Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

VTV đừng hèn như vậy chứ!

Đừng hèn
VTV go trong bản tin thời sự, nói về sự kiện 17/2, không nhắc một chữ Trung Quốc nào, mà chỉ là "đối phương". Dẫu sao thì tiến bộ hơn những năm trước khi những năm trước làng báo gần như không được nói. Cái sự thật lịch sử hiển hiện, sờ sờ, đau đớn thế kia mà vẫn phải quên. Giống như nhìn kẻ thù giết chết hết người thân mà chúng ta vẫn phải im lặng, vẫn phải nói "ừ, kẻ thù đã giết gia đình tôi", nhưng chả nhắc tên ai, trong khi nó vẫn sờ sờ đứng đó và mình cứ nhắm mắt cho qua vậy. Tại sao chúng ta lại giấu đi những tuổi thanh xuân nằm lại nơi biên cương trước họng súng của quân bành trướng, bỏ lại hạnh phúc và tình yêu của họ, đề vì một chữ "hữu hảo" rất mơ hồ và giả dối? Và tại sao đến giờ VTV vẫn không nhắc đó là Trung Quốc?

Đó là một nỗi đau. Một nỗi đau lớn. Máu xương đành gác sang một bên cho cái tình hữu nghị nào đó vật vờ và ảo giác. Lịch sử là lịch sử. Không thể lấy máu mà dìm được chân lý nhưng ngược lại, không có bất cứ một lý do nào để chúng ta quên rằng chúng ta đã đổ máu.

17/2, Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam. 4 năm sau cuộc chiến Bắc Nam dừng lại, "người anh" khối xã hội chủ nghĩa ghen tức hẹp hòi với "người anh cả" khối xã hội chủ nghĩa, đè "thằng em" ra để "dạy cho một bài học". Anh em hữu hảo đến đâu không biết, hiện nguyên hình một phường lưu manh mất dạy, côn đồ và xảo trá ôm khư khư âm mưu cường bá nghìn năm ở bờ cõi nước khác, trong cái giấc mộng bá vương chưa một lần chấm dứt.

Chừng ấy năm, chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ xem Việt Nam là "láng giềng hữu hảo", có chăng là một "thằng em bất trị", nhưng suốt ngày chèn ép và lấn đất cướp biển của "thằng em".

17/2/1979. Đừng quên. Một thế hệ tuổi trẻ mới đang bắt đầu xây dựng cuộc sống, gác lại tất cả để lên biên giới. Nàng Tô Thị triệu năm bị một quả pháo dội thành tan hoang, giờ là nàng Tô Thị được phục dựng chơ vơ nơi xứ Lạng. Có cô bán cửa hàng mậu dịch ở Lạng Sơn kiên quyết không di tản, ở lại chiến đấu với người yêu và hy sinh. Có bao sinh viên ngã xuống nơi chiến hào. Có bao tuổi trẻ gửi máu xương lại nơi biên giới, nhuốm đỏ những bông hoa gạo đường biên như máu một thế hệ thanh xuân.

Tôi từng qua biên giới ngắm những đồi sim biền biệt, nghe văng vẳng bên tai câu hát: "Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa sim", một bài hát thoang thoảng hơi thở một thế hệ mới sinh ra sau chiến tranh nhưng chưa kịp yêu, đã nướng mình cho một cuộc chiến tranh khác.

Nếu bạn lên biên giới, nghĩ về những chàng trai cô gái bỏ tuổi 20 lại đó, chưa kịp vui cái tình yêu trong trẻo hay cái hạnh phúc ngắn ngủi, bạn sẽ hiểu tại sao hoa sim lại tím và buồn đến như vậy, nơi vùng biên viễn.

Sáng nay lái xe sớm đến một vùng biên, nghe trên đài phát thanh câu chuyện ngày 17/2, có đoạn nói: Việt Nam - Trung Quốc đã có những hợp tác tốt đẹp nhưng không vì thế mà chúng ta được quyền quên lãng lịch sử, và sau đó chèn bản nhạc ca khúc: "Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường, hôm nay đi bên em giữa thành phố yêu thương", tôi muốn bật khóc.

Tại sao chúng ta lại giấu đi những tuổi thanh xuân nằm lại nơi biên cương trước họng súng của quân bành trướng, bỏ lại hạnh phúc và tình yêu của họ, đề vì một chữ "hữu hảo" rất mơ hồ và giả dối?

Và tại sao đến giờ VTV vẫn không nhắc đó là Trung Quốc?

Đừng hèn như vậy chứ!


Hoàng Nguyên Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét