Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Vụ sách Tiếng Việt: Người Việt thích...chửi

Vụ sách Tiếng Việt: Người Việt thích...chửi
Hiệu Minh - Bà già ở quê chửi mất gà là vì không biết "thằng nào con nào" nên chửi đổng, chửi lơ mơ, dù thuộc bài chửi như con vẹt. Lên mạng thời nay có nhiều kiểu chửi như thế. Tôi thành thật khuyên các bạn định bàn về đề tài phát âm tiếng Việt kiểu mới, hãy ra quầy sách mua một cuốn, xem những bài viết của cụ Phạm Toàn, hiểu thấu đáo rồi, khi đó chửi cũng chưa vội.
Cách đây 6 năm (8-2012) phụ huynh thủ đô đạp đổ cổng trường Thực nghiệm để xin cho con học. Thế mà mấy chục năm trước đó không ít người chửi thậm tệ. Chưa chừng chính người chửi đã đạp đổ cổng. Đó là vì người chửi không hiểu thế nào là thực nghiệm và cả người khen cũng không mường tượng ra hết, một đức tính chung hời hợt thuộc về… nhân loại.

Nếu Bộ GD nói rõ rằng, sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục (CNGD) vừa đưa ra là dựa trên cơ sở của hai ông Phạm Toàn "Cánh Buồm" và ông Hồ Ngọc Đại được áp dụng từ năm 1978 đến nay, thì có lẽ chẳng ầm ỹ tới mức một luật sư đòi đưa tác giả ra tòa.

Và nếu Bộ GD nhớ công lao “thực nghiệm” của hai ông này, viết trong lời nói đầu rằng, nhờ có cách học đánh vần “ngớ ngẩn”, “thực nghiệm vớ vẩn”, mà trò Ngô Bảo Châu từ trường của ông Đại được giải Fields năm 2010, thì sách tiếng Việt lớp 1 CNGD sẽ bán chạy như tôm tươi.

Các bạn không biết Cánh Buồm của cụ Phạm Toàn đứng đằng sau những bộ sách và cả phương pháp giáo dục mới này.

Khổ nỗi, Bộ GD không biết ơn những người khai phóng, lặng lẽ in, lặng lẽ ra lệnh, cải tiến bao lần toàn thất bại, cho nên lần này cũng bị chửi te tua. Và còn bị chửi nữa, kể cả chửi nói ngọng.

Ông Hồ Ngọc Đại dựng nên trường Thực nghiệm bị đánh lên bờ xuống ruộng dù những ý tưởng sau bức màn nhung có đóng góp không nhỏ của ông Phạm Toàn. Thời đó, ông Đại không phải con rể ông Lê Duẩn, chắc bị đi đầy biệt xứ vì chả ai cho phép thực nghiệm một con người.

Mọi chuyện từ video clip cô giáo hướng dẫn đánh vần theo cách ba chữ cái c/k/q đọc là "cờ", chữ "ki", "qua" lần lượt đánh vần là "cờ-i-ci" và "cờ-ua-qua". Phụ huynh thấy khác lạ nên lên mạng chửi bới mà không cần hiểu ngọn ngành.

Thực ra, cách đánh vần của cô giáo trong video nói trên được dạy theo cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Sách được thẩm định đưa vào dạy thực nghiệm ở một số trường tiểu học từ năm học 2013-2014. Năm 2017, Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 lần nữa được thẩm định và tiếp tục cho sử dụng. Đến nay gần 50 tỉnh thành phố như Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội... có trường dùng cuốn sách này.

Tại sao các quí vị không chửi từ năm 2013, và tại sao các phụ huynh có con học theo cách đánh vần này không chửi từ 5-6 năm trước mà bây giờ mới xắn váy quay cồng.

Hôm qua đi café với anh Tạ Quốc Quang, con trai trưởng của cố BT Tạ Quang Bửu. Anh tặng tôi cuốn sách tự in của bác Nguyễn Chí Dũng có nhiều năm làm việc với cụ Bửu.

Tôi thích nhất đoạn bác Dũng kể cụ Bửu bảo dịch cuốn sách “Phương pháp học tập” của CHDC Đức, trong đó có gợi ý học sinh tự kiểm tra mức độ hiểu bài của mình.

1. Hiểu lơ mơ: Nghe người ta nói thấy hay, thấy đúng, nhưng không nhắc lại được;

2. Hiểu như vẹt: Nghe xong, muốn nhắc lại phải học thuộc lòng;

3. Hiểu thấu đáo: Nghe xong, tiêu hóa thành của mình, và có thể nhắc lại bằng từ ngữ của mình. Như vậy mới nhớ lâu và vận dụng được kiến thức đã học.

Tôi thành thật khuyên các bạn định bàn về đề tài phát âm tiếng Việt kiểu mới, hãy ra quầy sách mua một cuốn, xem những bài viết của cụ Phạm Toàn, hiểu thấu đáo rồi, khi đó chửi cũng chưa vội.

Cũng khuyên hiệu trưởng trường Thực nghiệm đừng bao giờ nhận học trò của những phụ huynh chỉ biết chửi mà không hiểu mình chửi ai và chửi cái gì như bà già nhà quê la mất gà kiểu lơ mơ và réo làng nước như con vẹt.

Hiệu Minh
31-8-2018.
(Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét