Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

GSTSCA Yêm nhớ về GSTSCA Quang: Người trí thức CA

Hình như các vị lãnh đạo cao nhất của ngành công an đều là GSTS. Tác giả bài viết dưới đây là GSTS, ông Quang cũng vậy, ông Bộ trưởng kế nhiệm, thượng tướng Tô Lâm, cũng là GS.TS. Nhưng nghĩ cũng phải vì Bộ chính trị cũng gồm rất nhiều GS.TS. Ông Quang còn đặc biệt hơn, nghìn năm trước đây đất Việt chưa từng có người được như ông, và chắc nghìn năm tới cũng vậy. Tất cả các ông như ông Hồ, ông Giáp, ông Duẩn xưa kia hay ông Trọng hiện nay, dù vinh quang tột đỉnh, dù quyền lực tuyệt đối, dù được dân thờ cúng tin yêu... đều thua xa ông Quang, không toàn diện như ông Quang. Ông Quang về văn là Chủ tịch nước, về võ là Đại tướng, về học hành là Tiến sĩ, về đào tạo là Giáo sư... Quả thật thế giới nghìn năm qua cũng không có người tài giỏi siêu phàm như ông. Nhưng ngành công an thế nào, ông thế nào ? Xem bình luận của tôi ở bài vừa đăng: Tấm ảnh ngủ gật và cách chợp mắt ở LHQ. Ở VN có quyền là có tất cả. "Trí thứccông an" là loại trí thức gì ? Là trí thức "còn đảng còn mình", "hèn với giặc, ác với dân" ???
Nhớ về anh Trần Đại Quang, người trí thức Công an nhân dân tiêu biểu
TRUNG TƯỚNG, GS, TS NGUYỄN XUÂN YÊM 27/09/2018 - 
Nhớ về anh, tôi có một vài dòng tâm sự và coi đây như một nén tâm nhang thắp tưởng nhớ anh - Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng CS Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, người chỉ huy, lãnh đạo cao cấp của lực lượng Công an nhân dân, một nhà giáo, nhà khoa học.

Bộ trưởng Trần Đại Quang kiểm tra đúc tượng 
nhà giáo Chu Văn An tại Văn Miếu Học viện CSND.
Với đội ngũ trí thức Công an nhân dân (CAND) và cá nhân tôi, Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang là người đặc biệt. Trước hết GS, TS Trần Đại Quang là một nhà lý luận sắc bén, có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết với việc phát triển hệ thống Lý luận Khoa học Công an Việt Nam và xây dựng đội ngũ trí thức CAND. Khi là Bộ trưởng Công an, anh đã đề xuất và thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an và qua hơn bảy năm hoạt động, cơ chế hội đồng lý luận này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển Khoa học Công an Việt Nam. Đây là hội đồng lý luận cấp Bộ duy nhất ở nước ta hiện nay. Khi anh làm Chủ tịch nước, Bộ trưởng, GS, TS Tô Lâm đảm nhiệm thay anh làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an. Hội đồng đã và đang vận hành tốt, cho ra “lò” nhiều sản phẩm Khoa học Công an có chất lượng.

Anh là người trực tiếp chỉ đạo biên soạn và xuất bản những công trình khoa học lớn như bộ sách Khoa học Hình sự Việt Nam gồm năm tập năm 2012, bộ sách Khoa học Trinh sát Việt Nam gồm ba tập năm 2013, bộ sách Tội phạm học Việt Nam gồm ba tập năm 2013. Và năm 2015 nhân kỷ niệm 70 năm CAND Việt Nam, anh đã cùng tôi làm Tổng chủ biên bộ sách lớn Khoa học Công an Việt Nam gồm tám tập bao quát toàn bộ hệ thống tri thức bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam: Tập 1: Lý luận và Phương pháp luận Khoa học Công an; Tập 2: Quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; Tập 3: Khoa học lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân; Tập 4: Lý luận bảo vệ An ninh quốc gia; Tập 5: Lý luận bảo đảm Trật tự an toàn xã hội; Tập 6: Lý luận về Tình báo; Tập 7: Lý luận về Xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Tập 8: Lý luận Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân.

Anh rất quan tâm tới hoạt động của các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học trong ngành như Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Viện Khoa học Hình sự, Viện Kỹ thuật Công an và nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học khác.

Từ năm 2007, khi làm Bộ trưởng Công an, anh đã cho phép Học viện CSND thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và đây là trung tâm nghiên cứu đầu tiên về Tội phạm học ở Việt Nam. Năm 2013, anh lại cho phép Học viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông và cuối năm 2015 đã cho phép thành lập Viện Khoa học Cảnh sát trực thuộc Học viện CSND. Đồng thời anh cũng cho phép thành lập Viện Khoa học An ninh trực thuộc Học viện An ninh nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của anh và lãnh đạo Bộ Công an, đội ngũ trí thức CAND Việt Nam ngày càng phát triển và trưởng thành, trong đó anh cũng là một nhà khoa học, nhà giáo rất tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo CAND. Cho đến nay, lực lượng CAND đã có hơn 50 Giáo sư, gần 200 Phó Giáo sư và hơn 1.000 Tiến sĩ và đây là đội ngũ nòng cốt để phát triển giáo dục - đào tạo CAND và phát triển Khoa học Công an Việt Nam.

Cá nhân anh đã tham gia làm Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014 và được mời làm Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật nhiệm kỳ 2009-2014.

Với Học viện Cảnh sát nhân dân, nơi tôi có bốn năm làm Phó Giám đốc và hơn chín năm làm Giám đốc, dấu ấn của Thứ trưởng Trần Đại Quang rồi Bộ trưởng Trần Đại Quang rất đặc biệt. Anh thường xuyên vào thăm và kiểm tra nhà trường, dự các lễ khai giảng năm học mới, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và tham dự các lễ trao bằng Tiến sĩ, trao chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho các cán bộ, học viên nhà trường.

Năm 2012, cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, anh đã vào dự trao danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới cho Học viện. Năm 2015 với tư cách là Bộ trưởng Công an, anh đã ký quyết định công nhận Học viện CSND trở thành Trường trọng điểm của ngành Công an. Và mới đây tháng 5 năm 2018, anh với tư cách là Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ 2 cho nhà trường.

Đến thăm Học viện CSND Việt Nam hôm nay sẽ thấy trong khuôn viên gần 20 ha của nhà trường có rất nhiều công trình giáo dục văn hóa - truyền thống như cụm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Nội vụ, Bộ Công an các thời kỳ; Văn Miếu Học viện CSND với Tượng nhà giáo Chu Văn An; Bảo tàng Dân tộc học có nhà sàn của đồng bào Tày và nhà rông của đồng bào Ba Na; Khu chủ quyền đất nước; Thư viện Lê Quân 12 tầng hiện đại; Tượng đài các thế hệ anh hùng; Ao cá Bác Hồ... Đây là những công trình văn hóa còn rất ít có ở các học viện, trường đại học ở nước ta. Phần lớn các công trình văn hóa này đã được xây dựng với sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của anh.

Một trong các công trình văn hóa tiêu biểu này là Văn Miếu Học viện CSND, nơi thường tổ chức trao bằng, vinh danh các Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư của nhà trường.

Được xây dựng vào năm 2012, Khu Văn Miếu Học viện CSND mô phỏng mô hình Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là Văn Miếu đầu tiên và cho đến nay là duy nhất được xây dựng trong khuôn viên của một trường đại học, học viện ở Việt Nam, là công trình văn hóa tiêu biểu tại Học viện CSND nhằm góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ cha ông cho các sĩ quan Cảnh sát tương lai của nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời thúc đẩy toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên không ngừng phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường.

Hậu cung Văn Miếu là nơi đặt tượng danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 -1370), người được tôn là “Vạn thế sư biểu”, người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Đây là bức tượng đẹp đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,5 tấn do kiến trúc sư Trần Hiếu Lễ thiết kế và đúc tại Công ty đúc Thắng Lợi (huyện Ý Yên, Nam Định). Bức tượng Nhà giáo Chu Văn An do Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an tặng nhà trường.

Công lao của anh với đất nước, với lực lượng Công an nói chung, với Học viện CSND nói riêng là rất lớn. Dù anh đã mất nhưng chúng tôi vẫn luôn coi anh là một người lãnh đạo, chỉ huy tâm huyết, luôn quan tâm tới sự phát triển và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân và đội ngũ trí thức Công an nhân dân. Anh là một trí thức Công an nhân dân tiêu biểu.

Hà Nội, ngày 21-9-2018

http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-chinhtri/baothoinay-chinhtri-diemnhan/item/37749702-nho-ve-anh-tran-dai-quang-nguoi-tri-thuc-cong-an-nhan-dan-tieu-bieu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét