Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Việt Nam: Làm đường đắt gấp 5 thế giới

Ở Thụy Sĩ, mỗi năm chỉ cần mua 1 cái tem 40CHF (chưa đến 900.000 VNĐ) dán lên kính trước ô tô, thế là được đi miễn phí trên tất cả các đường cao tốc trong suốt năm.
Quốc hội muốn rà trạm BOT: Đường đắt gấp 5 thế giới
Hiệp hội Vận tải hàng hóa mong muốn những thay đổi trước đề xuất rà soát lại trạm thu phí để giảm gánh nặng cho dân của UB Kinh tế Quốc hội. Hiệp hội vận tải Hà Nội và TPHCM cho rằng cần phải rà soát ngay các trạm thu phí để giải quyết những bức xúc hiện nay. Giá thành đầu tư đường cao tốc Việt Nam rất cao so với thế giới. Nếu so với Ả Rập Xê út thì chúng ta đang cao hơn gấp 5 lần. Cao tốc của họ 12 làn xe có bảo hành trong 50 năm và phí rơi vào khoảng 4 triệu USD. Còn ở Việt Nam, cũng bảo hành lâu dài nhưng mới có 2 năm đã hỏng và phí lên tới 20 triệu USD/km.


Người dân mừng quá

Sáng 21/3, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và năm năm 2011-2015; triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020.

Liên quan đến vấn đề GTVT, phát biểu tại hội nghị, ông Giàu đã đề xuất cần phải rà soát lại các trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội tỏ ra hết sức vui mừng trước lời đề nghị này.

Theo ông Liên, thời gian qua, người dân cũng như các doanh nghiệp phàn nàn nhiều về những bất cập trong việc xây dựng và thu phí tại các trạm BOT. Dù Hiệp hội vận tải hàng hóa Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có cơ quan nào xem xét, sửa đổi cả.

“Chúng tôi thấy có những bất cập trong vấn đề đầu tư và xây dựng các công trình thu phí BOT.

Thứ nhất là giá thành đầu tư đường cao tốc Việt Nam rất cao so với thế giới. Nếu so với Ả Rập Xê út thì chúng ta đang cao hơn gấp 5 lần. Cao tốc của họ 12 làn xe có bảo hành trong 50 năm và phí rơi vào khoảng 4 triệu USD. Còn ở Việt Nam, cũng bảo hành lâu dài nhưng mới có 2 năm đã hỏng và phí lên tới 20 triệu USD/km.
Đành rằng nước mình thổ nhưỡng nó không ổn định nên có tốn hơn nhưng cũng không tốn hơn đến 5 lần được.

Thứ hai là các nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, ví dụ như đường 51 ở TPHCM. Nhà đầu tư chỉ có vốn để sở hữu có 10% rồi mới đi huy động vốn cho nên hiện nay việc giải quyết phí đường 51 và Đồng Nai, Vũng Tàu là rất khó khăn.

Năng lực tài chính của chủ đầu tư là rất kém, chủ yếu do đấu thầu không công khai, minh bạch.

Thứ ba là tổ chức đầu thấu BOT, các đơn vị tham gia chức năng không rõ ràng. Thủy lợi cũng đầu thấu BOT, Nguyên Bộ trưởng không biết gì về hầm cũng làm cái hầm Đèo Cả. Đấy là những cái về đấu thầu về BOT

Thứ tư là khoảng cách các trạm thu phí. Lời hứa của Bộ GTVT với nhân đân và quy định của nhà nước là 70 km một trạm thu phí nhưng bây giờ 20, 30 km cũng đặt một cái trạm thu phí. Như thế tức là lời hứa không đúng”, ông Liên chỉ rõ.

Tán thành đề xuất của UB Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hà Nội cho rằng, cần phải kiểm tra lại phí BOT cho đảm bảo công bằng, minh bạch giữa người dân, doanh nghiệp và chủ đầu tư.

“Các dự án BOT do chủ đầu tư bỏ vốn ra nên nhà nước không kiểm soát được. Bây giờ phải kiểm soát ngay từ dự án ban đầu, nó có hợp lý không, tại sao nó lại tăng phí, cái nhiêu khê mà người dân phải đóng là phí BOT vào loại cao nhất khu vực, cao hơn cả Thái Lan nên vì thế phải xem xét.

Thứ hai là phải công bố, công khai lên trên mạng để các doanh nghiệp có năng lực họ tính toán để đầu tư”, ông Liên nêu ý kiến.

Theo người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội, thời gian vừa qua việc đấu thầu và công khai, minh bạch các chủ đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế nên người dân không có thông tin đóng góp, bị đẩy vào tình huống bắt buộc phải tuân theo.

“Chúng tôi theo dõi thường xuyên nhưng chẳng ai làm cả. Họ đùng một cái khởi công, đùng một cái thu tiền nhưng không ai thẩm định cái đó và người dân thì không biết được. Cho nên khi thu thì người dân không thông cảm với các cơ quan nhà nước. Rõ ràng BOT là tạo ra , đầu tư cơ sở hạ tầng một cách có lợi cho người dân và xã hội tuy nhiên nó thiếu minh bạch cho nên dân họ phản ứng”, ông Liên kết luận.

Không làm nghiêm, dân sẽ không còn tin

Cũng đưa ra nhận định, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM hi vọng trong lần đề xuất này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ được Bộ GTVT cũng như các ngành liên quan xem xét giải quyết triệt để.

“Bây giờ đường đa số là BOT hết rồi. Chúng ta phải xem lại phí bảo trì đường bộ đóng hàng năm thông qua đăng kiểm để giảm phí đi lại cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Điểm thứ hai là thu phí tại các trạm BOT. Cần phải xác định rõ các mức phí, xe không hàng hóa là khác, xe có hàng là phí khác, không thể đánh đồng được.

Vì vậy để giải quyết chuyện đó phải có trạm cân điện tử tự động. Như vậy mới công bằng được, người ta đi bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu.

Thứ ba là chuyện chống xe quá tải. Xe nhẹ cũng thu như thế, xe nặng cũng vậy. Đến cả xe quá tải cũng cùng một mức phí.

Những chuyện này thấy thiếu sự công bằng. Công an cần kiểm tra, nếu ra khỏi trạm BOT mà xe quá tải thì xử lý cả trạm BOT. Trong vòng quản lý của họ phải kiểm soát như thế nào để không cho xe quá tải lên đó.

Tiếp theo, khoảng cách 70km một trạm thu phí cũng vẫn rất mập mờ, phải chấp hành nghiêm túc chuyện đó. Dù có tiến hành xã hội hóa thì khi xây trạm BOT vẫn phải làm theo luật. Phí bảo trì đường bộ thu giờ cần công khai minh bạch. Dư bao nhiêu tiền thì lấy ra mua lại trạm thu phí cho người dân đi chứ”, ông Quản chỉ rõ.

Theo người đứng đầu Hiệp hội Vận tải TP.HCM, người dân không quan trọng chuyện đắt rẻ, đã đi là phải trả tiền đường. Tuy nhiên cách trả, trả đến lúc nào phải nói rõ cho người dân biết chứ không thể nhập nhèm như trong thời gian qua được.

“Chúng tôi đã nói rất nhiều chuyện này rồi nhưng không có gì chuyển biến cả. Vì thế mong rằng lần này Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ thật sự bắt tay vào làm đến nơi đến chốn. Nếu tiếp tục nói mà không hành động cụ thể thì người dân và doanh nghiệp sẽ không có cơ sở gì để đặt niềm tin vào chúng ta cả. Như thế về lâu dài, rất nguy hiểm”, ông Quản nhấn mạnh.

Bộ GTVT không đặt lợi ích doanh nghiệp trên lợi ích dân

Trao đổi với Đất Việt xung quanh đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định do hiện nay ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn nên chủ trương xã hội hóa để đầu tư các cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung đã được Chính phủ cũng như Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.

“Bộ GTVT trên cơ sở đó đã xây dựng một đề án tổng thể để quy hoạch các dự án BOT một mặt là để đầu tư để đẩy nhanh cơ sở hạ tầng, một mặt là đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế để không gây gánh nặng cho doanh nghiệp. Bộ GTVT và Bộ tài chính đã ban hành thông tư 90 để quy định các trạm thu phí phải đảm bảo ít nhất là 70 km về khoảng cách, để các trạm thu phí BOT không dày đặc.

Bộ GTVT cũng đã tiến hành rà soát lại các trạm thu phí trên cả nước và trên thực tế thì hiện nay các trạm đã cơ bản đáp ứng được sự đi lại.

Ngoài ra, mức thu phí cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, có điều chỉnh để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và lộ trình tăng phí tại các trạm thu phí cũng được thực hiện theo quy định 3 năm tăng phí 1 lần.

Tuy nhiên Bộ cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT căn cứ vào tình hình để việc tăng phí đó phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Nên là hiện nay cơ bản các trạm BOT đã giữ nguyên mức thu”, Thứ trưởng Trường khẳng định.

Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh thêm, một số trạm thu phí, ví dụ như trên đường 5 có tăng mức phí lên thì Bộ GTVT đã có ý kiến với chủ đầu tư để cân nhắc cũng như để đáp ứng được lộ trình đăng ký theo cái tốc độ tăng trưởng tương lai của quốc gia. Thứ trưởng Trường khẳng định, không đặt lợi ích doanh nghiệp cao hơn người dân mà luôn hài hòa, tính toán một cách hợp lý.

“Các trạm thu phí, các dự án BOT khi được đầu tư đều có một phương án tài chính đã được các cấp bộ, ngành liên quan như: Bộ GTVT, Bộ Tài chính, chủ đầu tư rà soát rồi mới cấp giấy phép cho nhà đầu tư. Cho nên việc thực hiện các dự án BOT đó đã được tính toán một cách rất là tỉ mẩn trong quá trình thực hiện dự án đó cho nên không hề có chuyện vì lợi ích của nhà đầu tư mà tăng phí. Việc tăng đó nằm trong lộ trình của phương án tài chính đã được thông qua”, ông Trường giải thích.

Trước một số ý kiến cho rằng, đường Việt Nam xây dựng hiện nay đang đắt nhất thế giới, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng nói như vậy là chưa đúng và đầy đủ.

“Các dự án BOT nếu quy ra so với các nước trong khu vực thì Việt Nam là có mức thu phí thấp chứ không phải cao.

Như ở Trung Quốc thôi, 1km tính là 1 NDT, tính ra tiền Việt Nam đã hơn 20.000 đồng rồi. Trong khi đó hiện nay của Việt Nam mình chỉ khoảng 2.000 đồng thôi. Cho nên Việt Nam mình không phải là cao đâu. Mình rất là thấp so với nhiều nước trên thế giới”, ông Trường nhấn mạnh.

Hoàn Nguyễn

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quoc-hoi-muon-ra-tram-bot-duong-dat-gap-5-the-gioi-3303457/


  • CHU VĂN KÊNH 17:12 NGÀY 22/03/2016
    Pó tay 1NDT mà đổi được 20. 000VND
  •  HOA DO
    ĐỀ nghị QH và ỦY ban Kinh tế QH lập đoàn kiểm tra giám sát toàn diện với các nhà thầu BOT và phương thức tính phí đường bộ trong thời gian vừa qua!Sức dân và các DN là có hạn!
  •  NGUYỄN LÂM
    Ai cần tôi chứng minh ở dự án BOT quốc lộ 1A qua Khánh Hòa cho. Tôi chịu hết chi phí đào lên để kiểm tra xem có làm đúng không.
  •  DŨNG TRẦN
    Đường cao tốc VN đắt gấp ba lần ở Mỹ , gấp hai lần ở TQ
  •  KIEUHUNG
    Sai xong rồi sửa chẳng sao cả. Thế ai mà không sai để hưởng lợi vì có sai cũng điều chỉnh chứ có bị phạt gì đâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét