Tại sao không chọn được hiền tài?
Nguyễn Khắc Mai 20-5-2019 - Trước hết phải cảm ơn báo Tuổi Trẻ Sài gòn, đã biếu báo cho người cộng tác viên kỳ cựu, vì thế, tôi có điều kiện để đọc và bình luận những bài của anh Tư Sang. Nhờ báo mà tôi khởi duyên được với anh Tư. Có lẽ, anh Tư cũng nên sung sướng là bài viết của mình còn có người đọc. Để kỷ niệm ngày sinh của Hồ chí Minh, anh có bài “Tìm Chọn Hiền Tài” (báo Tuổi Trẻ ngày 17-5-2019). Bài khá dài, trọn cả một trang, nêu 4 vấn đề:
Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Photo Courtesy
Thứ nhất, những bài học lịch sử, anh nói về “những tấm gương điển hình cho việc chiêu hiền đãi sĩ, tìm chọn người tài của cha ông ta”, (không có ý gì mới).Thứ hai, “Chiếu cầu hiền khi cách mạng thành công”, kể Hồ Chí Minh đã tìm được cụ Huỳnh Thúc Kháng, chọn được mấy trí thức, đem về từ Pháp và bài báo đăng trên tờ Cứu Quốc, nói về “Kiến thiết cần phải có nhân tài… E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Nay… các địa phương phải lập tức điều tra, nơi nào có người tài đức, … thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Kể ra, chỉ một bài báo, mà anh coi đây chính là một dạng “Chiếu cầu hiền”, thì có hơi xỏ cụ Hồ, vì đã ví dụ như vua chúa thời xưa!
Thứ ba: Những bài học đau xót. Anh nói, chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực, nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác… và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để vào được các vị trí trọng yếu… Không thể để những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, “chạy chức, chạy quyền”, có nguồn tài sản bất minh, bị xã hội và báo chí lên án, lại có thể biện bach, thách thức dư luận, hay lên giọng rao giảng đạo đức… Một ông cán bộ cấp cao phát ngôn bừa bãi, đề ra những chính sách gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân, có thể tiếp tục nhơn nhơn tại vị. Tôi đồ rằng chắc anh cũng đã nhìn ra cái ông nhơn nhơn tại vị này. Thế thì anh nên lột mặt nạ hắn ra. Còn cứ ám chỉ thế này thì chỉ là gãi ngứa ngoài giày mà thôi! Dưng mà, những điều anh đau xót thì dân đã chịu đựng đã lâu lắm. Những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Thứ tư: Rà soát lại trách nhiệm. Anh nêu ra bốn loại trách nhiệm. Một là trách nhiệm tập thể. Hàm ý nói đến trách nhiệm của cái bộ tứ tức là tự bố, từ Bộ Chính trị đến thường vụ địa phương. Hai là trách nhiệm cá nhân người cán bộ tổ chức làm nhân sự. Tốt thì phải khen, mà xấu thì kỷ luật. Ba là trách nhiệm người được giới thiệu, họ phải báo cáo thành tích và dự định công việc sẽ làm. Điều này họ đã làm khéo léo một cách hình thức từ rất lâu. Anh nhận thức rất mâu thuẫn khi nói rằng hệ thống quy trình chặt chẽ của đảng, của nhà nước.
Thật ra quy trình càng chặt chẽ, mà sai về nguyên lý thì càng tệ hại. Anh không thấy cái lỗ hổng lớn về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là loại cán bộ cấp chiến lược. Với chế độ độc tài, toàn trị, không có tam quyền phân lập, không có xã hội dân sự… thì không tài nào có được đội ngũ cán bộ liêm chính, tài đức! Cái mơ ước của anh về một “cơ chế tìm chọn hiền tài đúng đắn, tiến bộ, phù hợp thực tiễn hiện nay”, là đúng, là hợp lòng dân, nhưng chỉ là ảo tưởng, chỉ là gãi ngứa ngoài giày, với những tư duy nửa vời như trên.
Nếu anh thực tâm, tôi cũng muốn cùng anh bàn cho ra nhẽ vấn đề này. Tôi cũng xui anh với điều kiện của anh, hãy tổ chức môt Diễn Đàn bàn chuyên về vấn đề này: “Tìm chọn hiền tài”, cho Đất nước, chứ không chỉ cho đảng cầm quyền.
Tôi xin gợi với anh mấy ý.
Về bản chất, và nguyên lý (cái lô gích nhận thức và lịch sử), những người cộng sản, cũng như cái đảng của họ không thể tìm chọn hiền tài. Bởi họ ảo tưởng cho rằng, học thuyết (mặc dù nửa vời, hổ lốn, và ngụy biện, dối trá, đánh tráo khái niệm…) luôn là đỉnh cao muôn trượng, vô địch, cái chân lý tột cùng… Vì thế, trong lịch sử họ từng tuyên bố trí thức không bằng cục phân! Làm sao họ có thể hạ mình tìm chọn hiền tài được. Nếu có ai đó, ban đầu ngộ nhận cùng đi với họ, rồi sẽ sớm từ bỏ họ, hoặc bị “vắt chanh bỏ vỏ”.
Giới trí thức nước ta có câu chuyện hài hước: Cộng sản coi trí thức như bình hoa, (có vẻ trân trọng lắm). Nhưng khi ngồi vào bàn tiệc thì đem lọ hoa đi chỗ khác. Với cái “triết lý” dở hơi, không công nhận cái đa nguyên, cái khác biệt, làm sao họ có thể tìm chọn được hiền tài. Chỉ riêng cái tiên đề hủ lậu (hủ là nát, mắm thối, lậu là dột – dột nát), “ai trái ý ta là phản động” của Cộng sản Việt nam, đủ thấy cái nhân cách thấp kém, tầm thường biết bao.
Tôi nói với anh cái nghịch lý hiện nay mà chính anh cũng vấp phải. Trong khi cái Hội nghi Trung ương 10 đang loay hoay xác định xem 5 năm tới, 10 năm tới, đất nước ta sẽ như thế nào, những câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải (nói như Huy Cận), họ đã hô nhau quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để tổ chức và lãnh đạo. Làm sao tin nổi cái đám cán bộ chiến lược được quy hoạch ấy có được phẩm chất hiền tài?
Có lần, trong một hội nghị, Bộ Chính trị nghe về công tác quần chúng. Tôi được giao trình bày vấn đề trí thức. Tôi nói rõ, việc hàng đầu của đảng đối với trí thức là “bái trí vi sư”. Tôi lấy ý từ bài phú “Bái thạch vi huynh” của Phan Bội Châu. Tôi dẫn giải rằng, mỗi nhóm trí thức của một lĩnh vực xã hội nào đó, họ là đỉnh cao tập hợp tri thức cao nhất của xã hội về lĩnh vực ấy. Cho nên đảng phải biết lạy trí thức coi họ là thầy. Giờ giải lao, Nguyễn Đình Tứ, Trưởng ban Khoa giáo nói, anh nói đúng nhưng họ không làm được đâu! Hết ý.
Tôi cho rằng việc quy hoạch cán bộ theo từng nhiệm kỳ đại hội và việc tìm chọn hiền tài là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng nếu việc chọn cán bộ, mà theo được một phần triết lý chọn hiền tài cũng là cái may cho đất nước và xã hội. Tất nhiên tôi quan sát thấy tất cả cán bộ gọi là giỏi của đảng từ xưa tới nay đều thấp xa so với chuẩn hiền tài. Cũng tại hội nghị nói trên, tôi đã thưa, anh An có thấy nghịch lý không, khi anh làm trưởng ban tổ chức Trung ương (anh An cũng dự cuộc họp đó). Khi Đại hội VI đã giao cho một công trình sư, trình một đề án, phê duyệt xong, thì gạt công trình sư đi, rồi giao cho một ông thợ thủ công chỉ huy, thì công trình đó nên hư thế nào chắc là đoán được!
Cũng có lần trong hội thảo bàn về quy hoach cán bộ do GS Tô Huy Rứa làm chủ nhiệm đề tài. Anh Rứa mời tôi phát biểu, tôi thưa phương thức quy hoạch vẫn chủ yếu là lọt mắt xanh trưởng lão. Hễ cứ ai xàng xê trước trưởng lão, thấy vừa ý là quy hoạch. Tôi dẫn chứng một loạt trường hợp và thấy nhiều người đồng tình.
Trong một hội thảo bàn về xây dựng đảng do HĐLLTW tổ chức, tôi thưa, có ba lĩnh vực liên quan đến xây dựng đảng. Dân vận, nơi tôi từng công tác, lý ra phải là nơi nghiên cứu đề xuất và lo phát triển xã hội dân sự, lại là nơi tránh né, không dám làm, cũng không dám nói. Ban Tuyên giáo đúng lý phải là nơi luôn tìm tòi đổi mới, cổ vũ tự do tư tưởng, làm con tàu phá băng, mở đường cho sáng tạo, thì lại là nơi cầm vòng kim cô kìm hãm đổi mới sáng tạo. Còn ban Tổ chức lý ra cũng là nơi đi tìm nhân tài, mở đường cho nhân tài nảy nở, trái lại chỉ tạo ra một cơ chế để chạy chức chay quyền từ cấp phường xã đến Trung ương. Anh Trần Đình Hoan từng là Trưởng ban Tổ chức ngồi dưới, kín đáo chắp hai bàn tay trước ngực, vỗ nhẹ, tỏ ý tán đồng. Sau đó họ cạch tôi và không bao giờ mời họp nữa.
Bàn về tìm chọn nhân tài, anh đề cập những bài học xưa. Những bài học ấy chỉ còn ý nghĩa đạo lý, chớ cái phương thức mở khoa thi, thì nay đã là lạc hậu. Còn bài học Hồ Chí Minh như anh đề cao, nhưng nó không trọn vẹn. Vì Hồ Chí Minh cũng chỉ nói đạo lý, chứ cũng chưa có phương thức tiến bộ, hợp lý để thực hiện. Với đường lối giai cấp hủ lậu, đảng đã gạt bỏ phần lớn những người có phẩm chất hiền tài. Kể cả tướng Giáp cũng từng được ngồi chơi xơi nước! Biết bao sĩ quan tài đức từng một thời oanh liệt cũng bị gạt ra rìa chỉ vì xuất thân tầng lớp trên.
Khoan hãy nói tìm hiền tài cho Đất nước. Hãy thử bàn tìm chọn người tài giỏi cho đảng. Muốn thế, phải giải quyết một vấn nạn tiên thiên bất túc của chính bản thân đảng. Từ cuối thế kỷ XIX, Ăng Ghen từng kêu trời một vấn nạn: “Hãy chấm dứt một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi quan chức của đảng là ‘đầy tớ’ (serviteur commun), để bảo ban phê bình, lại quay ra coi họ là đám quan liêu-không bao giờ-mắc sai lầm”.
Cái định nghĩa của Ăng Ghen về tầng lớp lãnh đạo của đảng đã được lịch sử 200 năm qua chứng minh là đúng đắn. Không có một định nghĩa nào chính xác hơn thế khi nghĩ về các loại Bộ Chính trị, ban chấp hành Trung ương trên thế giới, trong suốt hai trăm năm qua! Một khi chưa lột xác để thoát khỏi cái nhân cách quan liêu không bao giờ mắc sai lầm của các ban lãnh đạo cộng sản, thử hỏi làm sao trong đảng có thể tìm chọn hiền tài. Sau khi đã cầm được quyền hành hằng trăm năm qua, họ ngày càng có đủ mánh khóe để “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngưạ” (thật ra câu thành ngữ này không đúng, đáng ra phải nói: xe tìm xe, ngựa tìm ngựa). Như người trong nước nhận xét, không còn tìm đồng chí mà chỉ là đồng hội đồng thuyền, đồng lõa.
Chỉ trên cơ sở có một thiết chế “dân chủ, văn minh, công bằng” trong đảng và trong xã hội, may ra mới có cơ hội tạo ra được cơ chế, hiện thực, hữu hiệu để tìm chọn người hiền tài. Phải là một thiết chế chứ không thể chỉ là khẩu hiệu suông như hiện nay. Trong đảng phải dân chủ hóa, chứ không là quan liêu hóa như Ăng Ghen nhận định. Phải dám từ bỏ điều bốn, bỏ những quy chế nhằm gạt ra ngoài ý kiến của đảng viên thường, tôn trọng tính đa nguyên đa dạng trong đảng. Muốn thế phải thay đổi đảng từ học thuyết, đường lối ngõ cụt hiện nay, cả hệ thống tổ chức và bộ máy cồng kềnh, quan liêu, ăn bám của đảng.
Hãy ôm sách, ôm đầu đi tìm học kinh nghiệm hiện đại của những đảng dân tộc, dân chủ, đang thành công trên thế giới và khu vực. Hai trăm năm trước, trong Tuyên ngôn Cộng sản có một câu mà không có bất cứ đảng cộng sản nào thực hiện: “Các đảng cộng sản phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân chủ, dân tộc trong từng quốc gia!” Chính bè lũ phản đồ từ Lê-nin trở đi đã bỏ ngoài tai chính cái điều đã được ghi trong thánh kinh của họ. Và họ đã làm ngược lại, không doàn kết, hợp tác mà là thủ tiêu.
Môt mong muốn nghe có vẽ ảo tưởng, nhưng đó là chính đạo, là quy luật tất yếu. Hoặc cứ để cho cái thối nát đi đến tận cùng của phân hủy hoặc tự đổi mới, tự diễn biến để hòa mình cùng dân tộc! Không có sự lựa chọn nào khác.
Nói về tìm chọn hiền tài, tổ tiên ta đã để lại một minh triết. Trong Kê Minh Thập Sách, môt áng văn nói về mười chính sách trị nước an dân, có câu: “Tuyển tướng nghi hậu thế gia nhi tiên thao lược”. Nghĩa là, chọn tướng, trước hết phải là người thao lược, sau mới xét đến thế gia. Vũ Ngọc Khánh dịch: “Chọn tướng cốt người thao lược, chớ nể con ông cháu cha”.
“Thao” có nghĩa là thao tác, kỹ thuật, chiến thuật (tactique). Còn “lược” là tầm tri thức, tầm nhìn bao quát hệ thống, là chiến lược (Strategie). Làm chỉ huy, làm tướng quản trị một ngành, một địa phương, phải là những nhà thao lược. Hiện tại những người đứng đầu ngành hay địa phương không ai có tầm thao lươc. Cán bộ đảng đang biến thành một đám quan liêu thảm hại!
Để kết luận, tôi xin chép hầu anh nguyên văn một đoạn trong chuyên luận bàn về Minh triết và phát triển, mà HĐLLTƯ đã mời tôi trình bày kể đã gần 20 năm trước.
“Để có thể thực hiện được một quá trình phát triển trong một lĩnh vực xã hội nào đó, có lẽ đảng cộng sản phải có những ủy viên Trung ương, trước hết là người:
a/ Có năng lực nhận thức và thực thi, phác thảo quá trình phát triển của một lĩnh vực hay địa phương.
b/ Có năng lực bao quát những nội hàm của quá trình phát triển đó (đầu tư vật chất, con người, phương thức, chính sách, luật lệ, công nghệ…).
c/ Có tâm huyết dám đem cả cuộc đời mình đặt cược vào đó.
d/ Có nhân cách dân chủ, để biết “nghe”, biết “bàn”, biết “quyết”, biết tập hợp nhân lực nhân tài, tức là biết vận dụng vốn xã hội.
Về thực chất đảng cộng sản đã không thể giải quyết vấn đề này”.
Cái kết luận nhỏ cho riêng chi tiết này, qua ngót 20 năm tôi thấy chính xác.
Trong một phúc trình từ thế kỷ XVIII, của một giáo sĩ Thiên Chúa giáo về Đàng ngoài, có câu: Ở đây, trong mỗi ông quan là có một thằng ăn cắp, và người đàng ngoài khéo tay, lam làm (cần cù), nhưng hời hợt. Liệu chúng ta có hời hợt trong một vấn đề trọng đại “Tìm chọn Hiền Tài”, này không.
Chiến dịch j đây ?
Trả lờiXóa