Thu-Chi trong đầu tư công tại Việt Nam còn nhiều bất cập
RFA 2019-08-15 - “Tôi cho rằng thật sự cần phải chọn lọc, những dự án nào hết sức thiết yếu mới bắt đầu làm bởi vì riêng lĩnh vực hạ tầng thôi cũng thấy rằng ngành giao thông cùng lúc đưa ra nào là đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc rồi nào là sân bay Long Thành, rồi Tân Sơn Nhất nâng cấp… thì nó quá nhiều cùng một lúc thì làm sao làm nổi, chỉ riêng ngân sách mà ngành Giao thông đòi hỏi là nó đã lớn kinh khủng hơn so với các ngành khác rồi, mà làm cùng lúc như vậy thì việc quản trị của Bộ Giao thông và ngành giao thông tôi không tin có thể làm được tốt. Ngay cả tính toán bài toán chắc chắn không đầy đủ, không thật sự thuyết phục được xã hội.”Nhiều đề xuất không khả thi
Vào ngày 15 tháng 8 công ty thoát nước Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội chi 150 tỷ đồng để bơm nước từ sông Hồng làm sạch Hồ Tây và sông Tô Lịch. Trả lời trên báo, tiến sĩ Trần Hồng Côn cho rằng “Giải pháp đó như một trò chơi”, ông khẳng định không ủng hộ giải pháp của công ty thoát nước Hà Nội vì chỉ tốn tiền thuế của dân.
Trước đó vào tháng 3/2019 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét nguồn vốn để cải tạo cầu Đuống tại Hà Nội nhằm tháo gỡ nút thắt trên tuyến vận tải đường thủy từ Quảng ninh đến Việt Trì với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.700 tỷ đồng.
Còn ở TPHCM, Sở Giao thông Vận tải đề xuất chi hơn 250 tỷ đồng để xây dựng 34 trạm thu phí xe hơi ra vào trung tâm thành phố, việc này được cho giúp giảm tình trạng kẹt xe và hai năm thu hồi vốn nhưng cuối cùng phương án này đang tạm dừng…
Dư luận xã hội cho rằng, việc các đơn vị đề xuất chi quá nhiều tiền ngân sách cho các dự án mà phần đông các đề xuất khi đưa ra chưa được thẩm định kỹ càng tính hiệu quả, chỉ làm cho thất thoát và nợ xấu tăng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của cố thủ tướng Phan Văn Khải và cũng là nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết; hiện nay Chính phủ Việt Nam đang huy động từ nhiều cách khác nhau, một phần do vốn đầu tư (sắp đến thời hạn cuối cùng giải ngân năm 2020) còn dư nên người ta (các bộ, ngành, địa phương-pv) muốn làm để sử dụng nốt phần vốn còn lại. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết chính phủ huy động thêm từ xã hội bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc vay tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên:
“Tôi thật sự cũng rất là băn khoăn vì các dự án đầu tư công vẫn tiếp tục dàn trải ghê quá, ham làm quá nhiều dự án, không có trọng tâm trọng điểm và không thật sự chú trọng đến tính hiệu quả kinh tế của các dự án, để lấy đó làm tiêu chí để đánh giá các dư án nào cần làm ngay, dự án nào chưa cần làm…có thể gác lại hoặc không cần nhà nước làm mà để cho các tổ chức đứng ra làm. Vấn đề đầu tư công của Việt Nam vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn mặc dù trong ba lĩnh vực tái cơ cấu kinh tế đề ra cách đây gần 10 năm nhưng thật sự cũng chưa cải thiện được bao nhiêu, cũng có một thời gian giảm tiến độ đi nhưng sau đó lại bùng lên, cả những dự án sau này tưởng tương đối nhỏ hoặc đơn giản nhưng cũng đều là dự án ngàn tỷ hết.”
Đồng thời bà Phạm Chi Lan cho biết, điều này gây ra lãng phí rất lớn cho xã hội. Bây giờ nhà nước có thể vay mà đã vay thì trở thành gánh nợ trong tương lai nên nó vẫn là vấn đề rất lớn cho Việt Nam.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay; đây là bài toán rất lớn cho Chính phủ Việt Nam trong khi nhu cầu về các đầu tư công rất nhiều như; đường sắt cao tốc Bắc Nam… nhiều dự án lên tới hàng chục tỷ USD trong khi ngân sách quốc gia hạn chế.
“Vấn đề là làm sao cân đối được nguồn (tiền-PV) ngân sách để có thể đáp ứng nhu cầu lớn cho cả các đầu tư như thế. Tôi chắc chắn Bộ Tài chính cùng các bộ ngành đang ráo riết đưa ra giải pháp. Hiện tại chúng ta thấy phần chi rõ hơn là thu và trong thời gian tới nếu phần thu không được cân đối được với chi thì nhiều dự án cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi và tôi hy vọng chuyện đó sẽ không xảy ra.”
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy nợ công của Việt Nam đang ở mức hơn 3.2 triệu tỷ đồng và thời hạn phải giải ngân là vào năm 2020-2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc ở Hải Phòng hôm 19/6 đã lên tiếng kêu gọi người dân Hải Phòng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh “đồng cam cộng khổ” cùng chính phủ trả nợ công.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành chuyên gia kinh tế, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) từng cho biết tại buổi công bố nợ công 2019 và được RFA trích lại hôm 21/6/2019 khẳng định, “Nếu lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, nền kinh tế bị đe dọa.”
Cần chọn lọc đầu tư
Nhiều chuyên gia cho rằng với tỷ lệ nợ công được xem cao nhất trong khu vực thì các dự án đề xuất lên tới nhiều tỷ đồng như vừa nêu, có phù hợp trong thời điểm hiện nay hay không.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định:
“Tôi cho rằng thật sự cần phải chọn lọc, những dự án nào hết sức thiết yếu mới bắt đầu làm bởi vì riêng lĩnh vực hạ tầng thôi cũng thấy rằng ngành giao thông cùng lúc đưa ra nào là đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc rồi nào là sân bay Long Thành, rồi Tân Sơn Nhất nâng cấp… thì nó quá nhiều cùng một lúc thì làm sao làm nổi, chỉ riêng ngân sách mà ngành Giao thông đòi hỏi là nó đã lớn kinh khủng hơn so với các ngành khác rồi, mà làm cùng lúc như vậy thì việc quản trị của Bộ Giao thông và ngành giao thông tôi không tin có thể làm được tốt. Ngay cả tính toán bài toán chắc chắn không đầy đủ, không thật sự thuyết phục được xã hội.”
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong các đầu tư công cũng có nhiều dự án cần thiết nhưng còn một số đầu tư thiết yếu hơn.
“Chẳng hạn như đường xe lửa cao tốc Bắc Nam thì theo quan điểm của tôi các dự án như thế rất là tốn phí và dự án đó có thể lùi lại ở thời điểm mà ngân sách quốc gia rủng rỉnh hơn, cân bằng hơn. Còn đối với thời điểm này mà chúng ta chi tới 50 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trong khi đường bộ chúng ta cần phải cải thiện, đường hàng không thì đang hạn chế, giao thông ách tắc trong những thành phố. Trong nhiều dự án có thể phải dời lại trong tương lai để nhường cho những dự án ưu tiên hơn.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, hiện nay việc ưu tiên nhất mà ông cho là vấn đề an sinh xã hội, đầu tư vào các cơ sở bệnh viện, trường học và y tế và thứ hai là môi trường. Tất cả mọi dự án về môi trường không thể trì hoãn được nữa còn những dự án mở rộng sân bay… thì những dự án đó hoàn toàn có thể dời lại.
Còn đối với bà Phạm Chí Lan, vấn đề an sinh xã hội trong những năm gần đây nhà nước Việt Nam cũng có quan tâm như bảo hiểm ý tế cho những người diện khó khăn, tuy nhiên:
“Những chương trình giảm nghèo của VN cần được thúc đẩy tiếp để làm tốt hơn trong thời gian tới. Bởi vì chuẩn nghèo sẽ thay đổi thường xuyên nhưng ở VN thì còn rất nhiều và đặc biệt diện cận nghèo có nghĩa là bất cứ chấn động nào xảy ra có thể đẩy họ trở lại nghèo thì khả năng còn rất cao nên vấn đề an sinh là một chuyện lớn cần phải lo.”
Bà Phạm Chi Lan còn khẳng định, trong các quyết định đầu tư chắc chắn phải được xem xét tất cả dự án một cách khách quan để có tiêu chí ưu tiên cho nó tốt hơn nhưng hiện nay chính phủ Việt Nam lại thực hiện theo cách ưu tiên quá nhiều.
“…khi đưa ra thì toàn những ngành nào có vị thế nhất định thì dành được nhiều vốn hơn cho mình, trong khi những ngành những vùng nhất định có khó khăn thì lại không được đầu tư. Cho nên phải có cơ chế xem xét công khai minh bạch hơn. Có ý kiến người dân khắp nơi, chuyên gia nhiều lĩnh vực khác nhau, bài toán đưa ra một cách đầy đủ hơn thì giúp cho những người quyết định ngân sách có cái nhìn đầy đủ hơn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét