Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Nhân sự 'tai tiếng' Bộ Công thương giờ ở đâu?

Thu hồi quyết định bổ nhiệm: Nhân sự 'tai tiếng' Bộ Công thương giờ ở đâu?
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ này triển khai rà soát và thống nhất xử lý một số trường hợp cán bộ được bổ nhiệm không đúng quy định nêu tại Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong số những cái tên được bổ nhiệm sai, một loạt nhân vật đã xuất hiện dày đặc trên mặt báo suốt năm 2016.

Những cái tên tai tiếng
Trong đó, những cái tên được bổ nhiệm sai là các ông/ bà Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đình Duy, Vũ Quang Hải, Vũ Thúy Huệ, Võ Thanh Hà. Trong số những cái tên kể trên, một loạt nhân vật đã xuất hiện dày đặc trên mặt báo suốt năm 2016.



Điển hình là Trịnh Xuân Thanh. 26 năm trước, Trịnh Xuân Thanh bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí cán bộ Xí nghiệp xây dựng, Công ty phát triển kinh tế kĩ thuật Việt Nam vào năm 1990. Từ đó, Trịnh Xuân Thanh được thăng chức ở nhiều DN khác nhau.

Cuộc đời của Trịnh Xuân Thanh thực sự đổi vận khi gắn liền với Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Từ 11/2007 - 2/2009, Trịnh Xuân Thanh là Tổng giám đốc PVC. Từ 5/2010 - 5/2013 là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC.

Sau khi rời PVC để lại khoản lỗ 3.200 tỷ, Trịnh Xuân Thanh lại được bổ nhiệm ở nhiều vị trí. Trịnh Xuân Thanh được ông Vũ Huy Hoàng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công Thương “nhấc” lên làm Phó Chánh văn phòng rồi phụ trách văn phòng Bộ Công Thương từ 9/2013 - 3/2015.

Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh được làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công thương. Nhưng chiếc ghế này Trịnh Xuân Thanh chỉ ngồi có 1 tháng.

Đến tháng 5/2015 Trịnh Xuân Thanh bất ngờ được bầu bổ sung là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Trên đà quan lộ hanh thông, tháng 6/2016 trúng cử Đại biểu Quốc hội với 75% phiếu bầu.

Trước đó, Trịnh Xuân Thanh còn được quy hoạch làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, và Bộ Công Thương hôm 28/12 đã phải hủy bỏ quyết định này vì không đúng quy định.

Thế nhưng, từ vụ chiếc Lexus biển xanh, Trịnh Xuân Thanh đã bị phát hiện có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi Bộ Công an còn đang điều tra, thì Trịnh Xuân Thanh xin đi nước ngoài chữa bệnh, rồi trốn hẳn. Hiện Bộ Công an đã khởi tố vụ việc tại PVC và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.

Một cái tên thứ hai cũng được quy hoạch Thứ trưởng Bộ Công Thương và vừa bị hủy bỏ là ông Nguyễn Xuân Sơn.


Ông Nguyễn Xuân Sơn.

Ông Sơn nguyên là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Sinh năm 1962, ông Sơn có 30 năm gắn bó với ngành dầu khí. Từ 1984, ông là cán bộ Vụ Tài chính Kế toán Tổng cục Dầu khí sau đó là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.Từ năm 2003 – 12/2008, ông giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), Tổng Giám đốc PVFC, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) và nắm giữ chức vụ này đến tháng 11/2010. Điều hành Ocean Bank chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của ông này.

Đến đầu năm 2011, ông Sơn thôi chức Tổng Giám đốc của Ocean Bank, làm Phó Tổng Giám đốc PVN. Đến tháng 7/2014, ông Nguyễn Xuân Sơn được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay cho người tiền nhiệm là ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu theo chế độ (1/6/2014).

Nhưng ở vị trí này được tròn 1 năm, đến tháng 7/2015 ông Sơn bị Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt giữ ông vì là đồng phạm với Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ocean Bank.

Đường thăng tiến chóng mặt của những người trẻ

Cũng không thể không nhắc đến ông Vũ Quang Hải (sinh năm 1986), Phó Tổng giám đốc SABECO, con trai cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Từ một người chưa từng kinh doanh, khi mới 25 tuổi (2011), ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI) trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách. Rồi là ở Cục Xúc tiến thương mại của Bộ này.


Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và con trai Vũ Quang Hải (sinh năm 1986), Phó Tổng giám đốc SABECO.


Đầu năm 2015, khi mới 28 tuổi, ông Vũ Quang Hải được lãnh đạo Bộ Công Thương ký quyết định điều động về SABECO, ở vị trí Hàm phó Vụ trưởng để đảm đương chức Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT SABECO.

Sau những lùm xùm, mới đây ông Hải đã có đơn rút khỏi vị trí này. Nhưng không được “toại nguyện” vì Bộ Công Thương đã cho rằng việc điều động ông Hải vào vị trí này là không đúng quy định nên đã hủy bỏ quyết định.

Một cái tên tai tiếng không kém được nhắc đến nhiều trong năm 2016 là Vũ Đình Duy, cựu sếp nhà máy xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng (PvTex) vốn 7.000 tỷ, lỗ 1.700 tỷ.

Làm sếp ở PVTex được gần 5 năm (từ tháng 7/2009 đến 2/2014), tháng 12/2014 ông Vũ Đình Duy được chủ tịch UBND TP. Hải Phòng bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng.

Nhưng ông Duy không ngồi ở chiếc ghế này quá lâu. Bởi chỉ 6 tháng sau, vào 6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đã bổ nhiệm ông Duy làm Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp.

Việc bổ nhiệm này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là sai quy định, Bộ Công Thương hôm 28/12 đã thi hành hủy bỏ quyết định bổ nhiệm này.

Vị trí này ông Duy cũng ngồi có hơn 11 tháng. Sau đó, ông này lại được cựu Bộ trưởng Hoàng ký quyết định cho giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kể từ ngày 8/4/2016. Vậy là, chỉ trong chưa đầy 2 năm, cựu “sếp” PVTex đã 3 lần được bổ nhiệm vào nhiều chiếc ghế khác nhau.

Khi còn đang làm ở Vinachem, Vũ Đình Duy đã “trốn đi nước ngoài chữa bệnh” từ tháng 10/2016 và đến nay vẫn chưa về.

Một cán bộ trẻ khác của Bộ Công Thương nằm trong diện bị thu hồi quyết định bổ nhiệm là ông Vũ Hùng Sơn (1984). Ông Sơn xuất thân trong một gia đình và dòng họ kinh doanh vàng bạc nổi tiếng số 1 ở Hà Nội, từng tham gia kinh doanh nhiều lĩnh vực trước khi vào làm việc ở Bộ Công Thương.

Ông Vũ Hùng Sơn là con ông Vũ Mạnh Hải. Nhà ông Hải cũng có một thương hiệu kinh doanh vàng bạc có tiếng là Bảo Tín Mạnh Hải.

Năm 2011-2012, ông Vũ Hùng Sơn là chủ một công ty chuyên nhập khẩu xe siêu sang nổi tiếng ở Hà Nội là Sơn Tùng Auto. Sau đó, ông Sơn đã trở thành Phó Tổng biên tập Báo Đời sống và tiêu dùng. Đây là một tờ báo còn khá trẻ, ít được nhiều người biết đến, mới thành lập năm 2011 của Hiệp hội chè Việt Nam.

Đến tháng 6/2014, khi tròn 30 tuổi, ông Sơn giữ chức danh Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương. Tháng 2/2015, ông trở thành Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghiệp của Bộ Công Thương nhờ trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo của Bộ này. Chỉ 6 tháng sau, ông là thư ký cho ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Tháng 10/2015, ông Vũ Hùng Sơn được trao quyết định làm Phụ trách Văn phòng Bộ.

Lương Bằng
(VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét