Nông nghiệp công nghệ cao: Hái sao trên trời
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định: “Tôi không ủng hộ lắm về chủ trương này. Thứ nhất ngân sách không có tiền mà ‘ông cụ’ hứa như thế… 50-60 nghìn tỷ là con số quá lớn. Thứ hai nông nghiệp công nghệ bình thường hiện nay mình sử dụng chưa có hết, nông dân và doanh nghiệp chưa áp dụng hết. Sản phẩm bây giờ chất lượng rất xấu bởi vì mình chưa áp dụng kỹ thuật hiện tại mình có. Bây giờ tổ chức cho doanh nghiệp và nông dân kết hợp lại sử dụng những công nghệ hiện hữu của mình thì sẽ kinh tế hơn nhiều.”
Nâng niu hạt lúa.
Việt Nam sẽ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với gói tín dụng từ 50 tới 60 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vừa nêu tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 18/12/2016 tại TP.HCM.Nhà nghèo chơi sang
Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nền nông nghiệp công nghệ cao được hiểu là một nền nông nghiệp được ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Điển hình như tự động hóa, cơ giới hóa, công nghệ thông tin IT, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, các giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
Những khái niệm như vừa nêu được cho là quá xa vời đối với những người không phải là chuyên viên, đặc biệt đối với nông dân trực tiếp làm nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào một nền nông nghiệp còn trầy trật với cơ giới hóa và kỹ thuật sau thu hoạch yếu kém, cũng như chính sách ruộng đất chia nhỏ cho hàng chục triệu nông dân lại có thể đại nhảy vọt lên nền nông nghiệp công nghệ cao.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng hiện là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ nhận định:
“Tôi không ủng hộ lắm về chủ trương này. Thứ nhất ngân sách không có tiền mà ‘ông cụ’ hứa như thế… 50-60 nghìn tỷ là con số quá lớn. Thứ hai nông nghiệp công nghệ bình thường hiện nay mình sử dụng chưa có hết, nông dân và doanh nghiệp chưa áp dụng hết. Sản phẩm bây giờ chất lượng rất xấu bởi vì mình chưa áp dụng kỹ thuật hiện tại mình có. Bây giờ tổ chức cho doanh nghiệp và nông dân kết hợp lại sử dụng những công nghệ hiện hữu của mình thì sẽ kinh tế hơn nhiều.”
Phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường. - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
“Ví dụ bây giờ đâu có ai áp dụng GPS satellite để điều khiển máy cày dưới đất kéo bộ phận đi bón phân từng lô một cách chính xác, cái đó Việt Nam không có, mình chưa làm được vì đất quá manh mún. Bây giờ trong hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, vẫn nên làm theo hướng công nghệ bình thường đã có sẵn mà rẻ tiền hơn.”
Trong khi kế hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam được đề ra từ 2013 vẫn chưa thấy kết quả gì cụ thể. Thu nhập của nông dân vẫn ở hàng dưới cùng của xã hội. Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều gạo nhưng kim ngạch mỗi năm 2 tới 3 tỷ USD cũng chưa đủ bù ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành cũng như phân bón hóa học cần thiết cho trồng trọt.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định về sự chậm trễ của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.
“Bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”
Chính sách mới về đất đai
Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 18/12/2016 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đề cập gì tới kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp đang dở dang không kết quả. Hoặc là ông muốn chuyển hướng tái cơ cấu nông nghiệp bằng hình thức phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các thông tin liên quan đến vấn đề này chưa được thể hiện rõ ràng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định là cần sửa điều 193 Luật Đất Đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp. Theo tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nguyên văn:“Phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường.”
Cùng với gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ 50 tới 60 nghìn tỷ đồng, điểm mới mẻ về chủ trương liên quan đến đất đai được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bật mí. Theo đó chính phủ sẽ thí điểm thành lập ngân hàng về qũy đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất.
Tôi không ủng hộ lắm về chủ trương này. Thứ nhất ngân sách không có tiền mà ‘ông cụ’ hứa như thế… 50-60 nghìn tỷ là con số quá lớn. - Giáo sư Võ Tòng Xuân |
Giới phản biện đặt vấn đề là không thấy Thủ tướng đề cập tới việc chuyển dịch lao động, bởi vì với sản xuất nông nghiệp tập trung qui mô lớn thì đã phát sinh dư thừa lao động nông nghiệp, chưa kể tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ càng loại bỏ rất nhiều nhân công hơn nữa.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, sẽ thực tế hơn và lợi ích kinh tế hơn nếu không phung phí tiền bạc vào nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm của nhà giàu. Thay vào đó đẩy mạnh sản xuất tập trung quy mô lớn theo kỹ thuật nông nghiệp hiện nay. Điều quan trọng theo lời nhà nông học dày kinh nghiệm là phát triển hình thức hợp tác xã kiểu mới có thể canh tác trên diện tích hàng ngàn ha, nông dân vẫn làm chủ ruộng đất của mình nhưng sản xuất đồng nhất với chi phí thấp nhất và theo nhu cầu thị trường.
Nam Nguyên
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét