Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Tăng trưởng chững lại, mất mùa vì thiên tai

"Mất mùa là bởi thiên tai, 
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta"
Tăng trưởng chững lại phần nhiều vì thiên tai
Hồng Phúc, 26/3/2016, (TBKTSG Online) – Tăng trưởng GDP cả nước có dấu hiệu chững lại ở cuối quý I - chỉ tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước - do sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đạt thấp, đặc biệt là do sự khó khăn ở khu vực nông nghiệp. Đây là điểm đáng chú ý tại báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý I-2016 của Tổng cục Thống kê công bố hôm qua 25-3.
Lúa non bị "chết rét" do sương muối và giá rét ở huyện 
Ninh Giang, tỉnh Hải Dương tháng 2-2016. Ảnh: Kiên Đức
Vấn đề nổi lên đáng lo ngại hiện nay với nông nghiệp nói riêng, an sinh xã hội nói chung là tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử làm cho nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm mạnh so với nhiều năm qua đã gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến thời điểm 18-3-2016, toàn bộ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước mặn xâm nhập, trong đó 8 tỉnh gồm Kiên Giang, Long An, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh đã công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn.

Mức độ xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60 km, với tỉ lệ độ mặn cao, có nơi lên đến 5-6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài đến tháng 5-2016.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, do lượng nước chứa trong các hồ bị thiếu hụt nên một số địa phương đã bị ảnh hưởng của hạn hán ngay từ vụ đông xuân năm nay. Tính đến thời điểm hiện nay, có khoảng 23.000 héc-ta diện tích đất trồng lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước; trong đó Bình Thuận 15.400 héc-ta, Ninh Thuận 5.800 héc-ta, Khánh Hòa 1.800 héc-ta. Tổng diện tích đất phải dừng sản xuất tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là 2.900 héc-ta, trong đó Gia Lai 2.650 héc-ta, Đắk Nông 215 héc-ta.

Theo báo cáo sơ bộ, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của 426.000 hộ gia đình, làm 172.600 héc-ta lúa, 8.000 héc-ta hoa màu; 41.500 héc-ta cây ăn quả và 3.500 héc-ta diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng.

Tính đến nay, Chính phủ đã chi hơn 600 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do hạn hán và xâm nhập mặn.

Còn ở phía Bắc, trong 3 tháng đầu năm 2016, rét đậm, rét hại kéo dài cùng với lốc xoáy, triều cường và cháy rừng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai ở khu vực phía Bắc (chưa kể thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long) đã làm 13.500 héc-ta lúa; 7.300 héc-ta hoa màu và 1.500 héc-ta diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 16.500 con gia súc; 7.500 gia cầm và hơn 720 tấn thủy sản các loại bị chết.

Một số địa phương bị thiệt hại nhiều như Thanh Hóa 7.400 héc-ta lúa và hoa màu bị hư hỏng, hơn 1.000 con gia súc và gần 200 tấn thủy sản bị chết; Yên Bái hơn 640 héc-ta lúa bị hư hỏng và 1.400 con gia súc bị chết; Thái Bình hơn 500 héc-ta diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; Lào Cai 800 héc-ta hoa màu bị hư hỏng và 1.800 nghìn con gia súc bị chết.

Tổng giá trị thiệt hại trong ba tháng đầu năm ước tính gần 1.000 tỉ đồng, trong đó Thanh Hóa thiệt hại 313 tỉ đồng; Yên Bái 236 tỉ đồng; Thái Bình 180 tỉ đồng và Lào Cai 89 tỉ đồng.

Xem thêm:
Tăng trưởng chững lại trong quý 1-2016

http://www.thesaigontimes.vn/144155/Tang-truong-chung-lai-phan-nhieu-vi-thien-tai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét