Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Thái Lan và dự án kênh đào Kra đầy tham vọng

Thái Lan và dự án kênh đào đầy tham vọng
24/08/2019, Kênh đào Thái Lan, còn có tên kênh Kra hay kênh eo đất Kra, là một đề xuất đào kênh nối vịnh Thái Lan với biển Andaman qua eo đất Kra ở miền nam Thái Lan. Những người đề xuất nói kênh đào này sẽ cải thiện tình hình giao thông vận tải trong khu vực, tương tự như kênh đào Panama ở Trung Mỹ và kênh đào Suez ở Ai Cập. Nếu được thực hiện, kênh đào Kra hoàn toàn có thể là một thủy lộ thay thế tuyến hải trình qua eo biển Malacca, rút ngắn 1.200km quãng đường vận chuyển dầu từ Trung Đông về Nhật Bản và Trung Quốc. Bắc Kinh coi dự án này là một phần chiến lược Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của họ. Các đề xuất đưa ra năm 2015 nói kênh dài 102km, rộng 400m, sâu 25m.

Các vị trí được đề xuất xây kênh đào Kra.
Dự án tham vọng
Người ta đã nhiều lần thảo luận về đề xuất này nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa được khởi công. Các mối lo ngại về chi phí và tác động môi trường có vẻ đang thắng thế trước tiềm năng kinh tế và chiến lược mà con kênh mang lại. Tháng 2/2018, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố dự án kênh Kra không phải là ưu tiên của chính phủ.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi, nhất là khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở khu vực, cùng với sự bành trướng của các dự án hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh trải dài từ Á tới Âu, Phi.

Theo nhận định của chuyên gia trên tờ The Diplomat, kênh đào Kra có thể sớm trở thành hiện thực, là một phần của sáng kiến hạ tầng Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative). Rhea Menon, nhà nghiên cứu của viện Carnegie Ấn Độ nói trong suốt chiều dài lịch sử, các vương triều Thái Lan và một số chế độ thực dân châu Âu nhiều lần tìm cách đào một con kênh xuyên qua eo đất Kra, biến nó thành một công cụ thương mại và chiến lược.

Ý tưởng này đã được khơi lại khi Trung Quốc vạch ra kế hoạch mở một “Con đường tơ lụa trên biển”. Kênh đào Kra, theo đó, sẽ kết nối nhiều công trình cơ sở hạ tầng, dự án của Trung Quốc trong khu vực.


Đồ họa mô tả dự án kênh đào Kra trên một website ở Thái Lan.

Phần phát triển hạ tầng đường biển trong sáng kiến Vành đai và Con đường là một dự án kết nối đầy tham vọng, tạo ra một mạng lưới giao thông vận tải, kho vận từ châu Á tới châu Âu thông qua Ấn Độ Dương. Trong vòng hai thập kỷ qua, việc xây dựng các cảng biển, các cơ sở phục vụ vận tải đường biển đã thúc đẩy sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương.

Khi Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện thông qua các cửa ngõ hàng hải, việc thiết lập các dự án như kiểu kênh đào Kra rất có thể là để thiết kế lại thế trận an ninh chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tại Thái Lan, Hiệp hội kênh đào Thái Lan (TCA), một nhóm gồm các cựu tướng lĩnh cấp cao, nhiệt tình ủng hộ dự án. Theo một số báo cáo, dự án sẽ cần đến 28 tỷ USD và 10 năm xây dựng. Một số bản tin nói Trung Quốc sẵn sàng cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật.

Dự án kênh đào Kra mới gồm hai hợp phần: Phần thứ nhất là kế hoạch đối phó với cái gọi là “sự khó chịu mang tên Malacca”. Kênh đào Kra nếu được hoàn tất sẽ nối biển Đông với biển Andaman, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Các công ty Trung Quốc tỏ ra đặc biệt thích thú với dự án và rất sốt sắng thúc đẩy nó. Hiện nay 80% lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu đi qua eo biển Malacca.

Hợp phần thứ hai của dự án là thiết lập Vùng kinh tế đặc biệt (SEZ). Khu vực này sẽ có một số thành phố mới, đảo nhân tạo bên cạnh các khu công nghiệp và cơ sở phụ trợ trong khu vực. Dự án sẽ biến Thái Lan thành một trung tâm logistics, kết nối với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.


Các nhà môi trường lo ngại công trình kênh đào sẽ có tác động xấu đến cảnh quan và hệ sinh thái miền nam Thái Lan.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc có vẻ tránh đưa ra tuyên bố chính thức, các bản tin nói rằng Trung Quốc và Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ về dự án kênh đào này tại Quảng Châu vào năm 2015. Các bên tham gia ký kết là Công ty phát triển đầu tư hạ tầng Kra Trung Quốc - Thái Lan, và Tập đoàn Asia Union. Ngoài Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan được nói là cũng đang cố gắng thu hút các nguồn quỹ đầu tư khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và ASEAN. 

Thách thức


Mặc dù xây kênh đào là một ý tưởng có thể mang lại tiền bạc và vị trí chiến lược rất đáng kể, dự án cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Lo ngại lớn nhất là vấn đề môi trường cũng như an ninh của Thái Lan. Việc cắt đôi eo đất Kra tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, tác động tiêu cực đến hệ động, thực vật khu vực.

Hơn nữa, xây kênh đào còn có thể tác động xấu đến chủ quyền và an ninh của Thái Lan. Phần phía nam nước này (bờ nam của kênh đào dự kiến) trong nhiều năm qua đã chứng kiến sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa những người Thái theo Phật giáo và những người Thái gốc Mã Lai theo đạo Hồi. Theo nhà nghiên cứu Rhea Menon, sự thù địch mang tính lịch sử giữa hai nhóm sắc tộc này đã khởi phát từ năm 1902, khi Thái Lan sáp nhập vùng Patani vốn độc lập trước đó vào phần lãnh thổ của mình. Trong vài thập kỷ qua, vùng đất phía nam Thái Lan đã nổ ra nhiều cuộc tấn công biến loạn. Vì thế, dự án xây kênh đào Kra rất có thể làm gia tăng sự thù địch và ly khai của miền nam với phần còn lại của đất nước.

Tuy nhiên, với sự gia tăng ảnh hưởng về chính trị và kinh tế ở khu vực, cộng thêm nhu cầu phát triển kinh tế và cạnh tranh chiến lược với Mỹ, có thể dự đoán là người Trung Quốc sẽ tìm mọi cách thúc đẩy dự án. Và còn đó một lý do nữa, là viễn cảnh được cho là sẽ sớm diễn ra.

Theo một bài trên tờ Asia Sentinel, eo biển Malacca được dự báo là sẽ “bão hòa” vào năm 2024 khi có tới hơn 140.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, trong khi khu vực này chỉ đủ điều kiện cho 122.600 phương tiện qua lại trong một năm.


Eo biển Malacca được dự báo sẽ “bão hòa” tàu thuyền vào năm 2024.

Các tàu khác do đó phải chọn đi đường xa hơn về phía nam, ngang qua eo biển Sunda và Lombok, trừ khi kênh đào Kra ở Thái Lan trở thành hiện thực.

NGUYỄN XUÂN THỦY(Kiến thức gia đình số 34)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét