Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

TS Tạ Đình Thính kể chuyện viếng tướng TRẦN ĐỘ

Theo wiki, Trần Độ (23 tháng 9 năm 1923 – 9 tháng 8 năm 2002) là nhà quân sự, chính trị gia người Việt Nam. Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên. Trong Quốc hội Việt Nam ông giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội khóa VII giai đoạn 1987-1992. Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III, IV, V, VI (1960-1991). Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất và hạng ba),... Do bất đồng chính kiến với một số lãnh đạo cao cấp khác của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông bị khai trừ khỏi Đảng ngày 4 tháng 1 năm 1999 khi đã 58 năm tuổi đảng. Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Trần Độ phát biểu: "Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể Đảng nữa". Theo Trần Độ "nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng". Ông kêu gọi: "Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ "hiệp thương" mà thực chất là gò ép".
Tiến sĩ Tạ Đình Thính kể chuyện đi viếng tướng TRẦN ĐỘ
TS Tạ Đình Thính, nguyên Vụ trưởng
Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ.
Khi được tin ông Trần Độ qua đời, trong một cuộc khai hội, anh LHD chuyên theo dõi về an ninh thông tin: con ông Trần Độ là Trần Thắng đã nộp cho cơ quan hữu quan 90kg tài liệu, phần lớn là có quan điểm phê phán đường lối chính sách, đó là sách báo, tài liệu gửi về từ nước ngoài. Hơn 8 giờ hôm tổ chức viếng ông Trần Độ (Tạ Ngọc Phách), tôi đi bái biệt ông Tạ Ngọc Phách. Gặp anh Cao Sơn, được biết không tổ chức được nhóm biên tập “Việt Nam Tạ tộc phả” để viếng ông Tạ Ngọc Phách. Ông Tạ Thái An không đến.

Tại tang lẽ ông Tạ Ngọc Phách, những phút đầu, chủ yếu là người nhà, các dòng họ Tạ đến viếng. Rất đông bạn bè. Ngoài việc trên tường nhà tang lễ bỏ đi chữ “vô cùng” trong tiêu ngữ “vô cùng thương tiếc”, con trai ông khi đáp từ đã không tiếp nhận lời điếu do Vũ Mão đọc và việc vỗ tay hoan hô lời đáp từ của những người dự tang lễ (sau này Vũ Mão viết lại trong bài ‘nghị sĩ đóng vai nghệ sĩ’ thì khi đọc đến đoạn “lỗi” thì đọc nhỏ như không đọc, bài này anh Trần Thắng lại nói là đọc rõ), còn mấy điều đáng chú ý:

Có một bức trướng của một nhóm do cụ Lê Giản đứng tên không được vào viếng cứ trương ở sân nhà tang lễ suốt buổi:

Tướng quân Trần Độ,
Nhân văn danh tướng,
Trí dũng vẹn toàn.

Hoặc các bức trướng khác của bạn hữu ca ngợi ông Trần Độ như:

Trọn nghĩa nước non,
Vẹn tình đồng đội.
Phong cách Việt Nam,
Tâm đức HCM.
Tuệ mục, tuệ tâm.

Công thần chẳng làm Phách,
Danh tướng chẳng cầu nhàn,
Bút thần vung mấy Độ,
Đáng mặt trí dũng nhân.
Trí dũng vì dân.

Các vòng hoa, các bức trướng do các đoàn đem vào viếng, vừa đặt trước bàn thờ, ban tổ chức lễ tang cuộn lại, hoặc úp mặt vào tường, hoặc lấy vòng hoa khác “đúng quy cách” che đi các bức trướng, các vòng hoa. Ban tổ chức làm vậy, một người con dâu của người quá cố dáng người nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi trong tang phục màu đen bước lên phản đối bằng cách lại trương các vòng hoa, bức trướng “không đúng quy cách” ra trước bàn thờ (sau này được anh Trần Tiến Đức cho biết người con dâu họ Tạ hiếu thảo và đáng yêu ấy tên là Nguyễn Thị Khánh Trâm. Họ Tạ còn dầy phúc lắm).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng ghi: “vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ” và ghi dòng chữ nhỏ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ban tổ chức không đồng ý ghi như thế và yêu cầu chỉ ghi ở vòng hoa là “thương tiếc ông Trần Độ”. Dùng dằng ban tổ chức không đưa vòng hoa vào bên trong, bên linh cữu Trần Độ. Một phó chủ nhiêm Văn phòng Quốc hội (Thuận), một phó chủ nhiêm Tổng cục chính trị (Hân) lúng túng hỏi chúng tôi. Nguyễn Văn Huyên, thư ký của Đại tướng trước tình hình vậy phải điện báo cáo xin ý kiến của Đại tướng. Anh Huyên thông tin lại: Đại tướng bực mình và nói: “nếu thế thì dẹp đi”. (Tôi có quen biết anh Huyên từ thời tôi phục vụ ở Phủ thủ tướng nên gần gũi và được anh chia sẻ).

Sau nhiều lần thương thuyết, vòng hoa ghi:

“Thương tiếc trung tướng Trần Độ” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Viết thế, nhưng khi đem vòng hoa vào viếng, ban tổ chức vẫn đọc trên loa: “ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”, chứ không đọc là “đại tướng Võ Nguyên Giáp”, không đọc là 'Trung tướng Tần Độ'.

Trần Quốc Hương (Mười Hương) tập tễnh, lê từng bước, một tay như treo lên cổ, lết vào viếng Trần Độ. Mười Hương đứng trước linh cữu hồi lâu. Khi trở ra, đến trước gia quyến, Mười Hương ôm người nhà Trần Độ khóc nức nở.

Đến viếng Trần Độ có nhiều nhà văn hóa, các tướng lĩnh: Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Sơn Tùng, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Trung tướng Nguyễn Hòa …

Trong tang lễ, khi đợi vào viếng có người đọc câu:

“Tam Trần trần trần Độ,
Ngũ Tạ tả tả tơi”
Và giải thích một cách lấp lửng, theo câu này Trần Độ bị đánh đến hai lần?

Di cốt được đưa về quê hương Thái Bình, nhiều người dân nghênh đón.

Trong buổi giao ban cơ quan của tôi, nhiều người yêu cầu tôi thông tin về đám tang ông Trần Độ.

Khi đi dự tang lễ ông Trần Độ, tôi đã xin phép đi viếng với tư cách cá nhân trong ban biên tập soạn thảo sách “Việt Nam Tạ tộc phả”, ban này có ông Trần Độ (Tạ Ngọc Phách).

Anh LHD, một người bạn đáng kính của tôi, theo đúng chức năng phải báo cáo về đám tang trong giao ban, nội dung đại thể như tôi kể ở trên.

23.8.2018
_______________

Tiến sĩ Tạ Đình Thính,
nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét