Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Chuyện của một đại trí thức: Cái đói thê thảm

Hôm qua đi ăn với một số bác nguyên là lãnh đạo cấp cao, trong câu chuyện có nhắc tới một số nhân sĩ tri thức tiêu biểu của đất nước trước năm 1975, làm mình nhớ tới năm tháng lúc nào cũng hoa mắt vì đói, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đói, đầu óc không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác ngoài đói. Từ kinh nghiệm bản thân, mình thường nói với anh em, đồng nghiệp khi chưa từng trải qua cảnh của người đói thì chắc chắn các bạn sẽ không hiểu được người đói nghĩ gì. Dưới đây là mô tả của một trong những triết gia nổi tiếng nhất Việt Nam về cái đói của ông và gia đình. Triết gia này đã bảo vệ xuất sắc 2 luận án tiến sĩ quốc gia Pháp khi chỉ mới 23 tuổi.
Cái đói thê thảm
Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói.
.......... Ngay từ lúc đầu, với viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ ít oi, chúng tôi bắt đầu một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm. Trước tiên, loại bỏ ngay buổi ăn sáng, một thói quen xa hoa của những người tư sản. Tiếp đến, cá thịt từ từ biến mất trong những buổi ăn trưa và tối. Khẩu phần cơm và rau mỗi ngày một ít đi. Và đến lúc mỗi ngày chúng tôi chỉ có một bát cháo để ăn. Vợ và con gái tôi ốm đi trông thấy. Bao nhiêu sáng láng đã biến mất trên khuôn mặt dài ra vì ốm đói. Họ tự hỏi tại làm sao mà các bà tự nhịn ăn để có một thân hình thon thả?
.................................................
Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng.



Trong số gia súc chúng tôi chỉ còn con gà mái mắn đẻ một cách đáng ngạc nhiên. Chúng tôi không thể giết thịt vì nó đã đáp lời kêu cứu của chúng tôi và ngày nào cũng đẻ cho một trứng. Không như trứng vịt, có thể luộc dầm nước mắm để chấm rau cải luộc, trứng gà chỉ dành cho một người, thay phiên nhau mỗi ngày một người ăn. Đó là thức ăn dinh dưỡng duy nhất mà chúng tôi còn có. Tới lúc chúng tôi không còn gì để nuôi con gà, bắp cũng không, lúa cũng không, mỗi ngày vào lúc hoàng hôn khi mà chợ đã vắng người mua bán, tôi lượn quanh để lén nhặt những mảnh rau vụn, tránh không để kẻ qua đường nhìn thấy, mang về nuôi nó.


Sống trong một tình trạng như thế, con người luôn luôn đói. Vợ và con gái tôi làn da càng ngày càng tái, thân hình càng ngày càng tiều tuỵ ốm tong. Họ không dám mở mồm nói một điều gì vì sợ làm cho tôi phiền não, chỉ dám giấu những dòng nước mắt trong đêm khi một mình trên giường ngủ. Tôi biết nhưng giả tảng như không biết. Về phần tôi, chưa hơn một lần, phải khóc. Bị đói và hơn thế là phải chứng kiến những kẻ mình yêu thương phải chịu đựng cái đói hành hạ vì bao tử trống rỗng. Tôi nhường bát cơm duy nhất cho họ cáo lỗi rằng tôi không thấy thèm ăn, và có khi đặc biệt hơn với lý do là đã dùng cơm với một người bạn mà tôi vừa viếng thăm. Một sự dối trá không thể kéo dài và thuyết phục được ai, nhưng trước cái chối từ cứng đầu của tôi, hai mẹ con đành phải chia chén cơm để khỏi phí.
Vì thế tôi phải liên miên chịu đói. Sự chán nản đến cùng cực, không còn sức chịu đựng, tràn ngập toàn thân tôi như con nước tràn đê bao trùm lên mọi vùng chỉ chừa những đầu ngọn cây và đỉnh núi. Tôi có cảm tưởng như đang lịm đi trong một trạng thái mê muội với cái minh mẫn của ý thức bị đục khoét đó đây bởi những ngọn lửa. Tôi cố gượng mình đứng dậy làm một vài động tác cho giãn gân cốt thì bất chợt đổ sầm xuống trên chỗ nằm, tất cả những sức còn lại của gân cốt đã hoàn toàn biến mất. Cùng lúc đó, cái bao từ co thắt từng chặp làm cho tôi vô cùng đau đớn. Cơn đau thắt buộc tôi phải chọn cách luân phiên vừa chịu đựng vừa nghỉ ngơi trước khi bị cơn sóng dữ nhấn chìm trong sự vô thức, bất tỉnh không còn biết suy nghĩ hay cảm giác gì nữa. Rồi tôi cũng thoát được cơn đói đau thắt với cái lưng đau và một tâm hồn bầm dập quá đỗi. Tôi vừa xong bài học nhập môn về sự đói.
Trong hoàn cảnh như thế, cuộc đời tiếp tục trôi như một vòng quay tự động, cứ quay và quay đều trên một dây chuyền sản xuất, quay vô tận, trong khoảng không. Một vòng quay thay vì như thông thường là môt sự kết nối cân đối, một sự ăn khớp nhuần nhuyễn của ba trục máy để hướng đến một mục tiêu đầy sinh động: chuyển động nhờ chân tay, suy nghĩ của bộ óc và rung động của con tim để cảm xúc và yêu thương. Giờ đây thì không còn bất cứ thứ mục tiêu gì, mọi thứ đều biến mất: ngọn lửa hy vọng, giận dỗi, hận thù, cay đắng cũng chết đi, những suy nghĩ cuồng nộ như trong cơn giông bão, như điệu vũ điên cuồng ghê gớm rồi yếu dần, kéo lê, bung ra rồi biến mất như những bóng ma tan biến trước ánh sáng ban ngày. Thân phận con người bị vỡ nát trôi lạc loài vô định, như một chiếc bè trên biển cả mênh mông, phó mặc cho sóng cao, bão tố. Nó không còn là người sống, chỉ để cuộc sống trôi đi, cứ để cái u mê nó bao trùm từ đầu đến chân, như cây độc cần, chẳng cần một cú hích làm giật mình, mà cũng chẳng cần nó phản ứng cục cựa. Một sự chán ngắt mênh mông, mệt mỏi và yếu sức tràn ngập đến tận từng tế bào của cơ thể, tận từng sợi dây của linh hồn, báo hiệu cho một cái chết đang tới gần trên những bước đi không nghe tiếng.
................

Cái Tết đầu tiên xảy ra trong phiền não và nước mắt. Chúng tôi phải nhịn bốn bữa ăn để có thể dành ra tiền để trang hoàng bàn thờ của tổ tiên với một nải chuối xanh, bó nhang, vài nắm hoa và một cái bánh chưng. Chúng tôi thật hạnh phúc dù đang trong cảnh thiếu thốn vẫn có những món truyền thống trên bàn thờ của gia đình dù không phải là những món có giá trị cao như chúng tôi muốn, nhưng cũng xem là khá đầy đủ. Trong khi chờ nén nhang cháy hết, nỗi thống khổ làm chúng tôi thật đau lòng, cố nén dòng nước mắt chực trào dâng trên khoé mắt. Ngày mai rồi ngày kia, chúng tôi sẽ làm sao đây khi chúng tôi không còn gì để bán? Dĩ nhiên là chúng tôi có thể kéo rê thêm nhiều ngày nhiều tháng, nhưng chừng nào chúng tôi mới ra khỏi con đường hầm? Câu hỏi cứ theo chúng tôi ngày đêm làm chúng tôi mất ngủ.
.................

............tôi cũng phải làm gì để có cái ăn trong những ngày tháng sắp đến, tôi cũng phải kiếm cho ra người mua dù phải bán với giá rẻ cho bộ sưu tầm băng cát sét và những bộ sách của tôi. May mắn là vẫn còn những kẻ yêu nhạc, (..............), vẫn còn thú nghe nhạc và có một đầu óc phóng khoáng, biết đánh giá cao những tác phẩm của những nhà soạn nhạc lớn của Âu Châu. Sau một vài liên lạc, tôi may mắn thanh toán được cái máy nghe băng và các băng nhạc cổ điển. Nhưng khối sách về văn hoá nước ngoài thì khó tìm được người mua. Đương nhiên, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp không còn được dùng ở Việt Nam, không thể bán được bộ sách Bude. Mặc dù tiếng Pháp đã bị mất chỗ cho tiếng Nga, tiếng Anh bắt đầu trở lại, vẫn có một số thầy giáo có nhu cầu đọc tiếng Pháp nên tôi đã bán được một số ít. Cuốn Odyssé do V. Berard dịch, bản dịch cuốn Eneide của A.Bellesort thì có được người mua, nhưng những tác giả Pháp thời Trung Cổ, thế kỷ 16, 17, 18 và ngay một số vào đầu thế kỷ 19 thì không ai muốn. Với những tác giả thời cận đại, tôi bán được một số tiểu thuyết của Maurois và Mauriac, những cuốn sách khó như của Valéry, Gide và Caudel thì chỉ gặp sự lạnh lùng của khách hàng. Nhưng cái đói thì không thể làm lơ được, tôi phải mỗi ngày lượn quanh các con phố để tìm gặp những tay bán sách cũ chuyên bán hay cho những người chơi sách tài tử thuê vài cuốn sách của các tác giả lớn.

Cuối cùng tôi cũng phải hiểu ra là mình không nên đắm mình trong cái ảo tưởng về số phận của những cuốn sách không bán được của tôi. Tôi đành phải cân ký bán cho những người thu mua giấy vụn về bán lại cho nhà máy làm bột giấy. Những cuốn sách được mang lên trên cái cân hiệu Roberval. Tôi được trả tiền theo số cân đo được. Tim tôi đập loạn lên mỗi khi tôi phải chất những cuốn sách vào cái giỏ sau của chiếc xe đạp để đem đi bán giấy vụn. Không, nó không phải là giấy, nó là những thịt da của tôi đang bị xé ra từng mảnh. Khi những người mua ném chúng vào góc nhà, tôi phải quay mặt đi nơi khác cố giấu giọt nước mắt đang trào ra! Không có người cha nào còn dám nhìn con mình đang bị ném vào lửa bởi bọn đao phủ! Cái tra tấn đó cứ tái hiện mỗi lần đi bán sách làm giấy vụn, tôi như bị một mũi tên bắn xuyên qua tim mình. Nhiều lần, tôi phải nhờ vợ hay con tôi làm chuyện đó vì tránh cho tôi phải chịu nỗi đau mỗi lần. Một lần trên đường về nhà, cái đau lòng khi phải nhìn thấy bao giá trị quí giá tan biến trong gió thoảng, nhất là trong thùng giấy vụn, những giá trị mà tôi đã dày công sức và thời gian để có, những giá trị đã xây nên con người và đã đi vào máu tôi, cái đói thiếu những chất cần thiết trong cơ thể làm chân tôi trở nên mềm như bún và run lên. Không biết vì cái đau kia hay cái đói triền miên hay cả hai, đã làm ý chí và sức lực tôi bay biến. Cách nhà khoảng một trăm thước, tôi đã té xe đạp và không thể đứng dậy. Tôi phải gượng dậy ngồi bên lề đường, giương mắt nhìn sự vật quay tròn, tôi rán lấy lại hơi thở, sau khoảng hơn mười phút mới đứng dậy nổi và cố dắt chiếc xe về nhà.

............


Cuộc sống bị cô lập giữa những người xa lạ, dù họ là những người cùng nòi giống với bạn, đau đớn bao nhiêu cũng không sánh bằng cái khổ khi phải thấy cái thống khổ của chính gia đình mình, của những người thân thương nhất, của người bạn đời và của máu mủ của mình! Cái cô đơn này cũng là cái quí giá hiếm hoi làm lộ ra cái tình yêu sâu đậm tạo nên sợi giây liên lạc thiêng liêng giữa tôi và vợ con. Họ đau khổ khi nhìn thấy tôi khổ. Họ nghĩ suy cho đó là bổn phận và tình yêu nên cố giúp tôi bớt đau khổ bằng cách giấu đi khổ đau của chính họ. Tự nó, đó là cái động lực rất đáng khen, quý phái, đáng được thán phục và vinh danh, nhưng rủi thay, người chồng và cha, mà họ mong muốn làm cho bớt khổ, dù chỉ trong muôn một, lại làm cho hắn khổ đau gấp hai khi thấy không thể chia cho nhau những tiếng thở dài và niềm đau cay đắng. Trong cuộc chơi đầy bi thảm và đau đớn, mỗi người trong ba chúng tôi là lo cho người kia, cho hai người kia, tin rằng mình mới là kẻ có khả năng chịu những đợt tấn công của nghịch cảnh và giữ được sự thanh thản và cân bằng bên trong để có được sự an bình của tâm hồn. Nhưng cái mà đang giết chúng tôi là ai cũng biết mình đang lừa dối với chính mình, và muốn lừa dối người kia hay cả hai người kia. Không ai bị lừa cả, nhưng cả ba người đều tự cho rằng mình là người được nhiều an ủi, để rồi tuôn trào nước mắt nhiều hơn khi nỗi cô đơn đến trong đêm khuya.

Vì thế tôi rất đau khổ khi biết rằng vợ con đã phải chịu khổ vì mình, sức khoẻ họ đang kém đi vì những đêm không ngủ kéo dài, và cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ý nghĩ đó tra tấn tôi ngày đêm, xé nát tim tôi, làm tôi luôn thao thức trên giường, buộc tôi phải ngồi dậy, bước quanh trong phòng cho tới khi đi nằm lại. Trong nhà, cả ba con người đều không nhắm mắt ngủ được, và nhờ cái đói, họ đành cứ phải lê những buớc yếu ớt quanh phòng và nếu có một cơn ngủ đến làm họ nằm xuống, chẳng qua là nhờ sự kiệt sức đã làm tan biến chút năng lượng hay sức lực còn lại. Thật là một phép lạ khi chúng tôi đã vượt qua biết bao lần như thế, trong khi chỉ cần một lần là có thể đã dễ dàng lấy đi mạng sống của chúng tôi.

Nếu cứ mỗi cuộc khủng hoảng làm chúng tôi đau nhức chết người, thì những lúc tĩnh lặng sau đó, khi dài khi ngắn, lại làm cơn đau dồn dập hơn nữa. Cái đau đớn đã xé tôi ra từng mảnh, đè nghiến, xé toạc tôi, xuyên thủng tim tôi những lỗ sâu bén, cắn xé hồn tôi ra từng mảnh với hàm răng sắc nhọn. Đó là một thứ sức mạnh hiện hữu, có nét riêng và, nếu tôi có thể nói là xác thực, mà tôi không thể đo lường được cái cường độ, cái năng động, sức mạnh, sự tiến hoá và chu kỳ, thời gian ngưng đọng và tái diễn. Ngược lại, những cảm giác thống khổ mới đang tra tấn tôi lại thuộc về một chủng loại hoàn toàn mới mà tôi chưa bao giờ được biết. Ngược với cái đau đớn mà tôi gọi là hiện hữu xác thực đang đập nát tinh thần và đang xé nát tim tôi, thì những cái đau mà tôi cảm nhận là những tác động tiêu cực làm tan rã ý chí, làm mềm đi hệ thần kinh, làm chậm dòng sinh khí, làm nhu nhược hoàn toàn thể chất và tâm lý của tôi, biến tôi thành một thứ giẻ rách chỉ xứng đáng để ném vào sọt rác. Cái khổ đau này, nó như cơn thuỷ triều đang dâng, tràn ngập và nhấn chìm tôi trong một tình trạng suy nhược và tê liệt, chỉ để lại trong tôi một mảnh ý thức rời rạc đủ để tôi nhận ra cái sức nặng của một khoảng trống rỗng không.
...............

Tôi nảy ra ý nghĩ một mình lang thang khắp phố, tập trung với tất cả chú tâm nhìn ngắm những sinh vật, tất cả các căn nhà, tất cả những hoạt cảnh đang chuyển động, những thứ kết hợp thành bao nhiêu là chuỗi phim tài liệu về đời sống ở thủ đô. Không có một du khách nào đã đẩy trí tò mò của mình đi xa như tôi như thế. Nhưng tất cả những bận bịu, mà tôi hiểu rõ hơn ai hết đó là chuyện vô ích, cũng không cho phép tôi lấp đầy hết khung thời gian của tôi. Tất cả những việc làm vô hồn đó không thể nào thoả mãn một tâm hồn đang khát bỏng những ước vọng chưa thoả, với những nhiệt tình nhất định. Tôi tự so sánh mình với người lữ hành đang băng qua sa mạc, nặng chĩu trên vai một gói vàng và không cầu xin gì hơn là được trao tất cả số vàng kia để đổi lấy một cốc nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét