Những chuyện ít biết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Lê Thọ Bình 3/2/2016 - VietTimes - Ông có cách nói chuyện rất ấn tượng, thường vung tay, hoặc đập nhẹ vào người đối thoại một cách chân tình. Điều thú vị là khi gặp những câu hỏi “hóc búa” ông thường tỏ ra đặc biệt sắc sảo, đôi khi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện nhẹ nhàng, thuyết phục người nghe.
Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười
Chúc mừng người tiền nhiệm của mình là nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tròn 100 tuổi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến nay tuổi đã 100 nhưng đồng chí Đỗ Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người Cộng sản trung kiên, một con người của hoạt động. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân”.Sắc sảo trước truyền thông
Về nhà lãnh đạo Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói một cách khái quát: “Đồng chí Đỗ Mười có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cách mạng, nhưng rất khiêm tốn. Đồng chí sống chân thành, giản dị, gần gũi chan hòa với mọi người”.
Trong cuộc đời làm báo của mình tôi có may mắn rất nhiều lần được trò chuyện, phỏng vấn ông Đỗ Mười, khi ông trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau là Thủ tướng Chính phủ), đặc biệt là khi ông trên cương vị Tổng bí thư. Sau những lần được tiếp xúc, được làm việc với ông, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn nhận xét của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Với cánh báo chí ông là người thẳng thắn, bộc trực, dễ gần và thân thiện. Ông rất ít khi từ chối trả phỏng vấn hoặc trò chuyện với các nhà báo. Giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, ông nói say sưa, hùng biện, lý luận sâu sắc nhưng dễ hiểu, những dẫn chứng đưa ra rất cụ thể và dí dỏm. Ông có cách nói chuyện rất ấn tượng, thường vung tay, hoặc đập nhẹ vào người đối thoại một cách chân tình. Điều thú vị là khi gặp những câu hỏi “hóc búa” ông thường tỏ ra đặc biệt sắc sảo, đôi khi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện nhẹ nhàng, thuyết phục người nghe.
Tôi còn nhớ, năm 1992, khi vừa đảm nhiệm cương vị Tổng bí thư được một năm (ông được bầu làm Tổng bí thư năm 1991, tại Đại hội Đảng VII), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, khi trả lời phóng viên Bangkok Post về việc tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận tranh cử công khai, ông cười, nhìn nữ phóng viên đặt câu hỏi rồi vung tay: “Thế là chị không theo dõi sát tình hình chính trị Việt Nam rồi. Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội VIII tháng 6 vừa qua QH chúng tôi đã đưa hai ứng cử viên là tôi và đồng chí Võ Văn Kiệt ra để đại biểu, đại diện cho dân, bầu Thủ tướng đấy.
Tại hội trường các đại biểu còn tự do phát biểu ý kiến. Đại biểu Ba Thi (tức Nguyễn Thị Ráo, Đoàn TP.HCM-NV) còn phát biểu: “Chúng tôi tha thiết đề cử đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhân dân miền Nam, nhất là nhân dân Sài Gòn rất kính trọng đồng chí Võ Văn Kiệt. Vì vậy tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bầu đồng chí Võ Văn Kiệt”. Trong khi đó anh Lý Chánh Trung lại nói: “Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm”. Quốc hội bầu và tôi trúng cử chức Chủ tịch HĐBT”.
Sau này tôi còn chứng kiến nhiều câu trả lời rất thẳng thắn, mặc dù có những lúc báo chí phương Tây cứ xoáy vào chuyện đa nguyên chính trị.
Những lần tiếp dân khiếu kiện
Trong phong cách lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười điều mà nhiều cán bộ từng làm việc dưới quyền ông hay nhắc tới là ông rất gần dân, coi trọng người dân. Ông Dương Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có lần kể lại chuyện khi còn là Chủ tịch HĐBT ông Đỗ Mười đã tiếp người dân đi khiếu kiện khá lý thú. “Khoảng tháng 8-1988, một hôm ông gọi tôi vào dặn: “Chú Phúc lưu ý, dân có oan mới khiếu nại lên Chính phủ, nếu Chính phủ không giải quyết thì ai giải quyết. Sáu giờ sáng hằng ngày tôi đến, chú nhớ chuyển đơn khiếu nại cho tôi xem, để tôi giải quyết”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và chúc mừng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp ông bước sang tuổi 100
Có lần, một anh nông dân đi chiếc xe đạp thồ đến Phủ Thủ tướng kêu la ầm ĩ vì bị chính quyền địa phương lấy đất. Biết chuyện, ông nói: “Thôi được, để tớ tiếp, chú mời đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lên cùng nghe xem oan sai thế nào để còn giải quyết ngay cho dân”. Khi ngồi vào bàn tiếp dân, ông chú ý lắng nghe sự bức xúc của anh nông dân rồi ông trả lời rõ ràng từng câu một.
Nhưng anh nông dân vì quá nóng nảy nên ông Đỗ Mười nói đến đâu anh ta cũng nói đến đấy. Tôi nhắc nhở anh nông dân: “Bác Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng còn ngồi nghe anh trình bày từ đầu đến cuối, bây giờ bác nói cho anh hiểu, bác nói câu nào anh cãi lại câu ấy là thất lễ”. Anh ta đỏ mặt nói: “Thôi chết, cháu quên! Cháu xin lỗi!” Sau đó, ông Đỗ Mười trao đổi với đồng chí Bí thư Hà Nội giải quyết việc oan ức về đất đai cho người dân ở huyện Hoài Đức”
Ông Dương Văn Phúc còn kể lần ông Đỗ Mười tiếp một đoàn khoảng hơn 60 nông dân từ huyện An Lão, Hải Phòng lên Văn phòng Thủ tướng thắc mắc về việc dời mồ mả của họ ở đường 5. Ông cho gọi Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng lên cùng tiếp, hứa giải quyết và sau đó cho xe của Văn phòng Chính phủ đưa bà con về xã. Một tuần sau công việc được giải quyết.
Ông Phúc còn thổ lộ rằng, qua một số lần dân đến Phủ Thủ tướng khiếu nại, ăn nằm tại hiên nhà và sân của Văn phòng, ông Đỗ Mười định cho xây một số nhà ngoài khuôn viên cơ quan Phủ Thủ tướng để dân đi khiếu nại có chỗ ăn ở, không phải nằm vạ vật. “Sau khi nghe tôi đã báo cáo lại cặn kẽ, ông Mười mới thôi không giao Văn phòng xây nhà kế tiếp nữa”- ông Phúc nói.
Sống thanh liêm, giản dị
Là người từng nắm những cương vị quan trong nhất của đất nước, nhưng cuộc sống riêng của ông Đỗ Mười lại rất giản dị. GS Phạm Thành, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật (nay là Nhà Xuất bản Chính trị- Sự thật), người sau khi nghỉ hưu đã được ông Đỗ Mười (lúc này là Tổng bí thư nhiệm kỳ 2- NV) mời ra giúp việc cho mình, kể rằng, nhà ông Đỗ Mười ở phố Phạm Đình Hổ, không phải là một biệt thự lớn nguy nga tráng lệ mà là một ngôi nhà cổ kính đơn sơ cả bên ngoài và bên trong.
“Lần đầu tiên tôi tới nhà ông. Tôi được đưa vào ngồi chờ ông Đỗ Mười trên một ghế mây. Trước mặt tôi là một bàn thờ như vẫn có ở bao nhà khác, với tấm ảnh chân dung chị Tạ Thị Thanh, vợ ông lúc đó vừa mới qua đời. Một lúc sau, tôi được đưa vào phòng khách. Nói là phòng khách thì không hoàn toàn đúng. Bởi vì ở đây ông Đỗ Mười vừa làm việc, vừa tiếp khách và có lẽ vừa nằm nghỉ nữa. Bởi vì bên cạnh bàn làm việc, tôi thấy có kê một chiếc giường con vừa một người nằm. Trên bàn làm việc để mấy chồng sách và chồng tài liệu khá cao. Tiếp nối bàn làm việc là bàn tiếp khách dài với hai dãy ghế ở hai bên. Kề ngay phòng làm việc hay phòng khách kiêm phòng ngủ là phòng ăn của gia đình.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Có lần ông Đỗ Mười còn dẫn tôi đi xem thư viện của ông. Đây là một căn phòng rộng như phòng khách, có bố trí rất nhiều kệ sách với đủ loại sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga. Rõ ràng đây là một thư viện tuy chật hẹp nhưng chẳng khác gì của một cơ quan nhỏ. Có lẽ các phòng ở tầng trên là nơi ở của gia đình thì cũng giản dị và đơn sơ, chứ không có gì đặc biệt. Ở phía sau căn nhà chính là căn nhà phụ có bếp và nhà xe”- GS Phạm Thành kể.
Còn ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (chú họ ông Đỗ Mười) kể lại rằng, khi ông đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, đi công tác nước ngoài về, được xếp cho ở nhà khách số 7 Nguyễn Cảnh Chân. Khi ấy ông Đỗ Mười đang là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Chân đến đề nghị cháu mình- Bộ trưởng Đỗ Mười bố trí nhà riêng cho mình. “Cứ nghĩ tiêu chuẩn Bộ trưởng là phải có nhà riêng. Ai ngờ anh Đỗ Mười bảo tôi: “Chú cứ ở đấy đi, nhà khách cũng là nhà, cháu xếp nhà cho chú, người ta bảo vì quan hệ chú cháu”.
Nghe anh nói như vậy, tôi đành ở nhà khách suốt 20 năm. Anh lo cho người khác được, nhưng không giúp chú mình. Không phải với tôi đâu. Nhà anh ấy cũng rất đơn sơ. Anh ấy sống giản dị, quần áo, đồ đạc xuềnh xoàng. Có lần ông Phạm Văn Đồng bảo: “Nhà ông Mười chẳng có đồ đạc gì đáng giá”. Nhà không có phòng ngủ riêng, chỉ có cái giường nhỏ cạnh bàn làm việc. Có hôm, anh mời tôi ăn cơm rồi ngủ lại buổi trưa, anh mời tôi nằm giường, còn anh ngồi ghế”- ông Chân kể.
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH có lần kể lại một câu chuyện hết sức cảm động về nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: “Khi tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, có lần bác Mười lên tỉnh, bác yêu cầu đưa bác lên nương tận mắt xem bà con sản xuất. Chúng tôi đã mời bác đi thăm. Trông thấy bác, bà con reo lên: “Bác ơi, bác đã lên nương, bác đã là người dân của bản rồi”. Bà con xúm quanh bác chuyện trò vui vẻ, có một chị mạnh dạn nói: “Hôm nay bác đến thăm bà con, không có gì tặng bác, chúng cháu hái rau bí gọi là có món quà quê tặng bác”.
Nói rồi chị em chuyển tận tay Tổng Bí thư những mớ rau bí xanh ngon. Bác tươi cười dặn dò: “Các cô, các chú xen canh gối vụ thế này là rất tốt, không lo dân đói, nhưng phải chú ý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước nhé”. Khi về đến cơ quan, bác nói: “Cô Phóng cho chế biến món đặc sản rau bí bà con mới tặng tôi sáng nay nhé”. Chúng tôi và anh em cơ quan đã làm món rau bí xào tỏi để đãi bác và khách Trung ương”.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là vậy! Ông không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà cách mạng kiên trung mà còn là người gần dân, thương dân, khảng khái, thân thiện và dễ gần.
L.T.B
https://viettimes.vn/nhung-chuyen-it-biet-ve-nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-37139.html
https://viettimes.vn/nhung-chuyen-it-biet-ve-nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-37139.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét