Hành động của Việt Nam trong chu kỳ suy thoái kinh tế
HẢI VÂN 07/03/2018 Ở trong nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cảnh báo suy thoái của nền kinh tế có thể trở lại theo diễn biến chu kỳ 10 năm. Theo bà Lan, tính quy chu kỳ suy thoái của nền kinh tế trung bình là 10 năm/lần và biểu hiện khá rõ suốt thời gian vừa qua. Nếu tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008, thời điểm này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 10 năm trước khi bước vào suy thoái, có thể vào cuối năm 2018 và 2019.Trong hội thảo Capital Markets Summit tại Singapore gần đây, diễn giả Jim Rogers, một cái tên không xa lạ trong giới đầu tư, đã đưa ra nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang đi đến một vụ đổ vỡ lớn nhất từ trước đến nay. Các định chế, ngân hàng, chính phủ, thậm chí cả bảo tàng cũng sẽ sụp đổ.
Ở trong nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cảnh báo suy thoái của nền kinh tế có thể trở lại theo diễn biến chu kỳ 10 năm.
Theo bà Lan, tính quy chu kỳ suy thoái của nền kinh tế trung bình là 10 năm/lần và biểu hiện khá rõ suốt thời gian vừa qua. Nếu tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008, thời điểm này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 10 năm trước khi bước vào suy thoái, có thể vào cuối năm 2018 và 2019.
Giảm thiểu tác động cho nền kinh tế nếu suy thoái diễn ra, đồng thời xử lý những vấn đề nội tại của nền kinh tế, theo bà Lan, ưu tiên số 1 là vấn đề chức năng của bộ máy nhà nước.
Cải cách năm 2017 đạt một số kết quả nhưng vẫn có quá nhiều câu hỏi đặt ra. Tại sao qua 30 năm đổi mới, bộ máy nhà nước vẫn không phân biệt được giữa điều kiện kinh doanh với quản lý ngành? Một bộ máy không phân biệt được một khái niệm đơn giản thì “nuôi” để làm gì. Tại sao Bộ Y tế phải nhờ tới Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) và 10 hiệp hội mới thay đổi được một số quy định về kiểm tra liên ngành? Vấn đề năng lực của bộ máy ngành y tế là như thế nào...?
Theo quan sát của bà Lan, Thủ tướng vẫn phải đuổi theo để yêu cầu bộ này, bộ kia giảm bớt số lượng điều kiện kinh doanh do các bộ đã tự trao quyền cho mình, hay quyết định của bộ này nhưng bộ khác muốn giám sát, trong khi việc giám sát này là sai chức năng. Các bộ ngành đang “cầm nhầm”quyền của doanh nghiệp, của người dân, để đưa ra những điều kiện kinh doanh vô lý... Bà cho rằng, những việc này sẽ không diễn ra nếu Nhà nước quy định rõ ràng chức năng và quyền hạn từng bộ ngành.
“Sẽ không giải quyết được những vấn đề đang tồn tại của nền kinh tế nếu chức năng bộ máy nhà nước không được sắp xếp lại, không tái khẳng định được nguyên tắc cơ bản của nó về quan hệ giữa nhà nước với thị trường, với xã hội”, bà Lan nói.
Muốn vậy, theo bà Lan, Nhà nước trước hết phải xét lại kỷ cương của quản lý nhà nước, tiếp đó là chức năng đến bộ máy và cuối cùng là con người. Tại một bộ, ngoài việc lựa chọn lãnh đạo, phải thay đổi chế độ tuyển dụng và chế độ sử dụng nhân sự. Bây giờ, nếu vẫn tuyển dụng theo tiêu chí: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” sẽ không có bộ máy tốt, thậm chí một vài cá nhân tốt cũng sẽ bị tập thể đó loại bỏ.
Năm 2018 sẽ khó có tăng trưởng tốt hơn 2017 nếu các bộ ngành tiếp tục lạc quan về những thành tích đạt được trong năm qua. Tiến trình cải cách sẽ chậm lại, thậm chí dừng lại nếu người đứng đầu các bộ yên tâm với những đề xuất cắt giảm số điều kiện kinh doanh từ ½ xuống 1/3 theo tinh thần của Thủ tướng mà không quan tâm đến khâu thực hiện, vốn là điểm yếu ở nước ta.
Trong khi đó, chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh phụ thuộc vào việc thực hiện của hàng vạn cán bộ nhà nước, những người hàng ngày doanh nghiệp và người dân phải đối phó và không phải lúc nào cũng tạo ra lợi ích kinh tế.
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh, quá trình được đặt ra từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau mỗi lần cắt bỏ, chỉ ít lâu sau số điều kiện kinh doanh lại tăng lên, bằng việc lấy lại những điều kiện cũ và mở thêm những điều kiện mới.
Trước đây, nước ta có khoảng 400 giấy phép kinh doanh nhưng bây giờ là 5.700. Điều đáng nói, việc nâng lên 5.700 điều kiện kinh doanh là “tội”, nhưng bây giờ lại trở thành thành tích và được khen khi cắt giảm được một số điều kiện.
Để Chính phủ quan tâm hơn và tăng trưởng năm 2018 đạt được trên cơ sở cải cách một cách thực chất và vững chắc hơn, bà Lan cũng không quên tính “món nợ” về đất đai hoặc quyền tài sản.
Trên thực tế, các vấn đề luật pháp về quyền tài sản, quyền sở hữu cho doanh nghiệp chưa tốt, cần tập trung vào cải thiện. Báo cáo năm 2035 cũng nói rõ muốn thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân Việt Nam, nâng cao năng suất của khu vực tư nhân Việt Nam, quyền tài sản là số 1 nên rất cần được quan tâm, thúc đẩy trong tương lai, theo bà Lan.
Năm 2018 hội nhập có thể thuận lợi hơn, khi CPTPP và EVFTA sẽ sớm được ký. Lợi ích lớn nhất của hai hiệp định này là thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế và cải cách thể chế theo chuẩn quốc tế, không nên chỉ nhìn vào đó để tính đến xuất khẩu ra thế giới hay thu hút FDI.
Theo bà Lan, nói về những thành tựu đạt được năm 2017 là cần, nhưng quan trọng hơn là phải đẩy mạnh cải cách thể chế. Bà Lan hi vọng, từ nay đến đến 2020 nước ta sẽ có chính sách phù hợp, sẵn sàng ứng phó nếu chu kỳ suy thoái trở lại.
http://nhipcaudautu.vn/thi-truong/kinh-te/hanh-dong-cua-viet-nam-trong-chu-ky-suy-thoai-kinh-te-3322926/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét