Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Hậu quả chiến tranh là động lực cho hợp tác Mỹ Việt

Hậu quả chiến tranh là động lực cho hợp tác Mỹ Việt
Kính Hòa RFA 2018-09-12

Bảng cảnh báo nguy hiểm vì chất độc màu da cam, 
tại một làng gần Đà Nẵng. 2012.  AFP
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm qua, thế nhưng một số ‘tàn dư’ của chiến tranh được nói tiếp tục gây hại cho người dân. Đó là chất làm rụng lá, hay còn gọi là chất da cam, được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhằm khai quang, giúp phát hiện vị trí của lực lượng đối phương; cũng như bom mìn chưa nổ còn sót lại .

Một hội thảo được tổ chức tại Washington DC vào ngày 10/9/2018, về việc hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc khử chất độc da cam, cũng như rà phá những bom mìn do chiến tranh để lại.

Mở đầu buổi hội thảo, ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, người điều khiển chương trình nói rằng việc khử chất độc da cam, và rà phá bom mìn chưa nổ đang trở thành một động lực để hai quốc gia cựu thù cũ tạo nên những quan hệ tốt với nhau.

Chia sẻ điều này, diễn giả chính của cuộc hội thảo là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Hà Kim Ngọc nói:
Chắc chắn là chuyện giải quyết hậu quả chiến tranh là cách làm tốt nhất để tạo nên sự hợp tác toàn diện của chúng ta, từ quá khứ khó khăn giữa chúng ta với nhau. Sự hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh tạo nền móng cho sự hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, và cả sự trao đổi giữa người dân với nhau.
Điều đặc biệt quan trọng là việc đó sẽ giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau giữ hai dân tộc chúng ta.”
Sự hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh tạo nền móng cho sự hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh - Đại sứ Hà Kim Ngọc.
Ông Đại sứ nhấn mạnh đến ba chương trình đã, đang và sắp được triển khai, đó là dự án khử độc da cam tại sân bay Đà Nẵng, dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị, và sắp tới đây là dự án khử độc tại sân bay Biên Hòa.
Dự án tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng đã được bắt đầu hồi năm 2012, và đến năm 2016 được xem như đã hoàn thành một giai đoạn với tổng kinh phí là 112 triệu đô la Mỹ.
Dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị, nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong chiến tranh Việt Nam do ông Chuck Searcy, một cựu chiến binh Mỹ phụ trách. Dự án này bắt đầu từ năm 2001, và theo ông, là một dự án kết hợp rất chặt chẽ với người địa phương. Ông Searcy nói tại buổi hội thảo:
Dự án phụ thuộc vào dân chúng địa phương, những người am tường về vùng đất của họ, và họ rất muốn giải quyết vấn đề bom mìn. Sự tham gia của họ cũng rất ít tốn kém cho dự án. Chúng tôi không phải tranh cãi nhiều, nếu có bất đồng thì họ sẽ quyết định ngay. Cho nên dự án là một dự án rất mở rộng trong dân chúng, với rất nhiều người dân tham gia.”
Hình chụp hôm 31/7/2013: Hai người sử dụng thiết bị phát hiện bom mìn chưa nổ từ thời chiến tranh Việt Nam
Hình chụp hôm 31/7/2013: Hai người sử dụng thiết bị phát hiện bom mìn chưa nổ từ thời chiến tranh Việt Nam AP
Dự án này được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp tài chính, với sự hợp tác của những tổ chức phi chính phủ quốc tế khác. Theo những con số mà ông Searcy đưa ra tại buổi hội thảo, những tai nạn do bom mìn đã giảm liên tục từ khi dự án bắt đầu vào năm 2001 đến nay, và năm 2017 không có tai nạn nào xảy ra.
Bên cạnh việc tẩy độc và rà phá bom mìn còn có những chương trình hỗ trợ nạn nhân của chất độc da cam và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Một chương trình như vậy đã được đưa ra vào năm 2012, cùng lúc với việc bắt đầu tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó là ông David Sheer nói với báo chí:
Chương trình giúp đỡ người tàn phế của chúng tôi là giúp tất cả những người tàn phế, không cần biết là họ có liên quan đến chất da cam hay không. Chúng tôi đã chi 54 triệu đô la từ năm 1989 để giúp đỡ những người tàn phế, và chúng tôi sẽ chi thêm 9 triệu cho năm nay (2012). Chúng tôi muốn giúp người Việt có cuộc sống tốt hơn.”
Riêng về dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc nói tại buổi hội thảo, dự án này lớn hơn vì sự nhiễm độc ở sân bay Biên Hòa phức tạp hơn. Vào tháng 5/2018, dự án này chính thức được bắt đầu với món tiền viện trợ không hoàn lại từ phía Hoa Kỳ dự kiến lên đến 390 triệu đô la Mỹ, được thực hiện qua sự hợp tác giữa cơ quan USAID của Mỹ với Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Và một lần nữa Đại sứ Hà Kim Ngọc nói rằng việc giải quyết hậu quả chiến tranh giữa hai bên lại dẫn đến những quan hệ khắng khít về an ninh và quốc phòng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/war-legacy-force-cooperate-09122018055342.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét