Liệu Tổng Thống Trump có trở thành độc tài?
Quyền lực của Tổng Thống Mỹ do cử tri ban cho và nếu họ không thực hiện lời họ đã hứa thì cử tri sẽ lấy lại nên không Tổng Thống nào có thể trở nên độc tài. Tổng Thống Trump đã thực hiện được hầu hết những điều ông hứa khi ra tranh cử như cắt giảm thuế, tạo thêm công ăn việc làm, giúp tăng lương, tiêu diệt khủng bố ISIS, trừng phạt thương mãi Bắc Kinh, bảo vệ Biển Đông. Những điều ông không làm được là do quyền lực của ông bị Quốc Hội giới hạn. Tổng Thống Trump thực hiện được các điều ông đã hứa một phần là nhờ bản tính cương quyết và cứng rắn nhưng khôn khéo trong việc đàm phán chính trị và ngoại giao. Phần khác là nhờ Tổng Thống Trump lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh khi cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều do đảng Cộng Hòa nắm giữ và Tối Cao Pháp Viện nay thuộc cánh bảo thủ.
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump
Chính trị nước Mỹ luôn ảnh hưởng đến chính trị thế giới và luôn ảnh hưởng mạnh đến chính trị Việt Nam. Tổng Thống Trump người đứng đầu nước Mỹ lại liên tục thay đổi cách hành sử và thay đổi thành phần nhân sự trong chính quyền, đến độ có người cho rằng ông đã trở thành một nhà độc tài. Thực hư thế nào về vai trò của Tổng Thống Mỹ, về hệ thống phân quyền và liệu Tổng Thống Trump có thể trở thành độc tài hay không?Tổng thống Trump thắng cử…
Mỹ là một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, mọi công dân Mỹ có quyền tự do chính trị bao gồm quyền tự do tham gia mọi khuynh hướng, mọi đảng chính trị, quyền tự do ứng cử và bầu cử.
Để thắng cử ông Trump phải vượt trội 16 ứng cử viên đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton đại diện cho đảng Dân Chủ.
Ông Trump phải công khai tranh luận và minh bạch hầu như mọi quan điểm chính trị, mọi điều về cá nhân, về cá tính, mọi hứa hẹn và phải thuyết phục được dân Mỹ đi bầu và bầu cho đảng Cộng Hòa.
Không riêng ông Trump mọi ứng cử viên Tổng Thống Mỹ đều phải trải qua quá trình tuyển cử hết sức khắc khe để được dân Mỹ ban cho cơ hội đứng đầu nước Mỹ.
Nếu ông Trump không thỏa mãn nguyện vọng cử tri, người Mỹ sẽ tước dần quyền lực ông.
Bằng ngược lại người dân sẽ ban thêm cho ông quyền lực để ông trở thành một Tổng Thống mạnh thực hiện được các chính sách ông đề ra. Đó chính là hệ thống chính trị dân chủ kiểu Mỹ.
Tổng thống Trump điều hành hành pháp…
Hiến Pháp trao quyền hành pháp cho Tổng Thống, muốn điều hành tốt việc đầu tiên mọi tân Tổng Thống phải ổn định hành pháp.
Mỗi tân Tổng Thống cần đến vài ngàn các thành viên nội các, các chức vụ lãnh đạo hành chánh, các đại sứ để bổ nhiệm vào các chức vụ.
Những người được bổ nhiệm giữ vai trò chuyên môn, đồng thời với vai trò chính trị điều hành việc hành chánh, nên đều có thể được xem như các “chính trị gia”.
Muốn bổ nhiệm hay sa thải một thành viên chính quyền, Tổng Thống phải đưa ra và phải được Thượng Viện chấp thuận.
Nhiều người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vẫn chưa hết nhiệm kỳ hay được Tổng thống Trump lưu nhiệm.
Tổng Thống Mỹ có thể bổ nhiệm người có chuyên môn và khả năng không cùng chung đảng chính trị hay khuynh hướng chính trị, miễn là khi các vị được bổ nhiệm không đi ngược với chính sách quốc gia.
Các công chức Mỹ đều độc lập với chính trị. Họ lại có quyền từ chối thi hành công vụ nếu họ chứng minh công việc được giao mâu thuẫn với lợi ích cá nhân hay lợi ích công cộng (conflict of interest).
Mặc dù Chính quyền liên bang đảm nhận trách nhiệm rộng lớn hơn trong những lĩnh vực như y tế, giáo dục, phúc lợi, giao thông, gia cư và phát triển đô thị.
Các Chính quyền tiểu bang lại độc lập với chính quyền liên bang và lại là định chế có ảnh hưởng lớn nhất trên đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.
Đa số các tiểu bang lại có một hệ thống hành pháp với nhiều thành viên của ngành hành pháp được người dân trực tiếp bầu lên.
Những vị dân cử này hoàn toàn độc lập với cả liên bang lẫn tiểu bang, họ không chịu sự kiềm chế hay chi phối của ngay cả Thống Đốc, và Thống Đốc cũng không thể bãi chức họ.
Vì thế Tổng thống Mỹ thường chỉ giữ vai trò chính yếu về mặt đối ngoại, quân sự và thương mãi quốc tế, vai trò đối nội được phân chia cho các dân cử thuộc chính phủ tiểu bang.
Muốn trở thành một Tổng Thống ở vị thế lãnh đạo mạnh một Tổng Thống không những cần thuyết phục cử tri Mỹ mà còn cần thuyết phục cả hệ thống hành chánh từ liên bang xuống đến tiểu bang.
Với cách phân quyền này quyền lực hành chánh sẽ không bao giờ có thể tập trung vào cá nhân Tổng Thống, ông ta không bao giờ có thể trở nên độc tài.
Quốc Hội Hoa Kỳ
Quốc Hội giữ vai trò kiểm tra và giám sát Tổng Thống và công việc Hành Pháp.
Ở Mỹ quyền lực Quốc Hội được chia sẻ giữa đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Một Tổng Thống Mỹ chỉ có thể được xem là một lãnh đạo mạnh khi đảng của ông nắm cả Lưỡng viện Quốc Hội.
Hệ Thống Chính Trị Mỹ lại cho phép các Dân Biểu và Nghị Sỹ Quốc Hội quyền công khai “bất đồng chính kiến” với Tổng Thống có cùng một đảng.
Điển hình là Cố Thượng nghị sĩ John McCain cùng đảng Cộng Hòa nhưng thường xuyên có quan điểm đối ngược với Tổng Thống Trump.
Vì thế mặc dầu đảng Cộng Hòa kiểm soát cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện như hiện nay, nhưng không phải mọi chính sách Tổng Thống Trump đưa ra đều được Quốc Hội thông qua.
Đầu năm nay mặc dù Hạ viện đã bỏ phiếu thuận 230-197 dự luật ngân quỹ cho năm 2018, nhưng lại không được thông qua ở Thượng viện với tỷ lệ 50-49.
Điều đáng nói là có năm đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại dự luật, trong khi đó lại có năm đảng viên Dân chủ ủng hộ thông qua.
Các Dân biểu hay Nghị sỹ thường có khuynh hướng thông qua ngân sách khi nhận thấy ngân sách có lợi cho Quận hay Tiểu bang mình đại diện.
Kết quả là đúng kỷ niệm 1 năm ông Trump nhậm chức ngày 20/8/2018 chính phủ Hoa Kỳ đã phải đóng cửa trong vòng 3 ngày. Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ phép không lương.
Chính phủ chỉ mở cửa lại khi đảng Cộng Hòa chấp nhận một số thương lượng để có đủ 60 Nghị Sỹ thông qua đạo luật về ngân sách.
Chính trị Hoa Kỳ là thế !!!
Ngược lại trong trò chơi chính trị Tổng Thống Trump nhiều lần “đe dọa” sẵn sàng chấp nhận việc chính phủ đóng cửa để Quốc Hội phải đồng ý thông qua ngân sách.
Truất phế Tổng Thống
Quốc Hội còn nắm giữ đặc quyền luận tội và truất phế Tổng Thống.
Thủ tục luận tội khá dễ dàng chỉ cần một dân biểu đưa cáo trạng cho Ủy ban tư pháp Hạ viện. Nếu được đa số ủy viên của Ủy ban tư pháp đồng ý, quyết định sẽ đưa ra Hạ viện biểu quyết.
Khi đa số Hạ viện đồng ý truất phế, một ủy ban truất phế được thành lập để đưa quyết định lên Thượng viện.
Thượng viện sẽ mở một phiên tòa và nếu 2/3 Thượng Nghị Sỹ đồng ý thì thủ tục truất phế sẽ được tiến hành.
Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton đã bị Hạ Viện luận tội nhưng không ai bị Thượng Viện truất phế. Còn Tổng Thống Richard Nixon xin từ chức trước khi bị Hạ Viện luận tội.
Bất cứ điều gì Tổng Thống Trump đã, đang và sẽ làm nếu vi phạm luật pháp Hoa Kỳ đều có thể bị Hạ Viện mang ra luận tội. Và nếu đảng Cộng Hòa không còn chiếm đa số ở Hạ viện và đa số trong Ủy ban tư pháp Hạ viện như hiện nay thì việc luận tội Tổng Thống Trump nhiều cơ hội sẽ có thể xảy ra.
Chính trị Hoa Kỳ cũng là thế!!!
Trò chơi chính trị là con dao hai lưỡi ngay cả khi ông Trump bị Hạ Viện luận tội mà cử tri vẫn yêu mến và ủng hộ ông thì sẽ ảnh hưởng rất nặng đến uy tín của đảng Dân Chủ.
Bởi thế việc đe dọa đưa Tổng Thống ra luận tội thường được đem ra hù dọa làm mất uy tín chính trị nhau hơn là thực sự xảy ra.
Điểm tích cực là các Tổng Thống luôn cân nhắc mọi quyết định trong công vụ để không xảy ra lạm quyền như Tổng thống Andrew Johnson hay bê bối như Tổng Thống Richard Nixon và Tổng thống Bill Clinton.
Tư Pháp và Tối Cao Pháp Viện
Tối Cao Pháp Viện giữ quyền lực cao nhất về tư pháp trong Chính phủ Hoa Kỳ, có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.
Tối cao Pháp Viện gồm chín thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời bởi Tổng Thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện. Một thẩm phán được bầu làm chánh án. Chánh án John Roberts và 4 thẩm phán khác thuộc cánh bảo thủ ủng hộ đường lối của ông Trump.
Trong trường hợp Tổng Thống bị Quốc Hội luận tội và truất phế, Chánh án Tối cao Pháp Viện sẽ là Chủ tịch ủy ban truất phế.
Tổng thống Trump trong vòng chưa tới 2 năm đã bổ nhiệm được hai thẩm phán là các ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh.
Việc thẩm phán Brett Kavanaugh được Quốc Hội chấp nhận là 1 thắng lợi lớn giúp ông Trump vận động các cử tri bảo thủ tích cực đi bầu và bầu cho các ứng cử viên đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử giữa kỳ vào ngày 6 tháng 11 sắp tới.
Vận Động Hành Lang
Tại Hoa Kỳ việc vận động nhằm ảnh hưởng các chính sách của chính phủ là việc làm công khai và hợp pháp.
Điển hình là chính sách trừng phạt thương mãi một số công ty sẽ được hưởng lợi trong khi nhiều công ty khác bị thiệt hại. Các công ty bị thiệt hại sẽ tìm cách vận động hành lang để giảm thiểu thiệt hại cho công ty mình.
Chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung có lợi cho một số tiểu bang nhưng lại bất lợi cho một số tiểu bang khác, nhất là các tiểu bang sản xuất và xuất cảng nông nghiệp và các tiểu bang có hải cảng trực tiếp xuất nhập cảng.
Tổng Thống Trump sử dụng 2 đạo luật có sẵn trong việc trừng phạt thương mãi Bắc Kinh.
Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act 1962) về an ninh quốc gia; và Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974 (Trade Act 1974) về trả đũa những hành vi thương mại không công bằng của nước khác.
Nếu đảng Dân Chủ kiểm soát được Quốc Hội, họ có thể ra những đạo luật mới để giới hạn khả năng trừng phạt thương mãi của Tổng Thống Trump.
Vì thế không lạ gì khi các công ty bị thiệt hại do chiến tranh thương mãi (và có thể cả nước ngoài) đang đổ tiền tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu và nghị sỹ mà họ tin rằng khi thắng cử sẽ có thể xoay chuyển thế cờ giới hạn quyền hạn của Tổng Thống Trump.
Đệ Tứ Quyền
Chính Phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không có cơ quan truyền thông riêng. Các cơ quan truyền thông như VOA, RFA,… nhận ngân sách chính phủ nhưng đều là các cơ quan truyền thông độc lập. Các cơ quan truyền thông khác đều là cơ quan truyền thông tư nhân.
Chi phí nặng nhất trong việc tranh cử là chi phí truyền thông quảng cáo. Ứng cử viên nào vận động được nhiều tài trợ thì có nhiều tiền để quảng cáo tranh cử và nhiều cơ hội hơn để thắng cử.
Tổng Thống Trump lại có một “lịch sử” khác thường là khi ra tranh cử không chịu chi tiền quảng cáo và thường xuyên “đối chọi” với truyền thông.
Đương nhiên cách hành sử của ông Trump càng “khiêu khích” giới truyền thông để ý đến ông và tìm mọi cách để giảm thiểu quyền lực của ông.
Thế lãnh đạo mạnh
Nói tóm lại quyền lực của Tổng Thống Mỹ do cử tri ban cho và nếu họ không thực hiện lời họ đã hứa thì cử tri sẽ lấy lại nên không Tổng Thống nào có thể trở nên độc tài.
Tổng Thống Trump đã thực hiện được hầu hết những điều ông hứa khi ra tranh cử như cắt giảm thuế, tạo thêm công ăn việc làm, giúp tăng lương, tiêu diệt khủng bố ISIS, trừng phạt thương mãi Bắc Kinh, bảo vệ Biển Đông.
Những điều ông không làm được là do quyền lực của ông bị Quốc Hội giới hạn.
Tổng Thống Trump thực hiện được các điều ông đã hứa một phần là nhờ bản tính cương quyết và cứng rắn nhưng khôn khéo trong việc đàm phán chính trị và ngoại giao.
Phần khác là nhờ Tổng Thống Trump lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh khi cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều do đảng Cộng Hòa nắm giữ và Tối Cao Pháp Viện nay thuộc cánh bảo thủ.
Liệu Tổng Thống Trump có còn tiếp tục lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh hoàn toàn tùy thuộc và cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 06/11/2018 sắp tới đây.
Có giữ được thế lãnh đạo mạnh Tổng Thống Trump mới có thể tiếp tục bao vây Trung Quốc về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ý thức hệ.
Có thay đổi được ý thức hệ của tầng lớp lãnh đạo Bắc Kinh mới mong tránh khỏi việc thị trường thương mãi bị bóp méo, bán phá giá, đánh cắp bản quyền, ép các công ty Hoa Kỳ chuyển giao tài sản trí tuệ, và hạn chế tiền lương và các quyền lao động công nhân, bành trướng tại Biển Đông và ra thế giới.
Đồng thời thế giới sẽ có tự do, dân chủ và nhân quyền hơn.
Cử tri Mỹ sẽ quyết định tương lai nước Mỹ và tương lai thế giới trong cuộc bầu cử sắp tới.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Australia.
© Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16/10/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét