Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

(1) Tình cảm chân thành: Với Tư Sang

Đây là bài viết lá cải, đọc giải trí, lưu vì đây là loạt bài về 4S, 3X... Mình có cảm tình với bác Sang: Hiền lành, thân thiện, không bị điều tiếng về tham nhũng, có kiến thức, dám nói thật, biết lắng nghe cán bộ phản ảnh và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Đây là những phẩm chất mà 3X hoàn toàn không có. Tiếc là bác Sang quyền lực không có, sức khỏe không tốt nên muốn nhiều, nói nhiều mà làm không được bao nhiêu.
Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên:
Chuyến công du đặc biệt tới Đức của Chủ tịch nước
TP - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ không đảm nhiệm trọng trách của đất nước trong nhiệm kì mới. Những dấu ấn, những kỉ niệm về các ông qua những cuộc tiếp xúc, trò chuyện và may mắn tháp tùng được phóng viên Tiền Phong lưu giữ.
Tổng thống Đức và Phu nhân đón Chủ tịch nước và Phu nhân.
Nhân dịp này, Tiền Phong trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những cảm nhận, suy nghĩ đó thay cho lời chia tay với tất cả tình cảm chân thành. Những lần có may mắn được tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công du nước ngoài, ấn tượng của nhóm phóng viên chúng tôi rất đặc biệt. Các đồng nghiệp nước ngoài nhận xét, ở Chủ tịch nước toát lên phong thái ngoại giao lịch lãm, tự tin, được bạn bè, nhân dân thế giới quý mến. Còn với chúng tôi, Chủ tịch nước rất gần gũi, nhiều người gọi ông trìu mến là “anh Tư”.

Một trong những ấn tượng của tôi trong thời gian làm phóng viên tháp tùng “anh Tư” là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch tới CHLB Đức, tháng 11/2015. Trước hôm lên đường, Văn phòng Chủ tịch nước gửi giấy mời họp đoàn tùy tùng, thông báo ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của chuyến thăm. Dù đã tháp tùng Chủ tịch nước đến nhiều nước từ châu Âu đến châu Mỹ, nhưng nghi thức mà CHLB Đức đón chuyên cơ Chủ tịch nước khiến tất cả chúng tôi phải ngạc nhiên.

Nhân đây phải nói thêm, CHLB Đức là một trong những quốc gia trong cộng đồng châu Âu sớm đặt quan hệ với Việt Nam. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 23/9/1975, từ đó quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển và Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Tháng 10/2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm Việt Nam, Thủ tướng hai nước đã ký tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trước đó Việt Nam và Đức đã có nhiều cuộc thăm viếng cấp cao như Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Đức sang Việt Nam, Việt Nam sang Đức.

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, nhà nước thăm chính thức CHDC Đức và được đón tiếp với nghi thức cao nhất. Có câu chuyện được ông Trần Ngọc Quyên, nguyên cán bộ Ngoại giao tại Đức kể lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người không thích lễ tân rườm rà, biết sức khỏe Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Đức Wilhelm Pieck không tốt, Người gửi điện đề nghị Chủ tịch W. Pieck không ra sân bay đón như thông lệ. Đến Berlin-Pankow, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà riêng thăm Chủ tịch W. Pieck. Cuộc gặp giữa hai vị Chủ tịch, hai người đồng chí thân thiết từ những ngày cùng hoạt động tại Quốc tế cộng sản ở Mátxcơva diễn ra thân tình. Cảm động cử chỉ ân tình đó, Chủ tịch W. Pieck đã viết thư riêng cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vợ chồng Thủ tướng Otto Grotewohl cũng mời Người đến ăn trưa tại nhà riêng. Đó là những ứng xử rất đặc biệt trong quan hệ ngoại giao.

Lần này, chuyến thăm Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân theo lời mời của Tổng thống Joachim Gauck nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Nghi thức đón tiếp đặc biệt


Dù được Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước và cơ trưởng thông báo trước, nhưng khi vào đến không phận Đức, hai máy bay chiến đấu đột ngột xuất hiện hai bên hông chuyên cơ, vẫn khiến chúng tôi bất ngờ. Mọi người lập tức rời chỗ ngồi, đổ dồn về phía cửa sổ chụp ảnh, quay phim. Tất cả máy ảnh, điện thoại hướng ra cửa sổ máy bay ghi lại hình ảnh có lẽ trong đời làm báo và tháp tùng Chủ tịch nước cũng rất hiếm gặp, nếu như không nói là chỉ thấy trên phim ảnh nước ngoài.

Hai máy bay phản lực áp sát sườn chuyên cơ, gần đến nỗi chúng tôi nhìn rõ hai viên phi công giơ tay ra hiệu chào từ khoang lái. Tôi nhìn đồng hồ, phải tới nửa giờ từ lúc vào không phận Đức, hai máy bay tháp tùng bám sát, dẫn đường cho chuyên cơ Chủ tịch nước. Tốc độ, độ cao hoàn toàn nhịp nhàng với chuyên cơ. Vào tới gần sân bay Berlin Tegel, hai máy bay hạ độ cao cùng chuyên cơ, khi còn cách mặt đất chừng vài trăm mét, cả hai mới chịu ngóc đầu bay vút lên bầu trời trong sự thán phục của mọi người. Lúc Chủ tịch nước và phu nhân bước ra cửa máy bay, 21 loạt đại bác đồng loạt vang lên; hai máy bay tháp tùng quay lại bay ngang qua bầu trời chào mừng một lần nữa.

Những ngày đó, báo chí Đức đăng tin nổi bật chuyến thăm Chủ tịch nước ta, tiết lộ việc chủ nhà phái hai máy bay chiến đấu tháp tùng chuyên cơ Chủ tịch nước là ngoại lệ. Theo Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Đức, mỗi năm Tổng thống nước này đón nhiều nguyên thủ, nhưng nghi thức đón tiếp đặc biệt nói trên chỉ dành cho chuyến thăm cấp nhà nước. Năm 2015, Chủ tịch Trương Tấn Sang là vị nguyên thủ thứ ba được đón tiếp trọng thị theo nghi thức này, trước đó là chuyến thăm Đức của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Tổng thống Israel Reuven Rivlin.

Chủ quyền thiêng liêng

Chuyến thăm Đức của Chủ tịch nước chỉ vẻn vẹn 4 ngày, nhưng có gần 2 ngày ngồi trên máy bay. Lịch làm việc dày đặc, hội đàm với Tổng thống, Thủ tướng Đức, làm việc với chính quyền bang Hessen, thăm cơ sở kinh tế tại thành phố Frankfurt. Vậy mà buổi chiều vừa đặt chân tới Đức, Chủ tịch và phu nhân đã gặp gỡ bà con Việt kiều. Chủ tịch nước bắt tay, hỏi han, lắng nghe ý kiến phát biểu của mọi người, ghi chép rất cẩn thận. Hội trường chật kín, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết, không chỉ kiều bào ở Berlin, nhiều bà con cách xa 200 đến 500 km đã vượt đường xa giá buốt đến dự. Ở Đức có khoảng 130.000 người Việt Nam, 20% người Việt đã nhập quốc tịch Đức, bà con có cuộc sống ổn định. Trong không khí thân mật, một người đã đọc tặng Chủ tịch nước hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: “Dẫu ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng/ Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”(Nhìn từ xa… Tổ quốc). Có người phát biểu xong hô vang “Đoàn kết, đoàn kết, chỉ có đoàn kết chúng ta mới lớn mạnh!”.

Xúc động nhất là phát biểu của em Thảo Chi (sinh viên năm thứ 2 đại học). Em sang Đức lúc 11 tuổi với hành trang là 5 điều Bác Hồ dạy. Chi đã trưởng thành, trở thành công dân Đức, nhưng em luôn nhớ về Việt Nam. “Em xem nước Đức như một người mẹ vì nước Đức đã nuôi em khôn lớn. Nhưng nước Đức chỉ là mẹ nuôi thôi, Việt Nam mới chính là mẹ đẻ của em” – Thảo Chi nói. Cả hội trường cảm động, vỡ òa sau lời phát biểu của em, phu nhân Chủ tịch nước bước lên, ôm chặt Chi vào lòng.

Chuyên cơ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được hai phi cơ chiến đấu của Đức hộ tống khi vào lãnh thổ Đức. Ảnh: Ng. Tuấn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng xúc động về tình cảm, việc làm của đồng bào tuy ở xa ngàn dặm nhưng lòng vẫn hướng về quê hương. Chủ tịch nhắc lại câu chuyện của vua Lê Thánh Tông nói với quần thần: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Trong lịch sử ông cha ta phải rất khôn khéo, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, ngày nay chúng ta cũng phải làm được như vậy. Trước sau như một, chúng ta đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, bằng luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Hai hôm sau, phát biểu tại Viện Koerber, Chủ tịch nước tiếp tục đề cập đến vấn đề biển Đông và nêu rõ: “Hòa bình, phát triển là lợi ích chung của các nước; đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử. Trách nhiệm chúng ta không được để châu Á - Thái Bình Dương lặp lại lịch sử đau đớn của thế kỷ 20 là “lò lửa” của các cuộc chiến tranh khốc liệt. Các nước cần ứng xử và hành động có trách nhiệm; giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982”. Bài phát biểu của Chủ tịch nước cũng là ý chí và nguyện vọng và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, được dư luận quốc tế, bạn bè Đức rất ủng hộ.

Một người bạn Đức cho biết tại buổi gặp với Chủ tịch nước, rất quan tâm quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Ai cũng thấy bất ngờ khi ông nêu ý kiến về việc Việt Nam đang xem xét đưa môn Sử vào dạy tích hợp. Khi nhắc lại chuyện này, Chủ tịch nước bảo rằng: “Các bạn thấy không, người Đức hiểu rất kỹ về giáo dục của ta. Chuyện ta đang bàn dạy tích hợp môn Sử mà họ cũng quan tâm…!”.
____________

(Còn nữa)

Mấy ngày ở Đức, được dự lễ đón chính thức, tham gia nhiều hoạt động của Chủ tịch nước, chúng tôi thấy tình cảm của bạn với người đứng đầu Nhà nước ta hết sức trọng thị, thân tình. Các nhà lãnh đạo cấp cao và những người bạn Đức có thời gian công tác ở Việt Nam khi về nước vẫn luôn dành tình cảm đối với Việt Nam, tỏ rõ quan điểm ủng hộ chúng ta trong vấn đề biển Đông.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/chuyen-cong-du-dac-biet-toi-duc-cua-chu-tich-nuoc-985988.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét