Lào xả nước đập thuỷ điện giúp Việt Nam xử lý hạn, mặn
Lào thông báo xả nước một số đập thuỷ điện giúp Việt Nam giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Báo Vnexpess đưa tin, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 23/3, ông Khammany Inthirath – Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, nước này sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng khoảng 1.136 m3/s từ ngày 23/3 đến cuối tháng 5.
Lào sẽ xả nước ở một số đập thủy điện đến cuối tháng 5,
giúp Việt Nam xử lý vấn đề hạn, mặn. (Ảnh minh họa/reds.vn)
Theo ông Khammany Inthirath, đây là quyết định của Chính phủ Lào nhằm giúp các nước láng giềng đang chiụ ảnh hưởng nặng nề của nạn hạn hán, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.“Thực tế thấy rằng nhu cầu nước trong tình hình các nước láng giềng bị hán hán là rất cần thiết nên chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng năm nay hạn hán diễn ra tại các nước vùng hạ lưu Mê Kông là nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Chúng tôi đánh giá việc xả nước này sẽ giúp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam đầu tháng 4 sẽ có nước và việc này nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào độ dốc tại khu vực này ở Việt Nam. Chúng tôi thấy đây cũng là một việc làm rất quan trọng và cần thiết trong thời điểm hiện nay để giúp đỡ các nước vùng hạ lưu chống hạn”, báo VOV dẫn lời ông Khammany Inthalath.
Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện của Trung Quốc và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng cộng lượng nước từ sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam vào khoảng 3.611 m3/s. Dự kiến lượng nước trên sẽ tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào tuần đầu tháng 4/2016.
Tại hội thảo tổ chức chiều 15/3, Bộ NN&PTNT cho biết hiện đã có 160.000 ha lúa bị thiệt hại. Nếu tính theo tỷ lệ sản lượng đạt 5 tấn/ha thì ước tính 800.000 tấn lúa đã bị mất trắng. Với mỗi gia đình có diện tích sản xuất khoảng 0,5ha, thì xâm nhập mặn đã làm khoảng 300.000 hộ gia đình (khoảng 1,5 triệu người) trong những tháng qua không có thu nhập; toàn vùng có 155.000 hộ (khoảng 575.000 người) thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Không có nước ngọt thì cũng không thể xuống giống vụ hè thu nên sẽ có khoảng 500.000 ha không thể xuống giống đúng vụ, chiếm 1/3 diện tích lúa của ĐBSCL. Việc lùi lại thời vụ khiến thời tiết không thích hợp sẽ dẫn đến năng suất thấp gây nguy cơ giảm sản lượng lúa. Ngoài ra còn chưa kể đến diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng, đàn gia súc không có thức ăn, thủy sản nước ngọt, nước lợ chết.
Mức độ thiệt hại gia tăng khi cộng hưởng với tình hình nông nghiệp tại các vùng khác. Tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hạn hán cũng đang diễn ra khốc liệt. Hồ chứa tại các tỉnh từ Bình Thuận đến Khánh Hòa chỉ còn khoảng 50-60% dung tích thiết kế, hồ chứa tại Ninh Thuận chỉ còn 30% dung tích; các con sông ở Khánh hòa lưu lượng nước chỉ đạt 10%.
Tại Tây Nguyên, tình trạng “khát” nước đặc biệt nghiêm trọng tại 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Bộ NN&PTNT cho biết, Tây Nguyên có 2.800 ha lúa dừng sản xuất; 17.600 hộ thiếu nước và có thể còn nhiều hơn. Toàn Tây Nguyên có trên 100.000 ha cà phê không có nước tưới, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa).
Bạch Liên tổng hợp
(Đại Kỷ Nguyên VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét