Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Những kẻ thích khoe ảnh người ốm

Khoe ảnh người ốm
09/10/2018 TP - Thỉnh thoảng trên facebook của ai đó lại xuất hiện những tấm ảnh đáng sợ. Đúng là đáng sợ. Những nhạc sĩ nhà thơ danh tiếng một thời, những nghệ sĩ những mỹ nhân lộng lẫy một thời, giờ về già gương mặt biến dạng, mồm miệng méo xệch, chân tay run rẩy co quắp. Người đến thăm kể chuyện vừa đi thăm về, chụp ảnh đưa lên để chứng minh là mình có đi thăm thật. Kể rằng người nổi tiếng này giờ không còn nhận ra ai nữa. Kể rằng người nổi tiếng kia trong đau ốm vẫn nhớ những kỷ niệm xưa. Kể rằng mang đến biếu người đau ốm nọ một ít thuốc và một ít tiền. Vân vân.Image result for người nổi tiếng kia trong Ä‘au ốm

Không khó gì không nhận ra có mấy loại người đi thăm kiểu ấy:
1. Những người thực sự thương cảm bạn bè, muốn đưa tin lên cho nhiều người cùng biết để chia sẻ. Tuy nhiên việc họ đưa ảnh người đau ốm lên là vụng về, thiếu chín chắn, làm hỏng hình ảnh của người nổi danh một thời. Đấy là những người của công chúng, hình ảnh tài hoa và đẹp đẽ của họ đã in dấu trong tâm trí nhiều thế hệ. Hình ảnh ấy phải được trân trọng và giữ gìn.



2. Những người thích thú vì dính với người nổi tiếng và muốn khoe khoang về sự dính líu ấy.

Sự háo danh lộ liễu hoặc ngấm ngầm của kiểu người này khiến họ có hành vi lố bịch. Thời danh nhân còn trẻ khỏe thì đâu phải là bạn bè thân thiết gì. Nhưng bây giờ đến thăm thì giọng kể bùi ngùi như là có thể sẻ cửa san nhà. Kể: chuyện trò một lát, tôi lấy ra cái phong bì dúi vào tay bạn như bạn bè vẫn làm với nhau từ thuở nào, tôi biết người ốm đau sống bằng đồng lương hưu là chật vật lắm.

Kể công tưởng là khéo mà vẫn phô: muốn cho cả làng biết là mình đến và cho người ốm tiền. Còn gài thêm cái ý, tặng tiền từ cái thời “bạn bè thuở nào”. Cái phong bì chẳng biết được bao lăm, nhưng trong sâu xa chắc là một thứ kinh phí để tiếp thị rằng ta đây thân thiết với người ốm. Xin bình thêm: bạn bè đích thực thì không ai chụp ảnh bạn trong tình trạng xấu xí để phơi lên mạng.

3. Kẻ đến thăm và phô ảnh lên cũng có thể là kiểu người mắc hội chứng đi thăm người ốm để tự thỏa mãn ngấm ngầm rằng mình may mắn. May, mình không ốm đau như kẻ đang run giật ra kia, xanh mét ra kia, lờ đờ mất trí nhớ như kia. Nếu hả hê nghĩ là mình may, thì đấy là người vô minh, vì bệnh tật cũng đang chờ họ, và chờ tất thảy, không ai thoát được sinh lão bệnh tử.

4. Cuối cùng là loại người vô cảm.

Họ khoe rằng đi thăm bạn, nhưng thực lòng họ chẳng yêu ai thân ai. Người danh tiếng một thời giờ mặt mũi biến dạng, mất trí nhớ, đang quần đùi may ô ngồi trong nhà mình thì họ ập vào. Bệnh nhân không kịp thay quần áo, tình trạng run rẩy như thế thì giơ cái tay lên còn khó nói gì thay quần áo. Thế là cứ để nguyên bạn như thế mà giơ điện thoại lên chụp ảnh. Một nữ thi sĩ xinh xắn ngày xưa giờ ngơ ngẩn như tâm thần. Một nhà văn uyên bác ngày xưa giờ áo quần xộc xệch như hành khất. Chụp. Chụp xong chưa thỏa. Bắn ngay lên facebook. Trên đường về cười nói hả hê.

Nếu là bạn bè thực sự, chắc chắn sẽ rất đau xót nhìn thấy cảnh sa sút xấu xí của bạn, nhất là bạn ấy lại là người của công chúng. Nếu là bạn đích thực thì chỉ đến thăm mà thôi, không ảnh ót không phây phiếc. Chỉ có người vô cảm mới có thể giơ máy ảnh lên chụp mà không ghê tay, chỉ người nhẫn tâm mới bắn những bức ảnh kiểu ấy lên mạng mà không đau đớn.


Khi bị trách về những tấm ảnh bôi bác, đám người kia thường chống chế: tôi thương bạn, tôi muốn đưa ảnh lên để cho bạn bè xa cùng biết để chia sẻ, để xã hội biết mà có nghĩa cử. Ngụy biện! Xã hội có kênh riêng để giải quyết, không cần đến những tấm ảnh của họ.

Và họ còn thêm lý do: chính người ốm cũng muốn được chụp ảnh và gửi thông tin như vậy.

Không đâu, về phía người ốm, cũng có mấy dạng:

1. Kiểu người khi thấy có người đến thăm thì thích thú.

Tuổi cao sức yếu, bạn bè vơi dần, con cháu không mặn mà giao tiếp. Lâu lâu có người quen đến thăm thì cũng phấn khởi, cũng cho chụp ảnh. Vui quá mà quên mất cái thiệt hại cho mình.

2. Kiểu người không thích cho thăm hỏi, nhưng bất lực.

Đang nằm bẹp trên giường bệnh, đâu ngăn được ai ra ai vào, ai chụp ảnh. Đang run rẩy hoặc mất trí nhớ, biết gì đâu mà kháng cự. Kẻ kia lại cứ lăn xả vào bên cạnh, tạo dáng để chụp ảnh, không quên chụp cả cái phong bì, rồi sử dụng ảnh ấy làm gì thì cũng chịu.

3. Kiểu người tự trọng, kiên quyết từ chối.

Một nhóm đến nhà dưỡng lão thăm mấy nghệ sĩ điện ảnh giờ đã trên dưới tám mươi. Một mỹ nhân sau tai biến não, giờ méo mồm không nói được. Một kép đẹp lừng lẫy ngày xưa giờ run rẩy ngồi cạnh. Hai người ấy được hộ lý dìu ra để gặp bạn cũ. Còn một mỹ nhân nữa nhất định không ra. Nhờ hộ lý vào thuyết phục thế nào cũng chỉ gửi lời cảm ơn, lấy lý do đang mệt. Thực sự đấy là người còn đủ lý trí, còn đủ sức để từ chối. Đấy là người tự trọng và còn biết cố gắng giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Họ tự biết đến tuổi nào thì nên lùi lại đứng khuất sau màn ảnh, sau cánh gà sân khấu.

Một nhà văn nữ có mẹ là nhà thơ cao tuổi, bị bệnh liệt rung và mất trí nhớ. Chị thường từ chối, không cho mọi người đến thăm mẹ, thăm nom lúc khỏe là đủ rồi, bây giờ bà được con cháu chăm sóc chu đáo, sống bình yên trong không gian phù hợp với bà, không cần ai ra vào thêm nữa. Đấy là cách giữ hình ảnh cho người nổi tiếng và cũng là để giữ cho công chúng.

Nhiều người bị chị từ chối vào thăm người mẹ lúc bà gần đất xa trời, quay lưng đi nói nhiều câu thậm tệ, cay cú vì họ có nhu cầu phải nhìn tận mắt người đấy già ốm thế nào để kể và tả lại cho người khác nghe. Chị bảo, chị biết rõ những người đến thăm cũng chỉ thuộc một trong bốn kiểu người kể trên, thậm chí tệ nhất là kiểu người số 4.

Thôi, xin cảm ơn, chị nói, xin để cho người ốm được bình yên.

Minh họa: ĐỖ ĐỨC

HỒ ANH THÁI

https://www.tienphong.vn/toi-nghi/khoe-anh-nguoi-om-1331944.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét