Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Nhớ Paris da diết: Mùa Hạ Paris

Đọc những bài này làm mình nhớ Paris da diết; hàng chục năm sống và qua lại ở đó với vô số kỷ niệm. Đây là một thành phố rất văn minh, rất tri thức, thích hợp với giới văn sĩ Bắc Hà. Mong Paris sớm bình yên.
Mùa Hạ Paris
Ban Mai - 6/8/2016 Tụi tôi ngồi uống cà phê ngoài vỉa hè ở Les deux Magots điểm hẹn của các văn nhân, giới họa sĩ, điện ảnh của thế giới. Ðây là chốn hẹn hò của J.P Sartre, Simone de Beauvoir, Salvador Dali, Picasso, Hemingway, Oscar Wilde… nơi này được xem là biểu tượng cho đời sống trí thức ở Paris. Quang chỉ tôi khu trước mặt là những ký túc xá dành cho sinh viên ở Ðại học Sorbonne, nên Kiệt Tấn đã viết “Người em xóm học” là ám chỉ nơi này. Bây giờ tôi mới hiểu.
Rời Toulouse tôi đến Paris vào một buổi sáng mùa hạ, anh chị đưa tôi ra ga, cẩn thận bỏ vào cặp xách đồ ăn trưa mà chị đã chuẩn bị ở nhà, vài lát bánh mì kẹp thịt và mấy quả táo. Anh dặn dò người nhân viên soát vé toa tàu, để ý giùm tôi trên đường đi, nói tôi gọi điện khi đến nơi. Tình cảm nồng ấm của anh chị xem tôi như một đứa em làm tôi cảm kích. Nơi đất khách tôi thấy an bình bên anh chị.

Ðoàn tàu chuyển bánh dưới cơn mưa rào.

Có lẽ tôi cũng không ngờ có một ngày mình băng qua Châu Âu trên những chuyến tàu đơn độc. Nhìn Châu Âu lướt qua ngoài khung cửa trong tiếng đàn dìu dặt bản Winter Sonata. Người đàn bà trong tôi gặm nhấm nỗi cô đơn tuyệt đối trong chuyến hành trình, không còn là cô bé tuổi 15 háo hức khám phá “80 ngày vòng quanh thế giới” của Jules Verne, thay vào đó là cảm nhận nỗi buồn của kiếp nhân sinh. Nỗi buồn cũng thú vị như ta xem một cuốn phim hay vậy.

Người dân Châu Âu cảm thấy tổn thương khi sự nhân ái của mình bị trả giá bằng máu và nước mắt. Họ nghiệm ra rằng lòng tốt bị lạm dụng sẽ giết chết chính mình khi gặp phải một nền văn hóa thấp.

Nhà thờ Đức Bà Paris nhìn từ lòng sông Seine

Tàu đến ga Paris Montparnasse sớm 10 phút. Tôi điện thọai báo tin cho Quang. Quang dặn tôi đứng ngay voice 4 đừng đi đâu hết, Quang đang chạy xe khoảng 5 phút nữa đến. Ga Paris Montparnasse là một trong 4 ga lớn nhất Paris với nhiều đường tàu. 20 phút trôi qua hành khách đã ra hết bên ngoài. Ga rộng mênh mông vắng tanh không một bóng người. Tôi chờ đợi. Ðiện thọai reo, đầu dây bên kia tiếng Mỹ nói có vài trục trặc Quang đã đến nhưng lính vũ trang chặn lối không cho ai vào, điện thọai của tôi số Hòa Lan Quang không gọi được. Thúy đứng im ở đó không được đi đâu. Lúc này tôi mới cảm nhận sự bất bình thường trong sân ga. Với nhiều đường tàu đi và đến tại sao lại vắng tanh, vài nhân viên nhà ga đi lướt qua tôi. Tôi cắn ngón tay mình đến tê điếng. Sự chờ đợi làm tôi nghẹt thở.

Rồi những tiếng ồn, tiếng bước chân đoàn người bước nhanh vào ga phút chốc đông nghẹt. Xin lỗi Thúy mình để bạn chờ. Có một hành lý của khách bỏ quên trên ga nên lính và cảnh sát sơ tán mọi người để điều tra. Quang dẫn tôi lách qua đoàn người, trời Paris nắng đẹp. Lính vũ trang bồng súng đi từng tốp 5 người, nước Pháp đang ban bố tình trạng chiến tranh.
Tháp Eiffel nhìn từ lòng sông Seine

Nắng tháng tám mềm như môi thiếu nữ thanh tân. Tôi, Quang và Mỹ đi thuyền dọc bờ sông Seine ngắm Paris trong làn gió non nhưng đã se lạnh. Những ngôi nhà cổ, những đền đài cung điện, viện bảo tàng, tháp Eiffel, nhà thờ Ðức Bà Paris nhìn từ lòng sông chao nghiêng lấp lánh dưới ánh chiều tà. Tôi thả tóc mình tung bay trong gió như thiếu nữ ngày thơ. Buổi chiều cả bọn chạy trên phố để bắt kịp chuyến bus đến quận 13 ăn bát phở nóng. Ngồi nghe xí xô xí xà, thỉnh thoảng vài giọng người Việt ngọt lịm cất lên làm nhớ quê nhà. Quang hướng dẫn tôi cách sử dụng thẻ Metro, chúng tôi len lỏi dưới lòng Paris đổi mấy chuyến tàu mới đến nhà Mỹ. Dân Paris ngồi ngáp, ngủ gà ngủ gật sau giờ làm, người gốc Phi đeo tai nghe nhún nhảy theo điệu nhạc, dân Châu Á lướt web, người da trắng chăm chú đọc sách trong khi chờ đợi đến trạm dừng chân. Nhà Mỹ nằm trên con dốc ngoại ô Paris, làm tôi nhớ căn nhà trên ngọn đồi của anh chị ở Toulouse. Nhưng ở đây, đêm ngủ tôi hay thức giấc vì tiếng còi hụ của xe cứu thương, hay xe cảnh sát? Tôi không rõ nhưng nó nhắc nhở tôi về một Paris không còn yên bình.

Paris, cái nôi nghệ thuật thế giới đắm mình trong nắng sớm. Ðồi Montmartre ở phía bắc nội thành Paris, nơi có nhiều nghệ sĩ sinh sống làm việc. Tôi đứng trên bực cấp Nhà thờ Sacré Coeur nhìn toàn cảnh Paris trải dài dưới tầm mắt. Du khách lên đồi phơi nắng. Phía trái ngọn đồi là Place du Tertre, nơi các họa sĩ bày bán tác phẩm và vẽ truyền thần.

Uống cà phê ở quán Les deux Magots

Vườn Luxembourg dân Paris nằm sắp lớp phơi nắng trên cỏ, khắp vườn là những bức tượng điêu khắc miêu tả những vị thần Hy Lạp. Quang chỉ cho tôi chiếc ghế gỗ dừng chân bên góc cung điện Luxembourg là nơi nhạc sĩ Phạm Duy và sau đó là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã từng ngồi cho Quang chụp hình. Vườn Luxembourg là địa điểm yêu thích của sinh viên và khách du lịch, nhân viên văn phòng ở những khu gần, cũng thích ra ngoài này nghỉ trưa.

Ngày tôi đến đang có tổ chức thi khiêu vũ dân gian, lần đầu tiên tôi chiêm ngưỡng những trang phục cổ của dân Pháp, những giai điệu du dương và những điệu nhảy sôi động rộn ràng một góc vườn.

Trước mặt Cung điện Luxembourg là bể nước lớn, có vườn hoa đang khoe sắc, vài chiếc thuyền bằng giấy tụi trẻ con đang chơi thả thuyền. Không biết ngày xưa, trong tác phẩm “Ba chàng lính Ngự lâm”, Alexandre Dumas đã cho D’Artagnan hẹn đấu kiếm với Athos, Porthos và Aramis ở nơi nào trong khu vườn này? Tôi đi trên những con đường rải sỏi rợp bóng cây nghe như còn vang bước chân của Victor Hugo, Hemingway, Balzac… dạo bước nơi này, thời gian dường như quay ngược theo từng bước chân tôi qua.

Place du Tertre nơi vẽ tranh trên đồi Montmartre

Nhưng có lẽ địa điểm tôi muốn đến nhất khi đi Paris là khu đại lộ Saint Germain. Buổi chiều Quang dẫn tôi đến nơi này. Tụi tôi ngồi uống cà phê ngoài vỉa hè ở Les deux Magots điểm hẹn của các văn nhân, giới họa sĩ, điện ảnh của thế giới. Ðây là chốn hẹn hò của J.P Sartre, Simone de Beauvoir, Salvador Dali, Picasso, Hemingway, Oscar Wilde… nơi này được xem là biểu tượng cho đời sống trí thức ở Paris. Quang chỉ tôi khu trước mặt là những ký túc xá dành cho sinh viên ở Ðại học Sorbonne, nên Kiệt Tấn đã viết “Người em xóm học” là ám chỉ nơi này. Bây giờ tôi mới hiểu.

Bảo tàng Louvre lớn nhất nước Pháp lúc nào cũng tấp nập du khách, nếu đi hết một vòng để xem tất cả các hiện vật chắc mất một tháng. Tôi cỡi ngựa xem hoa trong 3 giờ chỉ mới 2 nơi đã đuối, nhưng dù sao cũng đã được chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa, sau một hồi len lỏi trong dòng người đông nghẹt.

Hôm sau trời trở gió cũng không ngăn cản bước chân tôi trước đại lộ Khải hoàn môn và Tháp Eiffel. Ðêm về tôi và Mỹ run lập cập. Mỹ sợ tôi sốt vì còn một chặng đường dài phía trước tôi phải đi. Tôi ngủ vùi trong chăn.

Những quầy sách cũ dọc bờ sông Seine

Mùi cà phê làm tôi thức giấc, Mỹ hát khe khẽ trong bếp. Ngày cuối hai đứa dậy sớm đi bộ dọc những con dốc. Hai bên đường hoa hồng leo khắp chốn. Vài ngôi nhà cỏ mọc um tùm không người chăm sóc. Có lẽ người chủ đi vắng xa. 6h thủ đô Paris sống về đêm vẫn còn say ngủ. Chỉ có tiệm bánh mì bên góc phố mở cửa bán cho người đi làm sớm. Tôi chọn vài chiếc bánh nhỏ ăn kèm với cà phê. Mỹ đẹp nghiêm nghị, mảnh khảnh sống khép kín. Mấy năm nay bạn tôi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè sống thu mình. Mỹ là loại phụ nữ thanh cao sống chung tình, làm cho người đàn ông thương và tôn trọng. Những người đàn bà như Mỹ không dễ kiếm trong thời đại mà các bà, các cô sẵn sàng phát mại trinh tiết, kiểu tình cho không biếu không như ngày nay tôi thường thấy. Anh bạn tôi chắc đã nhiều trăn trở.

Tàu Thalys chạy xuyên Châu Âu ngày cuối tuần hành khách chật cứng. Mỹ tiễn tôi ra ga hai đứa không nói một lời. Mỹ buồn tôi cũng buồn. Có lẽ sẽ là lần cuối cùng, cũng có thể là khởi đầu cho những dự tính mới mà tôi đã quyến rũ Mỹ khi về già hãy trở về sống bình yên ở một rẻo biển quê nhà. Bàn tay tôi và Mỹ ép vào nhau sau làn cửa kính. Tôi thấy khóe mắt mình cay. Không muốn bạn mình buồn tôi nói Mỹ về đi tàu sắp chạy rồi. Tôi trôi theo đường tàu những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Paris đang lướt qua ngoài khung cửa.

http://baotreonline.com/mua-ha-paris/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét