Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

QUANH CHUYỆN CHÂN DUNG VUA QUANG TRUNG

QUANH CHUYỆN CHÂN DUNG VUA QUANG TRUNG
TS. Nguyễn Xuân Diện - Trên tranh quả thực có mấy chữ 安南國王阮光平 (An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình). Và chính điều này khiến cả Trần Quang Đức và Nguyễn Duy Chính cho rằng người đàn ông mặt choắt trong tranh chính là An Nam Quốc vương Nguyễn Quang Bình - tức Vua Quang Trung. Bức tranh này, nếu có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung. Và người trên bức tranh đó, chính là Vua Càn Long nhà Đại Thanh, chứ không thể là Quang Trung của Đại Việt được. Bức tranh vẽ hình Càn Long để ban tặng cho Quang Trung (giả - hoặc thật) đưa về nước treo. 
Ngày cuối cùng của năm 2017, Tuổi trẻ công bố bài viết của nhà báo Lam Điền có tiêu đề: Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?. Bài báo tổng thuật các ý kiến của hai ông Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức, đều là những nhà nghiên cứu cũng có tiếng lâu nay. Theo đó, ta thấy như sau:

1- Cả hai ông Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức đều không khẳng định chắc chắn đó là chân dung của Hoàng đế Quang Trung, mà mới chỉ nêu ra tư liệu và các lý giải riêng của mình. Tuy nhiên, cách viết cho thấy cả Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức đều muốn mọi người cùng nhau thừa nhận và tin đó là chân dung của Vua Quang Trung.

2- Báo Tuổi trẻ và tác giả Lam Điền cũng không khẳng định đó là chân dung Quang Trung, và ngay tiêu đề bài báo đã là một dấu hỏi chấm (?).

3- Bài báo đó chỉ thành vấn đề nóng khi nữ LS. Liên Thành, bằng sự cảm nhận của mình viết một stt tỏ ý nghi ngờ: Điều gì ẩn đằng sau việc công bố chân dung Vua Quang Trung?. Tiêu đề vài viết cũng là một dấu chấm hỏi (?).

4- Từ bài viết này, cư dân mạng bắt đầu nóng dần và cơ hồ vẫn chưa thể chấm dứt, với sự bàn luận của đủ mọi người, mọi giới. Sở dĩ như vậy, là vì bài báo và tư liệu do Trần Quang Đức đưa ra động đến một vị anh hùng dân tộc, hơn nữa, một anh hùng chống Tàu. Phần lớn mọi người đều cho rằng Quang Trung hoàng đế không thể có tướng mạo tiểu nhân và hèn hèn như bức tranh do Trần Quang Đức đưa ra.

5. Bây giờ chúng ta tìm về ngọn nguồn vấn đề từ trước đó xa hơn nữa.

Thực ra Trần Quang Đức công bố bức tranh này từ khá lâu. Và dưới đây là bản công bố trên trang Đàn Chim Việt Online:

Đâu mới thật Quang Trung?

July 30, 2017 Trần Quang Đức

Lâu nay, hình minh họa Quang Trung Nguyễn Huệ trên tờ tiền 200 đồng của VNCH đã dần trở nên quen mắt, được sử dụng tương đối rộng rãi khi người ta muốn hình dung về vị vua áo vải cờ đào.

Nhưng khi đối chiếu với bức tranh vua Quang Trung cưỡi ngựa in trong sách khảo cứu về Quang Trung từ xưa, có thể thấy rõ hình minh họa trong tờ tiền thời VNCH được tham khảo từ đó.


Có điều, trong giới khảo cứu, bức tranh chân dung Quang Trung cưỡi ngựa đã được chỉ ra là hàng nhái từ lâu. Nguyên mẫu của nó vốn là tranh chân dung Càn Long kỵ mã đồ 乾隆騎馬圖 của Trung Quốc.

Hình (từ trên xuống, theo chiều kim đồng hồ): Tranh “chân dung Càn Long kỵ mã đồ”; tranh Quang Trung trên tiền thời Việt Nam Cộng hoà; tranh “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình”

Dựa vào sử liệu nhà Thanh, có thể chắc chắn một điều, Quang Trung khi ở Trung Quốc quả thực đã được vẽ lại chân dung. Nhưng tranh chân dung ấy hiện ở đâu, là tranh nào, thì xưa nay chưa thực xác quyết. Và vị Quang Trung khi sang nhà Thanh rốt cuộc là Quang Trung thật hay giả, cũng vẫn còn có nhiều tranh cãi. Khảo luận của Nguyễn Duy Chính gần đây chứng minh Quang Trung khi sang Thanh là Quang Trung thật, theo tôi, có tính thuyết phục cao.

Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả. Có điều đến ảnh selfie còn ảo huống hồ là tranh vẽ.

Thực ra khi Trần Quang Đức công bố, cũng chẳng có mấy ai quan tâm. Chỉ sau khi gần đây, tài liệu đó được Nguyễn Duy Chính quan tâm và viết bài thì mới thành vấn đề, và Lam Điền báo Tuổi trẻ mới viết thành bài, coi như một công bố đáng chú ý.

Trong bài viết của mình, Nguyễn Duy Chính đã bỏ đi đoạn quan trọng nhất, mà không dịch, cũng không lý giải.

.
Bức tranh do Trần Quang Đức công bố, sau đó Nguyễn Duy Chính nghiên cứu.

Trần Quang Đức viết: Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả. Có điều đến ảnh selfie còn ảo huống hồ là tranh vẽ.

Bức tranh đen trắng nhòe nhoẹt này được Nguyễn Duy Chính đọc ra hết các chữ Hán. Và trên tranh quả thực có mấy chữ 安南國王阮光平 (An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình). Và chính điều này khiến cả Trần Quang Đức và Nguyễn Duy Chính cho rằng người đàn ông mặt choắt trong tranh chính là An Nam Quốc vương Nguyễn Quang Bình - tức Vua Quang Trung.

Vậy nhưng, không hiểu sao Nguyễn Duy Chính bỏ qua, không dịch và lý giải tiêu đề của bức tranh.

Bức tranh có tiêu đề như sau: 御製安南國王阮光平至避暑山莊陛見詩以賜之 và Nguyễn Duy Chính đọc như sau: Ngự chế An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình chí Tị Thử Sơn Trang bệ kiến thi dĩ tứ chi. Nhưng ông không dịch nghĩa và không lý giải.

Tiêu đề này, dịch như sau: Bài thơ Ngự chế để ban cho An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình đến bệ kiến tại Tị Thử Sơn trang. Dịch rõ ra nữa là: Bài thơ do Trẫm làm ra và ban cho An Nam Quốc vương là Nguyễn Quang Bình khi (ông này) đến bệ kiến trẫm ở trang trại Tránh nóng.

Bức tranh này, nếu có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung. Và người trên bức tranh đó, chính là Vua Càn Long nhà Đại Thanh, chứ không thể là Quang Trung của Đại Việt được. Bức tranh vẽ hình Càn Long để ban tặng cho Quang Trung (giả - hoặc thật) đưa về nước treo.

Chuyện này cũng chẳng khác gì cố Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ban huy hiệu của mình, có ảnh mình cho những chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc những người có thành tích trong một lĩnh vực nào đó. Chứ không thể là ban tặng bức ảnh chính bản thân người đó.

Thật đáng tiếc, một học giả có tiếng như Nguyễn Duy Chính lại mắc lỗi này!!!.

6. Có hay không chuyện như Trần Quang Đức viết: "Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh".

Từ đây đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao lại chỉ là một bức ảnh đen trắng chụp vội vàng và mờ nhòe. Tại sao Trần Quang Đức lại chỉ nói lửng lơ: Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh).?

Nhân đây lại nhớ 5 năm trước, Trần Quang Đức cũng đã bịa ra một bài thơ chữ Hán có tên Tối ức Thọ Xương thang, và nói rằng bài thơ chữ Hán này của Dương Khuê, chép trong một cuốn sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập.
.


“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”

Nguyên văn viết:

裊裊搖風竹,
蒼蒼鎮武鐘,
壽昌多故舊,
同買燉雞湯。
煙鎖西湖水,
杵驚安泰鄉,
河城斯美景,
最耐客思量

“Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.”

Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.

Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.

Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”

Thế là đã rõ nhé. Nếu tích trên có thật thì canh gà Thọ Xương đúng mà món canh gà, chẳng có tiếng gà gáy sang canh như văn học đã tưởng.Lúc ấy, mạng xã hội sôi lên ùng ục. Giáo viên Văn các trường đều hoang mang. Và báo chí vào cuộc. Trò lưu manh này đã khiến tất cả đổ xô đi tìm, tra cứu văn bản đó.

Xem bài 1 tại đây:
https://xuandienhannom.blogspot.com/2012/10/a-tim-thay-cau-thocanh-ga-tho-xuong.html

Xem bài khép lại, tại đây:
https://xuandienhannom.blogspot.com/2012/10/a-co-khep-lai-cau-chuyen-canh-ga-tho.html

Thế thì tôi chẳng tin có "một người bạn Trung Quốc" nào gửi cho Trần Quang Đức bức tranh đen trắng kia. Bức tranh ấy chắc là do Trần Quang Đức làm ra bằng thủ pháp riêng, rồi tung lên mạng.

Lúc đó, mọi người chẳng ồn ào làm chi. Đến khi thấy Nguyễn Duy Chính mắc lỡm thì mọi người mới ồ lên làm nóng cả mạng xã hội mấy hôm nay.

7- Cho đến nay, chưa ai có được bức họa vẽ chân dung Quang Trung lúc đương thời, kể cả tranh do họa sĩ ta hay Tàu vẽ. Vì vậy cho nên tất cả các bức tượng, tranh, tượng đài Quang Trung ở chùa, đền, quảng trường hay trên tiền giấy, sách vở cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng của người họa sĩ, điêu khắc mà thôi.

Có lẽ vì thế mà các đền miếu, đình làng chỉ để bài vị ghi tên vị thánh, thần, thành hoàng được thờ mà không có tượng. Thế mới biết, các cụ ta xưa sâu sắc biết nhường nào!

Và, mỗi người dân Đất Việt đều có một bóng dáng Quang Trung lồng lộng trong tâm tưởng. Đó là một vị anh hùng dân tộc được tôn kính và ngưỡng mộ đời đời. Vì thế, bất cứ kẻ nào, bịa tạc ra một Quang Trung sai khác với tâm tưởng người dân Đại Việt đều bị phản ứng dữ dội.

Hà Nội, 18h ngày 3-1-2018
N.X.D
________________
.Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện
https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/01/ts-nguyen-xuan-dien-quanh-chuyen-chan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét