Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Hoan hô bác Trọng: từ bảo thủ đến đổi mới, dân chủ

Khó khăn lớn nhất đối với những người thích dự báo thời cuộc là không hiểu bác Trọng nghĩ gì và sẽ làm gì vì các quyết đinh của bác thường đầy tính toán, rất bất ngờ và không nhất quán. Trong hai ngày 11-12/4, Bộ Chính trị đã họp lấy ý kiến về 3 đề án sẽ trình Hội nghị Trung ương 7 diễn ra trong tháng 5 (thay vì tháng 4 vì chưa sắp xếp xong nhân sự). Dư luận mạng cho rằng trong Hội nghị TƯ 7, bác Đinh Thế Huynh sẽ thôi tất cả các chức vụ trong khi bác Trần Đại Quang bị bệnh sẽ không tham dự và cũng sẽ được về nghỉ; bác Nguyễn Thiện Nhân sẽ làm Chủ tịch nước. Bác Nhân ba phải, sẽ ngoan ngoãn vâng lời bác Trọng nên tất cả các quyền lực Đảng và Nhà Nước sẽ được thu về một mối đúng như bài đồng dao vô danh rất hay được lưu truyền từ đầu năm 2017 viết: "Hổ rắn tranh ngai. Cả hai cùng đổ. Một con rắn nhỏ. Ngoi lên đầu đàn. Lịch sử sang trang. Cả hai về một. Xe pháo mã tốt. Kéo nhau cùng về" (xem giải thích trong bài này). Bí thư Sài Gòn sẽ là bác Võ Văn Thưởng hoặc bác Trương Hoà Bình, khả năng lớn là bác Thưởng. Bác Vượng thường trực Ban bí thư sẽ bỏ kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; dành ghế này cho bác Nguyễn Văn Nên hoặc bác Nguyễn Hòa Bình, khả năng lớn là bác Bình. Lãnh đạo một số bộ, ngành chủ chốt cũng thay đổi theo hướng tất cả về một. Nếu dư luận trên là đúng thì với bộ sậu toàn đàn em thân thiết và vâng lời thế này, bác Trọng hoàn toàn có thể làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ cho đất nước. Được như vậy thì bác đúng là Sĩ phu Bắc Hà nghìn năm có một, xứng đáng được lịch sử dân tộc mãi mãi tôn vinh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận bác Trọng và ban lãnh đạo mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong ba thứ "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa", thì dù thời cơ đã có, lợi thế rất cao, nhưng bác Trọng lại đang rất thiếu nhân hòa. Có thể nói chưa bao giờ sự thù địch, tư tưởng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc với nước ta lại to lớn và thể hiện ngang ngược như bây giờ. Và tiếc thay, trong ba thứ trên, Nhân hòa mới là yếu tố quyết định mọi thành bại ở đời. Người xưa vẫn nói thuận cơ trời không bằng được địa lợi, được địa lợi lại không bằng được lòng người. Có nhân hòa có thể làm nên nghiệp lớn. Nhân hòa chính là lòng người, là sự đoàn kết bên trong và bên ngoài, không có “nhân hòa” thì không thể có sức mạnh to lớn. Để đối phó với Trung Quốc, rõ ràng hòa luôn luôn quan trọng hơn chiến; nhưng để có nhân hòa, nhất là với Trung Quốc, chắc chắn không phải là việc dễ dàng. Chỉ dám hy vọng bác Trọng và ban lãnh đạo mới sẽ tìm được giải pháp "thỏa đáng" cho hai chữ "nhân hòa"; nhất định không vì hai chữ "nhân hòa" với Trung Quốc mà không dám đổi mới dân chủ, không dám hành động vì một nước Việt Nam cường thịnh.
Nguyễn Phú Trọng và Dân chủ là tiến trình dài: từ bảo thủ đến đổi mới
Những hoạt động gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng trong việc gỡ bế tắc về lợi ích nhóm và mafia chính trị là cần được ghi nhận. Bước đầu làm được như vậy thì đồng nghĩa với việc phát sinh ra mầm mống của dân chủ - bởi dân chủ chính là kiểm soát quyền lực về thực chất để tiến hành những chính sách dân sinh. Ông Nguyễn Phú Trọng cần là ‘người đàn ông thép’ trong cải tổ nội bộ Đảng; sau đó đi tới những cải cách về chính trị - nhân quyền, trong đó bao gồm trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa thực sự và điều chỉnh luật lệ mơ hồ dùng để bịt miệng những nhà hoạt động, cánh nhà báo,...
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri.
Khôi nguyên Nhân quyền, cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong tuần này. Lý do chuyến thăm có lẽ xuất phát từ việc, trong chuyến thăm Myanmar vào tháng 8 năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hai nước đã xác định quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện.

Myanmar có phần giống Việt nam, khi nước này đang bị chỉ trích bởi các tổ chức nhân quyền, nhất là thông qua chiến dịch thanh lọc sắc tộc đối với 700.000 người Rohingya.

Người Việt trong nước, từng một thời ngưỡng mộ và khâm phục bà Suu Kyi cũng bày tỏ sự tiếc nuối, khi mà lên đỉnh quyền lực khiến bà từ nhà đấu tranh quyền con người trở thành một bà Đầm thép.

Nhưng bà Aung San Suu Kyi từng khẳng định ‘dân chủ không phải một phép mầu chữa mọi loại bệnh ngay lập tức. Nó cũng cần thời gian.’. Và biên tập viên Aung Shin của trang Myanmar Times nhấn mạnh, nhiều người trong nước vẫn tin tưởng bà Aung San Suu Kyi, mặc dù cũng có những người thất vọng.

Thực tế cho thấy, câu chuyện 'cần thời gian' chính là sự biến chuyển từ một nước bị Nghị viện ASEAN tổ chức họp kín để bàn về sự thiếu dân chủ, cũng như đánh giá khó có sự thay đổi nào diễn ra tại nước này (2005). Thế nhưng, 6 năm sau, Myanmar đã có bước đi dài trong cuộc cải cách dân chủ (giai đoạn 2011-2012) với hàng loạt cải cách chính trị, kinh tế và hành chính.

Quay trở lại Việt nam, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất phát từ tâm thế cứu lấy Đảng của mình, nhưng động lực lại xuất phát từ ‘lòng dân ủng hộ’ mà ông đã bày tỏ trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội vào sáng 12.10.2017 tại Hà Nội. ‘Lòng dân ủng hộ’ được hiểu là phải kiểm soát cho bằng được quyền lực nhà nước; chống nạn lạm quyền ở cấp trung ương; sự thu vén lợi ích mang tính cục bộ ở địa phương; chấn chỉnh cơ sở liên quan đến tha hóa quyền lực tại một số ngành trọng điểm như Công an hay quân đội; xử nghiêm khắc những quan tham nhũng và giải bằng được ‘quy trình hạ cánh an toàn’ (hay hoàng hôn nhiệm kỳ).

Hãy xem nhà báo Hoàng Hải Vân đề cập gì đến vụ bắt giữ hai ông cựu Chủ tịch Tp. Đà Nẵng và một ông Trung tướng cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo: Ai từng làm việc trong bộ máy Đảng và Chính quyền TP. Đà Nẵng thời ông Nguyễn Bá Thanh đều biết rõ, Nguyễn Bá Thanh thực chất là một “ông vua” của thành phố này. Nguyễn Bá Thanh quyết tức là nghị quyết, Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo tức là pháp luật. Thành ủy, Ủy ban nhân dân chỉ là nơi hợp thức hóa, hợp pháp hóa ý đồ riêng của Nguyễn Bá Thanh. Nguyên tắc tập trung dân chủ chẳng là cái đinh gì đối với Nguyễn Bá Thanh.
Thành phố đáng sống và hệ thống mafia chằng chịt kết nối giữa địa phương và trung ương không đơn lẻ, còn hàng tá tỉnh thành khác cũng có mối dây tương tự như vậy. Bởi suy cho cùng, nó là kết quả của việc bế tắc trong kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng từ các đời Tổng Bí thư trước đó như ông Đỗ Mười, ông Nông Đức Mạnh,…

Ông Tổng Bí thư hiện tại chặt hạ vây cánh mafia hay kết quả của hàng loạt tướng công an ngã ngựa, các lãnh đạo/cựu lãnh đạo phải bị khởi tố cũng xuất phát từ chính sự kiện 'Lần đầu tiên một Tổng Bí thư tham gia Đảng ủy Công an Trung ương (2016).

Đó là tiến trình!

Bài viết không nhấn mạnh sự tin tưởng tuyệt đối vào cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng những hoạt động gần đây trong việc gỡ bế tắc về lợi ích nhóm và mafia chính trị là cần được ghi nhận. Và với người viết, bước đầu làm được như vậy thì đồng nghĩa với việc phát sinh ra mầm mống của dân chủ - bởi dân chủ chính là kiểm soát quyền lực về thực chất để tiến hành những chính sách dân sinh. Những bước đi đó cũng đồng thời là một tàn lửa nhỏ cho việc cải cách thể chế về sau, bởi suy cho cùng, con đường ‘cải cách’ tại Việt nam là rất dài, nhất là liên quan đến yếu tố chính trị, và ‘dân chủ cũng cần thời gian’ là điều xác hợp tại Việt nam.

Vấn đề cần nhấn mạnh là sự phấn khởi có thể đo đếm được trên mạng xã hội về cuộc chiến chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực. Và người viết tin chắc rằng, có một đội ngũ chuyên viên của ĐCSVN đo đếm ‘mức độ phấn khởi’ này của người dân để tiếp tục quy trình ‘chống và kiểm soát’ của mình. Quan trọng hơn, nó cho thấy ‘ý chí’ của người dân tạm thời được ghi nhận và sự ‘ủng hộ’ của người dân là thành tố cực kỳ quan trọng trong giải quyết các vấn đề thuộc nội tại bên trong Đảng.

Người viết đồ rằng, trước hết ông Nguyễn Phú Trọng cần là ‘người đàn ông thép’ trong cải tổ nội bộ Đảng; sau đó đi tới những cải cách về chính trị - nhân quyền, trong đó bao gồm trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa thực sự và điều chỉnh luật lệ mơ hồ dùng để bịt miệng những nhà hoạt động, cánh nhà báo,...

Kỳ vọng hay không? Hãy nghĩ về ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư với ông Tổng Bí thư Trường Chinh, một người từng bị phê phán là ‘bảo thủ’, nhưng về sau ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt (một người được đánh giá là cấp tiến trong nội bộ ĐCSVN) lại đánh giá, là ‘người khởi xướng công cuộc đổi mới’.

Dân chủ là rất dài và cần có thời gian kiểm chứng. Tuy nhiên, ghi nhận thực trạng cải thiện dân chủ về mặt kiểm soát quyền lực là điều cần thiết phải đặt ra.

Ánh Liên
(VNTB)

2 nhận xét:

  1. Ông nói: " Nhân hoà là mới là yếu tố quyết định mọi thành bại ở đời" tôi đề nghị ông xem lại truyện tam quốc, Lưu Bị - Lưu Huyền Đức có nhân hoà nhưng thua cuộc, quân Nguỵ có thiên thời nên thắng cuộc, từ xưa tới nay thiên thời mới thắng. Thiên thời thời cuộc hiện nay là phong trào dân chủ trên toàn thế giới, lãnh đạo nước nào lãnh đạo theo hướng dân chủ lãnh đạo đo sẽ thắng.

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện đời "Càng lâu càng lắm trò hay!". Hãy đợi đấy! Muốn khen ngợi ai, phải đợi sau khi những việc làm của con người đó thành bại, được mất... như thế nào rồi hãy lên tiếng. Mà việc này, có khi phải đợi con người mình muốn ca ngợi kia mãn nhiệm, trả hết chức vụ trở về làm 1 phó thường dân. Lâu đấy chứ chả một sơm một chiều được đâu!
    Sở dĩ tôi nói vậy bởi đã thành thông lệ: Cứ mỗi lần có 1 vị nào đấy trúng ghế này nọ chốn quan trường... Báo chí đã vội vàng đồng loạt tâng bốc những cá nhân con người ấy không tiếc lời. Rồi... chỉ một thời gian ngắn về sau, sự vụ nát nhào hơn tương Bần, bàn dân thiên hạ mới ngã ngửa ra vì thấy Trình của của các vị ấy chẳng có gì là cao siêu tất ráo cả. Dân tình bị hẫng hụt trước cái sự "Nói rồi lờ" của những vị chức sắc này. bảo sao mà dân mất lòng tin.

    Trả lờiXóa