Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2017
Vũ Thành Tự Anh (*) 4/1/2018, (TBKTSG) - Năm 2017 khép lại với những con số thống kê chính thức rất ấn tượng: so với năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% và cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 17,5 ti đô la Mỹ, tăng 10,8%, gấp hơn hai lần so với mặt bằng chung toàn cầu; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 213,8 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 21,1%, là mức cực kỳ ấn tượng so với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 4% của thương mại toàn cầu.Câu hỏi đặt ra là nếu những con số này phản ảnh chính xác hoạt động kinh tế của Việt Nam thì nguồn gốc của những kết quả này bắt nguồn từ đâu?
Tăng trưởng nhờ khu vực tư nhân
Có thể thấy ngay rằng nguồn gốc của những “thành tích” này chủ yếu là nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân - bao gồm cả tư nhân trong nước và nước ngoài. Nhìn từ góc độ đầu tư, nếu như tổng vốn đầu tư năm 2017 (theo giá hiện hành) tăng 12,1% so với năm 2016 thì vốn của khu vực kinh tế nhà nước chỉ tăng 6,7%, trong khi vốn của khu vực FDI tăng 12,8% và của khu vực ngoài nhà nước tăng tới 16,8%. Vì vốn của khu vực tư nhân chiếm tới gần hai phần ba tổng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế, không những thế lại hiệu quả hơn khu vực nhà nước, nên tốc độ tăng đầu tư rất cao của khu vực này đã kéo tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế đi lên.
Trong khi đó, giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước trong năm 2017 luôn chậm so với tiến độ, hoạt động thanh tra - kiểm tra cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, khiến cho tốc độ tăng đầu tư của khu vực nhà nước chỉ bằng khoảng 60% mặt bằng chung của toàn nền kinh tế.
Tăng trưởng cải thiện nhờ công nghiệp chế tạo - chế biến
Nhớ lại hồi đầu năm 2017, dự báo của các tổ chức quốc tế, trong đó có cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đều cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chỉ vào khoảng 6,3-6,5% - tức là xấp xỉ mức tăng trưởng GDP tiềm năng của Việt Nam. Thêm vào đó, tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2017 cũng chỉ đạt 6,2% so với cùng kỳ 2016. Vậy sự tăng trưởng vượt bậc sáu tháng cuối năm nhờ vào đâu?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sự khác biệt lớn nhất giữa sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm 2017 nằm ở lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể là nếu như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của sáu tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ thì đến quí 3 tăng 9,7%, và đến quí 4 tăng tới 14,4%.
Trong lĩnh vực công nghiệp, sự khác biệt lớn nhất lại nằm ở công nghiệp chế tạo - chế biến, với tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ rệt từ mức 10,5% trong sáu tháng đầu năm lên đến 14,5% trong cả năm 2017. Nhờ đó, đóng góp của khu vực này vào GDP chung đã tăng từ 1,79 điểm phần trăm lên đến 2,33 điểm phần trăm, tức là tăng những 0,54 điểm phầm trăm - đủ để giải thích cho tốc độ tăng trưởng GDP vượt bậc trong sáu tháng cuối năm.
Nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào FDI
Tuy nhiên, kết quả kinh tế của năm 2017 cũng phản ảnh một cách rõ nét những điểm yếu mãn tính của nền kinh tế Việt Nam, đó là mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được cải thiện, đồng thời phụ thuộc ngày càng nặng nề vào khu vực FDI.
Tăng trưởng công nghiệp chế tạo - chế biến trong sáu tháng cuối năm 2017 đạt được chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của Samsung sau sự cố Galaxy Note 7 và Formosa bắt đầu đi vào hoạt động. Hơn nữa, suy đến cùng, hoạt động của cả Samsung (là ngành công nghệ cao) hay Formosa (là ngành công nghiệp truyền thống) ở Việt Nam hiện nay đều mang tính gia công, thâm dụng đất đai, lao động và năng lượng, và quan trọng nhất là giá trị gia tăng đều thấp.
Trong thời gian trước mắt, các hoạt động gia công này vẫn cần thiết để tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động dồi dào của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, khi các hoạt động gia công đơn giản này dần được thay thế bởi tự động hóa, đồng thời chi phí đất đai và lao động của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng, thì những lợi thế về chi phí rẻ như thế này sẽ không còn nữa. Nếu không sớm thay đổi cơ cấu công nghiệp và có chính sách phát triển phù hợp, Việt Nam không chỉ rơi vào bẫy công nghệ thấp mà còn đứng trước nguy cơ suy giảm công nghiệp sớm (premature deindustrialization).
Sự phụ thuộc của nền kinh tế vào FDI còn được thể hiện qua hoạt động ngoại thương. Trong năm 2017, khu vực FDI mặc dù chỉ chiếm 24% tổng đầu tư nhưng lại đóng góp tới 73% kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, mặc dù cả nước xuất siêu hàng hóa 2,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017 thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 26,1 tỉ đô la Mỹ, và chỉ được bù đắp nhờ khu vực FDI xuất siêu 28,8 tỉ đô la Mỹ.
Nói tóm lại, không nên quá phấn khởi với kết quả của năm 2017 mà chỉ nên lạc quan một cách cẩn trọng. Nền kinh tế tuy tăng trưởng vượt kỳ vọng ban đầu song những yếu kém cố hữu vẫn còn nguyên, không những thế đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu, có tính cục bộ của bong bóng tài sản. Tạo lập môi trường kinh doanh ổn định và thông thoáng, qua đó giải phóng năng lực và sức sống dồi dào của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là tư nhân trong nước sẽ giúp nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng trong những năm tới, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.
(*) Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
http://www.thesaigontimes.vn/td/267254/Nhin-lai-kinh-te-Viet-Nam-2017.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét