6 năm kinh hoàng của một đại gia từng là con nghiện ma túy:
Kỳ 1: Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
Lê Trung Tuấn / Chủ Nhật, ngày 23/9/2018 - Lời Tòa soạn: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.
Doanh nhân Lê Trung Tuấn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.
“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".
Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện đã đến mức khốn cùng, rồi từng bước tự cứu cuộc đời mình, trở thành một doanh nhân, lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.
“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm"-Tuấn nói. Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình.
Kỳ 1: Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
Từ nhỏ, tôi đã lấm lem với bùn ruộng. Mẹ qua sáu lần sa sẩy mới sinh được cậu ấm là tôi. Trước đó mẹ và bố đã phải nhận anh Kiên về làm con nuôi cho nó “đứng đầu đứng số” theo quan niệm duy tâm. Mười tuổi đầu, tôi và anh Kiên đã phải ra đồng móc cua cho mẹ đi bán, sáng nào cũng dậy sớm lặn lội chằm ruộng hái rau cho mẹ kịp phiên chợ huyện.
Bố vẫn biền biệt với đời binh nghiệp xa xôi.
Thuở đó, mẹ tôi là y sĩ bệnh viện huyện, bố là sĩ quan quân đội. Người đàn bà tảo tần nhất mà tôi thấy trong cuộc đời này, mãi mãi, chắc chắn vẫn chính là mẹ đẻ của tôi, bà Lương Thị Vân. Cuộc đời của mẹ là hơn ba mươi năm vò võ, đợi chờ, nhớ thương chồng trong nước mắt.
Bố tôi tên là Lê Văn Thùy. Bố tôi mồ côi cả bố lẫn mẹ từ lúc lên ba. Ông đã phải ở đợ, rồi xung phong đi chiến trường, đi suốt tuổi thanh xuân ngoài bom đạn. Mẹ ở nhà nuôi ba đứa con khôn lớn trưởng thành. Mình mẹ.
Tôi vẫn bị ám ảnh bởi những đêm mưa bão, trời đất cùng vần vũ, nhà cửa thông thống mong manh. Mẹ ngồi trong bóng tối, ôm bầy con, cầu trời đất cho “nhà chúng con” đừng đổ, đừng tốc mái để còn có chỗ trú nắng mưa.
Miền quê sống ngâm da, chết ngâm xương
Tuổi thơ của Lê Trung Tuấn (ảnh NVCC)
Quê gốc của tôi ở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tôi sinh ra lớn lên ở tỉnh Hà Nam - miền chiêm trũng của châu thổ Bắc Bộ, như người ta nói: sống ngâm da, chết ngâm xương. Mỗi lúc mưa bão về là một nỗi kinh hoàng. Lam lũ, tằn tiện vậy, nhưng so với vùng đất chiêm khê mùa thối quê mình, tôi cũng đã sớm thấy rõ mình còn sung sướng hơn một số bạn bè cùng quê, cùng trang lứa.
Bố mẹ nuông chiều, lại thêm tình thương yêu đặc biệt của người chị ruột tảo tần, tôi đã có một tuổi thơ tràn ngập hạnh phúc. Chị tôi hơn tôi 14 tuổi, chị càng sớm biết lo toan chăm sóc gia đình hơn khi cha vắng nhà biền biệt. Những đêm mẹ đi trực ở bệnh viện vắng nhà, đặc biệt khi có những ca đẻ khó, một mình chị trông các em.
Anh Kiên (con nuôi của bố mẹ tôi) và tôi, người sinh năm 1976, đứa sinh năm 1977 như trứng gà, trứng vịt. Tuổi thơ của chúng tôi sinh ra sau chiến tranh, với những năm tháng yên bình khi đất nước đổi mới, lớn lên với những cánh cò bay lả bay la từ cánh đồng đến lời ru ầu ơ của mẹ, với những buổi đuổi dế ngoài cánh đồng xa tít tắp, thành quả của những buổi trốn học trưa hè là những con cào cào đậu ngơ ngác trong lòng tay nóng bỏng. Mùa thu heo may nắng như trải thảm, dát vàng, rủ nhau đi tát ròn trên cánh đồng nứt nẻ chân chim. Có khi dãi nắng cả ngày, trở về chỉ được vài ba con cá với lấm lem bùn đất. Quê hương, vẻ đẹp của đồng lúa, của không gian châu thổ sông Hồng, của tình làng nghĩa xóm, từ những buổi lội đồng đuổi dế, bắt chim đã vĩnh viễn hằn sâu trong ký ức của tôi. Sau này chìm trong ma túy và lầm lạc, tôi luôn được vẻ đẹp thiên nhiên và tình người ấy níu mình lại, để không tàn độc quá trong những khúc giang hồ, để luôn thấy mắc nợ cho một nẻo về trong sáng ấu thơ…
Học đến năm cuối cấp hai ở quê, được bố mẹ và anh chị động viên, hay nói đúng hơn là họ hơi nuông chiều tôi quá, tôi khăn gói quả mướp lên nhà anh chị trên Hà Nội. Từ đó, bắt đầu những năm tháng xa quê.
Chị gái và anh rể tốt với tôi lắm, tốt đến mức khi tôi đã là anh rể của người khác, không bao giờ tôi lại nghĩ mình có thể hy sinh vì em vợ mình nhiều như anh rể tôi đã lặng thầm chăm lo cho tôi suốt bao năm. Tôi đã tha hóa, đã tự đưa đời mình vào cái rọ nhục nhằn nhất. Tôi đã phụ công anh chị, để Đời đưa tôi vào một cuộc sống “bảy nổi ba chìm”, nhiều lúc đau đớn tủi nhục không thể tưởng tượng nổi.
Cả đời lấm bùn từ một bước sẩy chân
Được gia đình chiều chuộng, bạn bè mến mộ, nhưng chỉ vì lỡ bước, cuộc đời Lê Anh Tuấn lại rẽ sang một hướng khác...
Hồi ấy, được gia đình chiều chuộng, lại thêm vẻ “xinh trai” hoạt bát, học giỏi, chịu khó đọc sách Đông Tây kim cổ, nên tôi được rất nhiều người quý mến. Ở thị xã Hà Đông bé nhỏ, bên dòng sông Nhuệ nên thơ, trường tổ chức thi học sinh thanh lịch, tôi đã ẵm giải vào đến tận vòng chót nhất nhì ba. Nhớ mãi, khi tôi xuất hiện, các bạn vỗ tay rào rào. Họ mê tiếng hát, tiếng đàn và sự quảng giao hào hiệp của tôi - chắc thế.
Tốt nghiệp cấp ba, tôi thi đỗ Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh. Xa bố mẹ, xa anh chị vẫn nâng niu chăm sóc, tôi hiện nguyên hình là một chàng công tử bột quá mộng mơ. Tôi kiêu hãnh bởi được bầu làm lớp trưởng. Gã trai mới lớn, con nhà khá giả, được nuông chiều ấy chìm vào những buổi tối túm năm tụm ba uống rượu đến suốt đêm, hát karaoke đến mỏi mồm. Đi thêm một bước chân nữa, tôi sa đời mình vào ma túy.
Chỉ một bước chân, mà rồi cả đời lấm bùn.
Bây giờ thì tôi hiểu, nếu trên thế gian này thật sự có ma, thì con ma đáng sợ nhất mà nhân loại biết được đáng sợ hơn cả ma cà rồng. Nó là Ma Túy.
Lúc phê thuốc, tôi như gã điên rồ, có thể ngẫu hứng khóc và cười. Có lần, tôi đi xe máy phân khối lớn, kẹp 4 thằng rú ga chạy ào ào. Qua cổng bảo vệ của trường không thèm xuống dắt xe, còn rú ga, vê côn, lượn như con rắn trúng đòn để trêu tức.
Tình cờ hôm đó, ông hiệu trưởng đi qua, thầy ra lệnh kỷ luật tôi rất nặng. Trưởng phòng đào tạo nhà trường là chỗ quen biết của ông anh rể nhà báo của tôi bèn gọi cho anh, cho bố mẹ tôi nói có dấu hiệu, có nhiều lời đồn cho rằng tôi đã nghiện. Lúc đầu là hút, sau là hít, sau nữa là bơm ma túy thẳng vào tĩnh mạch.
Khi bằng chứng về sự hư hỏng đã rõ ràng, tôi bị buộc thôi học khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp.
Cậu công tử được chiều chuộng
Bố tôi có lần bảo với hàng xóm: “Tôi nghĩ ra rồi, mọi sự đau khổ là tự tôi mà ra. Hồi đó tôi với bà ấy chiều nó quá. Nó đang ở ký túc xá nhà trường. Bỗng dưng nó đòi mua xe máy. Nó bảo, con mua xe để ở nhà anh chị trong Hà Nội, hàng ngày đi về Như Quỳnh học. Chứ ở ký túc xá, nhiều bạn hư lắm, sợ con không học hành được. Gớm, tôi mừng quá, con mình biết nghĩ chín chắn như thế thì bố mẹ nào không cởi lòng cởi dạ. Chúng tôi đã phải cầu cúng, bà tôi đã 6 lần sẩy thai, phải nhận con nuôi cho đứng đầu đứng số, rồi mới sinh hạ được nó. Cậu quý tử ấy học giỏi, lại có hiếu, lại sớm biết thu xếp cuộc sống chu đáo thế, thử hỏi bố mẹ nào không mừng?”
Bố tôi đâu có biết tất cả đều là trò của tôi để vòi tiền đốt cho ma túy.
Chỉ một lần bị bạn bè khích tướng
Chị gái và anh rể tôi thêm tiền vào khoản cóp nhóp lương hưu của bố mẹ để mua xe máy cho tôi. Có xe, tôi vi vu khắp nơi với chúng bạn đua đòi. Có khi vù đi Yên Bái, lên Sơn La mấy trăm cây số. Tuổi trẻ mộng mơ và ít nhiều ngông cuồng. Tôi muốn đi đó đi đây cho biết, muốn giao thiệp với bạn bè theo kiểu “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển là anh em). Tôi thích một câu danh ngôn, rằng chàng cứ ra đi, trong đầu chàng đã có sẵn những đám mây lang thang. Không cần phải một tiếng gọi lên đường mơ hồ nào nữa. Chàng cứ đi.
Trong một lần lang thang “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” như thế, tôi đã bị bạn bè rủ thử hút thuốc phiện. Sau này tôi mới hiểu, biết nhà tôi có của ăn của để, chúng nó muốn gạ tôi vào “sới nghiện” để dễ bề sai khiến, lợi dụng.
"Tiên trách kỷ, hâu trách nhân", Lê Anh Tuấn cho rằng chẳng có ai trói ai lại để bắt dùng ma túy cả...
Thật ra thì chẳng có ai trói ai lại để bắt dùng ma túy cả, hãn hữu lắm. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, những kẻ bị ma túy dụ dỗ như tôi cũng giống như những cô gái đú bị bọn buôn người lừa bán: hầu hết đều đua đòi, đú đởn. Tôi cũng thế, tôi đã sớm thích hát karaoke suốt đêm, sớm rượu chè, sớm thích tỏ ra ta đây tài giỏi hơn người, chịu chơi sành điệu hơn người. Thế là tự ta giăng lưới để tự đời ta mắc phải nó, cả người thân, bạn bè, họ hàng, xã hội cùng bị khổ! Những lúc buồn bã tuyệt vọng nhất, tôi đã nghĩ như vậy.
Bấy giờ trong trường có mấy đứa dặt dẹo xấu bụng, thấy tôi thích “đú với tinh”, chúng rủ ra nhà trọ của chúng chơi. “Ngán gì không đi, không đi thì không phải thằng Tuấn này”, tôi thầm nghĩ khi nhìn vào vẻ mặt thách thức của chúng. Tôi có thằng bạn chơi bời tên Dũng, nhà ở phường Chiềng Lề, thị xã Sơn La (nay là thành phố). Con nhà giàu, thỉnh thoảng về quê xin tiền bố mẹ, Dũng không chỉ nhận được một xấp tiền mà còn được “bạn xã hội” cho một cục thuốc phiện quánh dẻo xuống Hà Nội “vừa theo học vừa hút, vừa hút vừa bán kiếm tiền chi tiêu”. Trong căn phòng tối tăm ở nhà người quen của nó, chúng nó hút.
Thằng Dũng bảo tôi thử. Nó khích “Sao hèn thế, thử một lần thì có làm sao. Như được lên thiên đàng. Thử sẽ thấy ông Xuân Diệu nói đúng “thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
Sẵn máu yêng hùng của gã trai phố huyện, tôi muốn thử xem nó phê cỡ nào, hút một lần cho biết thì chẳng thể nào nghiện được, có làm sao đâu...
Tôi cười khẩy, bậm môi vào ống tẩu. Ống tẩu làm bằng tre nứa tươi, có chỗ châm thuốc, đốt lửa và rít như trong phim ảnh cổ xưa tôi vẫn hằng xem. Lời phủ dụ của nàng tiên nâu, hiện lên trong gương mặt của một thằng bạn từng cùng tôi tung tẩy lái xe máy vượt đèo dốc lãng du, nàng tiên nâu đã nói rằng tôi sẽ được lên thiên đàng. Ai ngờ, từ buổi tối “thất thân” với Nàng ấy, đời tôi rơi vào địa ngục.
Kỳ 2: Nghiện lúc nào không hay
https://viettimes.vn/ky-1-tuoi-tho-em-dem-va-kieu-hanh-303814.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét