Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2016: Diễn văn bế mạc của nhà văn Nguyên Ngọc
Lúc 19h15 ngày 24.3.2016, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tổ chức lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9 – 2016 tại khách sạn REX (TP.HCM). Người Đô Thị Online giới thiệu trọn vẹn nội dung diễn văn bế mạc của nhà văn Nguyên Ngọc (Hội đồng khoa học Qũy Văn hóa Phan Châu Trinh). Lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9 – 2016 diễn ra tại khách sạn REX (TP. HCM) tối ngày 24.3.2016. Ảnh: Trâm Anh
Diễn văn bế mạc Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2016
Như đã được nói đến trong diễn từ khai mạc của bà Chủ tịch Nguyễn Thị Bình, lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh thường niên và đã trở thành truyền thống, lần này trùng hợp với một sự kiện lớn: kỷ niệm 90 năm ngày mất của nhà chí sĩ kính yêu mà Quỹ chúng ta vinh dự mang tên. Chúng tôi nghĩ, đến giờ phút này, đã có thể vui mừng nói rằng chúng ta đã cùng nhau chọn được một giải thưởng cho năm nay, ở tất cả các hạng mục, xứng đáng với một dịp nhiều ý nghĩa như vậy.Có lẽ cũng nên nhớ lại, hoạt động của Quỹ chúng ta, ra đời cách nay vừa đúng 9 năm, đã bắt đầu bằng một giải thưởng về dịch thuật. Và điều đó hoàn toàn không ngẫu nhiên. Tôi cũng nhớ lần ấy, trong khi trao giải cho dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, chúng ta đã nói đến bài học lớn về dịch thuật của Nhật Bản, nước châu Á đầu tiên đã dịch rất sớm tác phẩm kinh điển quan trọng Bàn về tự do của John Stuart Mill với số lượng khổng lồ cho một dân số Nhật lúc bấy giờ còn tương đối ít; và từ sau đó, cho đến tận ngày nay, là nước dịch nhiều nhất thế giới và cũng đọc nhiều nhất thế giới.
Rõ ràng dịch thuật, coi trọng dịch thuật, khao khát và qua dịch thuật say mê và tỉnh táo không ngừng chiếm lĩnh tinh hoa tri thức của nhân loại cho mình trong tồn tại và phát triển, là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nước Nhật, cách đây hơn ba trăm năm, trước thách thức sống còn khi tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản đến từ phương Tây, đã là nước châu Á duy nhất có công cuộc duy tân thành công; và ngày nay là một trong những nước hùng cường nhất thế giới.
Dịch, nói theo một cách nào đó, cũng chính là học, học cho chính mình, và tận tụy đem những điều học hỏi hay, mới, về cho đồng bào mình, đất nước mình. Năm 1906, khi ở Nhật về, Phan Châu Trinh đã nói ấn tượng và suy nghĩ sâu sắc của ông: ‘’Người Nhật học như thế, ta không học gì cả, mất nước là phải!’’. ‘’Chi bằng học!’’, ông kêu gọi. Học người Nhật. Học như người Nhật. Học ý chí học và cách người Nhật học. Cho đất nước mình.
Hôm nay, chúng ta vui mừng tôn vinh giáo sư Đào Hữu Dũng (bút hiệu: Nguyễn Nam Trân), người đã sống ở Nhật hơn nửa thế kỷ, đã dành hơn bốn mươi năm của đời mình cho đến hôm nay, lặng lẽ, kiên trì đi theo con đường đó.
Giáo sư Đào Hữu Dũng tại lễ trao giải. Ảnh: Trâm Anh
Con đường, như ông vừa nói, nhận ra ở người Nhật mà hằng ngày ông được cùng sống, cùng làm việc và chăm chú quan sát, là những con người của một “một dân tộc quả cảm, cương nghị, cần kiệm, đầy óc sáng tạo, nghệ sĩ nhưng thâm trầm …’’, một dân tộc kỳ lạ … “đã làm bốn cuộc duy tân để phục hưng nước mình sau bốn lần chiến bại’’… đặc biệt từ trong “đống tro ngút khói của thế chiến thứ hai’’ mà họ đã thua đến tan nát, “nghiền ngẫm phản tỉnh về những lỗi lầm’’ của mình để “đổi hàng sang một quá khứ u ám và đi đến thành công trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại, một cuộc sống văn minh và phồn vinh’’.
Con đường của Đào Hữu Dũng - Nguyễn Nam Trân còn là con đường của một lựa chọn rất chính xác: “giữa những kiến thức trùng điệp của Nhật Bản, chọn tập trung khai thác mảng văn học và các ngành nhân học liên quan” theo ông “là tấm gương soi chiếu rõ nhất” về những gì tinh hoa nhất của con người Nhật Bản, dồn tâm lực nghiên cứu và dịch thuật vào đó...
Với sự khiêm tốn của một nhà văn hóa và khoa học chân chính, ông gọi đó là “giữa những kiến thức trùng điệp của Nhật Bản, chỉ xin phép… chăm sóc cho một chậu kiểng, và… làm được bấy nhiêu thôi cũng đã đủ hết một đời người”.
Cái “chậu kiểng nhỏ” của ông, xin nói, cho đến nay, sau gần nửa thế kỷ lao động miệt mài, cặm cụi, lặng lẽ…, kỳ thực là một công trình đồ sộ nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu công phu, sâu sắc, có hệ thống về văn hóa và văn học Nhật Bản, trên nền của một tri thức vững chắc về lịch sử Nhật, từ cổ đại, qua hiện đại, cận đại, đến cả đương đại, lại trong đối sánh thường xuyên với văn hóa, văn học phương Tây, đặc biệt là của Pháp, mà ông cũng có am hiểu rất sâu và vững.
Từ trái qua: giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh, giáo sư Đào Hữu Dũng. Ảnh: Trâm Anh
Cũng không thể không nói đến một đặc điểm thậm chí nhiều khi đến đáng kinh ngạc ở ông: sống xa quê hương hơn nửa thế kỷ, vậy mà, như nhận xét của giáo sư Huỳnh Như Phương, “ông vẫn tiếp cận được nguồn mạch tinh thần và ngôn ngữ sống động, phong phú của dân tộc”, khiến chẳng hạn, để chỉ nói qua một ví dụ nhỏ, đọc truyện ngắn Xâm mình củaTanizaki Jun.ichirô do ông dịch vừa được đăng trên một trang mạng trong nước, có cảm giác như đọc một sáng tác bằng tiếng Việt của một tác giả Việt đang sống trong nước hôm nay, với tất cả sự tinh tế và uyển chuyển đến từng sắc thái tu từ.
Tôi muốn được gọi Đào Hữu Dũng - Nguyễn Nam Trân là một nhà nghiên cứu uyên thâm, một dịch giả tài năng, và một nhà văn đặc sắc của văn học Việt Nam.
Xin chúc mừng ông, xin kính chúc ông nhiều sức khỏe, và xin cám ơn đóng góp to lớn của ông cho đất nước trằn trọc của chúng ta, cho văn hóa và văn học Việt Nam.
Năm nay chúng ta có hai giải ở hạng mục vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục, cả hai đều rất đẹp.
Xin nói về Trịnh Xuân Thuận, mà chắc hầu hết chúng ta đều biết. Hầu hết chúng ta, thật vậy, vì tuy ông sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng hầu hết sách của ông, viết bằng tiếng Pháp, cho đến nay đã hơn 10 cuốn, đều đã được dịch sang tiếng Việt và rất phổ biến trong nước, có cuốn được tái bản nhiều lần, và theo chỗ tôi được biết, hầu như cuốn nào vừa xuất bản cũng được dịch ngay.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận từ Mỹ gửi video clip về chia sẻ cảm xúc được nhận giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2016. (Ảnh chụp lại từ màn hình)
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là nhà thiên văn có tên tuổi trên thế giới.
Trong dịp trao cho ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh, đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, đại diện Tổng thống Pháp, đã gọi ông là một trong số những nhà vật lý hàng đầu của thế giới, tác giả của những công trình nghiên cứu về thiên văn học ngoài ngân hà, về sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, sự hình thành các nguyên tố nhẹ trong Big Bang …, đặc biệt cuối năm 2004, nhờ quan sát qua kính thiên văn Hubble, ông đã phát hiện ra thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ…
Cũng trong dịp ấy, người đại diện của Tổng thống Pháp cũng nói rằng, không chỉ là nhà khoa học kiệt xuất, Trịnh Xuân Thuận còn là người muốn chia sẻ niềm đam mê về vật lý thiên văn của mình cùng những vấn đề triết học xuất hiện từ đó.
Ở đại học Virginia, Hoa Kỳ, ông dạy một giáo trình có cái tên rất lạ và thú vị “Thiên văn học cho các nhà thơ’’ cho các lớp không chuyên, nghĩa là cho mọi người, cho những người ngoại đạo bình thường.
Một người từng dịch nhiều sách của Trịnh Xuân Thuận có nhận xét: vì là nhà khoa học đỉnh cao (và chính hẳn là nhà khoa học ở đỉnh rất cao), nên những kiến thức trong các tác phẩm phổ biến khoa học của ông luôn chính xác và cập nhật, lại được diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu nhất có thể, và thường khi đượm chất thơ. Đồng thời, vì người viết là người trong cuộc, nên ta thấy ở đấy, tác giả thường gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn, niềm say mê cũng như nỗi cô đơn của một nhà khoa học chuyên nghiệp, tha thiết mong muốn được chia sẻ.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã có nhiều giải thưởng về khoa học và phổ biến khoa học. Ảnh: CTV
Có lẽ chính điều đó tạo nên sức cuốn hút đặc biệt tỏa ra từ từng cuốn sách của Trịnh Xuân Thuận: Niềm say mê, niềm vui, có thể cả niềm kiêu hãnh nữa, và nỗi buồn, nỗi cô đơn của con người, trước vũ trụ không cùng và vận động không cùng của nó, từ đó những suy tư về số phận của vũ trụ, của trái đất và của chính con người, ý nghĩa và lẽ sống của con người, đạo đức khoa học và đạo đức làm người…
Trong nhiều giải thưởng về khoa học và về phổ biến khoa học Trịnh Xuân Thuận đã đạt được, đặc biệt có giải thưởng Cino Del Duca năm 2012, một giải thưởng từng được trao cho những nhà văn hàng đầu thế giới như Milan Kundera, Jorges Luis Borges, Marias Vargas Lliosa… Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một nhà văn độc đáo và đặc sắc trong một thể loại văn học vừa khó khăn vừa say mê mà chỉ những nhà khoa học lớn và những nghệ sĩ tài năng mới làm chủ được.
Đóng góp của ông, mới chỉ riêng nói cho đời sống tinh thần của chúng ta, đặc biệt với giới độc giả trẻ, trong hơn chục năm qua, là rất quan trọng. Vinh danh ông trong giải thưởng hôm nay, chúng ta muốn bày tỏ lời cám ơn sâu sắc đối với cống hiến đó của ông.
Hôm nay chúng ta rất vui mừng và vinh dự đón tiếp trong gian phòng này giáo sư Pierre Darriulat, mà nhà toán học Hoàng Tụy, trong lời giới thiệu của mình trân trọng gọi là “một nhân cách khoa học lớn, một tình bạn thắm thiết với Việt Nam’’.
Pierre Darriulat là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạt nhân và vật lý thiên văn, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ 1986, giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu từ 1987-1994.
Giáo sư Pierre Darriulat tại lễ trao giải. Ảnh: Trâm Anh
Nghỉ hưu cuối 1999, ông sang định cư ở Hà Nội cùng người vợ Việt Nam của mình, dành gần hết thời gian và công sức giúp đỡ xây dựng và phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam. Đặc biệt, với những thiết bị tự mua sắm bằng tiền túi hoặc tự tạo bằng nhiều cách, ông thành lập Phòng thí nghiệm tia vũ trụ Vietnam - Augerở Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam, đặt ngay trên nóc nhà trụ sở của Viện; đã hoạt động hiệu quả nhiều năm nay như một thành viên của Dự án thí nghiệm quốc tế Pierre Auger săn tìm các tia vũ trụ năng lượng siêu cao.
Đồng thời, trong khuôn khổ phòng thí nghiệm đó, ông đã tập hợp và đào tạo một nhóm các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn, vật lý hạt nhân và hạt sơ cấp.
Trong số các nhà khoa học trẻ được đào tạo và trưởng thành từ cái nôi này, đã có 5 tiến sĩ và 9 thạc sĩ. Nhóm Phòng thí nghiệm Vật lý, hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger, là đồng tác giả của nhiều bài báo quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao, đặc biệt trong số đó có bài báo về phát hiện mối quan hệ giữa nguồn phát của các tia vũ trụ này với các tâm thiên hà hoạt động, đăng trên tạp chí Science, được bình chọn là một trong mười sự kiện vật lý của Hội Vật lý Mỹ năm 2007.
Cũng như nhiều nhà khoa học lớn, ông sống giản dị, khiêm tốn, say mê nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu, thương yêu chăm sóc tận tình các học trò của mình, đồng thời quan tâm thiết tha đến mọi mặt đời sống, nhất là về khoa học và giáo dục, ở đất nước mà ông đã gắn bó như một tổ quốc thứ hai.
Giáo sư Pierre Darriulat cùng các thành viên trong nhóm đang làm việc. Ảnh: TL
“Bác Pierre”, như tên gọi thân thương mà các học trò của ông thường dành cho ông, là tấm gương sáng không riêng cho giới trí thức trẻ Việt Nam. Ngay cả những người trong giới khoa học đã thành danh cũng học tập được nhiều điều từ ông.
Pierre Darriulat đặc biệt quan tâm đến giáo dục, và thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay. Và tự ông nêu một tấm gương sáng về người thầy trong một nền giáo dục mà chúng ta cần có.
Người thầy ấy không chỉ hết lòng chăm lo bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho học trò, mà còn thiết tha lo lắng đến cả tâm hồn, cuộc sống và nhân cách của họ, ân cần giúp họ hiểu được sâu sắc nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng, tăng ý thức tự rèn luyện thành những công dân có trách nhiệm, không bàng quan trước tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước, biết phẫn nộ trước những bất công trong xã hội, để nung nấu quyêt tâm phấn đấu cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần.
Tự coi mình như một công dân đầy trách nhiệm của đất nước này, GS. Darriulat đã lên tiếng rất nhiều lần trên diễn đàn để ủng hộ, cổ vũ cho những tư duy, quan điểm, thái độ đúng đắn về giáo dục, khoa học.
Ông đặc biệt quan tâm đến những người trẻ, một mặt cổ vũ cho thế hệ trẻ được mạnh dạn giao phó trách nhiệm xứng đáng từ sớm, mặt khác luôn nhắc nhở họ “biết trọng trí tuệ hơn tiền bạc, quyền lực, và nhớ rằng sự giàu có của một đất nước chủ yếu là ở bàn tay và khối óc chứ không phải ở két sắt của các ngân hàng, là ở những sản phẩm làm ra hơn là những kỹ năng tiếp thị, rằng sự giàu có ấy chủ yếu nhờ những giọt mồ hôi của người lao động hơn là những quy định có khi ngớ ngẩn đặt ra bởi những người, những cơ quan quản lý thiếu chuyên nghiệp”.
Một vấn đề quan trọng mà GS Darriulat thường nhắc tới khi giao lưu với thế hệ trẻ là đạo đức, văn hoá làm khoa học. Trung thực, thượng tôn sự thật, nghiêm túc và liêm khiết đến cùng là những đức tính cần thiết trong đời thường lại càng tuyệt đối cần thiết trong khoa học…
Xin cám ơn GS. Pierre Darriulat đã vui lòng nhận giải thưởng về văn hóa và giáo dục của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, đem lại vinh dự lớn cho Giải và cho Quỹ. Về phần mình, chúng tôi còn mong muốn coi việc trao giải này là thêm một lần nữa bày tỏ ý hướng của Quỹ về những vấn đề giáo dục, khoa học và văn hóa đang là mối ưu tư của chúng tôi, và hẳn cũng là của tất cả chúng ta.
Giải Việt Nam học năm nay được trao cho Peter Zinoman, giáo sư về lịch sử và Đông Nam Á học, Đại học Berkeley, California-Hoa Kỳ, là một nhà Việt Nam học đặc sắc và độc đáo, tiêu biểu của thế hệ các nhà Việt Nam học sau chiến tranh Việt Nam.
Ông đã giảng dạy các lớp về lịch sử Đông Nam Á trung đại và hiện đại, về lịch sử so sánh chủ nghĩa thực dân, về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Ông quan tâm nghiên cứu về lịch sử chính trị, xã hội và văn hóa hiện đại Việt Nam, cũng như về lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Giáo sư Peter Zinoman từ Mỹ gửi video clip về chia sẻ cảm xúc được nhận giải Văn hóa Phan Châu Trinh. (Ảnh chụp lại từ màn hình)
Tầm bao quát trong nghiên cứu và giảng dạy của Peter Zinoman rất rộng và sâu. Hãy lướt qua, chẳng hạn, tên một số luận án ông đã hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh của mình: nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc ở miền Nam Việt Nam (1954-1975), về cải cách ruộng đất 1953-1956, về lịch sử di dân 1954, về trào lưu Tự lực Văn đoàn, về lao động tình dục đương đại, về lịch sử độc quyền rượu trong thời thuộc địa, về tình dục đồng giới trong văn hóa thuộc địa và hậu thuộc địa, về hôn nhân giữa người Việt trong nước và hải ngoại, về chủ nghĩa hiện đại trong thơ Việt, về văn chương hậu hiện đại, về lịch sử Bình Xuyên, về văn hóa pháp lý trong văn chương Đổi Mới, về bauxite và chính trị môi trường v.v..
Một số nghiên cứu sinh của ông hiện đang giảng dạy tại các trường Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Oregon, Đại học Connecticut, Đại học Baruch, Đại học Ohio, Đại học Vanderbilt, Đại học Chicago, Đại học Pomona, Đại học Trinity, Đại học Wesleyan và Đại học Dickinson... Tầm ảnh hưởng của ông thật rộng lớn.
Ông còn là Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á học, Đại học Berkeley (2006-2011); Giám đốc Chương trình Tiếng Việt Cao cấp (VASI, 2008-2010); Đồng sáng lập Tạp chí Việt học (Journal of Vietnamese Studies); là đồng Tổng biên tập Tạp chí Việt học (2006-2012; và từ 2014 đến nay) …
Trong số các sách đã công bố của ông, có Ngục Bastille ở thuộc địa: Lịch sử chế độ nhà tù ở Việt Nam 1862-1940; Cảm quan cộng hòa thuộc địa của Việt Nam: Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng;Vẽ nhọ bôi hề: Những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới tìm thấy năm 2000… Ông cũng là dịch giả sang tiếng Anh (xuất bản ở Hoa Kỳ) nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều…
Trong bao nhiêu hoạt động phong phú, đa dạng đó của Peter Zinoman, sau đây chỉ xin nói, dù rất vắn tắt, đến một nghiên cứu đặc sắc và độc đáo của ông về một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Việt Nam trước năm 1945: Vũ Trọng Phụng.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng cách thức nhận xét các quá trình văn hóa xã hội Việt Nam của Peter Zinoman vừa có sự khác biệt đáng kể so với các giới nghiên cứu ở Việt Nam, lại vừa tỏ ý sẵn sàng đối thoại với các kiểu cách nhận định của đồng nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn, trong khi hầu hết giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam đều gắn tiểu thuyết Số đỏ và các tác phẩm tự sự của Vũ Trọng Phụng với “chủ nghĩa tả thực” hoặc “chủ nghĩa tự nhiên”, thì Peter Zinoman lại gắn Số đỏ với phạm trù “chủ nghĩa hiện đại” – chủ nghĩa hiện đại không chỉ như phạm trù mỹ học mà còn như phạm trù xã hội học lịch sử, gắn với cái thời đại đặc biệt trong đó Vũ Trọng Phụng đã sống – “thời kỳ hiện đại hóa về chính trị, kinh tế và xã hội sôi nổi nhất ở Đông Dương thuộc địa”, chính sự trải nghiệm của Phụng về thời đại nhiều thay đổi đó tại một trong những thành phố được thay đổi nhiều nhất rõ nhất – thành phố Hà Nội – đã tạo nên một “tri giác đô thị” đậm nét ở tiểu thuyết Số đỏ.
Đề cập vấn đề tư tưởng xã hội chính trị của Vũ Trọng Phụng, nếu như các tác giả Việt Nam chỉ ra nhiều nét bảo thủ trong tư tưởng xã hội của nhà văn này, đồng thời cũng nhấn mạnh những nét vô chính phủ đôi khi lộ rõ ở ông, ngoài ra còn nêu lên những nét thiện cảm, cảm tình với cánh tả ở nhà văn này. Lưu ý đến hầu hết những nhận định nói trên, Peter Zinoman luôn thể chỉ ra những mâu thuẫn, và cả những chỗ thiếu thuyết phục trong các nhận định đó…
Vậy thì nên tìm lý tưởng xã hội chính trị của Vũ Trọng Phụng (và một lớp người hành nghề trí thức cùng thời) ở đâu?
Tầm bao quát trong nghiên cứu và giảng dạy của Peter Zinoman rất rộng và sâu. Ảnh: TL
Peter Zinoman đề xuất nên tìm thấy chỗ thể hiện một lý tưởng xã hội chính trị của Vũ Trọng Phụng ở điều mà ông gọi là “chủ thuyết cộng hòa thuộc địa”, vốn bắt rễ từ trong văn hóa của nền thống trị đế quốc Pháp và xuất phát từ truyền thống chính trị thế kỷ XVIII, tiếp sinh khí cho cuộc Cách mạng 1789 và tồn tại, dưới hình thức thay đổi, cho đến mãi những thập niên cuối của nền Cộng hòa đệ tam (1870-1940)… Nó đề cao việc gắn bó với dân tộc để thay thế cho quyền lực hợp nhất của nhà thờ và nền quân chủ…
Chủ thuyết cộng hòa kiểu Pháp mà Vũ Trọng Phụng được tiếp xúc trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến còn có thêm hai yếu tố là niềm tin ngày càng lớn vào khoa học xã hội, và tư tưởng chống cộng mãnh liệt thay thế cho ám ảnh chống giáo quyền sau khi nền Cộng hòa đệ tam tách nhà thờ ra khỏi nhà nước vào năm 1905…
Peter Zinoman cho rằng luận điểm nêu trên hầu như chưa được đề cập, hoặc được đề cập khá thiếu sót trong những chuyên luận về Đông Dương thời thuộc địa, mặc dù những nghiên cứu về đế chế Pháp cho thấy chủ thuyết cộng hòa là nét nổi bật trong quá trình vận hành của đế chế Pháp.
Nêu tất cả nhưng phân tích trên, đồng thời với sư thận trọng khoa học nghiêm túc, Peter Zinoman tự nhận rằng bức tranh về viễn kiến chính trị và xã hội của Vũ Trọng Phụng có thể sẽ không khớp với bất cứ phạm trù tư tưởng chung nào mà ta thấy trong các nghiên cứu hiện hành, và không có phạm trù nào nắm bắt được độ rộng và phức tạp trong tư tưởng của Vũ Trọng Phụng.
‘’Vũ Trọng Phụng không chỉ là một nhà dân tộc hay nhà chống thực dân chủ nghĩa mà hơn thế nhiều; tương tự, cũng khó mà đóng khung ông thành một nhà truyền thống mới (neo-traditionalist) hay nhà hiện đại chủ nghĩa. Việc ông đồng thời chống các chủ thuyết cộng sản, phát xít, chủ nghĩa tư bản vô độ và quyền lực phong kiến tiền hiện đại càng phức tạp hóa nỗ lực mô tả chương trình nghị sự của ông... Vũ Trọng Phụng là “kẻ thù thâm căn cố đế của mọi dối trá và đạo đức giả, của mọi phù hoa và nghi thức khoa trương. Quan trọng hơn hết là Vũ Trọng Phụng đã “chống đối”. Điều này phù hợp với tuyên bố của Lan Khai rằng tình cảm kiên định nhất ở Vũ Trọng Phụng là “phẫn uất với bất công” hơn là ủng hộ một lý tưởng rành mạch hay một viễn kiến cải cách rõ ràng nào”…
Cách thức nghiên cứu như vừa thấy ở Peter Zinoman không chỉ là đóng góp độc đáo, một khám phá mới, để hiểu về Vũ Trọng Phụng. Sâu sắc và sáng tạo, cẩn trọng và đầy trách nhiệm, nó đồng thời cũng lại đặt ra những câu hỏi mới về nhà văn rất quan trọng này. Và là một gợi mở đầy hứng thú cho nghiên cứu văn học ở ta nói chung.
Quả thật năm nay chúng ta đã chọn được một giải Việt Nam học rất hay. Xin cám ơn GS Peter Zinoman.
Từ trái qua: giáo sư Đào Hữu Dũng, giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh. Ảnh: Trâm Anh
Người nhận giải Nghiên cứu năm nay là một nhân vật “lạ’’: giáo sư tiến sĩ y học Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội, năm nay đã ngoài 80.
Ông quan tâm đến lịch sử, đọc rất nhiều, rất kỹ, Đông Tây kim cổ, chăm chú tìm hiểu, tìm hiểu lại, nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, những nhân vật lịch sử, xa có, đến Đinh Tiên Hoàng với 12 sứ quân; gần có, như trong loạt bài mà ông đặt tên là “Từ Nguyễn Trường Tộ… (qua Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh …) đến bộ ngũ’’ – ta thường nghe nói tới bộ tứ nổi tiếng khoảng đầu thế kỷ XX ‘’Quỳnh - Vĩnh - Tốn - Tố’’ tức Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố, bốn trí thức lớn từ Nho học chuyển sang Tây học lừng danh một thời; nay ông thêm Phan Khôi, thành “bộ ngũ” Quỳnh-Vĩnh-Tốn-Tố-Khôi.
Nghĩ lại cái thêm của ông quả xác đáng, bởi chủ tâm của ông không phải là chăm vào các diện mạo chính trị, mà muốn theo dõi các chân dung văn hóa nổi bật để từ đó lần ra theo cách riêng của ông sợi dây chuyển động xã hội đang trên đường hiện đại hóa…
Đối với mỗi khuôn mặt như vậy, ông cố gắng xác định vị trí của họ trên con đường dài kia, đặc biệt cố gắng trả lại cho họ diện mạo thật, một cách công bằng nhất có thể (nên có lúc ông có những so sánh mạnh dạn đến bất ngờ, chẳng hạn so sánh hành trình của hai nhân vật Phạm Quỳnh và Nguyễn Ái Quốc…).
Ông tập trung nhiều một cách đúng đắn vào Phan Châu Trinh, và không ít lần có một số nhận định có tính phát hiện, chẳng hạn ông cho rằng Phan Châu Trinh là người, duy nhất thời bấy giờ, phân biệt được “giặc Pháp cướp nước’’ với “thực dân Pháp’’, từ đó mới có thể có chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ’’ trong đường lối duy tân của Phan Châu Trinh…
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh đang đọc diễn từ lại lễ trao giải. Ảnh: Trâm Anh
Nguyễn Ngọc Lanh còn có một loạt bài độc đáo, có tên Việt gian bán nước trong lịch sử, trong đó, bằng những tư liệu và phân tích công phu, chặt chẽ, ông bác bỏ một cách thuyết phục một số đánh giá không công bằng đối với nhiều nhân vật lịch sử …
Bác sĩ y khoa Nguyễn Ngọc Lanh, ở tuổi ngoại 80, tự coi mình là một người nghiên cứu nghiệp dư, nhưng có thể nhận ra ở ông hai điều thoạt như trái ngược mà lại thống nhất và hợp lý: một tầm trí thức uyên bác được tích lũy lâu dài, và một đầu óc tò mò khoa học và một phong cách tư duy rất trẻ trung. Xin chúc ông thật nhiều sức khỏe, và có nhiều công trình mới đặc sắc.
Từ năm 2015, Quỹ của chúng ta đã có chủ trương tôn vinh Những tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại, đã mở đầu lần trước bằng các nhân vật văn hóa kiệt xuất Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Trương Vĩnh Ký. Nhân vật chúng tôi xin đề nghị lần này là nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Vĩnh.
Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại thôn Phượng Vũ, xã Phương Dực, huyện Thường Tín, phủ Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Sau khi ông ra đời, gia đình đã chuyển lên ở nhờ một nhà họ hàng tại phố Hàng Giấy, Hà Nội.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: TL
Khác với các nhân vật văn hóa và các sĩ phu nổi tiếng thời bấy giờ hầu hết đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu trở lên, Nguyễn Văn Vĩnh là con nhà nghèo, 8 tuổi được cha cho đi chăn bò ở bãi Phúc Xá ngoài đê sông Hồng. Nơi ấy bấy giờ có một trường đào tạo thông ngôn của Pháp, mà cậu bé Nguyễn Văn Vĩnh, lên 10 tuổi, đã tìm đến xin làm đứa trẻ kéo quạt mát.
Có thể nói cuộc đời trí thức của Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu từ đấy. Người giáo viên Pháp dạy ở trường để ý thấy thỉnh thoảng cậu bé kéo quạt lại nhắc bài cho các học sinh thông ngôn của ông đều đã lớn tuổi. Ông cho cậu vào học ké, cuối khóa cậu thi đỗ thứ 12/40 học sinh, khóa tiếp theo được học chính thức, và cậu bé nguyên kéo quạt ấy đã đỗ thủ khoa. 15 tuổi, cậu được các quan sứ Pháp ở Lào Kay, Hải Phòng, rồi Bắc Giang lần lượt xin về làm thư ký cho mình, và đến năm 24 tuổi được chuyển về tòa Đốc lý Hà Nội ...
Lần trước, chúng ta đã nói rằng Trương Vĩnh Ký là một thiên tài về ngôn ngữ học. Chắc cũng phải nói về như vậy về Nguyễn Văn Vĩnh.
Năm 1906, ông gặp Phan Châu Trinh, và nhận dịch từ chữ Hán ra tiếng Pháp bức thư nổi tiếng của Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Beau, tức bản Tuyên ngôn chính thức của phong trào Duy Tân. Việc này ít nhất chứng minh hai điều. Một: Nguyễn Văn Vĩnh cũng rất giỏi chữ Hán, hẳn chủ yếu do tự học. Và bằng chữ Hán, cũng như các nhà nho giỏi nhất thời bấy giờ, ông đã chiếm lĩnh được những đỉnh cao nhất của văn hóa phương Đông thời trung đại.
Như chúng ta đã thấy, và chắc cũng là một quy luật, phải từ đỉnh núi này mới đi qua được đỉnh núi khác, chính những người đến được đỉnh cao của văn hóa phương Đông, thì khi chuyển sang được văn hóa phương Tây cũng mới đến được dỉnh cao. Phải chăng đó là một đặc điểm của những người khổng lồ trong văn hóa nước ta hồi đầu thế kỷ XX, mà Nguyễn Văn Vĩnh là một.
Cuộc gặp gỡ năm 1906 Phan Châu Trinh- Nguyễn Văn Vĩnh năm 1906, còn chứng minh điều thứ hai, quan trọng hơn: họ cùng tâm niệm, cùng chí hướng. Tâm niệm đinh ninh: Chỉ có thể có được độc lập thực sự nếu có được phát triển thật sự. Và từ đó chí hướng: kiên định con đường duy nhất là Khai dân trí, như Phan Châu Trinh, giản dị mà thống thiết, nói với đồng bào của mình: “Chi bằng học!’’. Học thiên hạ, để quyết văn minh được cho bằng thiên hạ. Trước hết học ngay ở đối thủ của mình (bức thư Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Beau còn có tên Đầu Pháp chính phủ thư mà Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, chính là trong ý nghĩa đó). Do những điều kiện cụ thể, rồi họ sẽ đi theo những rẽ nhánh cụ thể khác nhau, nhưng cái đích nhắm đến là một.
Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử đi Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Trở về, ông nhận ra ba công cụ sức mạnh quan trọng, có khả năng tác động lớn đến công chúng trong một xã hội hiện đại: báo chí, ngành in (và xuất bản) và sân khấu. Với phương tiện cốt lõi: chữ quốc ngữ.
Có thể nói suốt cuộc đời cực kỳ năng động của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã tập trung cao độ vào các hoạt động khai sáng mạnh mẽ và đầy hiệu quả đó, với một nghị lực phi thường. Và trong hàng chục lĩnh vực văn hóa quan trọng, ông là người đi đầu.
Sách của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trưng bày tại lễ trao giải. Ảnh: Trâm Anh
Là chủ bút tờ báo tiếng việt đầu tiên ở Bắc kỳ: Đăng cổ tùng báo.
Và trong 30 năm, là chủ bút của 7 tờ báo.
Là chủ bút tờ báo thuần Việt đầu tiên Đông Dương tạp chí.
Là chủ bút tờ báo ra hàng ngày đầu tiên ở Việt Nam Trung Bắc tân văn.
Là chủ bút tờ báo tiếng Pháp L’annam nouveau được Gand Prix (giải thưởng lớn) tại hội chợ Báo chí Paris năm 1932.
Là người đầu tiên vừa làm chủ báo vừa làm chủ công cụ thiết yếu là nhà in.
Là người Việt Nam đầu tiên dịch gần 30 tác phẩm văn học, triết học, khoa học, chính trị học của các tác giả lớn của Pháp và thế giới ra tiếng Việt. Trong đó có những tác phẩm kinh điển như Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Ba người lính ngự lâm pháo thủ của A. Dumas, Người bệnh tưởng của Molière… cùng nhiều tác phẩm của J. J. Rousseau, B. Pascal, F. Rabelais, La Rochefoucault…
Là người khai sinh sân khấu kịch nói ở Việt Nam, với vở kịch của Molière do chính ông dịch và đưa lên sân khấu…
Là người dịch thành công nhất Truyện Kiều ra tiếng Pháp …
Là một nhà văn tài hoa, chỉ riêng trong dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine thôi, bằng những câu thơ dịch táo báo và sáng tạo :
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thất bối rối
Một miếng cũng chẳng còn …
Ít ra cũng có thể nói Nguyễn Văn Vĩnh đã phá vỡ niêm luật của thơ truyền thống và báo hiệu Thơ mới hàng chục năm sau mới xuất hiện…
Tôi nghĩ tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh hôm nay trong vị trí Những tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại, chính là chúng ta tôn vinh một nhà văn hóa có tính khai phá, mở đường, trong một giai đoạn hiện đại hóa quan trọng của văn hóa và xã hội ta.
Trong một thời kỳ có tính khai phá như vậy, việc những người cùng thiết tha với vận mệnh của dân tộc, cùng thiết tha đi tìm đường, có những chủ kiến khác nhau, thậm chí có khi đến gay gắt, là điều bình thường.
Thật hay là, như trong trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh, thậm chí không cần đến thời gian để lịch sử có một phán xét chung cục. Chính người Pháp đã làm điều đó, chính họ đã nhận ra sự nguy hiểm của Nguyễn Văn Vĩnh đối với chế độ thống trị của họ ở nước ta bấy giờ. Họ đã ra một cái lệnh kỳ quặc: cấm ông làm báo chữ quốc ngữ! Nguyễn Văn Vĩnh liền chuyển sang làm báo tiếng Pháp. Tờ L’Annam nouveau của ông đã ra đời như thế... Cuối cùng, họ dùng mọi cách đẩy ông vào con đường phá sản, chồng chất nợ nần, buộc ông phải lao vào một công việc rất mạo hiểm: đi tìm vàng và cuối cùng bỏ mình trong rừng sâu Tchépone tận Nam Lào xa xôi...
Hôm nay chúng ta tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà văn hóa kiệt xuất đã hy sinh trong cuộc trong cuộc đối đầu quyết liệt với chế độ thống trị của thực dân Pháp.
Đây là lần thứ chín chúng tôi nói điều này, nhưng đêm nay tôi vẫn xin phép nói lại, vì đây là tâm niệm sâu sắc của chúng tôi. Chúng luôn nghĩ rằng giá trị và uy tín của giải Văn hóa Phan Châu Trinh chính là do uy tín, sự nghiệp và uy tín của những người nhận giải đem lại. Vì vậy, lời cám ơn đầu tiên của chúng tôi đêm nay xin được giành cho các vị tân khoa của giải năm nay. Xin kính chúc quý vị luôn mạnh khỏe và càng có nhiều cống hiến mới.
Nguyên Ngọc
Ban tổ chức đã vinh danh những cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực thuộc bốn hạng mục: “Dịch thuật” (trao cho dịch giả Đào Hữu Dũng), “Vì sự nghiệp Văn hoá và Giáo dục” (trao cho giáo sư Pierre Darriulat và giáo sư Trịnh Xuân Thuận), “Nghiên cứu” (trao cho giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh), “Việt Nam học” (trao cho giáo sư Peter Zinoman). Danh nhân văn hóa - học giả Nguyễn Văn Vĩnh được tôn vinh “Tinh hóa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”.
Trên báo giấy Người Đô Thị phát hành sáng 25.3, sẽ có cuộc trò chuyện của phóng viên Người Đô Thị với giáo sư Trịnh Xuân Thuận (từ Đại học Virginia, Mỹ) và thông tin thêm về Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9 – 2016. Mời bạn đọc đón xem.
Trên báo giấy Người Đô Thị phát hành sáng 25.3, sẽ có cuộc trò chuyện của phóng viên Người Đô Thị với giáo sư Trịnh Xuân Thuận (từ Đại học Virginia, Mỹ) và thông tin thêm về Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9 – 2016. Mời bạn đọc đón xem.
http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/nghe-xem-doc/10011/giai-van-hoa-phan-chau-trinh-2016-dien-van-be-mac-cua-nha-van-nguyen-ngoc.ndt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét