Con trai Vũ Huy Hoàng “Bỏ của chạy lấy người” khỏi Sabeco
Sau nhiều tai tiếng “bố bổ nhiệm con”, Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nộp đơn xin rút khỏi Hội đồng quản trị Sabeco, hãng bia rượu quốc doanh lớn nhất nước. Tuy nhiều chức sắc cao cấp của chế độ xác định ông Vũ Huy Hoàng đã vi phạm cả ‘điều lệ đảng’ cũng như vi phạm pháp luật. Nhưng cho tới nay, ông ta mới chỉ bị lột mất cái chức “bí thư ban cán sự đảng tại Bộ Công thương”, một cái chức ông ta không còn giữ, như kiểu giơ tay tát vào cái bóng ông ta trên vách tường. Còn cái quốc hội của chế độ thì vuốt đuôi theo với trò “phê phán nghiêm khắc trước toàn dân”, cũng lại chỉ vào cái bóng ông ta mà gào thét.Sau nhiều tai tiếng “bố bổ nhiệm con”, Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng xin rút khỏi Hội đồng quản trị Sabeco. (Hình: VNExpress)
Các báo tại Việt Nam đưa tin này hôm Chủ Nhật 25/12/2016 nói rằng ông Vũ Quang Hải, đã xác nhận với báo giới cái tin ông ta “sẽ sớm rút khỏi Hội đồng quản trị hãng bia rượu và nước giải khát quốc doanh Sabeco. Đồng thời ông ta cho biết đã nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 21.12.2016. Bộ Công Thương cũng đã xác nhận thông tin này.
Vụ “bố bở nhiệm con” vào một chức vụ béo bở tại công ty bia rượu nước giải khát Sabeco (tiền thân là công ty BGI ở Sài Gòn) gây nhiều chú ý tại Việt Nam mấy tháng qua khi một tổ chức có tên là Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tố cáo cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhiều tội, trong đó có tội bổ nhiệm cậu con trai nhiều thành tích xấu vào làm thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Giám đốc Sabeco.
Từ vụ bới móc của VAFI và các cuộc điều tra tiếp theo, người ta được biết ông Vũ Huy Hoàng đã là một trong những người đóng vai trò chủ chốt đưa Trịnh Xuân Thanh chạy lòng vòng trên một số chức vụ thuộc Bộ Công Thương rồi tới tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch tỉnh, “cơ cấu” làm đại biểu quốc hội dù từng bị nghi ngờ làm “thất thoát” hơn 3,200 tỉ đồng ở Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Hiện ông này đã trốn ra nước ngoài, có vẻ như đang ở đâu đó bên Châu Âu mà chế độ đe dọa sẽ bắt về trị tội.
Tuy nhiều bài báo trong nước thuật lời các chức sắc cao cấp của chế độ xác định ông Vũ Huy Hoàng đã vi phạm cả ‘điều lệ đảng’ cũng như vi phạm pháp luật. Nhưng cho tới nay, sau mấy tháng bàn cãi quanh co, ông ta mới chỉ bị “cảnh cáo” về mặt đảng, và lột mất cái chức “bí thư ban cán sự đảng tại Bộ Công thương”, một cái chức ông ta không còn giữ, như kiểu giơ tay tát vào cái bóng ông ta trên vách tường. Còn cái quốc hội của chế độ thì vuốt đuôi theo với trò “phê phán nghiêm khắc trước toàn dân”, cũng lại chỉ vào cái bóng ông ta mà gào thét.
Vụ việc trở nên ồn ào của ông Vũ Huy Hoàng được phơi bày sau khi đã nghỉ hưu, cả ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất và con trai ông là Vũ Quang Hải đều từng cả quyết việc bổ nhiệm hoàn toàn “đúng quy trình” và không có chuyện “bố bổ nhiệm con”.
Theo cáo buộc của PVFI, năm 2011, ông Vũ Quang Hải (mới 25 tuổi) từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PVFI, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.
Công ty PVFI dưới sự “chèo lái” của ông “thần đồng kinh doanh” Vũ Quang Hải, năm 2011 đã lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng, qua 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty này là 300 tỷ đồng.
Sau đó, ông Vũ Quang Hải được điều động về Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và thời điểm này theo cáo buộc của tổ chức VAFI, công ty PVFI đã “gần như tê liệt hoạt động và đã ở tình trạng phá sản”, dù là công ty đại chúng nhưng mọi thông tin về PVFI đều bị “bưng bít” khi ông Vũ Quang Hải nắm quyền.
Tổ chức VAFI đả kích rằng, “Chỉ sau một năm làm việc với chức danh Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu tại Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), người hùng PVFI xuất hiện tại Sabeco như “thần đồng về quản trị doanh nghiệp”.
Tổ chức VAFI đặt nhiều câu hỏi, gián tiếp quy tội cho ông Vũ Huy Hoàng, như “việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4,700 cổ đông?”.
VAFI cũng đặt câu hỏi rằng cơ sở pháp lý nào để (Bộ Công thương mà ông Vũ Huy Hoàng là bộ trưởng) bổ nhiệm con ông là Vũ Quang Hải lên chức danh Phó vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách lại đang chịu án kỷ luật tại PVFI (theo quy định Tổng giám đốc làm thua lỗ 2 năm sẽ bị cách chức) thì lại được đề bạt.
Chưa hết , tổ chức, VAFI cũng hỏi rằng, dựa trên cơ sở pháp lý nào để cài cắm Vũ Quang Hải vào làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco. Đại diện VAFI cũng đòi trả lời cho nghi vấn việc cổ phần hoá Sabeco, Habeco lại chậm trễ dù đã 8 năm cổ phần hoá nhưng không được chuyển giao về công ty mua bán nợ và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
“Nếu như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chuyển giao Sabeco về cho SCIC theo đúng quy định của nhà nước thì sẽ không có chuyện bổ nhiệm con ruột của mình, thư ký riêng của mình vào các vị trí quyền lực nhất tại Sabeco? Đó là một trong những lý do vì sao nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chậm bàn giao vốn về SCIC, ngăn cản việc niêm yết của Sabeco”, VAFI tố cáo trong văn bản.
Có lẽ thấy ngồi lỳ cũng khó trước nhiều điều tiếng và sức ép nên ông Vũ Quang Hải đành phải “bỏ của chạy lấy người”.
Tuy Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đã cho rằng ông nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng “thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai giữ các chức vụ chủ chốt tại các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ”, ông ta có bị lôi ra tòa hay vụ việc chỉ tới đây là dừng lại, giống như “ném đá ao bèo?”
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét