Bà Phạm Chi Lan: Đó là năm 'cái khó' trên đầu doanh nghiệp VN
20 tháng 8 2019 - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận với BBC các vấn đề lớn mà doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đương đầu trong quá trình phát triển trung hạn và dài hạn. Bên lề một hội thảo tư về Việt Nam học ở Porto, Bồ Đào Nha, hồi trung tuần tháng 7/2019, Nguyên tổng thư ký, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu lên năm vấn đề như sau đang làm khó doanh nghiệp Việt Nam:- Nền tảng kinh tế chính trị văn hóa: ở Việt Nam, các nền tảng này vẫn chưa được hình thành một cách đầy đủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là một nền tảng lớn mà nước nào cũng phải xây dựng một cách bền vững.
- Thể chế kinh tế nửa nhà nước nửa thị trường: Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường từ lâu, nhưng sự chuyển đổi đó chưa hoàn tất chưa đầy đủ. Thể chế hiện nay cũng chưa đảm bảo được quyền sở hữu về tài sản của người dân cũng như doanh nghiệp. Trên thực tế, những quyền sở hữu này vẫn có thể bị xâm phạm dù đã được quy định trong Hiến pháp.
- Thể chế thị trường chưa phát triển: thị trường Việt Nam hiện vẫn mang tính sơ khai, hoang dã, nhất là về công cụ cạnh tranh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh vô lối, không được kiểm soát mặc dù có luật cạnh tranh, dẫn đến sự hỗn loạn của thị trường.
- Sự cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: nền kinh tế Việt Nam nay rất mở, nhưng trong khi mở cửa cho các nhà đầu tư từ bên ngoài, cái mở, sự tự do hóa tương ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam lại bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lại cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước vì họ được ưu đãi rất nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam 'bị trói chân, trói tay' và không tận dụng tốt được các cơ hội của hội nhập. Chẳng hạn, con số xuất khẩu của Việt Nam, tới 70% là của các doanh nghiệp nước ngoài.
- Những yếu kém của bản thân các doanh nghiệp: qua quá trình 30 năm đổi mới, doanh nghiệp mới dần dần được cởi trói để phát triển, nhưng quá trình này diễn ra chậm chạp. Phải bươn chải từ đầu với những người hai bàn tay trắng không có gì kể cả về giáo dục đào tạo hay kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường là việc thực sự khó khăn.
Ở Việt Nam, nếu nhìn vào cấu trúc doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn chỉ 1%, doanh nghiệp vừa chừng 2 - 3% còn lại 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam lại là rất nhỏ so với nước khác, và thậm chí trong những năm gần đây còn nhỏ đi về quy mô trung bình so với cách đây 10 năm, bà Phạm Chi Lan cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét