Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Dời lư hương: cần sửa ngay quyết định sai trái

Dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo: cần sửa ngay một quyết định vội vã
Đọc tin trễ mới biết lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị cẩu đi, đúng ngày 17.2.2019 - ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía bắc nước ta. Đầu giờ chiều nay, 18.2.2019, chúng tôi ra xem tượng đài ở công trường Mê Linh (quận 1) thì thấy quả thật không những lư hương không còn mà trước tượng đài (nơi tay Đức Thánh Trần chỉ ra bờ sông) đã thấy vật chắn và dây giăng, không cho vào! Ảnh chụp tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh lúc 14:30 chiều 18.2.2019 cho thấy lư hương trước tượng đã di dời. Ảnh: Phúc Tiến
Ở đấy, có một tấm bảng to ghi rõ "Công trường đang thi công". Lạ nhỉ, công trường gì mà mới khoảng 2 giờ chiều chỉ thấy mấy bao xi măng hay đất cát gì đó, bỏ vương vãi. Công nhân hay kỹ sư làm việc đi đâu hết rồi? Theo luật, nếu thi công xây sửa gì thì ngoài bảng tín hiệu còn phải thông báo công trình này là gì? Quy mô ra sao? Ai làm? Ai đầu tư? Ai giám sát? Ngày khởi công - ngày hoàn thành? Bản vẽ phối cảnh công trình?... Huống chi đây còn là công trình công cộng, đông người qua lại, nhất là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Song tuyệt nhiên, chúng tôi không thấy bóng dáng những thông tin này!

Thêm nữa, lư hương trước tượng đài anh hùng Trần Hưng Đạo trước nay vẫn là một phần thiết kế của công trình, có chức năng để cắm nhang tưởng nhớ người hoặc sự việc được dựng tượng, đúng theo truyền thống Việt Nam. Thiết kế này đã có 52 năm qua và không có gì sai trái về khía cạnh văn hóa, sao bỗng dưng thay đổi, đem ra nơi khác?

Việc này có thông qua các Sở chuyên môn về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, văn hóa... hay không? Có hỏi ý kiến người dân, ít nhất là thông qua các tổ chức của nhân dân (Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội thanh niên...) hay không? Và nếu có, thì ý kiến của các sở chuyên môn và các tổ chức nói trên ra sao, thiết nghĩ cũng cần công khai cho người dân được biết.

Đừng quên, các công trình công cộng - trong đó có tượng đài, luôn được xem là lợi ích của người dân. Người dân có quyền được biết (trước khi diễn ra các động thái của chính quyền) vì sao công trình ấy tồn tại và không tồn tại. Một hàng cây cũng phải thế chứ đừng nói là cái lư hương trước một tượng đài đã trở nên thiêng liêng với người dân - ngôi tượng để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã ba lần chỉ huy đánh thắng giặc phương bắc trong lịch sử. 


Lư hương trước tượng đài anh hùng Trần Hưng Đạo trước nay vẫn là một phần thiết kế của công trình nhưng từ ngày 17.2.2019 đã bị di dời. Ảnh: Phúc Tiến

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở nhiều tỉnh, thành đều có lư hương


Tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa


Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Quảng trường 3-2, Nam Định.


Tượng đài Trần Hưng Đạo ở An Phụ, Hải Dương.


Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nha Trang.


Tượng đài Trần Hưng Đạo trên đồi Hải Minh, Quy Nhơn.


Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Vũng Tàu.

Đề nghị lãnh đạo TP. HCM xem lại và cần có sự chấn chỉnh kịp thời việc làm của UBND quận 1 mà theo chúng tôi hoàn toàn chưa thấu tình đạt lý. Cách chọn thời điểm tiến hành di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh - trong khi sự tồn tại của lư hương này không hề sai trái về văn hóa, rất dễ gây ra những suy diễn bất lợi cho uy tín của chính quyền và đáng nói hơn là làm mất lòng dân vốn đã nhiều xao xuyến.

Phúc Tiến
Nguồn ảnh: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hải Dương; Báo Lao Động; Báo Đại Đoàn Kết; Báo Tin Tức…

https://nguoidothi.net.vn/doi-lu-huong-truoc-tuong-dai-tran-hung-dao-can-sua-ngay-mot-quyet-dinh-voi-va-17390.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét