Cô gái Pako – Cô gái Vân Kiều
Uyển Ca - Người Pako, người Vân Kiều 100% mang họ Hồ. Ở đất Quảng Trị này, từ năm 1957, người Pako và người Vân Kiều đổi sang họ Hồ hết. Thì chẳng phải có bài hát: Cô gái Pako, con gái Bác Hồ đó là gì. Thì ngày xưa nhà sàn của họ giấu bộ đội, sau chuyển sang họ của ông ấy hết. Nhưng cũng từ đó mà chẳng còn phân biệt được bà con nữa, họ hàng yêu đương, cưới nhau cũng nhiều…Sáu mươi năm, quãng thời gian đủ để một đứa trẻ ra đời, lớn lên, lấy vợ gả chồng, lại sinh con, đứa trẻ ra đời, lớn lên theo cha mẹ rong ruổi đây đó… Thế nhưng, 60 năm cũng không phải đủ dài để cuộc sống của một tộc người thay đổi, tốt hơn, nếu không nói là ngày càng lụi đi. Vì lẽ gì?
Tôi đến vùng đất Quảng Trị vào một ngày nắng hè chói chang. Mua một vé xe 50 ngàn đồng, ngược theo con đường 9 Nam Lào, gió thổi như hắt lửa vào mặt, nóng rát da và mù bụi đỏ. Cách thành phố Ðông Hà khoảng 60km về phía Tây, huyện Hướng Hóa đã hiện ra trước mắt. Cùng với Lao Bảo, đây là nơi có đồng bào người Pako và Vân Kiều sinh sống nhiều nhất Quảng Trị.Cửa khẩu Lao Bảo – Quảng Trị
Nhóm bạn cùng chuyến xe với tôi rôm rả trò chuyện khi nhìn thấy những ngôi nhà sàn hai bên đường của người Pako, Vân Kiều. Nói là nhà, khi bác tài xế chỉ cho chúng tôi, nhưng thật ra đó là những túp lều được dựng trên mấy chân gỗ, nhìn quẩn quanh chỉ thấy vài cái áo quần đang treo, chẳng thấy đồ đạc gì.
Bạn tôi lên tiếng bâng quơ:
– Người Pako, người Vân Kiều 100% mang họ Hồ.
– Sao có một họ, là họ của ông Hồ?
– Ðúng rồi, ở đất Quảng Trị này, từ năm 1957, người Pako và người Vân Kiều đổi sang họ Hồ hết.
– Thì chẳng phải có bài hát: Cô gái Pako, con gái Bác Hồ đó là gì.
– Thì ngày xưa nhà sàn của họ giấu bộ đội, sau chuyển sang họ của ông ấy hết. Nhưng cũng từ đó mà chẳng còn phân biệt được bà con nữa, họ hàng yêu đương, cưới nhau cũng nhiều…
– Ừ nhỉ, họ cũng làm nhà sàn nhưng nhìn đơn giản quá!
– Thì dễ gì làm được cái nhà, họ sống nhờ măng rừng, chuối rừng mà…
– Nghe đâu con gái Pako, con gái Vân Kiều dễ thương hết biết!
Câu chuyện cứ kéo dài và những dãy nhà sàn bên dòng sông Dakrong mờ nhòa, hun hút….Trung tâm thương mại Lao Bảo ( Chợ Lao Bảo)
Có khoảng 56 ngàn người Vân Kiều ở Quảng Trị, họ sống rải rác khắp phía Tây tỉnh này và chiếm gần hết 68% diện tích đất tự nhiên của Quảng Trị. Những người Vân Kiều tự gọi mình là Bru, trước đây lâu lắm rồi, tổ tiên họ sống chủ yếu ở Lào và Miến Ðiện, qua những biến động của tự nhiên và lịch sử, một phần họ di cư sang Thái, một phần về Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Huyện Hướng Hóa, Dakrong của Quảng Trị cũng là nơi sinh sống của gần 14 ngàn người Pako. Người Pako còn được biết đến với tên gọi là người Tà Ôi. Tổ tiên người Tà Ôi đến vùng đất này sớm hơn người Vân Kiều, vậy nên người Vân Kiều đã lên phía trên những đỉnh núi xa xôi hơn, để tránh xung đột với người Tà Ôi. Cái tên Bru, nghĩa là phía bên trên núi, phía bên kia núi cũng có thể bắt đầu từ nguyên do này.
Hỏi bác tài xế làm sao để gặp được họ bởi những ngôi nhà ven đường gần như vắng bóng người. Bác tài bảo tôi cứ theo xe lên đến chợ Lao Bảo. Ở đó có người già, người trẻ, trai gái Vân Kiều, PaKo xuống đổi măng rừng.Những cô gái Vân Kiều, Pako và những món hàng được bày bán sau chợ Lao Bảo.
Xe dừng lại ở chợ Lao Bảo Quảng Trị lúc 11 giờ trưa. Không cần phải vào sâu trong chợ, chỉ cần đi quanh cái khu chợ nón này là bắt gặp những cô gái Vân Kiều dễ mến. Bắt chuyện một cô bé 9 tuổi, hỏi thăm về chuyện đi rừng, bé cho hay:
– Sáng khoảng 3 giờ em vào rừng cùng bà, hai bà cháu vào hái măng rừng, nếu kiếm được củi thì mang ra chợ bán.
– Mỗi ngày em đều đi?
– Không ạ, hai ngày mới có đủ để mang ra bán, vì đi về nếu bán liền cũng không được bao nhiêu. Thường thì sáng sớm này đi, trưa về, sớm mai đi tiếp, về sớm hơn chút, đi bộ lên chợ rồi ngồi bán.
– Em còn đi học không?
– Dạ hết rồi. Nghỉ lâu rồi, nhà em cả bốn chị em đều nghỉ học.
– Ði học vui mà em?
– Dạ, có bạn thì vui… nhưng em học mãi không thuộc bài, học cái chữ khó lắm. Chị của em thì học lên được lớp 6, nhưng đi học xa lắm, không có gì để ăn. Chị bảo gắng học để dạy lại mấy đứa em nữa nhưng rồi cũng nghỉ. Mấy anh chị dưới này bảo chị học chậm, rồi bảo là Vân Kiều – Viều Kân…Những ngôi nhà sàn được lợp bằng mái tôn của người Tà ÔiMột ngôi nhà của người Vân Kiều ở Lao Bảo
Nhìn mấy bé gái chỉ trạc mười tuổi, mười mấy tuổi, xúm quanh khi có người hỏi thăm về mình. Tôi chỉ biết khen măng rừng nhìn ngon, đẹp, và mấy em giỏi quá!
Khu chợ này gần cửa khẩu Lao Bảo, đây là cửa khẩu biên giới Việt – Lào và cũng gần cả siêu thị Thiên niên kỷ bày bán những món hàng miễn thuế nữa, nhưng tất cả những người làm việc ở đó đều là người Kinh. Tại chợ Lao Bảo, người bán trong các gian hàng lưu niệm, áo quần, giày dép, thịt, cá, hay rau củ quả trong các gian đều là người Kinh. Vì chỉ có người Kinh mới có tiền và có thần thế để đấu thầu, để trụ được trong chợ. Riêng các cô gái Vân Kiều, PaKô thì chỉ bán ở ngoài chợ, ở các khu đất trống sau chợ.
Người đi chợ xem chơi hoặc mua sắm sẽ bắt gặp hình ảnh những em bé từ vài tuổi đến những cô gái xinh đẹp, hoặc là những chị, những mệ mang măng rừng, ớt rừng, chuối rừng ra bày bán. Họ đặt thành từng “mớ” lên những cái bao và ngồi ở đó. Gặp hai người phụ nữ đã quá 50 tuổi, nhìn có vẻ giống hai chị em đang bán măng và bắp chuối rừng, tôi làm quen:
– Măng này mình bán ký hay sao cô?
– À bán mớ, nhưng thích mua sao cũng được?
– Nếu mua ký thì sao?
– Em đi mượn cái cân lại cân cho chị.
– Một cân bao nhiêu?
– Năm ngàn đồng.
– Hai cô đi bán thế này, mấy cháu ở nhà ai trông?
– Mấy đứa cũng lớn rồi, tự nấu cơm, hấp sắn để ăn được. Hai chị em tui đi rừng, về bán kiếm tiền cho đám cưới.
– Cưới ai vậy cô?
– Ðứa con đầu.
– À, nhà sắp có tin vui. Chúc mừng cô, em nhiêu tuổi rồi cô?
– Ðược 16…
– Vậy cô nhiêu tuổi rồi?
– Tôi năm nay 30 tuổi, nó là con của chị lớn, chị được 35 tuổi rồi.
Hóa ra tôi đã nhìn lầm từ “cái nhìn đầu tiên”, nghĩ rằng họ đã 50! Mua hết mớ măng, mớ ớt, chuối rừng mang về làm quà, trò chuyện thêm một lúc thì được biết: Trước đây, vì không có tiền nên người anh chồng của chị Hồ Thị Mẩy lấy vợ trễ. Do tục thách cưới của người Pako còn rất đậm. May sao có người con gái trẻ hơn anh ngót mười tuổi thấy thương, nhà cũng nghèo nên thuyết phục cha mẹ cho theo anh.
Ra riêng với cuộc sống đầy khó khăn, hằng ngày anh làm cửu vạn bốc hàng thuê ở cửa khẩu. Ðập dập kéo lết rồi cũng sinh được đứa con trai. Năm đứa con lên 10 thì người chồng xấu số qua đời vì cảm nắng nước do bốc hàng gặp mưa, thiếu ăn chuyển sang thương hàn rồi khi không nói năng được mới đưa đến bệnh viện, mọi chuyện quá muộn…
Anh chồng có người em trai (tức là chồng của Mẩy), theo tục “nối dây”, chị bạn dâu của chị Mẩy trở thành vợ lẻ, chị Mẩy tiến lên ngôi vợ cả. Và cậu con trai của người anh thành con trai của chị Mẩy.
Có vẻ như cái nghèo, cộng thêm tục nối dây, và hôn nhân cận huyết khi tất cả đều mang họ Hồ, nên người Pako, Vân Kiều mất dần cây phổ hệ, không biết được ai là anh em gần để tránh trong hôn nhân. Những đứa trẻ sinh ra thường không khỏe mạnh, các chị, các mệ phải vào rừng lấy lá cho trẻ em uống, không khoa học gì, cứ theo kinh nghiệm mà tồn tại. Việc học hành cũng dở dang.
Tạm biệt các chị với mớ quà rừng núi, chi phí cho cả mớ xách đầy hai tay của tôi vỏn vẹn chỉ chưa đến 1 Mỹ kim.
Chúng tôi gặp một cô gái cùng cha đi bán chim rừng, lại làm quen. Cô bảo cô người Vân Kiều, chim này của cha cô bẫy, bữa nay chim cũng hiếm rồi, nên mấy ngày mới có được một con, mỗi con giá 100 ngàn đồng. Ðây là món hàng đắt nhất của người Vân Kiều, Pako bày bán ở chợ này mà tôi gặp được.
– Bán được hết mấy con này, cộng thêm tiền dành dụm mấy bữa trước, ba sẽ mua ít gỗ tạp để sửa lại góc nhà, nó bị dột rồi. Gắng sửa chứ hết nắng, lại sang mùa mưa…!”
– Sao lại mua gỗ tạp hả em, mình ở rừng mà?
– Gỗ tạp rẻ, mình mới mua nổi, chứ gỗ tốt của rừng lấy tiền đâu mua!
– Thế nhà em không có rẫy, có rừng à?
– Không ạ, rẫy hẹp rồi, người ta bảo mở đường, mở khu du lịch nên nhà em phải dời sâu vào rừng chút nữa. Gỗ rừng thì mình mua không nổi. Trước ba mẹ em làm nhà, vào rừng vác gỗ về làm nhưng giờ nhà nước cấm, mà gỗ cũng không còn nữa…
Trưa về, cái nắng chói chang của vùng đất Quảng Trị, cộng thêm cơn gió Lào thổi đến làm mấy bó măng rừng trở nên khô khốc, mấy mớ ớt sậm lại. Nhìn những đứa trẻ nép vào vai mẹ, nghe tiếng con chim rừng kêu trời bâng quơ, tự dưng nghe có gì đó thảng thốt và trơ trọi…
Tôi ghé lại tạm biệt và không quên tặng mấy em nhỏ ít tiền bảo là giữ ăn kem. Khuôn miệng cười, tiếng cảm ơn của các em ám ảnh tôi suốt chặng đường về.
Có lẽ, giờ các em đã cùng mẹ ghé vào chợ mua lạng thịt, ký gạo hay mua lẻ cục nước đá đỡ khát giữa trưa hè thay vì mua cây kem. Mong rằng tiếng cười đùa, khuôn mặt cha mẹ, sự bình yên nơi xóm nghèo triền núi sẽ giúp các em thấy cuộc đời này vẫn còn chút gì đó của riêng…!
Một cụ bà người Tà Ôi đi mót củi trên núi
http://baotreonline.com/113957-2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét