu ăn, giường cho trẻ em, tivi và máy giặt. Giá cho thuê căn hộ này là 500.000 đồng/ngày cho 4 người, nếu tăng 1 người sẽ thêm 100.000 đồng/ngày.
Tương tự, nhiều chủ căn hộ tại chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn (Simona) cũng lên mạng xã hội quảng cáo công khai việc cho thuê homestay tại chung cư này với giá 500.000 đồng/ngày phòng đôi, thậm chí có thể thuê nguyên căn. Các căn hộ tại đây cũng được rao bán với căn tầng trệt giá 1,8 tỉ đồng, tầng 7 và 8 giá 1,2 - 1,4 tỉ đồng.
Nhà ở xã hội Long Thịnh do Công ty CP Ðầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng Fico làm chủ đầu tư (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), được xây dựng với nhiều sự ưu đãi của Nhà nước như được cấp đất không thu tiền, được vay vốn từ gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng của Chính phủ... Thế nhưng tại buổi tiếp xúc cử tri phường Ghềnh Ráng mới đây, ông Ngô Hoàng Nam, chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, thông tin trên thực tế một nửa trong số 480 hộ dân ở chung cư Long Thịnh đều có ôtô.
"Việc mua ôtô là nhu cầu chính đáng của người dân, không thể cấm. Nhưng đặc thù nhà ở xã hội nên không xây tầng hầm để ôtô, do vậy các hộ dân đã để ôtô tràn ra đường, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông" - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho rằng nhà ở xã hội chung cư Long Thịnh được xây dựng cho người thu nhập thấp, với giá thời điểm bán chỉ 300-400 triệu đồng/căn. "Nhiều người lao động phải chật vật, khó khăn mới mua được. Thậm chí có người không đủ tiền mua căn hộ, lấy đâu ra tiền mà mua ôtô?" - ông Tùng đặt câu hỏi, đồng thời đặt nghi vấn rằng những hộ được mua nhà ở xã hội không thuộc các đối tượng quy định của pháp luật.
Người phụ nữ dẫn đi xem phòng homestay gia đình
tại nhà ở xã hội Long Thịnh - Ảnh: T.THỊNH
Trục lợi chính sách?
Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn cho thấy nhà ở xã hội Phú Mỹ - Quy Nhơn chỉ có 80% số người mua đúng đối tượng, trong đó 53 căn hộ tự ý chuyển nhượng lại cho bên thứ ba sai quy định.
Tương tự, dự án chung cư nhà thu nhập thấp - cao ốc Long Thịnh chỉ có 60% số người mua đúng đối tượng, chưa kể có 77 căn hộ chuyển nhượng lại sai quy định.
Ông Lê Đăng Tuấn, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cũng cho biết từ ngày 5-8 đến nay, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra tại chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn và cao ốc Long Thịnh.
Kết quả bước đầu cho thấy tại chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn có 32 căn hộ vi phạm, đoàn tiếp cận được 19 căn hộ cam kết chuyển về ở chính chủ, còn lại 13 căn chưa thể tiếp cận.
"Trước mắt chúng tôi sẽ cắt điện, nước tất cả các căn hộ chưa thể tiếp cận được và bất cứ căn hộ nào có hành vi làm homestay. Sau đó sẽ thu hồi căn hộ và bán cho người khác đúng đối tượng" - ông Tuấn nói.
Ông Trần Viết Bảo, giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, cho biết theo Luật nhà ở 2014 và nghị định 99/2015, trong thời gian 5 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội, chủ căn hộ không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức. Chủ căn hộ chỉ được phép bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho người đáp ứng điều kiện quy định về việc mua nhà ở xã hội, cũng không được phép thế chấp, trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua chính căn hộ đó.
"Hợp đồng mua nhà ở xã hội chung cư Long Thịnh được các bên ký mua bán năm 2016. Đến nay chưa đủ 5 năm, nên việc cho thuê làm dịch vụ homestay, ủy quyền... hay bất kỳ hình thức gì đều trái quy định pháp luật. Chủ căn hộ chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn (Simona) cũng chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, ủy quyền, cho thuê" - ông Bảo nói.
Ngăn chặn trục lợi chính sách
Theo ông Lê Đăng Tuấn - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu thực sự cho người dân có thu nhập thấp. Nhưng trong thực tế nhiều người đã bán lại, ủy quyền cho người khác đứng tên hoặc tổ chức làm homestay... chứng tỏ không có nhu cầu ở thực sự, có dấu hiệu trục lợi chính sách.
Trong cuộc thảo luận HĐND tỉnh Bình Định mới đây, ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết địa phương này sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. "Ngoài việc kiểm soát giá nhà ở xã hội đảm bảo đúng theo quy định, địa phương cũng sẽ triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi, đảm bảo chính sách về nhà ở xã hội được triển khai công khai, minh bạch, công bằng" - ông Dũng khẳng định.
Trục lợi nhà ở xã hội
TTO - Theo điều tra của Tuổi Trẻ, bất chấp quy định không được mua bán hay cho thuê lại nhà ở xã hội, hiện nhiều người sau khi mua được nhà ở xã hội đã âm thầm cho thuê làm văn phòng, thậm chí bán lại kiếm lời…
TTO - Theo điều tra của Tuổi Trẻ, bất chấp quy định không được mua bán hay cho thuê lại nhà ở xã hội, hiện nhiều người sau khi mua được nhà ở xã hội đã âm thầm cho thuê làm văn phòng, thậm chí bán lại kiếm lời…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét