Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Tâm sự một Việt kiều muốn VN ‘đầu tư cho dân’

Tâm sự một Việt kiều muốn Việt Nam ‘nên đầu tư cho dân’
7 tháng 2 2019 - Ý kiến nói Việt Nam nên xem lại việc xây nhiều tượng đài hoành tráng, vĩ đại mà tốn kém, trong lúc người dân và đặc biệt dân nghèo rất cần được giúp đỡ, trong đó có đầu tư và trợ giúp cho giáo dục. Một nhà tư vấn quản lý tài chính người Việt tại Pháp chia sẻ với BBC Tiếng Việt lý do ông gia nhập trừ bị quân đội Pháp và đồng thời trở thành thành viên của một câu lạc bộ cựu sỹ quan dù Nam Việt Nam ở Paris. Nhà tư vấn này cũng bình luận về việc Việt Nam nên làm gì để thu hút hay đào tạo tốt hơn nguồn nhân lực có thể phục vụ cho tương lai của đất nước và tầm quan trọng ra sao của việc cải thiện đầu tư cho giáo dục, hỗ trợ người dân.
"Tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, trước đó tôi làm việc trong một công ty thương thuyền của Pháp, nhưng đặt trụ sở tại Miami, tiểu bang Florida, ở miền Nam nước Mỹ. "Hãng thấy tôi làm được việc, muốn tôi ở lại Mỹ cho đến về hưu, nhưng là một người lớn lên tại Pháp và quen với môi trường văn hóa, xã hội ở châu Âu, tôi trở lại Pháp làm việc, nhưng vẫn giữ liên hệ kinh doanh với chi nhánh đó. "Tới nay, tôi làm việc trong lĩnh vực quản lý tài sản ở khu Tài chính La Defense ở trung tâm Paris, bên cạnh đó tôi cũng là cựu Chuẩn úy trừ bị của một trung đoàn thiết giáp của binh chủng thủy quân lục chiến của quân đội Pháp. "Nhưng một điều hân hạnh khác mà tôi xin được chia sẻ là tôi cũng là thành viên cảm tình viên của Hội Ái hữu cựu chiến binh nhảy dù Nam Việt Nam ở Paris."

Không quên truyền thống gia đình


Khi được hỏi vì sao là doanh nhân nhưng ông lại quan tâm đến các hoạt động, hội đoàn ít nhiều có liên quan đến 'nhà binh', 'binh nghiệp' như thế, ông Louis Cao Tấn Lộc đáp:

Hàng năm nhiều hội ái hữu cựu chiến binh người Việt Nam tại hải ngoại vẫn nhóm họp để ôn lại các kỷ niệm và truyền thống của đất nước và dân tộc

"Xin bắt đầu vào một kỷ niệm là ngày tôi được lệnh trở thành sỹ quan trừ bị - cấp Chuẩn úy. Tôi đã phải trải qua một cuộc phỏng vấn do một người sỹ quan an ninh của quân đội Pháp đặt câu hỏi. Lúc đó tôi tròn 24 tuổi. Khi nghe đến an ninh quân đội, tôi không biết họ muốn điều gì.

"Nhưng khi tiếp xúc, họ chỉ hỏi một câu vắn tắt về thân thế của gia đình tôi sau 1975.

"Tôi còn nhớ rất rõ từ đầu tiên mà người sỹ quan của an ninh quân đội Pháp hỏi tôi là: gia đình của anh bị kẹt lại Việt Nam sau Sài Gòn thất thủ, ông nhấn mạnh 'Sài Gòn thất thủ' chứ không dùng tiếng 'giải phóng Sài Gòn' như là trong báo chí, truyền thông mà mình gặp thường xuyên.

"Đó là lần đầu tiên tôi nghe một người là sỹ quan trong quân đội Pháp hỏi tôi về vấn đề Sài Gòn thất thủ. Và câu mà họ hỏi quan trọng nhất trước khi tôi được mang lon Chuẩn úy là: nếu trong trường hợp mà Pháp và Việt Nam có chiến tranh nữa, thì vị trí của anh như thế nào với tư cách là một người sỹ quan của quân đội Pháp?

"Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là về vấn đề giữa người với người, tôi không thể ở trong một đơn vị tác chiến, vì rất là khó khăn cho tôi nếu một ngày nào đó tôi bắt buộc phải bắn vào những người kể như là đồng bào của tôi, dù thậm chí những người đó không phải là những người cùng chiến tuyến với tôi hoặc với gia đình tôi trong quá khứ.

"Chuyện đó tôi không làm được, nhưng tôi xin thuyên chuyển vào một đơn vị về quân báo kêu bằng thông tin hoặc là về tình báo hay gì đó thôi, còn vấn đề tác chiến với tư cách một người sỹ quan gốc Việt Nam trong quân đội Pháp, tôi không thể nào nạp súng và bắn vào một người Việt Nam khác."

Khi được hỏi về phản ứng của an ninh quân đội Pháp khi nghe ý kiến đó, ông Louis Cao Tấn Lộc kể tiếp:

Ông Louis Cao Tấn Lộc làm việc nhiều năm ở Mỹ, trước khi trở lại Pháp và trở thành nhà tư vấn quản lý tài sản ở khu La Défense, trung tâm Paris

"Họ nói với tôi là: cái cách trả lời của anh - chúng tôi mong đợi như vậy. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy rằng nếu nói vòng vo tam quốc, họ sẽ biết là không thiệt tình. Họ rất hài lòng và sau đó tôi được mang lon Chuẩn úy.

"Còn về việc tham gia hội Ái hữu cựu chiến binh dù, như mọi người biết, trong gia đình của tôi trước năm 1975, tất cả các anh họ, mấy chú, mấy bác lớn tuổi hơn đã đều mang quân phục, phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

"Đối với tôi hình ảnh của người lính bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ quê hương để cho mình có ăn học đàng hoàng, sau biến cố năm 1975, hoàn cảnh đó đổi khác, nhưng tình cảm đó không bao giờ tôi quên được.

"Thành ra bắt đầu bằng những buổi lễ tưởng niệm, những buổi lễ nghĩ lại những hy sinh, nghĩ lại những khốn khổ của những người đàn anh đã trải qua, nên tôi tham gia với sức đóng góp nhỏ bé của mình để lấy chính sự hiện diện của mình để những hy sinh đó đừng bị quên lãng.

"Thì từ đó, tôi mới gặp được mấy chú, mấy bác trong Hội ái hữu nhảy dù này và gặp có cảm tình, rồi đến lúc biết gốc gác của gia đình tôi, thì mấy chú, mấy bác đã chấp nhận cho tôi là thành viên."

Và ông Lộc cho biết thêm: "Người cậu họ của tôi chính là cựu Trung tướng Dư Quốc Đống - là cựu tư lệnh của binh chủng nhảy dù trong tám năm trước năm 1975, ông là người tư lệnh ngay trước cựu tư lệnh cuối cùng là Thiếu tướng Lê Quang Lưỡng."

Hướng về đất nước và tâm sự.

Ông Louis Cao Tấn Lộc (phải) cho rằng người Việt Nam có tinh thần hiếu học và nhà nước Việt Nam nên nỗ lực cải thiện việc đầu tư, phát triển cho giáo dục của người dân để thu được những lợi ích trong tương lai.

Đó là chuyện liên quan tới quá khứ, còn về hiện tại và liên quan quê nhà ở Việt Nam hôm nay, ông Louis Cao Tấn Lộc tâm sự:

"Những người trẻ Việt Nam ở nước ngoài có năng lực, có đào tạo không ít, tôi nghĩ có nhiều người luôn nhớ tới Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó để thu hút được họ tham gia, cộng tác, đóng góp cho quê nhà thì còn có một số trở ngại.


"Tôi xin nói là không chỉ ở Pháp, chẳng hạn ở Mỹ như tôi biết, nếu bạn học giỏi, bạn làm giỏi, thì Mỹ sẽ làm mọi cách cho bạn di trú, tuy nhiên cái đó không phải chỉ ở mấy nước đó.

"Một ví dụ khác mà tôi biết nữa như là ở Singapore, tôi có rất nhiều bạn bè người Việt Nam từ Pháp qua Singapore đi làm việc, rồi họ định cư luôn tại Singapore.


Người Việt Nam luôn luôn hiếu học, cái đó không cần nói thêm. Thế hệ thứ hai, thứ ba định cư ở nước ngoài, chúng ta đã thấy họ thành công như thế nào khi môi trường thuận lợi để được học tập - Ông Louis Cao Tấn Lộc

"Singapore coi người Việt Nam cũng khá thích hợp vì Singapore thấy người Việt Nam cũng có nét tương đồng, so với người Việt Nam, họ xem như là đồng văn hóa, cũng như là 'đồng chủng'.

"Tôi biết là chính phủ Singapore vẫn cho người đi săn đón những tài năng trẻ bắt đầu từ trường trung học phổ thông, họ tìm mọi cách để giúp gia đình những người đó cho qua bên Singapore đi học, được học bổng, được đào tạo tại Singapore và ra trường, với những tài năng giỏi, họ làm mọi cách để cho vô quốc tịch và ở lại.

"Bây giờ ở Việt Nam việc học hành trở thành một điều xa xỉ, nhất là với những gia đình không có nhiều thu nhập. Thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi biết được là chương trình giáo dục thực sự miễn phí trong các trường công.

"Bây giờ ở Việt Nam, từ mẫu giáo cho đến trung học vẫn phải đóng những khoản tiền, kêu bằng những loại tiền này, tiền kia, đủ thứ. Do đó nhiều gia đình không thể cho con cái đi học đến nơi đến chốn được.


"Việt Nam bây giờ tôi nghĩ là nên xem lại chuyện này, nên đầu tư nghiêm chỉnh và thực chất hơn cho giáo dục, đào tạo. Việt Nam bây giờ xây nhiều tượng đài to lớn, tốn kém, hay những dự án từ ngân sách công mà có người làm mọi cách để 'rút rỉa' làm giàu cho cá nhân, mà không nghĩ đến công ích cho người dân, hay cho đất nước.

"Người Việt Nam thì theo tôi luôn luôn hiếu học, cái đó không cần nói thêm. Thế hệ Việt Nam thứ hai, thứ ba định cư ở nước ngoài, chúng ta đã thấy họ thành công như thế nào khi môi trường thuận lợi để được học tập.

"Trong khi đó, đáng tiếc, nhiều người ở Việt Nam cũng rất hiếu học, trình độ rất cao nhưng nhiều gia đình không đủ tài chính để cho họ đi học, tôi cảm thấy đây là một sự phí phạm đối với nguồn nhân lực mà về tương lai có thể đóng góp cho Việt Nam.

"Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam nên xem lại để sử dụng hợp lý hơn các tài nguyên của mình để đầu tư cho giáo dục, tránh lãng phí cũng như tránh để cho tham nhũng xảy ra, điều đó rất đáng tiếc,"
ông Louis Lê Tấn Lộc nói với BBC.

Bài viết nằm trong loạt bài Người Việt Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47156677

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét